29/11/2020 07:12 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Nói tới sự thống trị của nghệ sĩ châu Á trên BXH “khó nhằn” (và do đó cũng là danh giá bậc nhất) Billboard Hot 100, có 2 tên tuổi cần phải nhắc là No.1 đầu tiên Sukiyaki của Kyu Sakamoto và No.1 nối tiếp Dynamite của BTS. Nhưng xen vào giữa đó, còn có một No.1 khác tuy được gán nhãn Mỹ nhưng thực ra đậm chất châu Á.
Cái tên đang được nhắc tới ở đây là Like A G6 của Far East Movement - 4 chàng trai gốc Á. Ca khúc này đứng No.1 3 tuần không liên tiếp trên Billboard Hot 100 và cả ở New Zealand, Hàn Quốc. Ngoài ra, nó lọt Top 10 ở Australia, Canada, Bỉ, Hà Lan, Thái Lan, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển va Slovakia.
Phong trào Viễn Đông
Far East Movement là nhóm nhạc hip-hop, electronic thành lập ở trung tâm Los Angeles. 3 thành viên ban đầu của nhóm là Kevin Nishimura (Kev Nish), James Roh (Prohgress) và Jae Choung (J-Splif) vốn là bạn học từ nhỏ và thân thiết với nhau bởi có cùng đam mê âm nhạc.
Năm 2001, họ bắt đầu quảng bá nhạc trên các kênh trực tuyến và biểu diễn tại các hộp đêm dưới tên Emcees Anonymous. Tuy nhiên, sau đó họ đã đổi tên nhóm thành Far East Movement (Phong trào Viễn Đông), bắt nguồn từ một bài hát cùng tên mà họ sản xuất. Tinh thần nguồn cội của nhóm không chỉ thể hiện rõ ở cái tên. Năm 2003, họ tổ chức một lèo 10 buổi diễn ở khu Koreatown thuộc Los Angeles, mang tên Movementality để quyên tiền cho trung tâm cai nghiện thanh thiếu niên tại địa phương.
Đam mê âm nhạc nhưng phải nhờ bước đột phá năm 2006, nhóm mới quyết tâm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc toàn thời gian. Đó là khi đĩa đơn Round Round, thuộc album đầu tay Folk Music, của họ được chọn phát trong bom tấn The Fast And The Furious: Tokyo Drift. Các bài hát Get Offa Me và Make Ya Self cũng xuất hiện trong game The Fast And Furious. Họ có 2 chuyến lưu diễn thế giới, ký được hợp đồng phân phối tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thành công nối tiếp thành công, nhạc của Far East Movement bắt đầu được phát trên nhiều đài phát thanh lớn quốc gia và thắng lớn như You’ve Got A Friend, Lowridin hay Girls On The Dance Floor.
Tới nay, họ đã cộng tác với nhiều tên tuổi đình đám như Justin Bieber, Bruno Mars, Wiz Khalifa, Snoop Dogg, Ryan Tedder của OneRepublic…; đi diễn cùng Rihanna, Calvin Harris, Lady Gaga, Lil Wayne… Nhóm cũng kết nạp thêm thành viên thứ 4 là DJ Virman. Và không kém phần quan trọng là ký được hợp đồng với Cherrytree, một công ty con của hãng đĩa Interscope.
Far East Movement lần đầu xuất hiện trên Billboard với ca khúc Girls On The Dance Floor, đứng No.27 trên BXH Giai điệu Latin trên đài. Theo sau đó là thành tựu rất lớn, mang tính mở đường: No.1 Billboard Hot 100 Like A G6.
Hơn cả người tiên phong
Like A G6 là đĩa đơn mở đường, nằm trong album thứ 3 của Far East Movement Free Wired. Ca khúc được phát hành ngày 13/4/2020, theo phong cách electro house, hip house.
Giống như nhiều ca khúc hip-hop hiện nay, Like A G6 là nói về một chàng trai tiệc tùng, được vây quanh là những cô gái. Chàng trai hân hoan liên tục thốt lên rằng mình thấy bay bổng “Like a G6” (như là G6). Đã có rất nhiều suy đoán về ý nghĩa của “G6” và Kev Nish phải lên tiếng: “G6 không phải là vị nước Gatorade. Nó không phải là về xe hơi mui trần 4 cửa. Cũng chẳng phải đồng hồ. Đó là Drake, Drake nói rằng có phi công G4 trên boong, vì vậy chúng tôi nói: Cái gì bay cao hơn một cái G4? Tất nhiên, phải là G6 rồi”.
Ở đây, Nish đang nói về ca khúc Forever năm 2009 của Drake. Còn theo các nhà sản xuất, Cateracs, thì: “Cảm giác bay như một chiếc G6 chỉ là hình ảnh tượng trưng, giống như sự tự tin vượt trội bên trong bạn. Một kiểu lạc quan, tích cực. Thành thật mà nói, nó không đại diện cho bất kỳ đối tượng vật chất nào”. Ca khúc cũng sử dụng mẫu từ bài Booty Bounce nên nghệ sĩ Dev được coi là đồng tác giả.
Sau khi hoàn thành Like A G6, họ đưa nó vào một mixtape, tung lên mạng và bỏ đi lưu diễn. Khi trở lại sau 3 tháng, họ bất ngờ thấy ca khúc được dân tình rất yêu thích. Like A G6 là đĩa đơn đầu tiên của các nghệ sĩ người Mỹ gốc Á đạt No.1 trên Billboard Hot 100.
Ca khúc leo đỉnh BXH trong tuần kết thúc ngày 30/10/2010, đánh bật nhiều cái tên lớn như Bruno Mars (với No.2 Just The Way You Are), Rihanna (No.4 Only Girl), Taylor Swift (No.6 Back To December), Katy Perry (No.7 Teenage Dream), David Guetta (trong ca khúc No.9 Club Can’t Handle Me của Flo Rida) và Nicki Minaj (trong ca khúc No.10 Bottoms Up của Trey Songz). Ngoài ra, nó cũng đứng đầu iTunes. Tính đến nay, theo Nielsen SoundScan, Like A G6 đã bán được hơn 4 triệu bản riêng ở Mỹ.
Thành thật mà nói, Like A G6 không phải sản phẩm đột phá về mặt âm nhạc. Tuy nhiên, nó lại có ý nghĩa rất lớn về mặt tiên phong. Nếu như Sukiyaki của Kyu Sakamoto leo No.1 nhờ may mắn bất ngờ khi lọt vào mắt một giám đốc điều hành hãng thu âm phương Tây thì Like A G6 đích thị là một hành trình mở đường cho các nghệ sĩ gốc Á vào một thị trường không phải lúc nào cũng đón nhận các tài năng da vàng.
Nhưng gọi họ là những người tiên phong cho phong trào hip-hop người châu Á tại Mỹ thì vẫn chưa công bằng. Far East Movement là một tập hợp của những tài năng, gồm những người biểu diễn, nhà sản xuất, tác giả, quản lý và tổ chức cộng đồng cộng gộp lại. Họ còn có hãng thu âm riêng, Transparent Agency, với 9 nghệ sĩ trực thuộc. Không ngủ quên trong thành công, Like A G6 đã giúp họ tiếp tục phát triển sự nghiệp và cộng đồng.
“Ca khúc rõ ràng đã mở ra nhiều cánh cửa” - Nish chia sẻ sau khi được Billboard Radio Trung Quốc bình chọn là Nhóm nhạc quốc tế hàng đầu vào năm 2017. “Chúng tôi rất biết ơn. Giờ quan trọng là liệu mọi người có sẵn sàng nghe những gì chúng tôi nói sau đó. Chúng ta phải tiếp tục trao đổi. Chúng tôi hy vọng các nghệ sĩ ký hợp đồng với hãng sẽ sớm có những trao đổi như thế này”.
Cầu nối giữa 2 nền văn hóa Hiện nay, Far East Movement đang tập trung hơn vào khâu sản xuất, mà bản thân họ cũng mô tả là “một cụm từ mới trong sự nghiệp của chúng tôi”. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ từ bỏ vị trí nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu và đặc biệt là mong muốn xóa nhòa ranh giới trong âm nhạc. Nản lòng trước cảnh phân biệt chủng tộc trong xã hội nói chung và ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng, năm 2016, họ tung album Identiy với mục tiêu “có thể thu hẹp khoảng cách giữa châu Á và châu Âu”. Album khám phá bản sắc của cả châu Á và châu Âu và cộng tác với danh sách dài nghệ sĩ ở cả 2 bờ Thái Bình Dương. Kevin Nishimura miêu tả những cộng tác lần này là “một quá trình chậm chạp và đầy thử thách, bao gồm cả việc xây dựng và nuôi dưỡng mối quan hệ với các nghệ sĩ”. Album được đánh giá là bước đột phá về cả mặt âm nhạc và xã hội. Trong tương lai, Far East Movement dự định sẽ phát hành “một album nửa tiếng Trung, nửa tiếng Anh, một dạng cầu nối giữa Đông và Tây”. Far East Movement cũng hết lời ca ngợi BTS ngay từ năm 2017, khi nhóm nhạc K-pop bắt đầu nổi tiếng ở Mỹ và các nước châu Âu. Theo họ, đây là cơ hội tốt để cho thế giới thấy tiêu chuẩn âm nhạc châu Á. “Chúng tôi rất vui khi thấy các quốc gia châu Á đang nhắm tới thị trường toàn cầu, như BTS hát bằng tiếng Hàn và nhóm hip-hop Trung Quốc Higher Brothers đang rap bằng tiếng Trung. Họ không cố thay đổi bản thân mình. Điều đó khiến chúng tôi thêm tự hào và hào hứng giới thiệu nhạc của mình, bất chấp những khác biệt về văn hóa nền”. |
Thư Vĩ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất