Cuối tháng 11, Ku Su-Jeong ra Hà Nội để
nhận giải thưởng sử học Phạm Thận Duật với đề tài “Lịch sử quan hệ Việt - Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại VN”. (Trong 9 năm kể từ khi ra đời Giải thưởng này, đây là lần thứ 2, Giải thưởng được trao cho một người nước ngoài). Cô có cuộc trò chuyện với TT&VH về công việc, cũng như những kế hoạch của mình.
- Đây là luận án tiến sỹ chuyên ngành sử học của tôi đã được bảo vệ vào tháng 9 tại Đại học Quốc gia TP HCM với sự hướng dẫn của hai giáo sư Việt Nam. Khi biết tin mình giành giải Nhì của Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật 2008, tôi vui nhưng cũng hơi ngỡ ngàng. Thú thật, là một người nước ngoài viết luận án về lịch sử Việt Nam, tôi thấy mình còn chịu nhiều hạn chế. Chẳng hạn, có rất nhiều vấn đề tôi muốn phân tích sâu hơn, kĩ hơn, nhưng phải… bó tay vì hạn chế bởi khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt của mình.
* Năm 2000, chị cũng hoàn thành luận văn thạc sĩ về đề tài chiến tranh Việt Nam. Và đến giờ là luận án tiến sỹ. Cho đến nay, chị cũng đã có gần 15 năm ở Việt Nam, nói ngắn gọn, đâu là lí do của sự lựa chọn ấy của chị?
- Đề tài luận văn thạc sĩ của tôi là “Sự can dự của quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1964-1973)”. Năm 2000, tôi hoàn thành luận văn ấy tại trường ĐH Quốc Gia TP.HCM trong trình trạng… bảo vệ “kín”. Bởi, trước đó, kể từ năm 1999, loạt phóng sự về các vụ thảm sát của binh lính Hàn Quốc tại Việt Nam của tôi đã được đăng tải trên nhật báo The Hankyoreh 21 và đã gây ra phản ứng trái chiều từ dư luận Hàn Quốc.
Tôi cũng khó lí giải cụ thể về sự lựa chọn này. Đại khái, từ thập niên 80, khi còn học đại học, tôi và bạn bè đã truyền tay nhau cuốn Sống như anh (Trần Đình Vân) và những tập tư liệu về lịch sử giải phóng dân tộc Việt nam. Khi đó, bầu không khí tại Hàn Quốc khá ngột ngạt dưới sự cai trị của một chính quyền quân sự độc tài. Chúng tôi dấm dúi đọc những tập sách ấy, và từ trong lòng mình, tôi đã mơ ước được sang Việt Nam để tìm hiểu về phong trào đấu tranh giành độc lập. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp ngành Xã hội học và làm báo được 5 năm, tôi đã sang Việt Nam ngay vào năm 1993, khi hai nước vừa chính thức đặt quan hệ ngoại giao. Và mọi chuyện cứ kéo dài cho tới tận bây giờ.
Ku Su Jeong trong lễ trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật
* Chị mất 15 năm để hoàn thành 2 luận án thạc sĩ và tiến sĩ. Dường như, đó là một quãng thời gian khá dài và vất vả?
- Như đã nói, tôi học tiếng Việt nhưng vẫn bị hạn chế khá nhiều về ngôn ngữ. Nôm na, nếu một người Việt Nam bỏ ra một năm để hoàn thành một tập tài liệu bằng tiếng Việt thì tôi phải mất hơn ba năm để làm được điều ấy (cười). Ngoài ra, khi công bố loạt bài viết về những vụ thảm sát của quân đội Nam Hàn tại Sơn Mỹ và các tỉnh khác, cuộc sống của tôi đã thay đổi khá nhiều. Trước hết, đó là việc ứng xử với những phản ứng gay gắt của một số cựu binh Hàn Quốc tại đất nước tôi. Rồi, tới lượt nhiều tổ chức xã hội của Hàn Quốc cũng lên tiếng ủng hộ công việc tôi làm. Họ xây dựng một phong trào hoạt động xã hội với tên gọi “Thành thật xin lỗi VN”. Tôi tất nhiên đã tham gia vào những hoạt động ấy, và đi đi lại lại khá nhiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc nên không có thời gian chuyên tâm cho công việc.
* Một câu hỏi tế nhị: quãng thời gian 15 năm ấy chị sống bằng nguồn kinh phí thế nào?
- Tôi sang Việt Nam dưới hình thức du học tự túc, nên ban đầu không có nguồn kinh phí nào hỗ trợ. Quãng thời gian ấy tôi làm nhiều nghề: phiên dịch, viết báo, thậm chí được kinh phí hỗ trợ từ gia đình nữa (cười). Rồi tôi còn làm cộng tác viên của cục Văn thư lưu trữ Hàn Quốc nên có một khoản thu nhập cũng tàm tạm. Bù vào đó, tôi được sự giúp đỡ của bạn bè Việt Nam rất nhiều. Sau loạt bài năm 1999, rất nhiều người đã giúp đỡ tôi trong công việc của mình. Và việc bảo vệ luận án tiến sĩ sử học này cũng khó mà hoàn thành nếu không có sự giúp đỡ của họ.
* Vậy quãng thời gian tới, công việc của chị sẽ là gì?
- Trước đây, tôi vẫn theo đuổi việc hoàn thành luận văn tiến sĩ tại Việt Nam về chuyên ngành lịch sử. Bây giờ, khi mọi chuyện đã xong, tôi sẽ phải cân nhắc về tương lai của mình. Bạn biết đấy, tôi sang Việt Nam năm 27 tuổi và bây giờ đã 42 tuổi rồi, nhưng vẫn còn độc thân. Nếu không quyết định ngay bây giờ, tương lai tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng cho mình. Nhưng, trái tim tôi vẫn muốn ở lại Việt Nam lắm, bởi vậy tôi đang suy nghĩ rất nhiều…
Sau loạt bài của Ku Su Jeong năm 1999, nhật báo Hankyoreh đã phát động chiến dịch “Xin tha thứ cho lịch sử đáng xấu hổ của chúng tôi” để phần nào chia sẻ nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh Việt Nam. Kết quả của chiến dịch nói trên, vào năm 2002, với sự quyên góp của độc giả, tòa soạn đã xây dựng Công viên Hòa bình Hàn - Việt tại tỉnh Phú Yên nước ta. Chiến dịch này cũng dẫn đến nhiều hoạt động tại Việt Nam do các tổ chức phi Chính phủ của Hàn Quốc thực hiện như xây dựng Đài tưởng niệm, gửi tiền trợ cấp hàng tháng cho nạn nhân chiến tranh.
Lấy đề tài từ công việc của Ku Su-Jeong, bộ phim tài liệu Di chúc của những oan hồn của đạo diễn Văn Lê tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIII đã đoạt giải Bông sen vàng. Cũng với đề tài này, vở kịch Giữa hai bờ sương khói của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, đã đoạt giải kịch bản xuất sắc nhất tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2004. |
Cúc Đường (thực hiện)