Giải Nobel Hóa học 2021 và các Giải Nobel Hóa học trong 10 năm trở lại đây

06/10/2021 22:10 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 16h45 ngày 6/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Hóa học năm 2021 thuộc về hai nhà khoa học Benjamin List (người Đức) và David MacMillan (người Mỹ) với công trình khoa học nghiên cứu sự phát triển chất hữu cơ bất đối xứng làm xúc tác. Nobel Hóa học là giải thưởng thứ ba được công bố trong mùa giải Nobel năm 2021 và là giải Nobel Hóa học thứ 113 được trao kể từ năm 1901.

Nobel 2021: Những gương mặt được kỳ vọng đoạt giải Nobel Hóa học

Nobel 2021: Những gương mặt được kỳ vọng đoạt giải Nobel Hóa học

Khoảng 16h30 ngày 6/10 (theo giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển sẽ vinh danh chủ nhân của giải Nobel Hóa học 2021.

* Đề cao nghiên cứu về hình thức xúc tác

Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển nhấn mạnh hai nhà hóa học Benjamin List (người Đức) và David MacMillan (người Mỹ) xứng đáng được trao giải Nobel Hóa học 2021 với những cống hiến của họ trong việc phát triển một công cụ chính xác mới hình thành phân tử.

Thông báo của Ủy ban Nobel nêu rõ hai nhà khoa học Benjamin List  và David MacMillan đã nghiên cứu và phát triển hình thức xúc tác hữu cơ không đối xứng (asymmetric organocatalysis) trong quá trình hình thành phân tử. Nghiên cứu này có thể ứng dụng vào nghiên cứu dược phẩm đồng thời giúp hóa học trở nên thân thiện hơn với môi trường. 

Nhà khoa học Benjamin List, 53 tuổi, hiện là Giám đốc Viện  Max-Planck, Đức. Trong khi đó, nhà khoa học người Mỹ MacMillan cũng 53 tuổi và là Giáo sư tại Đại học Princeton, Mỹ. 

Giải Nobel Hóa học 2021, Giải Nobel hóa học trong 10 năm trở lại, Nobel hóa học, viện hàn lâm khoa học, viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển, Giải Nobel hóa học
 hai nhà khoa học Benjamin List (người Đức) và David MacMillan (người Mỹ) với công trình khoa học nghiên cứu sự phát triển chất hữu cơ bất đối xứng làm xúc tác.

Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển cho rằng nhiều lĩnh vực nghiên cứu và ngành công nghiệp phụ thuộc vào công trình nghiên cứu của các nhà hóa học trong việc hình thành các phân tử có khả năng tạo thành vật liệu đàn hồi và bền, tích trữ năng lượng trong pin hoặc ức chế sự phát triển của bệnh tật. Công việc này đòi hỏi chất xúc tác, là những chất kiểm soát và đẩy nhanh các phản ứng hóa học.

Theo ủy ban này, từ lâu giới khoa học cho rằng chỉ tồn tại hai chất xúc tác, đó là kim loại và enzyme. Tuy nhiên, từ năm 2000, hai nhà khoa học List và MacMillan đã thực hiện hai công trình nghiên cứu riêng biệt về chất hữu cơ bất đối xứng làm xúc tác và xây dựng công cụ này dựa trên những phân tử hữu cơ cỡ nhỏ.

* Các giải Nobel Hóa học trong 10 năm gần đây

 - Năm 2020: Giải Nobel Hóa học năm 2020 thuộc về hai nhà hóa học nữ, gồm nhà hóa học Emmanuelle Marie Charpentier (người Pháp) và nhà hóa học Jennifer Jennifer Anne Doudna (người Mỹ) với công trình phát triển phương pháp chỉnh sửa gene, mở đường cho những phương thức chữa bệnh mới.

 - Năm 2019: Ba nhà khoa học gồm John B.Goodenough (người Mỹ), M.Stanley Wittingham (người Anh) và Akira Yoshino (người Nhật Bản) được trao giải Nobel Hóa học 2019 với công trình nghiên cứu và phát triển các loại pin lithium-ion. Phát minh này rất quen thuộc với con người, đặc biệt phổ biến trong các thiết bị điện tử như điện thoại di động, xe hơi, các thiết bị giải trí, y tế, xe điện, hàng không... Hội đồng Giải thưởng Nobel đánh giá pin lithium-ion đã tạo ra một cuộc cách mạng cho cuộc sống của con người kể từ khi có mặt trên thị trường vào năm 1991, và loại pin này là "lợi ích vĩ đại nhất đối với nhân loại".

Giải Nobel Hóa học 2021, Giải Nobel hóa học trong 10 năm trở lại, Nobel hóa học, viện hàn lâm khoa học, viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển, Giải Nobel hóa học
Trao giải Nobel hóa học năm 2019

 - Năm 2018: Ba nhà khoa học gồm Frances H.Arnold (người Mỹ), George P.Smith (người Mỹ) và Ngài Gregory P.Winter (người Anh) được trao giải Nobel Hóa học 2018 nhờ những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực enzyme và kháng thể, đóng góp cho sự phát triển của ngành hóa chất và dược phẩm. Công trình của ba nhà khoa học trên đề cao sức mạnh của sự tiến hóa, thể hiện thông qua tính đa dạng của sự sống, đem lại lợi ích tối đa cho con người.

 - Năm 2017: Ba nhà khoa học Jacques Dubochet (người Thụy Sỹ), Joachim Frank (người Mỹ) và Richard Henderson (người Anh) được trao giải Nobel Hóa học 2017 nhờ phát triển kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh (cryo-electron microscopy) để xác định cấu trúc phân tử có độ phân giải cao trong dung dịch.

 - Năm 2016: Ba nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage (người Pháp), J.Fraser Stoddart (người Mỹ) và Bernard L. Feringa (người Hà Lan) nhận được giải thưởng Nobel Hóa học 2016 nhờ thiết kế và chế tạo ra các cỗ máy phân tử (hay còn gọi là cỗ máy nano). Bộ ba nhà khoa học này đã thành công trong việc nối các phân tử lại với nhau để thiết kế nên một chiếc máy nâng và các động cơ tí hon cùng với các cơ bắp cực nhỏ. Từ những nghiên cứu trên, họ đã phát triển được những cỗ máy nhỏ nhất thế giới. Nó cho thấy con người có thể tạo ra những cỗ máy nhỏ chỉ bằng 1/1.000 một sợi tóc.

Giải Nobel Hóa học 2021, Giải Nobel hóa học trong 10 năm trở lại, Nobel hóa học, viện hàn lâm khoa học, viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển, Giải Nobel hóa học
Giải Nobel Hóa học năm 2020 được Ủy ban Nobel thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển) công bố chiều 7/10 (theo giờ Việt Nam) thuộc về hai nhà hóa học nữ, gồm Emmanuelle Charpentier (Pháp) và Jennifer Anne Doudna (Mỹ), về phương pháp chỉnh sửa gene, giúp thay đổi "mật mã" của sự sống chỉ trong vài tuần.

 - Năm 2015: Ba nhà khoa học gồm Tomas Lindahl (người Thụy Điển), Paul Modrich (người Mỹ) và Aziz Sancar (mang hai quốc tịch Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ), cùng vinh dự nhận giải Nobel Hóa học 2015, với công trình nghiên cứu về cách thức tế bào sửa chữa những ADN bị hư hại. Nghiên cứu này đã giúp cung cấp kiến thức cơ bản về hoạt động của một tế bào sống, đồng thời cung cấp kiến thức về những nguyên nhân gây ra một số chứng bệnh di truyền ở cấp độ phân tử và những cơ chế đằng sau quá trình phát triển ung thư, lão hóa. Công trình này đã góp phần mở ra các phương pháp mới trong việc điều trị bệnh ung thư.

- Năm 2014: Ba nhà khoa học là Eric Betzig (người Mỹ), William Moerner (người Mỹ) và nhà khoa học Stefan Hell (người Đức) đoạt giải Nobel Hóa học 2014 vì có công mở ra một cánh cửa vào "thế giới nano" thông qua việc phát triển kỹ thuật kính hiển vi phát huỳnh quang siêu phân giải. Thành tựu mang tính đột phá của họ đã đưa việc sử dụng kính hiển vi quang học vào phạm vi nano...giúp chúng ta có thể ngắm nhìn thế giới nano.

- Năm 2013: Ba nhà khoa học gồm Martin Karplus (người Mỹ gốc Áo), Michael Levitt (người Mỹ gốc Anh) và Arieh Warshel (mang hai quốc tịch Mỹ và Israel) cùng vinh dự nhận giải Nobel Hóa học 2013 với nghiên cứu phát triển của mô hình máy tính mô phỏng và dự đoán kết quả của các phản ứng hóa học vô cùng phức tạp, mở ra cơ hội phát triển các loại dược phẩm mới có hiệu quả điều trị tốt hơn.

 - Năm 2012: Hai nhà khoa học người Mỹ Robert Lefkowitz và Brian Kobilka vinh dự nhận giải Nobel Hóa học 2012 vì những khám phá về thụ thể liên kết với protein G (GPCR). Nhờ vào công trình nghiên cứu của họ, chúng ta đã hiểu về GPCR và cơ chế tác động qua lại giữa hàng tỉ tế bào của cơ thể, giúp phát triển các loại thuốc mới cho ngành dược phẩm thế giới.

- Năm 2011: Nhà khoa học Daniel Shechtman (người Israel) đoạt giải thưởng Nobel Hóa học 2011 nhờ phát hiện ra giả tinh thể (quasicrystal) - một cấu trúc hóa học mà trước đây các nhà nghiên cứu cho rằng không thể có ở nguyên tử. Nghiên cứu này đã làm thay đổi cách thức các nhà hóa học nhận thức về chất rắn./.

An Ngọc/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm