20/02/2013 06:47 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Keiko Fukuda, người đến với judo từ những ngày sơ khai của môn thể thao này và trở thành võ sĩ nữ tài năng bậc nhất hành tinh, đã qua đời tại nhà riêng ở San Francisco ở tuổi 99. Bởi những đóng góp lớn lao của Fukuda, người ta đã dựng một bộ phim về bà với tên gọi “Mrs. Judo”.
Cái chết của Keiko được xác nhận bởi Shelley Fernandez, người sống cùng và giúp bà điều hành CLB Soko Joshi tồn tại hơn 40 năm qua.
Trình độ thượng thừa
Keiko Fukuda sinh năm 1913 trong một gia đình có truyền thống về võ thuật. Bà Keiko là con gái của võ sĩ samurai kiêm bậc thầy về nhu thuật, Fukuda Hachinosuke. Ông Fukuda đã đào tạo ra lứa học trò tài năng và nổi lên trong đó là Kano Jigoro, người đã kết hợp nhu thuật với sức mạnh và sự cân bằng nội tại để tạo nên môn võ judo.
Đầu những năm 1930, Kano Jigoro đã định hướng cho Fukuda (khi đó 21 tuổi) tham gia vào lớp học judo do chính ông sáng lập với tên gọi Kodokan ở Tokyo. Dù chỉ cao có 1,47 m nhưng Fukuda nhanh chóng thể hiện được tài năng và trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử môn võ thuật Nhật Bản vượt qua ranh giới phân đẳng cấp giữa nam và nữ.
Ở Nhật, bà Fukuda trở thành người phụ nữ duy nhất trong việc chinh phục ngũ đẳng trong những năm 1950. Vào năm 2006, bà chinh phục 9 đẳng của hệ phái Kodokan và 5 năm sau, bà được Liên đoàn Judo Mỹ trao đai 10 đẳng, cấp cao nhất. Tính đến nay Fukuda là một trong 4 người trên thế giới đạt được tới trình độ thượng thừa này.
Chu du thế giới vì judo
Khi qua đời vào năm 1938, Sư tổ Kano đã khuyên dạy các học trò nên chu du trên toàn thế giới để truyền bá rộng rãi môn võ judo. Chỉ có Fukuda là người duy nhất thực hiện nguyện vọng này của sư tổ.
Năm 1953, bà lần đầu tiên tới Mỹ thực hiện công việc truyền bá, giảng dạy môn võ. Bà ở lại xứ cờ hoa trong nhiều năm trước khi trở về Tokyo để cổ vũ cho judo nữ tại Thế vận hội mùa Hè năm 1964. Hai năm sau, bà trở lại Mỹ theo lời mời của một CLB judo ở California.
Ngoài ra, bà còn đi khắp thế giới, từ Australia, Canada, Pháp, Na Uy và Philippines để giảng dạy, tạo cơ hội cho phụ nữ mọi lứa tuổi có thể tiếp cận môn thể thao này. Bên cạnh tài năng võ thuật, bà Fukuda còn có bằng cử nhân văn chương Nhật Bản ở Đại học Showa.
Bà Fuduka đã không lập gia đình để toàn tâm cống hiến cho judo và tất cả người thân của bà cũng đã ra đi trước khi bà theo bước họ vào thời điểm chỉ còn hai tháng nữa là tròn 100 tuổi.
Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất