27/09/2020 12:50 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Những nhà làm phim trẻ của Đông Nam Á đã chia sẻ về góc nhìn của họ về điện ảnh, cách kể chuyện khi sáng tạo nghệ thuật trong kỷ nguyên 4.0 tại hội thảo Reserved: For Film Lovers tối 26/9.
Reserved: For Film Lovers dành cho những người yêu phim, do UNESCO hợp tác với School of Slow Media tổ chức, nhằm tạo không gian học hỏi kinh nghiệm cho các nhà làm phim và chuyên gia trong lĩnh vực phim ảnh ở Đông Nam Á, để họ tìm hiểu những kỹ năng cần thiết về kỹ năng kể chuyện trong quá trình làm phim, qua đó thúc đẩy sự phát triển hợp tác khu vực trong lĩnh vực điện ảnh.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án E-motions: Thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim của UNESCO. Dự án được thực hiện trong 3 năm, với sự hỗ trợ từ Quỹ Tín thác Nhật Bản (Japanese Funds-in-Trusts - JFIT).
Các khách mời tham dự thảo luận là: Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh - được biết đến qua các tác phẩm Bằng chứng vô hình (2020), Thưa mẹ con đi (2019)...; Digo Ricio - giảng viên của Học viện phim UP tại Philippines; Lomorpich Rithy (Campuchia) - cựu đạo diễn, nhà sản xuất của Tổ chức từ thiện phát triển quốc tế của BBC: BBC Media Aciton; Martika Escobar (Philippines) - nữ đạo diễn có phim tranh giải tại Liên hoan phim Busan.
Hội thảo cũng có sự góp mặt của nam đạo diễn trẻ Yeo Siew Hua (Singapore) với bộ phim A Land Imagined (2018) từng thắng nhiều giải về kịch bản xuất sắc, âm thanh xuất sắc và đã được Netflix mua bản quyền. Và, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh với các tác phẩm Số đỏ (sắp ra mắt), Cô gái đến từ hôm qua (2017), Em là bà nội của anh (2015)…
Tại hội thảo, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ, xem phim ở rạp là một thế giới riêng, với những điều kiện tuyệt vời. Anh tự nhắc bản thân là chỉ xem thôi, tránh phân tích phim quá nhiều, vì sẽ mất đi cảm xúc xem phim.
“Để cảm nhận được những cảm xúc và nghệ thuật kể chuyện trong phim, khán giả nên tập trung vào ánh nhìn của diễn viên. Làm phim giống như chia sẻ quan điểm với khán giả vậy, có thích, có không thích, có tiêu cực, có tích cực nhưng chúng ta phải biết học hỏi và từ đó xây dựng nhân vật và cốt truyện thật hoàn chỉnh” - anh nói.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kể những câu chuyện hậu trường phần dựng cảnh của anh trong bộ phim Cô gái đến từ hôm qua. Anh nói mình thích tác phẩm này của Nguyễn Nhật Ánh vì kết thúc có hậu: “Cuộc sống đã rất khó khăn rồi, nên tôi muốn bộ phim phải kết thúc đẹp và thật hạnh phúc”.
Anh quan niệm, phim là nghệ thuật cần sự phối hợp. Phan Gia Nhật Linh kể mình luôn trao đổi với các đồng nghiệp về bộ phim trước khi bắt đầu. “Với diễn viên, tôi dựa vào trực giác, dành thời gian tìm hiều diễn viên xem có phù hợp với nhân vật hay không” - anh nói.
Trong khi đó, các nhà làm phim đến từ Philippines và Campuchia nói về góc nhìn điện ảnh, quá trình họ đến với những bộ phim đầu tay.
Digo Rico - nhà làm phim từ Philippines chia sẻ, hồi học đại học anh không học làm phim mà học hội họa. Sau đó, anh học làm phim với việc làm MV và một show về nấu ăn. Rồi Digo Rico làm một bộ phim thực thụ và đến với Liên hoan phim ở Cannes lúc 19-20 tuổi.
Digo Rico cho rằng: “Phim có ảnh hưởng rất lớn đến mọi người, nên nhà làm phim phải chịu trách nhiệm nhiều thứ. Những trách nhiệm đó khiến tôi hạnh phúc và muốn được theo đuổi”.
Nhà làm phim từ Singapore - Yeo Siew Hua thì tâm sự, anh thích hình ảnh và niềm yêu thích đó cứ lớn dần lên: “Bất cứ khi nào làm phim, tôi đều nghĩ sao làm phim khó thế. Tôi tự nhủ là sẽ làm nốt phim này thôi nhưng rồi điều này vẫn cứ diễn ra. Tôi vẫn đùa rằng nếu không làm phim thì chắc tôi thành kiến trúc sư hoặc nhà toán học. Phim mang lại cho tôi những kỷ niệm quý giá mà tôi sẽ trân trọng suốt cuộc đời này”.
Với Martika Ramirez Escobar: “Con đường làm phim của tôi khá thuận lợi. Mẹ cho tôi một chiếc camera và tôi rất hứng thú với món quà đó. Tôi đặc biệt thích hình ảnh động và nhiếp ảnh. Tôi cũng rất may mắn khi có gia đình ủng hộ việc làm phim”.
Lomorpich Rithy (Yoki) - đạo diễn từ Campuchia, cho biết cô thường hay xem phim ở rạp. Cô hay tổ chức các buổi chiếu và thảo luận về phim. Điện ảnh không chỉ là hình ảnh mà còn là âm thanh và đây là hai yếu tố cô rất trân trọng.
“Tôi thích xem phim và thích làm phim từ khi còn trẻ. Tuy nhiên, vào đại học, tôi mới được dạy viết, đưa tin truyền hình. Tôi làm quen với camera, xử lý hình ảnh, âm thanh, làm quen với nghệ thuật trình diễn. Tôi dành nhiều thời gian tìm cách làm phim, tìm kiếm học bổng đi học nước ngoài, và trở thành nhà làm phim” - Yoki kể lại.
“Với tôi, văn hóa là sự tiếp nối từ nhiều thế hệ. Chúng tôi kể những câu chuyện bằng điện ảnh, những câu chuyện khiến con người trở nên nhân văn. Văn hóa phản ánh điện ảnh và điện ảnh phản ánh văn hóa” - Yoki quan niệm.
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất