Ca khúc 'She Loves You' của The Beatles: Tiếng 'Yeah, yeah, yeah' làm thay đổi thế giới

08/08/2021 19:13 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - The Rolling Stones có (I Can’t Get No) Satisfaction. The Who có My Generation. The Kinks có You Really Got Me. Roy Orbison có Oh, Pretty Woman. The Temptations có My Girl. Billy Joel có Piano Man. Whitney Houston có I Will Always Love You.

'Here Comes The Sun' của The Beatles: Phép màu sau bao ngày u tối

'Here Comes The Sun' của The Beatles: Phép màu sau bao ngày u tối

Bản thân huyền thoại guitar Eric Clapton không bao giờ lang thang ra ngoài chơi guitar nhưng George Harrison thì chính là như vậy. “Anh ấy là một chàng trai phép màu, sẽ xuất hiện, ra khỏi xe với chiếc guitar rồi bước vào và bắt đầu chơi đàn” - Clapton nhớ về người bạn thân thiết của mình.

Tất cả những điều trên là ví dụ về những ca khúc định hình nên nghệ sĩ. Chúng có thể không phải hit lớn nhất của họ nhưng khi khán giả nghĩ tới nghệ sĩ, hiện lên ngay trong đầu những ca khúc này.

Tuy nhiên, nói tới The Beatles, có nhiều tranh luận đâu là ca khúc định hình họ. Một số có thể đề xuất ngay đỉnh cao phong cách Hey Jude, hay Yesterday vì lượng cover khổng lồ nó sở hữu, hay I Want To Hold Your Hand vì nó đã giúp nhóm bùng nổ tại Mỹ. Nhưng hầu hết các tác giả và nhà phê bình đồng tình rằng ca khúc định hình toàn bộ danh mục của The Beatles phải là bản thu bán chạy nhất Anh thập niên 1960, tức là She Loves You.

“Yeah, yeah, yeah”

Bán được hơn 1,3 triệu bản ở quê nhà, nó là hit lớn nhất ở Anh mà The Beatles từng có, thậm chí đứng trên 1,25 triệu bản của I Want To Hold Your Hand. Chỉ chính Paul McCartney mới đứng trên thành tích này khi hit năm 1977 Mull Of Kintyre của ông bán được hơn 2 triệu bản ở Anh.

Chú thích ảnh
“Tứ quái” The Beatles trên bìa đĩa đơn “She Loves You”

Điều này không có nghĩa “doanh số bán hàng” là yếu tố quyết định để chọn ra bài hát định hình của The Beatles. Với chỉ hơn 2 phút, The Beatles đã nắm bắt được tinh chất của cái sau này được gọi là “Beatlemania”. Nó biến họ từ siêu sao trong khu vực thành hiện tượng quốc gia. Ban nhạc khắc họa bản thân là những chàng trai tràn trề năng lượng, tươi mới và thú vị, với beat quay mòng mòng, tiếng guitar chói tai và hòa âm đặc biệt. Không ai có thể không chú ý!

Ca khúc nằm trong Top 20 Anh từ tháng 8/1963 tới tháng 2/1964, trong đó có 4 tuần No.1. Lần đầu phát hành ở Mỹ, nó không gây nhiều chú ý nhưng một khi Beatlemania bùng nổ ở Mỹ với I Want To Hold Your Hand, She Loves You nhanh chóng leo lên No.1 (trong 2 tuần).

Vào tháng 10/2005, tạp chí Uncut vinh danh She Loves You là 1 trong 3 ca khúc thay đổi thế giới (sau Heartbreak Hotel Like A Rolling Stone).

Nhưng không thể phủ nhận lý do khẳng định She Loves You là ca khúc định hình The Bealtes bởi cụm từ đơn giản “yeah, yeah, yeah”. Các tiêu đề báo trên khắp thế giới tóm lấy cụm từ vô nghĩa này và đẩy “Tứ quái” vào tâm thức của thế giới phương Tây mãi mãi. Hơn nửa thế kỷ sau (và chắc chắn là nhiều hơn nữa trong tương lai), cụm từ này sẽ đồng nghĩa với một nhóm nhạc, một nhóm nhạc duy nhất.

Ấy thế mà, tiếng “yeah, yeah, yeah” này suýt nữa không tồn tại trong She Loves You!

Sự ra đời của huyền thoại

Vào tháng 6/1963, John Lennon và Paul McCartney được tin rằng họ đã viết xong hit tiếp theo và sẵn sàng vào phòng thu, dự kiến ngày 1/7/1963. Ca khúc họ vừa viết là I’ll Get You, với nhịp độ và phong cách tương tự với hit hiện tại From Me To You. Tới ngày 26/6, họ đã thay đổi quyết dịnh.

“Chúng tôi đang ở trên một chiếc xe tải đậu đâu đó ở Newcastle” - McCartney nhớ lại hồi năm 1963. “Ban đầu, tôi có ý tưởng về một ca khúc hỏi đáp, trong đó, một số trong chúng tôi hát về “cô ấy yêu anh” và số còn lại nói kiểu “vâng, vâng”. Bạn biết đấy, “yeah, yeah” là câu trả lời cho bất cứ ai đang nói gì. Nhưng chúng tôi quyết định rằng đó là một ý tưởng tệ hại”.

Chú thích ảnh
Paul McCartney và John Lennon vô cùng hòa thuận khi nói về “She Loves You”

Tuy nhiên, vào chiều hôm đó, vài giờ trước buổi diễn ở Newcastle, Lennon và McCartney đã ngồi đối diện nhau trên giường đôi và tranh thủ chút thời gian rảnh để thực hiện ý tưởng của McCarney trên xe buýt. McCartney nhớ nguồn cảm hứng tới từ hit Forget Him của Bobby Rydell. Đó cũng là một ca khúc về cô ấy, anh ta và tôi, rất cá nhân.

“Tôi nghĩ điều thú vị nhất nằm ở chỗ đó là một ca khúc thông điệp, là ai đó đang mang tới thông điệp. Không còn là chúng tôi nữa, nó chuyển từ “Tôi yêu em” sang người thứ 3, một sự thay đổi. “Tôi thấy cô ấy, và cô ấy bảo tôi, nói lại với anh, rằng cô ấy yêu anh”. Thế là có một khoảng cách nhỏ ở giữa, nghe khá thú vị”.

Không tranh cãi như nhiều ca khúc khác, Lennon xác nhận She Loves You là ý tưởng của McCartney nhưng khẳng định họ “viết chung”. McCartney một lần nữa đồng tình là họ đã cùng ngồi xuống, hòa vào nhau trong cảm hứng âm nhạc, khó mà rành mạch ra được ai viết câu nào.

Nhưng ca khúc không dừng lại ở đó mà kết thúc tại một địa điểm mà McCartney sẽ nhớ mãi trong đời.

Ngày hôm sau, 27/6, The Beatles có một ngày nghỉ bất thường giữa chuyến lưu diễn kín lịch. Lennon đã tới nhà McCartney ở đường Forthlin để hoàn thành ca khúc. Sau khi viết xong, họ đã vào phòng khách để ra mắt ca khúc với bố McCartney - người cũng là một nhạc sĩ và lúc đó đang ngồi xem TV.

“Chúng tôi vào phòng khách: Bố, nghe này. Bố nghĩ sao? Và chúng tôi chơi ca khúc cho bố tôi nghe. Ông nói: Hay lắm, con trai. Nhưng đã có thừa người bị Mỹ hóa ở đây rồi. Con có thể hát: She loves you, Yes! Yes! Yes! không?” - McCartney kể lại trong lần ông trở về nhà cũ năm 2018, sau rất nhiều năm không tới đây. Tất nhiên, khi đó, bộ đôi đã gạt đi: “Không, bố ơi, bố không hiểu rồi!”.

“Nếu ngày đó chúng tôi nghe theo, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra?”- McCartney hài hước tự hỏi.

Nhưng có một “truyền thuyết” sâu xa hơn về cụm “yeah, yeah, yeah” biểu tượng này. Cyntha Lennon, trong cuốn sách John, nhớ lại một sự kiện hồi cuối năm 1958 có thể chỉ ra Lennon chính là người thật sự khởi xướng ra cụm từ đó: “Anh ấy cũng rất lãng mạn, một mặt của anh mà tôi thấy nhiều hơn khi mối quan hệ của chúng tôi ngày một sâu sắc. Anh ấy viết những bài thơ tình trên giấy nháp và đưa nó cho tôi ở trường. Vào Giáng sinh đầu tiên của chúng tôi, anh vẽ một tấm thiệp có ảnh tôi trong chiếc áo khoác mới xù xì, đứng đối diện anh, đầu chúng tôi chạm nhau, tay anh ấy trên vai tôi. Nó được bao phủ bởi những nụ hôn và trái tim và anh viết: “Giáng sinh đầu tiên của chúng ta, Anh yêu em, yes, yes, yes”. Và năm sau, anh dùng cùng ý tưởng đó ở 1 trong những hit đầu tiên của The Beatles, “She loves you, yeah, yeah, yeah”.

Tinh thần “yeah yeah yeah” của “She Loves You”:

Tác động của “She Loves You” với thế giới âm nhạc

Tác động văn hóa của She Loves You tới nay là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, khi mới ra đời, nó cũng vấp phải không ít tranh cãi. Người dẫn chương trình radio lừng danh Brian Matthew gọi ca khúc là “rác rưởi tầm thường” (nhưng sau này đã phải phân trần là “Ban đầu tôi thấy hơi tầm thường nhưng… nó lớn dần trong bạn”). McCartney đáp lại: “Chỉ trích không ngăn được chúng tôi và nó không nên cản đường bất cứ ai. Bởi các nhà phê bình là những người chẳng bao giờ có được một hợp đồng thu âm cho mình”.

Sức mạnh và sự dị biệt của She Loves You lớn mạnh tới mức, theo BBC, “ở một số khu vực, ca khúc được coi là ngợi ca sự sụp đổ của xã hội văn minh”. Một số vùng ở châu Âu, The Bealtes được gọi là ban nhạc Yeah-Yeahs. Nhiều chính trị gia khắp châu Âu khi nói về văn hóa đại chúng đã nhắc tới dòng nhạc “yeah yeah yeah”.

Cuối những năm 1970, nhiều nước Đông Nam Á vẫn cấm cắt tóc kiểu The Beatles và cái gọi là “âm nhạc yeah, yeah, yeah”… Rất nhiều báo chí lớn toàn thế giới, từ The Daily Mirror, The New York Times, AP… đã viết bài miêu tả sự bành trướng của The Beatles bằng tiêu đề “Yeah yeah yeah”, thậm chí gọi She Loves You là “bản gốc của ca khúc Yeah, Yeah, Yeah”! Cụm từ này sau đó không chỉ là về The Beatles mà còn là để nói về dòng nhạc đại chúng nói chung.

Khi John Lennon bị ám sát vào năm 1980, tờ The Sun đề trên trang nhất: “Họ yêu ông ấy yeah yeah yeah”.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm