Arsenal: Wenger đã phản bội cuộc cách mạng của chính mình?

25/12/2016 05:49 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Những thành công từ quá khứ trở thành một nỗi ám ảnh với Arsene Wenger. Dù HLV người Pháp đã chấp nhận thay đổi, ông vẫn chưa đưa Arsenal tìm lại với đỉnh cao nhất của Premier League.

Quá khứ là một cuộc cách mạng thần thánh

Thuật ngữ “Arsenal buồn chán” bị gán cho đội bóng của ông Wenger từ thời họ có quá nhiều cầu thủ người Pháp trong đội hình ở giai đoạn 1998 -2003. Đó là thời Arsenal khiến cho cả Premier League nói riêng và bóng đá châu Âu nói chung phải ngưỡng mộ bởi sức mạnh tuyệt đỉnh của mình. Họ có Petit, Vieira, Henry, những người có ảnh hưởng cực lớn lên lối chơi của Arsenal. Tuy nhiên, trước khi nhắc đến họ, cần phải nhấn mạnh vai trò của Dennis Bergkamp, người được ngưỡng mộ bởi tài năng với lối chơi bóng như thêu hoa dệt gấm. Ngôi sao người Hà Lan không thích những bàn thắng kiểu xấu xí. Anh luôn ra sân vì cái đẹp và nghệ thuật ở mỗi trận đấu. Anh là cầu thủ phản ánh triết lý của Wenger. Chính HLV người Pháp đã nói về Bergkamp như là "hiện thân của cái đẹp" trong một bài phỏng vấn trên tờ L’Equipe của Pháp.  Bergkamp là cầu thủ đáng xem nhất của Arsenal thời đó.


Arsenal từng khiến mọi đối thủ phải ngưỡng mộ với lối đá đẹp mắt của mình

Thứ bóng đá hoàn hảo không tồn tại nhưng dưới thời Wenger, Arsenal vẫn có một chức vô địch hoàn hảo. Đó là vào mùa 2003-04, khi họ vô địch Premier League mà không thua một trận nào. Chính chức vô địch của Arsenal đã giúp Wenger khẳng định một điều: HLV nước ngoài cũng có thể thành công ở Premier League chứ không phải đơn thuần là những nhà cầm quân thuộc Vương quốc Anh. Trước đó, khi bổ nhiệm Wenger vào chiếc ghế HLV trưởng, BLĐ Arsenal đã bị hoài nghi rất nhiều về quyết định này. Nhiều thành viên trong BLĐ thậm chí còn phản đối. Nhưng phó Chủ tịch Arsenal khi đó là David Dein vẫn bảo lưu quyết định. Đó là một canh bạc thắng lợi của Dein và khiến phần còn lại của BLĐ Arsenal không bao giờ phải hối tiếc.

Khi Wenger đến Arsenal, ông cùng với Ruud Gullit của Chelsea là hai HLV nước ngoài làm việc bên cạnh 18 HLV khác là người Vương quốc Anh. Bây giờ, chỉ có 7 HLV Vương quốc Anh đang làm việc ở Premier League. Phần còn lại đều là những người nước ngoài. Có thể khẳng định, chính thành công mà Wenger mang lại cho Arsenal đã mở đường cho Jose Mourinho và các HLV nước ngoài khác đổ bộ lên Premier League. Nhưng cũng chính những HLV nước ngoài này cũng đang là nguyên nhân khiến Wenger không còn vô địch Premier League nữa.

Từ mùa 2003-04, Arsenal đã không còn vô địch Premier League. Mùa trước và mùa này, có những thời điểm Arsenal đã tiến gần với chức vô địch, nhưng chưa bao giờ họ tạo ra cảm giác chắc chắn. Ở thời điểm hiện tại, Arsenal đã trở lại vị trí thứ Tư thường thấy trên bảng xếp hạng và đây lại là lúc các CĐV Arsenal nghi ngờ HLV người Pháp. Liệu đây có phải là mùa bóng cuối cùng của ông Wenger ở Arsenal? Không dễ để đưa ra câu trả lời nhưng cơn khát danh hiệu kéo dài 12 năm đang thách thức lòng kiên nhẫn của các fan Pháo thủ. "Với Wenger, chúng ta luôn có niềm tin" dường như không còn là câu cửa miệng ở Emirates nữa.


Arsenal đã không vô địch Premier League trong nhiều năm

Wenger đi ngược lại với triết lý của chính ông

Thứ nhất, Arsenal phải bán ngôi sao để lấy tiền xây sân bóng. Với sân Emirates, sức chứa sân nhà của Arsenal được nâng từ 38.000 lên 60.000 chỗ ngồi. Mùa cuối cùng ở sân bóng cũ Highbury, Arsenal thu tiền từ bán vé được khoảng 44 triệu bảng trong khi năm ngoái ở sân Emirates, họ thu 91 triệu bảng từ tiền bán vé, nghĩa là gấp hơn 2 lần. Quyết định xây sân Emirates được phê duyệt vòa năm 2002, thời điểm Arsenal có doanh thu hàng năm lên tới 100 triệu bảng và kinh phí dự toán để xây sân bóng là 350 triệu bảng. BLĐ Arsenal đã không đi vay tiền để xây sân bóng do vậy họ quyết định bù vào bằng việc bán cầu thủ cũng như bán khu liên hợp thể thao xung quanh sân Highbury cũ.


Emirates là một trong những nguyên nhân khiến Arsenal phải bán cầu thủ

Điều này trái ngược với xu thế khi đó. Nhiều CLB có tình trạng tài chính kém hơn vẫn có thể xây sân bóng mới bằng việc tiến hành vay tiền từ các ngân hàng với những cam kết về doanh thu bù lại trong tương lai. Arsenal đi ngược lại xu thế bởi họ muốn tránh những nguy cơ rủi ro về tài chính có thể khiến CLB rơi vào tình trạng phá sản. Và họ thành công với chính sách của mình ở khía cạnh làm kinh tế khi có sân bóng mới mà không phải gồng mình trước những khoản nợ phình to từ các ngân hàng.

Thứ hai, Wenger buộc phải thay đổi chính sách chuyển nhượng. Trong hơn 7000 ngày làm việc với tư cách HLV của Pháo thủ, ông giúp Arsenal luôn có một vị trí dự Champions League ở mỗi mùa bóng. Bên cạnh đó, Wenger chứng minh đầu óc kinh doanh của mình khi mua về những cầu thủ giá rẻ nhưng lại bán họ đi với những giá cao ngất ngưởng.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Thời đại của Wenger, khi mà ông có mạng lưới tuyển trạch viên giỏi có thể tìm những tài năng trẻ kiểu "ngon - bổ - rẻ", đã qua. Tính cạnh tranh ngày càng được đẩy lên cao và Arsenal cũng buộc phải thay đổi chính sách chuyển nhượng của mình bằng việc bỏ tiền để mua những cầu thủ đắt giá thế giới. Đó là Mesut Oezil, là Alexis Sanchez hay Mustafi.


Wenger đã thay đổi chính sách chuyển nhượng và mang về những "bom tấn"

Nhưng với những bản hợp đồng đắt giá này, Arsenal có những cầu thủ giỏi nhưng đội hình của họ chưa đủ mạnh. Nó khác với thời của Henry, Vieira và Bergkamp, những cầu thủ kiệt suất và khi đặt cạnh nhau, họ tạo ra một tập thể mạnh. Đó là điều kiện để giúp Arsenal có những danh hiệu.

Bây giờ, Arsenal có Sanchez, Oezil, Walcott, Mustafi hay Carzola nhưng họ lại không thể hiện được giá trị cao nhất ở khía cạnh tập thể. Điều đó giải thích cho việc tại sao Arsenal chỉ thăng hoa ở từng trận một chứ không duy trì được sự ổn định. Họ chơi hay đầu mùa nhưng lại hụt hơi vào giai đoạn năm mới để rồi ngậm ngùi nhìn đối thủ nâng chức vô địch vào cuối mùa. 12 mùa bóng đã qua, kịch bản này luôn tái hiện.

Nếu Arsenal một lần nữa không thể vô địch trong mùa bóng này, Wenger một lần nữa thất bại cho dù ông đã chấp nhận thay đổi và đi ngược lại với chính cuộc cách mạng mà mình tạo ra. Như thế, có lẽ ông thời đại của ông ở Arsenal coi như đã hết...

Trần Giáp
Thể thao & Văn hóa Cuối Tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm