Nghệ sĩ Trần Lương: Nên có khu vực riêng để “vinh danh” nhà tài trợ

12/09/2009 14:33 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Là một nghệ sĩ đã thực hiện nhiều dự án phát triển nghệ thuật cộng đồng uy tín ở trong và ngoài nước, nghệ sĩ Trần Lương hết sức quan tâm đến dự án Con đường gốm sứ. Ông đã có nhữnng trao đổi thiết thực để đóng góp cho dự án này.

Tham gia chính phải là người dân

* Khi ý tưởng của dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng mới được đưa ra, trên thực tế không ít người đã lên tiếng khen ngợi?

- Thực ra ý tưởng trong dự án này không mới, việc ghép các mảnh gốm vỡ (chứ không phải các miếng gốm nung mới) thành bức tranh hoặc tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam ta thì có từ thời phong kiến, còn ở các nước phát triển thì đã trở thành phổ biến. Tuy nhiên, đây lại là một ý tưởng tốt vì bộ mặt xã hội vẫn cần các công trình văn hóa phủ lên trên thay vì các công trình xi măng, sắt thép nặng về công năng sử dụng và nhẹ về tính thẩm mĩ.

* Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án đã nảy sinh ra một số vấn đề gây tranh cãi. Từ góc nhìn của người làm nghệ thuật cộng đồng, ông thấy Con đường gốm sứ thiếu nhất là ở điểm gì?
- Dự án này là dạng dự án Nghệ thuật phát triển cộng đồng, như tác giả của dự án cũng tự nhận như vậy. Về mặt lý thuyết gồm hai phần: phần đầu là nghệ thuật, phần thứ hai là phát triển cộng đồng. Tiêu chí đầu tiên là tính chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng của dự án.

Nếu đúng là một dự án Nghệ thuật phát triển cộng đồng thì người tham gia chính là nhân dân. Người quản lý, nhóm thực hiện hay các nghệ sĩ chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, “lèo lái”, gợi ý cho người dân thực hiện. Quan trọng hơn cả là cần mời những người chuyên làm dự án cộng đồng và các nghệ sĩ giỏi. Khi làm bức tường gốm sứ, trước hết phải điều tra, nghiên cứu sâu, tìm hiểu xem người dân địa phương có thích và quan tâm không. Họ nói và mong ước gì. Nếu người dân bàng quan, thì họ sẽ không gìn giữ, thậm chí còn vô tình đục đẽo, phá hỏng nó đi vì nhu cầu thực dụng cá nhân nào đó.

Nói chung, khi làm một tác phẩm nghệ thuật phát triển cộng đồng, cần đứng vào vị trí của người dân. Tôi thấy sự không rõ ràng về mục đích của dự án này ngay từ đầu, đã trao đổi với nhà tài trợ tiền khởi và tác giả những điều cần và đủ, nhưng có vẻ không tác dụng vì cái gì đó có tên là “làm dâu trăm họ”! Vậy mục đích là gì: Để đơn thuần trang trí đoạn đê? Để minh họa lịch sử Thăng Long cho lễ hội 1.000 năm? Hay tuân thủ tiêu chí thực hiện một dự án Nghệ thuật phát triển cộng đồng? Có vẻ như hình thức thì là dự án Nghệ thuật phát triển cộng đồng, nhưng nội dung lại là pha trộn hai vế trên.

Đây là lí do nảy sinh những bất cập!

Phản ánh ký ức và mong ước của người dân địa phương

* Thật ra, dự án cũng đã có một số hoạt động để cộng đồng cùng chung tay làm (xem thông tin kèm theo ở chân trang). Vậy theo ông, làm thế nào để người dân thực sự được hưởng lợi từ Con đường gốm sứ (hưởng lợi hiểu theo nghĩa văn hóa lâu dài), qua đó có thái độ bảo vệ, giữ gìn?
- Rõ ràng, các dự án phát triển nghệ thuật cộng đồng nhằm vào một cộng đồng cụ thể chứ không chiều lòng được tất cả các cộng đồng. Một dự án nghệ thuật luôn cần địa điểm cụ thể - ở đây là ở con đường đê ven sông Hồng. Trên lưng con đê và dòng sông cõng biết bao giá trị kinh tế, lịch sử văn hóa cũng như sự hình thành, phát triển kinh đô Thăng Long. Hiện tại, nhìn vào việc thực hiện dự án này, chúng ta chưa thấy. Nếu đây là một dự án phát triển nghệ thuật cộng đồng, sẽ có form chung để làm. Không cần thiết đòi hỏi Con đường gốm sứ phải minh họa tiến trình lịch sử hay dựng lên những bức tranh hoành tráng mà quan trọng là có phản ánh được tâm tư, ký ức của người dân sống ven đê, ven sông nói riêng và Thăng Long nói chung hay không.

Tiền làm dự án này nếu đã gọi là phát triển nghệ thuật cộng đồng thì không nên dồn hết cho việc làm những mảnh gốm gắn lên tường mà ít nhất, một nửa kinh phí nên dùng để làm các buổi thảo luận, thu gom ý kiến của người dân sống dọc đê sông Hồng hoặc các nhóm người Hà Nội - những ai quan tâm đến dự án. Người dân sẽ đóng góp những ký ức, tình cảm, cảm xúc của mình vào dự án một cách cụ thể.

* Chẳng hạn?
- Chỉ là ví dụ thôi nhé, những người tổ chức dự án đến với cộng đồng làm mui bạt đệm ô tô có từ lâu đời trên đường Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, tiếp xúc, gợi ký ức, những hiểu biết về xe cộ qua các giai đoạn, những đoàn xe đi qua cầu Long Biên từ thời chiến tranh đến thời bình. Tổ chức các work shop để họ nếu không kể được thì vẽ ra các bức tranh, bằng bút chì, bút bi cũng được, có thể thông qua nét vẽ của trẻ con địa phương. Sau đó, các nghệ sĩ sẽ chuyển những câu chuyện, những nét vẽ thành các tác phẩm nghệ thuật. Như vậy, dự án sẽ thể hiện được tính nhân văn, mang dấu ấn cộng đồng địa phương, đồng thời phản ánh lịch sử chân thực nhất.

* Đoạn tường dài sẽ có nhiều câu chuyện như thế liệu có tạo ra sự thiếu thống nhất đối với chủ đề của toàn bộ dự án không?

- Đó là kỹ năng và trình độ của người tổ chức, có trách nhiệm xâu chuỗi những câu chuyện này thành mạch xuyên suốt. Nhờ thế, dự án vừa có sự thống nhất vừa mang được tính đặc thù của cộng đồng và các giai đoạn lịch sử của cộng đồng ấy. Nếu các nghệ sĩ nước ngoài tham gia vào dự án, phải được tham khảo tư tưởng, chủ đề được xây dựng từ phía địa phương, như thế họ sẽ cẩn trọng hơn khi tiến hành tác phẩm. Mặt khác, họ cũng cần nghiên cứu lịch sử của địa phương để tìm sự tương đồng và đối thoại với lịch sử của chính đất nước họ. Khi khách du lịch đến, có thể hiểu được lịch sử, văn hóa địa phương.

* Theo ông việc xử lý các logo của nhà tài trợ nên thực hiện thế nào cho hiệu quả?
- Theo tôi, với những công ty tài trợ cho dự án, chúng ta nên làm một khu vực ghi danh họ, không nên gắn logo công ty tài trợ lên các tác phẩm nghệ thuật. Như ở trong đền chùa của ta, ai là người cúng hiến tiền của để xây dựng đều được ghi danh chung trên một tấm bia. Còn ở nước ngoài, đối với các công trình phúc lợi xã hội nói chung, người ta sẽ có một bức tường, hoặc một tấm biển, tách rời khỏi các tác phẩm nghệ thuật, các công trình... để ghi danh.

* Xin cảm ơn ông.

Việt Quỳnh
(thực hiện)

CÔNG TY TNHH NGHÊ THUẬT TÂN HÀ NỘI:
“Dự án vẫn đi đúng định hướng”

Học sinh trường Tiểu học Yên Phụ tham gia thi vẽ phác thảo cho Con đường gốm sứ
Đơn vị thực hiện dự án này vừa đưa ra thông tin khẳng định: “Cho đến nay, Dự án vẫn đi đúng định hướng đã vạch ra từ đầu và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với ý nghĩa là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Con đường gốm sứ còn là một dự án nghệ thuật công cộng, phục vụ lợi ích cộng đồng và do chính cộng đồng chung tay làm nên. Chủ đầu tư mong muốn mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế cùng tham gia vào nhiều công đoạn xây dựng Con đường gốm sứ, qua đó sẽ thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội. Mặt khác, với kinh nghiệm từ việc tham gia làm Con đường gốm sứ, cộng đồng sẽ có thể đề xuất những sáng kiến dùng nghệ thuật làm đẹp không gian sống của từng ngõ phố, từng khu vực.

Với mục đích cộng đồng như trên, thời gian qua chủ đầu tư đã tổ chức chương trình mang tên “Tôi làm Con đường gốm sứ”, theo đó xưởng sáng tác mở cửa vào buổi chiều hàng ngày để cộng đồng cùng tham gia Dự án. Hoạt động này thu hút hàng trăm lượt các gia đình, các tình nguyện viên, các cháu thiếu nhi và bạn bè quốc tế đang sống và làm việc tại Việt Nam cùng chung tay làm đẹp thành phố. Tiếc rằng do dịch cúm H1N1 diễn biến phức tạp nên để góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Dự án buộc phải tạm dừng chương trình này từ đầu tháng 8 tới nay”.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm