11/07/2008 20:53 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH Online) - Hầu hết đều cho rằng khoảng cách về trình độ giữa Nadal với Federer ở trên mặt sân cỏ Wimbledon tựa như sợi dây cao su bị kéo dài hơn so với trạng thái bình thường. Chính điều ấy đã khiến chiến thắng của Nadal trước Federer trong trận chung kết của Grand Slam danh giá nhất trong năm trở thành một huyền thoại. Giờ đây, chính tay vợt người Tây Ban Nha mới là “King of grass” (Vua mặt sân cỏ).
Tấn công kiểu Nadal
Huyền thoại không có nghĩa là may mắn hay mang tính ngẫu nhiên. Huyền thoại Nadal trước Federer là một công trình khoa học (nếu có thể gọi như thế) mà ở đó người ta đã thấy đằng sau những cú đánh của anh ẩn chứa một bí quyết chiến thắng của người phương Đông: biết mình và hiểu đối thủ tới chân tơ kẽ tóc.
Nhân vô thập toàn, con người không ai là không có điểm yếu. Tennis cũng thế, bất cứ tay vợt nào cũng có những hạn chế. Vấn đề là anh có thể buộc đối phương bộc lộ và khai thác tối đa điểm yếu đó hay không. Điểm yếu của Federer chính là cú trái tay backhand (hay gọi một cách dân dã là “ve”), dù cho ai cũng nói, rằng không ai trên thế giới có thể thực hiện tốt hơn tay vợt người Thụy Sỹ ở kỹ năng này. Nói chuẩn xác hơn, nó là hạn chế của tự bản thân cú backhand.
Cụ thể: khi thực hiện kỹ thuật này, độ cao ưa thích của trái banh nỉ khi nó tiếp xúc với cây vợt là ngang với tầm cao của hông. Nếu banh bay cao hơn, các tay vợt sẽ không đánh trượt mục tiêu, nhưng không thể đưa trái banh nỉ đi theo ý muốn và gây khó khăn trở lại cho đối phương. Nó thậm chí sẽ trở thành một đường banh dọn cỗ, đối phương có cả một góc mở rất rộng để thoải mái lựa chọn cách thức kết liễu một đường banh, một game, một set hay cả một trận đấu. Nếu độ cao của trái banh nỉ cao tới vai, mọi thứ còn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Đó chính là lý do tại sao trong trận chung kết ngày 6-7 lịch sử của Wimbledon, của làng banh nỉ thế giới và của riêng bản thân Rafa (tên thân mật của Rafael Nadal), người ta lại thấy những cú thuận tay của anh cài sang góc bên trái của Federer, trái banh khi tiếp xúc mặt sân lại không đi cắm xuống mà nâng cao hơn, theo kiểu hình “cầu vồng”. Nó có vẻ đã tạo ra cảm giác ức chế cho không ít những người hâm mộ Nadal, vì họ thấy anh không thể tự mình dứt điểm, thiếu quyết đoán, không dám tấn công trong mọi thời điểm mà chỉ trông chờ vào đối tự đánh hỏng (unforced error) hoặc chỉ tấn công ở những đường banh chắc ăn.
Nadal biết phân phối tốt để không kiệt sức
Khi chơi trên sân đất nện (như tại Roland Garros – French Open), Nadal được hưởng lợi một cách tự nhiên, vì trên mặt sân này, trái banh luôn có xu hướng bay chậm và bật cao lên. Còn ở mặt sân cỏ, để trái banh dựng cao lên, Nadal phải tạo ra thêm nhiều độ xoáy. Đòi hỏi này làm “Hoàng tử Tây Ban Nha” mất rất nhiều sức. Chính vì thế, một vấn đề đặt ra cho Nadal là anh phải phân phối sức lực. Federer nhiều hơn Nadal 5 tuổi, nhưng anh đánh ít tốn sức hơn với cách chơi mềm mại có độ chuẩn xác cực cao.
Khi làm chủ được tình thế và chiến thuật của Nadal phát huy tối đa (2 set đầu), người ta chỉ thấy anh cố gắng giành được 1 game khi Federer giao bóng, rồi lập tức buông trong các game còn lại (dĩ nhiên, Nadal nỗ lực chiến thắng trong tất cả các game anh cầm giao bóng). 50% năng lượng của Nadal đã được tiết kiệm nhờ chiến thuật này và anh vẫn chơi cực kỳ tốt trong những game cuối của set thứ 5 của một trận đấu chỉ kém 12 phút là đầy 5 tiếng đồng hồ.
Và Nadal ở thế thượng phong
Nadal hiểu Federer thì không có nghĩa là Federer mù tịt về đối thủ của anh. Và Federer cũng không tự tin tới mức kiêu ngạo để chơi thứ tennis của riêng mình và buộc đối thủ phải chạy theo. Federer cũng có một lối chơi riêng để “phục vụ” đối thủ lớn nhất của anh hiện nay trong làng banh nỉ thế giới. Thậm chí, nó được xây dựng suốt từ năm 2006.
Nhưng sự khác biệt giữa 2 thời điểm là Nadal đã hoàn thiện cú trái tay của anh lên một tầm cao mới. 2 năm trước là những cú backhand banh bay khá “vô tổ chức”, thì bây giờ, nó có điểm đến theo ý muốn của anh. Đặc biệt là Nadal có thể thực hiện những cú backhand chéo sân cực kỳ hóc hiểm, ổn định và chính xác.
Và xét ở khía cạnh này, người ta mới thấy Nadal đã hoàn thiện rất nhiều những cú đánh của anh và cả cách đánh (bao gồm cả các động tác di chuyển, kỹ thuật) trên các mặt sân khác nhau. Nó chứng tỏ Nadal đã mạnh hơn rất nhiều so với chính anh quãng thời gian 2-3 năm trước. Nếu chuẩn xác hơn, và “lạnh” hơn khi đã chạm đến ngưỡng cửa thiên đường, Nadal đã có thể dứt điểm trận chung kết Wimbledon 2008 với tỉ số 3-0 hoặc 4-1 chứ không phải là 3-2.
Kỹ năng của Nadal
Đã nâng cấp
Giao bóng: Nadal chỉ có 6 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp (ace) so với 25 của Federer nhưng, không có nghĩa Nadal kém ở kỹ năng này. Anh đã phát bóng nhanh hơn (tối đa 120 dặm/giờ, trung bình là 112 dặm/giờ) và chuẩn xác hơn (73%).
Trả giao bóng: Có thể nói, khi Nadal đã không bị cú giao bóng của Federer khuất phục thì anh có thể đứng vững trước bất cứ tay vợt nào, có lẽ, kể cả Greg Rusedski ở thời đỉnh cao khoảng 5-7 năm trước.
Backhand (ve): Thực hiện cú backhand bằng 2 tay, nhưng với những cú thả vợt vòng hết qua vai, nên Nadal có thể tạo nên những cú đánh chéo sân, thậm chí banh rơi ngay sát lưới và cắt gần như ngang mặt sân.
Forehand (đoa): Đây là điểm mạnh nhất của Nadal. Không chỉ chéo sân mà còn biến hóa, hoặc rất mạnh và chìm, hoặc rất xoáy và bổng có độ chuẩn xác cao, thường rơi vào góc vuông ở vạch ngang thứ hai (từ dưới sân tính lên).
Chưa nâng cấp
Volley: Nadal không thuộc trường phái lên lưới tấn công bằng 1 cú volley sau những lần giao bóng của anh, nên đây là một trong những cú mà tay vợt 22 tuổi chỉ đạt tới mức độ tầm thường so với làng banh nỉ đỉnh cao thế giới.
Drop shot (bỏ nhỏ): Khá ngạc nhiên khi Nadal có tốc độ di chuyển rất cao cùng sự bền bỉ về thể lực nhưng anh cũng không thiện nghệ trong những cú bỏ nhỏ. Có vẻ như nguyên nhân của nó tương tự với cú volley nói trên. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất