04/10/2011 12:47 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - 3 khoa học gia giải mã bí mật trong cách thức hoạt động của hệ miễn nhiễm cơ thể người đã trở thành các cá nhân được trao giải Nobel Y học 2011, vốn mở màn cho mùa giải Nobel năm nay. Tuy nhiên, một sự cố hy hữu đã nảy sinh do một trong số họ qua đời chỉ vài ngày trước lễ công bố và theo quy định, người này có khả năng bị thu hồi giải thưởng.
Trong thông cáo báo chí gửi ra hôm 3/10, Viện Karolinska Thụy Điển nói rằng giải Nobel Y học đã thuộc về 3 khoa học gia Bruce Beutler (quốc tịch Mỹ), Jules Hoffmann (Luxembourg-Pháp) và Ralph Steinman (Canada-Mỹ). “Những người đoạt giải Nobel Y học năm nay đã cách mạng hoá sự hiểu biết của chúng ta về hệ miễn nhiễm của cơ thể thông qua sự phát hiện các nguyên tắc cơ bản giúp hệ thống hoạt động” - Viện Karolinska nói.
Trong một sự kiện hy hữu, Uỷ ban Nobel nói rằng họ chẳng liên hệ được với ai
trong số 3 nhà khoa học kể trên để chúc mừng việc họ đoạt giải
Những con người mở cửa bí mật hệ miễn nhiễm
Beutler, 55 tuổi và Hoffmann, 70 tuổi, sẽ cùng nhau chia sẻ nửa số tiền thưởng của giải Nobel Y học, vốn có tổng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (1,48 triệu USD). Họ phát hiện rằng các protein cảm thụ quan (receptor protein) đóng vai trò kích hoạt bước phòng vệ đầu tiên trong hệ thống miễn nhiễm của cơ thể. Chúng sẽ tích cực ngăn chặn sự tấn công của các vi khuẩn gây viêm nhiễm.
Năm 1996, Hoffman đã thực hiện một nghiên cứu ở Strasbourg về cách thức chống bệnh lây nhiễm của loài ruồi dấm. Trong đó, ông đã tìm thấy một protein cảm thụ quan mang tên Toll chuyên “đánh hơi” tìm kiếm sự xuất hiện của các vi bào có hại cho cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chúng.
Beutler đã tiếp tục mở rộng nghiên cứu của Hoffman khi ông làm việc tại Đại học Texas hồi năm 1998. Trong các nghiên cứu ở phòng thí nghiệm trường, Beutler thấy rằng loài chuột cũng có một protein cảm thụ quan với nguyên tắc hoạt động giống Toll. Dựa vào đó, Beutler đã chứng minh rằng động vật có vú và ruồi dấm có chung chuỗi phản ứng miễn nhiễm giống nhau.
Steinman, 68 tuổi, nhận nửa giải Nobel vì công trình nghiên cứu về lớp phòng vệ thứ 2 của cơ thể, còn được gọi là phản ứng điều chỉnh. Năm 1973, ông đã phát hiện một loại tế bào mới hình cây và chứng minh vai trò của nó trong việc tạo ra các tế bào T, các cỗ pháo hạng nặng của hệ miễn nhiễm, trực tiếp tiêu diệt mầm bệnh. Tế bào T còn là một phần của bộ nhớ miễn nhiễm, giúp tổ chức một cuộc tấn công nhanh hơn, mạnh hơn nếu cùng một loại mầm bệnh tái xâm nhập cơ thể. Steinman cũng chứng minh rằng hệ miễn nhiễm có thể tấn công các vi bào nguy hại trong khi không động tới các tế bào lành tính trong cơ thể.
Công trình nghiên cứu của 3 khoa học gia đã đóng vai trò nòng cốt giúp việc phát triển nhiều loại vắc xin chống bệnh lây nhiễm, cũng như các hướng tiếp cận mới trong việc chống ung thư. Nghiên cứu còn đặt nền tảng cho làn sóng mới của cái gọi là “vắc xin chữa bệnh”, trong đó kích thích hệ miễn nhiễm tích cực tấn công khối u ác tính trong cơ thể.
Từ trái qua: Bruce Beutler, Jules Hoffmann và Ralph Steinman, Vượt qua nhiều gương mặt sáng giá
3 nhà khoa học chia sẻ giải Nobel Y học năm nay
Trước lễ công bố, đã có những phỏng đoán rằng giải Nobel Y học có thể thuộc về Douglas Coleman (Canada-Mỹ) và Jeffrey Friedman (Mỹ), những nhà nghiên cứu đã nhận vài giải thưởng vì vai trò của họ trong việc phát hiện leptin, một hormone điều phối lượng thực phẩm cơ thể nạp vào và trọng lượng cơ thể. Hai người cũng chứng minh rằng bệnh béo phì có liên quan tới sự đứt quãng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, nói cách khác là thiếu hormone leptin, thay vì là một vấn đề do bản tính gây ra. Năm ngoái, Coleman và Friedman đã nhận giải Lasker, thường được xem là dấu hiệu báo trước cho việc họ sẽ nhận giải Nobel.
Tương tự là nhà nghiên cứu Shinya Yamanaka (Nhật Bản). Bà đã phát hiện rằng tế bào gốc có thể làm ra từ tế bào da thông thường. Nghiên cứu của bà đã giúp thúc đẩy việc nghiên cứu tế bào gốc, bởi người ta không còn phải trích xuất chúng từ phôi thai người, một hành động bị xem là phi đạo đức. Yamanaka cũng từng giành giải Lasker hồi năm 2009 và năm nay bà đã chia sẻ giải Wolf cùng một số nhà nghiên cứu khác. Được biết 1/3 những người đã nhận giải Wolf trong các lĩnh vực hoá học, vật lý và y học đều đã nhận thêm giải Nobel.
Một số gương mặt sáng giá cũng được xét tới là bộ ba Ronald Evans, Elwood Jensen và Pierre Chambon (tới từ Pháp và Mỹ) vì nghiên cứu của họ nhằm vào các cơ quan thụ cảm hormone; David Julius (Mỹ) với nghiên cứu cơ chế để da cảm nhận sự đau đớn, cảm giác nóng và lạnh; Brian Druker, Nicholas Lydon và Charles Sawyers (đều mang quốc tịch Mỹ), với công trình nghiên cứu các thuốc Gleevec và Sprycel, giúp biến bệnh máu trắng cực kỳ nguy hiểm thành một tình trạng bệnh mãn tính có thể quản lý được và giúp giữ mạng sống bệnh nhân; Robert Langer và Joseph Vacanti (Mỹ), vì các nghiên cứu về thuốc tái tạo cơ thể.
Song Thư ký Uỷ ban giải Nobel Goran Hansson đã tuyên bố giải Nobel Y học năm nay sẽ được trao cho các nghiên cứu mang tính nền tảng, giúp dẫn tới sự thấu hiểu về cơ thể con người và hoặc sự chữa trị, ngăn chặn bệnh tật”. Việc bộ ba nhà khoa học kể trên đoạt giải đã thể hiện đúng tinh thần tuyên bố của ông.
Một sự cố không lường trước
Tuy nhiên, hiện đang có một rắc rối xảy ra. Số là Uỷ ban Nobel không hay biết Ralph Steinman đã chết trước lễ công bố trao giải 3 ngày vì bệnh ung thư tuyến tuỵ. Giới chức Nobel nói rằng đây là lần đầu tiên có một người đoạt giải qua đời trước lễ công bố mà họ không hay biết.
“Hoàn toàn có thể nói chuyện này chưa từng xảy ra trước đây” - phát ngôn viên Quỹ Nobel, Annika Pontikis, nói với AP. Theo quy định, giải Nobel không dùng để truy tặng nên chưa biết Steinman có bị rút lại giải thưởng hay không.
Theo truyền thống, y học là giải Nobel đầu tiên được công bố tên người chiến thắng. Theo chân giải này là các giải khác trong lĩnh vực vật lý, hoá học, văn học và hoà bình. Được biết kể từ năm 1901, Uỷ ban Nobel đã trao 101 giải Nobel Y học. Người nhận giải trẻ nhất là Frederick G. Banting, mới 32 tuổi và già nhất là Peyton Rous, 87 tuổi.
Tường Linh (Theo Reuters)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất