Ca khúc 'Let It Be' của The Beatles: Giấc mộng về mẹ

04/08/2019 19:10 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn cả một ca khúc, Let It Be của The Beatles là phép lành, mang đến sự an ủi, xoa dịu vết thương cho người nghe. Nó cũng là món tài sản chung vô giá mà một người ông, một người cha sẽ muốn truyền lại cho cháu trai, con trai mình.

Ca khúc 'The Long And Winding Road': Con đường đi tới cái kết của The Beatles

Ca khúc 'The Long And Winding Road': Con đường đi tới cái kết của The Beatles

Quả không sai khi nói cái đẹp của nghệ thuật thường được sinh thànhtừ những khổ đau, tăm tối: Ca khúc buồn và đẹp như The Long And Winding Road lại là dấu chấm hết đầy bất hòa cho một “triều đại” cường thịnh như The Beatles.

“Tôi vẫn còn nhớ rằng ông tôi, một nhạc sĩ, và bố tôi, bảo tôi ngồi xuống và nói: Chúng ta sắp chơi cho con ca khúc hay nhất con từng được nghe. Tôi nhớ rằng họ đã chơi ca khúc này” -người dẫn chương trình nổi tiếng James Corden vừa lau nước mắt vừa nói với Paul McCartney về Let It Be.

Thôi thì, việc đâu sẽ có đó

Let It Be (Cứ kệ nó đi) là đĩa đơn phát hành vào tháng 3/1970 của The Beatles, là ca khúc chủ đề của album Let It Be, do Paul McCartney sáng tác và thể hiện.

Với Beatlemania, những người hâm mộ Tứ quái, Let It Be có vị trí vô cùng đặc biệt khi nó là đĩa đơn cuối cùng mà nhóm phát hành khi còn bên nhau, tức là ngay trước khi McCartney tuyên bố rời đi. Cả album Let It Be và đĩa đơn The Long And Winding Road đều chỉ phát hành sau đó.

Chú thích ảnh
Paul McCartney đăng ảnh mừng ngày của mẹ. Trong ảnh là ông cùng mẹ và em trai Mike

Nhưng với người yêu nhạc nói chung, Let It Be đơn giản là một phép màu. Giai điệu dịu dàng bên tiếng dương cầm của nó, như bình luận của nhà phê bình Derek Johnson, là “giống với The Beatles mọi khi, đây là bản thu sẽ khiến bạn chết sững vàphải chăm chú lắng nghe nó”. Ngay từ khi mở đầu, nó đã giống một liệu pháp thôi miên khiến ta phải chìm đắm trong nó, rồi bỗng cảm thấy thật thư thái, lắng đọng.

Giai điệu thần thánh này, hơn thế, còn kết hợp với những ca từ thông thái. Nó kể câu chuyện về một người ở trong giai đoạn khó khăn của cuộc đời thì được Mẹ Mary hiện về trong giấc mộng, an ủi rằng: “Let It Be”. Ừ, những gì xảy ra chính xác là những gì nên xảy ra. Hãy cứ đơn giản là xuôi theo dòng chảy, đừng gây gổ cố chấp, mọi chuyện rồi sẽ được an bài. “Dẫu có chia cách, sẽ vẫn có cơ hội gặp lại” và “Dẫu mây đen vần vũ đêm tối, sẽ vẫn có tia sáng chiếu rọi đến tôi”.

Thế nên, gần nửa thế kỷ từ khi ra mắt, Let It Be vẫn luôn là sự cứu rỗi tâm hồn cho Beatlemania nói riêng, trước sự tan rã, và cho bao người trên thế giới, nói chung, mỗi khi rơi vào những tréo ngoe của con tạo.

Tuy nhiên, cũng trong rất nhiều năm, người ta đã khoác nhầm lên nó những ý nghĩa xa vời. Let It Be được cho là có ca từ giả tôn giáo khi đưa hình ảnh Đức mẹ vào, hoặc thậm chí, “nguy hiểm về mặt chính trị”.

Chú thích ảnh
McCartney tin rằng nhiều phép màu đã đến sau "Let It Be". Cuộc chia tay của The Beatles là định mệnh và thật hạnh phúc khi có Linda đến bên

Paul McCartney không phân bua. Mãi về sau, ông mới tiết lộ sự thật. Và gần đây nhất, giữa năm 2018, trong lần trở lại quê hương Liverpool sau nhiều năm xa cách qua chương trình Carpool Karaoke, McCartney một lần nữa khiến người hâm mộ, trong đó có Corden, rơi nước mắt về câu chuyện phía sau Let It Be.

Hóa ra, Let It Be xúc động hơn nhiều so với những gì mọi người tô vẽ cho nó.

Hãy nghe chính McCartney nói về ý nghĩa lớn lao của ca khúc này…

Lời kể từ chính Paul McCartney

“Khoảng mùa Thu năm 1968 là quãng thời gian thật sự khó khăn đối với tôi. Đây là giai đoạn cuối sự nghiệp của The Beatles và chúng tôi bắt đầu làm album mới, theo sau White Album. Là một nhóm, chúng tôi bắt đầu nảy sinh những vấn đề. Tôi nghĩ, tôi cảm thấy được The Beatles sắp tan rã, thế nên tôi thức tới khuya, uống rượu, dùng chất kích thích, đi hộp đêm, cách nhiều người làm hồi đó. Tôi thật sự đã sống và chơi hết mình.

Tất cả những cậu chàng khác đều đã về vùng nông thôn sống với vợ của họ, nhưng tôi thì vẫn là gã độc thân ở London trong căn nhà của mình tại quận St. John’ Wood. Nhìn lại thì hồi đó tôi cũng nghĩ, đã đến lúc tôi tìm một ai đó. Đây là thời điểm trước khi tôi đến với Linda.

Nói chung, tôi kiệt sức! Có những đêm tôi lên giường và vùi đầu sâu trong gối; để khi thức dậy thì khó mà thoát ra được, cứ phải nghĩ: “Nào, phải dậy ngay thôi không thì sẽ chết ngạt mất”.

Rồi một đêm nọ, đâu đó giữa giấc ngủ sâu và chứng mất ngủ, tôi có được giấc mơ an ủi nhất về mẹ tôi, người đã qua đời khi tôi mới 14. Bà là một y tá, người mẹ của tôi, làm việc rất chăm chỉ, bởi bà muốn những điều tốt đẹp nhất cho chúng tôi.

Chúng tôi không phải hộ gia đình khá giả - chúng tôi không có xe hơi, chỉ vừa có một chiếc ti-vi - thế nên cả bố lẫn mẹ tôi đều phải đi làm và mẹ đóng góp đến một nửa thu nhập của gia đình.

Buổi tối, khi bà về nhà, bà sẽ nấu ăn, do đó, chúng tôi không có nhiều thời gian bên nhau. Nhưng chỉ sự hiện diện của bà ấy cũng là niềm an ủi trong đời tôi. Rồi khi bà mất, một trong những điều khó khăn nhất với tôi, và nhiều năm trôi đi, tôi không dễ hình dung lại được khuôn mặt của bà. Tôi nghĩ là mọi người đều sẽ như thế. Ngày lại ngày đi qua, rồi bạn đơn giản là không thể hiện lại khuôn mặt của cha mẹ trong ký ức, bạn phải nhờ tới những bức ảnh để nhắc nhở.

Thế rồi, 12 năm sau đó, mẹ tôi bỗng xuất hiện. Đó là khuôn mặt bà, vô cùng rõ ràng, đặc biệt là đôi mắt, bà nói với tôi rất nhẹ nhàng, làm tôi yên lòng vô cùng: “Mọi việc rồi sẽ ổn thôi. Cứ kệ nó đi”.

Thật đáng yêu. Tôi tỉnh dậy với cảm giác thật tuyệt vời. Thật sự là bà đã đến thăm tôi vào thời điểm rất khó khăn này trong đời tôi và cho tôi thông điệp: Hãy nhẹ nhàng, đừng đấu đá, đơn giản là hãy cố gắng và thuận theo dòng chảy, rồi thì mọi việc sẽ đâu vào đó”.

Ngay sau đó, McCartney đã ngồi vào cây dương cầm và hoàn thành ca khúc Let It Be.

“Không lâu sau giấc mơ, tôi đến với Linda, một sự cứu rỗi đối với tôi. Có thể nói, như thể mẹ tôi đã gửi cô đến.

Let It Be là một trong những điều đầu tiên Linda và tôi từng cùng nhau thực hiện trong âm nhạc. Một ngày nọ, chúng tôi tới Abbey Road Studios, nơi các buổi thu âm đang diễn ra. Tôi sống gần đó và thường chỉ ghé qua khi tôi biết có một kỹ sư ở đó và tự mình làm một chút. Và tôi chỉ nghĩ: Ồ, sẽ tốt nếu thử cách hòa âm đã nghĩ và dù Linda không phải ca sĩ chuyên nghiệp, tôi đã nghe cô ấy hát quanh nhà và biết cô có thể ngân dài và hát nốt cao đó.Thế là cô thử và đã làm được. Bản ghi âm được giữ lại và ngày nay mọi người vẫn có thể nghe lại.

Ngày nay, ca khúc gần như là một bản thánh ca. Chúng tôi hát trong lễ tưởng niệm Linda. Và sau ngày 11/9, các đài phát thanh cũng bật nó rất nhiều. Nó cũng là lựa chọn hiển nhiên khi tôi tới hát gây quỹ ở New York. Thậm chí sau ngày 11/9, mọi người vẫn thường ra khỏi xe và nói: “Này, Paul, kệ nó đi”.

Thế nên, những từ đó rất quan trọng với tôi, không chỉ bởi mẹ tôi đã tới với tôi trong giấc mơ và trấn an tôi vào thời điểm khó khăn trong đời - và đúng là mọi việc sau đó đã tốt đẹp hơn - mà bởi, khi đưa nó vào ca khúc, ghi âm nó với The Beatles, nó đã trở thành một tuyên bố an lòng, hàn gắn cho những người khác nữa”.

Sự ra đời của “Let It Be”

McCartney chia sẻ về việc ra đời của ca khúc Let It Be - nó ra đời ngay sau giấc mơ đẹp mà McCartney gặp người mẹ thân yêu của mình: “Là một nhạc sĩ, tôi đi ngay tới cây dương cầm và bắt đầu viết một ca khúc: “Khi tôi gặp khó khăn, Mẹ Mary đã đến bên tôi”… Mary là tên mẹ tôi… “Nói lời thông tuệ, cứ kệ nó đi”. Không mất nhiều thời gian. Tôi viết đoạn thân chính một lèo, rồi những đoạn tiếp theo phát triển từ đó: “Khi tất cả những người tan nát trái tim sống trong thế giới có thể thỏa hiệp với nhau, thì rồi sẽ có câu trả lời, cứ kệ nó đi”.

Tôi nghĩ nó thật đặc biệt, nên tôi đã chơi nó cho các chàng trai và nhiều người vây quanh nghe, rồi sau đó nó trở thành tựa đề của album bởi nó rất có giá trị với tôi, bởi ba âm tiết nhỏ bé đó dường như rất minh định. Thêm vào đó, khi một chuyện như vậy xảy ra, như một phép thuật, tôi nghĩ nó sẽ tạo sự cộng hưởng và những người khác cũng sẽ chú ý thấy”.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm