31/05/2023 13:38 GMT+7 | Văn hoá
Với văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại, Trần Đức Tiến là cái tên đã được bảo chứng. Sáng tác cho thiếu nhi từ năm 1991, đến nay, ông đã sở hữu nhiều tác phẩm và giải thưởng, trong đó có giải B Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2019 với tác phẩm Xóm Bờ Giậu.
Trong quá trình sáng tác, lựa chọn về thể loại của nhà văn khá đa dạng với tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn… Điều đó thể hiện sự thức thời và biến hóa của Trần Đức Tiến. Điều căn cốt được giữ lại chính là việc tác giả tiếp tục vượt ra những ràng buộc không hề dễ chịu của tuổi tác để đỡ đầu cho ước vọng của bạn đọc nhỏ tuổi, ước vọng được đọc những trang văn về chính mình và tuổi của mình.
Đồng thoại thiết lập khế ước
Mấy chục năm nay, Trần Đức Tiến luôn tự buộc mình vào lời hứa viết truyện cho trẻ em. Và lần này, kết quả của mối duyên bền bỉ ấy là A lô!... Cậu đấy à? với hai mươi ba câu chuyện nhỏ như những bông hoa tươi xinh trong mùa hoa đồng thoại thứ hai của đời văn Trần Đức Tiến. Tác phẩm này vừa lọt Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 – 2023.
Với tác giả, để có A lô!... Cậu đấy à? sau thành công của Xóm Bờ Giậu là điều không dễ. Bởi Xóm Bờ Giậu là vùng thẩm mỹ đáng nhớ của đời văn Trần Đức Tiến, không chỉ ở việc tác giả xây dựng một hệ hình mỹ học mới cho tác phẩm, mà còn ở khâu phát hành và phản hồi tích cực của độc giả. A lô!... Cậu đấy à? tiếp tục lấy cảm hứng từ khoảng sân nhà "quê mùa lạc lõng nhất thành phố" của tác giả. Phôi thai từ sự giản dị, mỗi câu chuyện đều mang vẻ đẹp thường thấy của văn chương Trần Đức Tiến: An lành, thơm tho, sinh động về chữ nghĩa lẫn ý tứ.
Sự cộng hưởng của tình yêu trẻ, vốn văn hóa dày dặn và sự tinh tế của nhà văn đã tạo ra miền an trú cho độc giả. Thể loại đồng thoại thiết lập khế ước có lợi cho những sinh vật bé nhỏ như Thằn Lằn, Cóc Tía, Sóc Bông Lau, tạo ra một cộng đồng người thực thụ, sống tử tế và thiện lương trên trang văn Trần Đức Tiến.
Đọc A lô!... Cậu đấy à? sẽ chứng kiến sự "trẻ hóa" bất ngờ của nhà văn. Khoảng cách giữa tác giả và những nhân vật nhỏ tuổi trở nên mờ nhòe khi ông thì ngày càng hồn nhiên, mơ mộng, hóm hỉnh, còn nhân vật thì có xu hướng trở thành những "ông cụ non".
Tác giả hiểu những trò chơi gần như đã thành hơi thở của trẻ. Hiểu cái ngúng nguẩy và những giận hờn như mưa bóng mây của chúng. Hiểu nỗi khao khát khám phá. Hiểu những vẫy gọi xa xôi… Các câu chuyện rất lỏng về chất truyện, tự nhiên duỗi mình về phía mơ mộng, nên thơ. Phần thông điệp hoặc bài học kín đáo nép mình trước cảnh quan sinh thái đầy sức gợi. Những thay đổi ấy là nỗ lực vượt lên thói quen sáng tác của cá nhân và thế hệ.
Trần Đức Tiến luôn dõi theo đời sống văn học, nghiêm túc nhận diện sự khác biệt giữa các nhà văn thế hệ 8X, 9X với thế hệ mình. Các "nhà văn già" chú trọng đến "chủ đề", "vấn đề" của tác phẩm, nỗ lực chuyển tải thông điệp ngắn gọn, tường minh đến bạn đọc. Với nhà văn trẻ, những vấn đề đó lại "ẩn" kỹ hơn, nhờ đó, các tác phẩm có vẻ đẹp "lung linh, sống động". Từ sự khác biệt đó, Trần Đức Tiến tiếp cận hướng đi của các nhà văn trẻ. Nhờ đó, độc giả đã thấy một Trần Đức Tiến tươi tắn ngay từ cách đặt tựa cho truyện, từ những nhan đề lao xao nhu cầu trò chuyện, kết nối đến những nhan đề thấm đẫm vị thơ trong không khí đồng thoại.
Khéo léo gieo hạt niềm tin
Nếu như sức mạnh cốt yếu của văn học thiếu nhi là ở khả năng khơi gợi trí tưởng tượng, thức dậy những khao khát khám phá, thì Trần Đức Tiến đã thành công. Tác giả khéo léo gieo hạt niềm tin đến độc giả, làm cho các em tin vào tiếng nói rất người của thiên nhiên, từ đó lây lan thói quen lắng nghe những thanh âm đến từ muôn loài.
Những trang viết của Trần Đức Tiến dù là hư cấu, tưởng tượngvẫn làm cho người đọc tin vào mối liên hệ giữa sáng tạo nghệ thuật của nhà văn với những trải nghiệm thực trong và ngoài không gian sống đẫm đầy chất sinh thái. Nhờ đó, tác giả đã bắt trúng "trend" của con người đương đại với xu hướng "rủ nhau về chốn quê mùa, đắm mình trong khung cảnh thanh bình" (Du khách đến Bụi Trúc); tinh tế chiết xuất muôn dạng mùi hương của Gió: "Lúc thì hương tầm xuân, lúc thì hương nguyệt quế, lúc thì hương ngọc lan. Tầm xuân dịu dàng. Nguyệt quế sực nức. Ngọc lan mê mẩn. Đôi khi là hương thơm ngọt ngào của trái xoài, trái sầu riêng vừa chín tới..." (Dấu chân của cô Gió)...
Đi qua những trải nghiệm cuộc đời, nhà văn cũng sâu sắc hơn trong cách nhìn nhận sự vật,hiện tượng. Vì vậy, ông đã tạo ra hành trình kết nối xóm Bụi Trúc với những không gian khác. Các nhân vật trải nghiệm không gian bằng hồi ức, bằng cách đắm chìm trong những câu chuyện kể, hoặc dấn thân trực tiếp vào những chuyến đi. Nhà văn thôi thúc ước vọng khám phá bằng cách đặt cho các vùng đất ấy những cái tên rất gợi: thung lũng Hồ Nước Cạn, ngõ Lênh Láng, đại lộ Đầm Đìa… Đấy là thủ thuật "nối mạng" để kết nối muôn loài.
Trần Đức Tiến trao cho nhân vật nhiều phương tiện liên kết: Những cuộc điện thoại, những lá thư, những chuyến đi, những trò chơi… Nhưng thẳm sâu trong mỗi nhân vật vẫn là ước vọng về với nơi chôn rau cắt rốn. Như tâm tư của Cóc Tía, kẻ đã trôi giạt về xóm Bụi Trúc, nhưng vẫn hướng về Hồ Nước Cạn. Như niềm riêng của nhà văn, người đã lớn lên từ cái nôi đồng quê Bắc bộ, nhưng mấy chục năm biền biệt rời xa.
Đọc truyện Trần Đức Tiến không khó để nhận ra "sự tận tâm với đời sống" của nhà văn để tìm ra vị của đời, ngay trong những cuộc đời "nhạt". Mãi cái chốn thân quen mà thành bao nhiêu chuyện kể. Mỗi truyện luôn có một sự bất ngờ đáng yêu nào đấy. Có khi là sự vụn vỡ của niềm tin khi phát hiện Cóc không hề có răng như trong thần thoại. Có khi là cách huyền thoại hóa quá trình tiến hóa của "hạt đỗ đen" thành động vật lưỡng cư vẫn thường được gọi là "cậu ông trời". Đó là khoảng xanh mát của xóm Bụi Trúc với những giọt sương ngủ quên trên lá trúc xanh, bụi tầm xuân thong dong rũ áo, hạt mầm cựa mình trong đất đai tở mở, hương khế chín thoảng trong gió.
Đó còn là cái cách tác giả vu vơ thả ra một vài ước vọng và bẵng đi một thời gian, ước vọng ấy đường đột quay về. Những bức thư trên những chiếc lá khế vàng nhỏ nhoi mà Bông Lau gửi bố trong Bố đi đâu lâu thế cứ tưởng đã chìm lấp trong vàng rực lá mùa Thu lại nhận được sự hồi đáp ngọt ngào ở Mười dấu hỏi và mười dấu than. Điều đó tiếp thêm niềm tin cho người đọc, để họ an nhiên thả lòng cho gió cuốn.
Chiến lược liên văn bản
Trong tác phẩm này, nhà văn đã khôn ngoan sử dụng chiến lược liên văn bản. Không phải là những cổ mẫu, truyền thuyết lấy từ "giếng sâu quá khứ" nhân loại, mà chính là những không gian, nhân vật từng xuất hiện trong mùa hoa đồng thoại đầu tiên của nhà văn. Tiếng vọng của Xóm Bờ Giậu vang lên đây đó trong tác phẩm thể hiện sự kết nối giữa thế hệ hậu bối với cư dân trong xóm xưa.
Việc chủ động gợi nhắc tác phẩm của chính mình cũng thể hiện sự thủy chung với hành trình nghệ thuật đã lựa chọn - hành trình nặng về thôn quê, nặng về quá khứ. Chính vì lẽ đó mà tác giả đã thể hiện ý định xây dựng bảo tàng sinh thái cho văn học, bảo tàng dành riêng cho miền thôn dã.
Trong truyện Du khách đến Bụi Trúc, nhà văn biến xóm Bờ Giậu thành di tích văn hóa. Nhân vật Bông Lau tưởng tượng về một ngày sẽ có cuốn sách viết về xóm Bụi Trúc, nơi này sẽ trở thành chứng tích đầy tự hào và thương nhớ. Đến Một ngày nắng đẹp, các nhân vật tiếp tục dệt giấc mơ "bảo tồn" con đường mòn của bà Hoa Cúc Áo, cây gậy của cụ giáo Cóc, cây đàn của nhạc sĩ Dế Lửa, ngôi nhà Bình-gốm-vỡ, bài hát của ông Thằn Lằn…
Đọc truyện Trần Đức Tiến tôi chợt nhớ đến Jill Barklem - nữ văn sĩ nổi tiếng người Anh - với bộ truyện Miền dâu dại. Cũng như Jill Barklem, Trần Đức Tiến đã mượn bối cảnh thôn quê, mượn thế giới tự nhiên để phản ánh những vấn đề của tuổi thơ không chỉ thuộc về duy nhất một thế hệ và tạo chỗ nương náu cho con người tìm được nội tâm tĩnh lặng giữa những lao xao, bất ổn của cuộc đời.
Chúng ta có quyền chờ đợi mùa hoa đồng thoại thứ ba của tác giả. Lúc đó, bảo tàng sinh thái của miền thôn dã sẽ mở rộng biên độ và bạn đọc sẽ có thêm miền an trú. Tin chắc, với sự kỳ vọng ấy, nhà văn sẽ có thêm động lực để trả nợ yêu thương.
"Nếu như sức mạnh cốt yếu của văn học thiếu nhi là ở khả năng khơi gợi trí tưởng tượng, thức dậy những khao khát khám phá, thì Trần Đức Tiến đã thành công. Tác giả khéo léo gieo hạt niềm tin đến độc giả, làm cho các em tin vào tiếng nói rất người của thiên nhiên, từ đó lây lan thói quen lắng nghe những thanh âm đến từ muôn loài" - Thanh Tâm Nguyễn.
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 vinh dự nhận được sự đồng hành của nhà tài trợ chính: Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải. Đồng tài trợ: Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất