Bản quyền nhạc Việt: Tải lậu lên Youtube sẽ bị gỡ bỏ

31/05/2013 08:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Người xem vẫn có thể truy cập vào mạng xã hội Youtube để xem miễn phí các ca khúc trong nước. Bù lại, doanh thu quảng cáo trên youtube sẽ được chia cho các ca sĩ tùy theo lượng truy cập. Đó là cách làm đang được POPS Worldwide – một công ty phân phối nhạc số - triển khai tại Việt Nam.

Tiến hành từ 8/2011 nhưng phải tới hôm qua 30/5, POPS Worldwide mới chính thức tổ chức công bố dự án của mình. Trong thời gian “âm thầm” trước đó, công ty này đã kí kết hợp tác với gần 100 ca sĩ và nghệ sĩ để triển khai dự án này, trong đó có những cái tên như Đàm Vĩnh Hưng, Lý Hải, Tuấn Hưng, Nhật Kim Anh, Văn Mai Hương.

Lượt truy cập là một căn cứ để trả tác quyền

Thay vì  tình trạng thoải mái nghe, tải về hoặc tải lên Youtube như trước đây, dự án của POPS Worldwide đã tác động đáng kể tới 2 đối tượng: người tạo ra sản phẩm âm nhạc (ca sĩ, nghệ sĩ) và người sử dụng thông thường. Việc này nhằm đem lại quyền lợi chính đáng cho các ca sĩ, và hạn chế phần nào tình trạng sử dụng “chùa” các ca khúc của họ trên Youtube như vừa qua.


Cụ thể, khi đăng kí bản quyền với YouTube, ca sỹ có thể đưa ra 2 lựa chọn: cho phép người dùng xem và sử dụng sản phẩm của mình (chẳng hạn như dùng làm nhạc nền cho clip tự tạo) hoặc chỉ cho phép xem đơn thuần.  Tùy theo những trường hợp cụ thể về số lượt truy cập, thời điểm truy cập..., ca sĩ sẽ được chia sẻ một phần lợi nhuận trích từ việc bán quảng cáo trên mạng xã hội này.

Không tiết lộ cụ thể về các mức chia sẻ thù lao, bà Vĩnh Hạnh - Giám đốc Dự án – cho biết: Thông thường, việc có ca khúc được trên Youtube sẽ tạo tác động rất tích cực tới việc kinh doanh âm nhạc của ca sĩ trên những hệ thống phân phối khác. “Điển hình là trường hợp của ca sĩ Văn Mai Hương. Kể từ khi đưa một vài ca khúc lên Youtube, các sản phẩm của Hương đã nhanh chóng đạt lượng truy cập tới hơn 1 triệu lượt view. Gần như ngay tiếp đó, lượng các bài hát được tải về trong dịch vụ nhạc chờ điện thoại của ca sĩ này cũng tăng tới mức kỉ lục”.

Bà Hạnh cho biết thêm, vì lý do đó, “các ca sĩ cũng khá nhiệt tình trong sự hợp tác này, chứ không chỉ biết quan tâm tới mức thù lao quảng cáo được chia”

Bảo vệ quyền lợi và hình ảnh nghệ sĩ

Tất nhiên, với trường hợp người dùng cố tình tải các sản phẩm chưa được ca sĩ đồng ý cho sử dụng lên Youtube, phía Pops sẽ có trách nhiệm yêu cầu họ gỡ bỏ (và trực tiếp thực hiện nếu người dùng thiếu hợp tác). Điều này được áp dụng cả với trường hợp người dùng tự ý sử dụng các clip ca sĩ để quảng cáo, kinh doanh, hoặc cắt xén, lồng ghép với mục đích bôi nhọ hình ảnh.

Còn trong trường hợp những clip “chế” từ nhạc nền của ca sĩ được phép sử dụng, hệ thống đếm tự động sẽ tính số lượt truy cập vào các clip này cho  lượt view của ca sĩ.

“Thực tế cho thấy, việc sử dụng phần nhạc nền của các ca sĩ để ghép với nội dung khác như video clip quay cảnh sinh nhật, đám cưới, hoặc chạy các hình ảnh cá nhân... khá phổ biến. Chúng tôi có hệ thống đặc biệt để nhận dạng khi người dùng sử dụng các clip có phần âm nhạc này” - bà Hạnh cho biết thêm.”

Theo lời bà Hạnh, trường hợp phải xử lý để bảo vệ hình ảnh ca sĩ gần đây nhất xảy ra với bé Bảo An (từng được biết tới qua giải âm nhạc Doremi). Một cá nhân đã sử dụng clip ca khúc Bé chút chít của Bảo An lồng với dòng quảng cáo địa chỉ trang web bán “thuốc tình yêu” để đưa lên mạng Youtube. Khi biết tin, gia đình Bảo An đã phản ứng vì dòng quảng cáo có nội dung rất “người lớn” này, và tiếp đó, clip phải gỡ bỏ.

Trong cách tư duy chung, đa phần những người sử dụng internet tại VN vẫn mặc nhiên cho rằng mạng xã hội Youtube không hề có bản quyền. Bởi vậy, ít nhiều, dự án này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới thói quen sử dụng và chia sẻ trên Youtube lâu nay của người dùng trong nước.

Bản quyền phim Việt trên Youtube Theo đại diện của POPS Worldwide, đơn vị này cũng đã triển khai một dự án để bảo vệ bản quyền của các bộ phim Việt Nam trên mạng Youtube và sẽ chính thức công bố trong thời gian gần.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm