Giai điệu mùa Thu: Hấp dẫn với “giao hưởng” nhạc phim

14/08/2012 13:53 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Chương trình Giai điệu mùa Thu được xem là đặc sản của nghệ thuật hàn lâm TP.HCM mỗi độ Thu về. Giai điệu mùa Thu năm 2012 sẽ diễn ra vào các đêm 17, 18 và 19/8 tại Nhà hát TP.HCM. Những nét mới của Giai điệu mùa Thu năm nay ở cả ba lĩnh vực vũ kịch, nhạc kịch và giao hưởng là nằm trong “định hướng” của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM. Hy vọng sẽ đem đến công chúng một Giai điệu mùa Thu hấp dẫn.

Sự đổi mới mà nhạc trưởng Trần Vương Thạch gọi là “táo bạo”, đó là chương trình hòa nhạc giao hưởng với gần 10 trích đoạn nhạc phim nổi tiếng thế giới.

Giám đốc Trần Vương Thạch

TT&VH có cuộc trò chuyện với nhạc trưởng Trần Vương Thạch – Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM.

Đi vào chiều sâu nghệ thuật

* Chương trình Giai điệu mùa Thu đã bước sang mùa thứ 8, anh có cái nhìn như thế nào về “lịch sử” của nó?

- Khi khởi xướng chương trình Giai điệu mùa Thu vào năm 2005, Nhà hát và Sở VH,TT&DL chỉ dám nghĩ đến việc quy tụ các tài năng nghệ thuật hàn lâm xuất phát từ TP.HCM. Nhưng sau đó không lâu Giai điệu mùa Thu là nơi hội ngộ của cả những tài năng nghệ thuật hàn lâm của cả nước và một số nghệ sĩ nước ngoài.

* Nhiều ý kiến cho rằng trước đây Giai điệu mùa Thu như một ngày hội, với sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ VN từ nước ngoài trở về, nhưng giờ đây không còn như thế nữa?

- Đây cũng là điều mà BTC từng tranh luận đến nơi đến chốn. Có một nghịch lý là nếu có nhiều nghệ sĩ tham gia mà đa số họ là những solist, thời lượng dành cho họ biểu diễn trên sân khấu thường rất ngắn, chỉ 5-10 phút. Vì vậy mà họ chỉ biểu diễn một tác phẩm nhỏ hoặc trích đoạn một tác phẩm lớn. Điều đó không thể hiện hết tài năng của họ, chương trình cũng không có chiều sâu. Những năm gần đây, chỉ mời 1-2 nghệ sĩ và họ có thể biểu diễn trọn vẹn một tác phẩm lớn như concerto, sonate…

Đã qua rồi những năm gây “phong trào” và Giai điệu mùa Thu cần đi vào chiều sâu nghệ thuật, chính vì vậy mà BTC đã chọn phương án sau.

Ở lĩnh vực múa và nhạc kịch, trước đây chương trình gồm những tiểu phẩm, vài năm gần đây là đầu tư dàn dựng nguyên một tác phẩm lớn.

* Trong tình hình khó khăn như hiện nay, lại không có tài trợ, Nhà hát đã khắc phục như thế nào cho Giai điệu mùa Thu?

- Ngoài kinh phí hỗ trợ của Sở VH,TT&DL TP.HCM, việc cắt giảm bớt 1 suất diễn định kỳ hàng tháng của Nhà hát (trước đây là 2 buổi/ tháng, năm 2012 là 1 buổi biểu diễn) cũng là một tính toán lựa chọn để tập trung sức lực vào những sự kiện quan trọng (như Giai điệu mùa Thu), những tác phẩm quan trọng (nhạc kịch Dido và Aeneas, vũ kịch Carmen…). Nên dù tình hình kinh tế chung còn khó khăn, Nhà hát vẫn duy trì được chương trình Giai điệu mùa Thu.


Dàn nhạc giao hưởng trong Giai điệu mùa Thu

Táo bạo để giao hưởng đến gần thanh niên…

* Anh có thể nói những điều đặc biệt mà khán giả có thể kỳ vọng vào Giai điệu mùa Thu năm nay?

- Có thể nói, với nhạc kịch Dido và Aeneas, đây là lần đầu tiên khán giả có thể xem một tác phẩm nhạc kịch mới khá trọn vẹn. Một tác phẩm múa đương đại và 2 tác phẩm giao hưởng của Việt Nam. Hiệu quả của các tác phẩm được biểu diễn như thế nào, còn cần chờ sự phản hồi của khán giả. Tuy nhiên, chúng tôi thực hiện theo phương châm “tự lực cánh sinh”. Trước đây hợp tác với các đối tác nước ngoài để dựng nhạc kịch, có một số solist người nước ngoài, nhưng lần này thì nghệ sĩ Nhà hát đảm nhiệm toàn bộ. Vở múa đương đại Những mảnh ghép của giấc mơ, từ sáng tác kịch bản cho đến đạo diễn, dàn dựng, sang tác âm nhạc và biểu diễn đều là lực lượng của Nhà hát, đặc biệt đa số là các nghệ sĩ trẻ.

* Còn chương trình hòa nhạc giao hưởng Trích đoạn nhạc phim nổi tiếng thế giới, anh đánh giá thế nào?

- Có thể nói đây là điểm mới của Giai điệu mùa Thu và cũng là lựa chọn “táo bạo” của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Tôi hy vọng nó thành công vì đó là những khúc nhạc rất hay do dàn nhạc giao hưởng biểu diễn. Nó không mang tầm cỡ nghệ thuật lớn lao nhưng hấp dẫn và gần gũi với công chúng trẻ hiện nay. Đó cũng là mục đích trong nỗ lực đem những yếu tố âm nhạc giao hưởng đến với đông đảo công chúng.

Đây cũng là phần biểu diễn mà chúng tôi sẽ đưa nó vào chương trình hòa nhạc dành cho thanh niên vào tối 24/8. Nhạc trưởng Lê Phi Phi sẽ trực tiếp chỉ huy biểu diễn, giao lưu với thanh niên.

* Anh có nhìn nhận gì về công chúng nhạc hàn lâm TP.HCM hiện nay?

- Tuy tình hình ca nhạc TP.HCM có nhiều sôi nổi ở lĩnh vực nhạc giải trí, nhất là những chương trình trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, gần một năm qua, các chương trình của Nhà hát bán được nhiều vé hơn các năm trước. Khá nhiều chương trình chúng tôi bán gần hết vé. Điều đó cũng cho thấy khán giả nhạc hàn lâm cũng có sự phát triển, đương nhiên là trong mức độ, bối cảnh đặc thù riêng của nghệ thuật hàn lâm.

Các chương trình Giai điệu trẻ miễn phí dành cho thanh niên vừa qua đã có hiệu quả. Các bạn trẻ quan tâm theo dõi, nêu những thắc mắc, hào hứng cổ vũ, la hét chẳng kém gì các chương trình “nhạc trẻ”. Đó cũng là điều đáng mừng.

Showbiz khai thác dàn nhạc giao hưởng… chưa “tới”

Thời gian gần đây, khá nhiều chương trình nhạc nhẹ có sử dụng dàn nhạc giao hưởng, tôi rất vui mừng khi thấy dàn nhạc giao hưởng được sử dụng để làm phong phú cho đời sống âm nhạc. Tuy nhiên, việc khai thác dàn nhạc giao hưởng… chưa “tới”. Nó mới chỉ dừng lại ở hình thức mà chưa đạt hiệu quả nội dung, chưa khai thác được sự phong phú và khả năng diễn cảm to lớn của dàn nhạc giao hưởng đối với các thể loại âm nhạc, mà cụ thể vừa qua là đối với các ca khúc do các ca sĩ nhạc pop trình diễn.

(Trần Vương Thạch)


Bình Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm