Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam: Phạm Đương gọi chữ về trong "Giờ thứ 25"

21/01/2013 07:10 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tập thơ Giờ thứ 25 của nhà thơ Phạm Đương đã đoạt 1 trong 3 giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay. Sau những ì xèo xung quanh giải suốt mấy ngày qua, dự kiến sáng nay (21/1), Ban chấp hành Hội Nhà văn sẽ họp để nghe ban chung khảo báo cáo về kết quả chấm giải và sẽ có quyết định chính thức.

1. Quá bất ngờ khi tập thơ mỏng mảnh, thổi cái đã bay, Giờ thứ 25 của nhà thơ Phạm Đương lại rung vang những giọt khác biệt đậm và chắc, mật mà phiêu về cuộc chữ, cuộc người. Không gian, thời gian mở lòng với tác giả, cùng hợp bích trình dựng lên những xúc cảm, những giá trị sống giữa một thế giới thơ, thế giới người đầy ắp những suy tư, dằn vặt.

Đó là sự chiêm nghiệm mặn ngọt chua cay của đời sống “bao năm anh lẫn vào đám đông/ lúc nào cũng sợ mà không biết mình sợ điều gì/ sợ cả sự lặng thinh lẫn những nơi to tiếng/ rồi một ngày/ anh thành đám đông lúc nào không hay/ một cánh tay chai sần một cánh tay tê liệt/ sau bao lần nhất trí” (Đám đông có lúc).

Nhà thơ Phạm Đương (ngoài cùng, bên phải) cùng các nhà văn tại Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại, nhìn từ miền Trung. Ảnh: Lãng Ma

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vừa cho biết đầu năm 1991 khi làm tạp chí Cửa Việt, đã giới thiệu 2 bài thơ của Phạm Đương trên số 7, đây là lần đầu Phạm Đương được giới thiệu 1 chùm thơ (chỉ có 2 bài), trong đó có bài Mãn tính đầy chua chát, đắng đót về sự dối trá: “Nói dối một lần/ Một lần đỏ mặt/ Nói dối hai lần/ Hai lần đỏ mặt/ Nói dối trăm lần/ Mặt như quả gấc/ Nói dối suốt đời/ Mặt không đổi sắc”. “Lá thư với những dòng chữ yêu thương/ được anh đọc trong một ngày nhàn nhạt/ bây giờ có ngâm toàn thân trong muối/ cũng không thể nào mặn được”.

Giờ của những ý hướng giác quan, ấm ướt những cảm nghiệm về bản mệnh thi ca chính là Giờ thứ 25, ở đó không đòi hỏi sự thuyết minh của trí năng độc điệu. Có vô số nẻo đường đến với thơ, chắt lọc để tạo nên những tâm huyết trong sáng tạo độc lập thật không dễ dàng gì. Phạm Đương đã cảm nghiệm, lãnh hội và phơi trải ánh sáng của tâm hồn trong sự đốn ngộ vô hình thi ca: “Bỏ lại mọi toan tính phía sau lưng/ anh có giờ thứ hai lăm khuya khoắt/ giờ thứ hai lăm ngọt nhạt/ giờ thứ hai lăm bồn chồn…/ gọi chữ về như gọi đàn chim mải chơi quên tối/ đôi khi/ chữ bỏ đi và chim về núi/ nhà thơ gặp lại bóng mình” (Nhà thơ).

2. Trò chuyện với Phạm Đương, anh hồ hởi mê đắm với những suy nghĩ về nghề văn với những nhọc nhằn của sáng tạo và khẳng định thơ không có chỗ cho sự lười biếng, nhưng cố để cho ra thơ thì đó là thứ phế phẩm. Thơ có thể mang lại cho nhà thơ một chút danh hờ nào đó nhưng cố kiếm danh bằng thơ thì sẽ khó có thơ hay.

Chẳng ai ngờ một Phạm Đương bụi bặm báo chí giang hồ thoắt ẩn thoắt hiện lại tinh tế, nảy nở những sâu kín thăm thẳm Trong xó bếp đến chùng lòng: “Chỉ có lũ gián và chuột ngự trị/ trong xó bếp lúc tăm tối/ chợt một ngọn lửa ấm/ thắp lên/ cái dáng lui cui nhóm bếp/ không lẫn vào đâu được/ mẹ ta đâu đó đang về…”.

Nhà thơ Phạm Đương sinh năm 1961 tại Quảng Ngãi, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế. Đi bộ đội đến năm 1987 xuất ngũ về làm báo cho đến nay. Tác phẩm chính đã xuất bản: Bùn non (thơ, NXB Hội Nhà văn - 2003), Đêm không mơ ngày nắng (bút ký, NXB Đà Nẵng - 2004), Phượng (tản văn, NXB Lao động - 2005), Những bước chân gửi lại (thơ, NXB Hội Nhà văn - 2007), Sáng sáu chiều một (bút ký, 2008), Giờ thứ 25 (thơ, NXB Hội Nhà văn - 2012). Giải thưởng văn học: Giải ba bút ký báo Văn nghệ (2008), giải thưởng Hội Nhà văn 2012 cho tập thơ Giờ thứ 25.

Thơ hóa ra lại giản dị như cuộc đời, như mẹ, như ngọn lửa ấm… chiếu rọi những thi đường yêu thương và nhân ái.

Có người tiếc cho Phạm Đương, chẳng biết vô tình, hay cố ý đã lấy tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Giờ thứ 25 (The 25th hour) của nhà văn Romania Constantin Virgil Gheorghiu để đặt tên cho tập thơ của mình, để rồi chuốc lấy những sự ì xèo.

Tôi nghĩ, cũng thú vị, nhưng cái lõi, nhân tâm của nó (tập thơ) mới đáng luận.

Tôi thích những cái xôn xao, có lý do để tuyệt vọng, hoài nghi rồi tin tưởng và điên cuồng hy vọng. Những cơn mưa không sấm chớp thì thật buồn, một không gian văn chương dân chủ sẽ làm “hả” những cuộc chơi, ở đó mỗi người tiếp nhận và “phát sóng” theo con lộ thẩm mỹ của mình.

Dường như văn chương là cái gốc của mọi loại hình nghệ thuật, hành trình sáng tạo đầy cam go và thử thách đó không dành cho những người yếu đuối cả tinh thần lẫn thể xác, điều đáng sợ nhất là đánh mất mình, làm nô bộc cho những thị hiếu tầm thường, phải không nhà thơ Phạm Đương?

9 giải thưởng, bằng khen và 2 "sự cố"

Ngày 16/1, Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố 9 tác phẩm được giải thưởng và bằng khen của Hội. Trong lĩnh vực văn xuôi, tập truyện ngắn Thành phố đi vắng của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ được giải thưởng duy nhất. Tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc của nhà văn Y Ban và tiểu thuyết lịch sử Một thế kỷ bị mất của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam được Bằng khen.

Trong lĩnh vực thơ, ba tác phẩm đạt giải thưởng là Trường ca chân đất của nhà thơ Thanh Thảo; tập thơ Màu tự do của đất của nhà thơ Trần Quang Quý và tập thơ Giờ thứ 25 của nhà thơ Phạm Đương. Các tập thơ Hoa hoàng đàn nở muộn của nhà thơ Khuất Bình Nguyên và Tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng được Bằng khen.

Tác phẩm lý luận phê bình duy nhất được giải là tác phẩm Đa cực và điểm đến của nhà văn Văn Chinh.

Không lâu sau khi giải thưởng được công bố, cuối tuần qua, đã xôn xao chuyện 2 tác giả được nhận Bằng khen là nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam xin rút giải thưởng. Thông tin từ Hội Nhà văn VN cho hay, Hội sẽ nêu quan điểm về vấn đề này sau buổi họp vào thứ Hai này.

Lãng Ma
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm