Giai điệu mùa Thu 2008 & Những làn gió mới

18/08/2008 13:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đêm qua 17/8 chương trình Giai điệu mùa Thu đã khép lại sau 3 đêm trình diễn nghệ thuật hàn lâm. Nếu so với 3 lần trước, lần này những nhân tố mới xuất hiện đã cho thấy sự trưởng thành của lực lượng nghệ thuật hàn lâm và sự phong phú đa dạng trong chương trình lẫn lực lượng tham gia.
 Các nghệ sĩ đang biểu diễn
Nhạc sĩ Võ Đăng Tín, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM đánh giá: “Chương trình Giai điệu mùa Thu năm nay đã được phát triển lên một bước mới, chất lượng nghệ thuật cao hơn các năm trước, lực lượng tham gia cũng đông hơn, đặc biệt đây là lần đầu tiên có 6 nghệ sĩ người nước ngoài tham gia chương trình. Dù Việt Nam chưa có truyền thống mạnh về nhạc hàn lâm, nhưng năm nay ban tổ chức đã chọn lọc những tác phẩm có giá trị nghệ thuật của các nhạc sĩ Việt Nam để đưa vào chương trình với mục đích khẳng định Giai điệu mùa Thu là chương trình nghệ thuật hàn lâm của Việt Nam. Nhạc trưởng Singapore Chan Tze Law, Phó Giám đốc Nhạc viện Yong Siew Toh (chỉ huy các concerto trong đêm 17/8) cho biết ông rất bất ngờ và ngạc nhiên khi ở TP.HCM đã xây dựng được nền tảng của nghệ thuật hàn lâm và tạo được môi trường sinh hoạt tốt như thế. Được các bạn ngoại quốc đánh giá cao chương trình này còn do sự thành công và uy tín của các tài năng hàn lâm Việt Nam đang học tập và làm việc ở nước ngoài. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng Giai điệu mùa Thu trong tương lai sẽ trở thành một sinh hoạt nghệ thuật hàn lâm mang tầm khu vực và quốc tế”.

Nếu Giai điệu mùa Thu 2005, 2006, các solist ở lĩnh vực nhạc cụ chỉ với 2 môn piano và violin, năm ngoái có thêm contrebasse, thì năm nay ngoài những bộ môn trên còn có thêm clarinet, violoncello làm cho chương trình thêm đa dạng, nhiều màu sắc phong phú. Hợp xướng a cappella năm nay gây được ấn tượng bởi sự tinh tế trong biểu diễn, nhiều phong cách âm nhạc đa dạng, yếu tố “diễn” được chăm chút hơn - từ ánh sáng, clip, trang phục, dàn dựng sân khấu và đặc biệt có cả đọc rap làm nghệ thuật hàn lâm bớt phần nặng nề và gần gũi với những khán giả trẻ.

Ở lĩnh vực múa, những tài năng trẻ đang học tập tại Hà Lan như Phan Thị Hồng Châu, Nguyễn Phúc Hùng, ở Pháp như Lê Thị Mai Anh đã đem lại những tiết mục múa “đương đại” khá mới mẻ. Điều đặc biệt là cả 3 solist trên cùng với Tạ Thùy Chi là những solist vừa biên đạo vừa biển diễn, và họ đã chứng tỏ là thế hệ biên đạo trẻ đầy triển vọng.

Năm nay, sự xuất hiện của rất nhiều gương mặt mới như: Nguyễn Huệ Hương, Trần Thị Tâm Ngọc (piano), Đào Nhật Quang (clarinet), Vũ Việt Chương (violin), Lê Thị Mai Anh (múa)... đã tạo nên nhiều mới mẻ, hấp dẫn cho khán giả và điều đó cũng chứng tỏ sự lớn mạnh của lực lượng tài năng nghệ thuật hàn lâm TP.HCM cũng như cả nước. Đặc biệt, Giai điệu mùa Thu năm nay đã thu hút được 6 tài năng hàn lâm nước ngoài của các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Pháp cũng đã góp phần làm cho chương trình phát triển thêm về diện rộng, tạo được uy tín đối với nước ngoài và là yếu tố quan trọng để Giai điệu mùa Thu phấn đấu trở thành một liên hoan nghệ thuật hàn lâm quốc tế trong tương lai.

Năm nay, do Nhà hát TP.HCM đang sửa chữa nên Giai điệu mùa Thu phải tổ chức tại Nhạc viện TP.HCM, nhưng đây cũng là một dịp may, bởi chất lượng âm thanh của phòng hòa nhạc, đàn piano ở nhạc viện khá lý tưởng.

Chương trình Giai điệu mùa Thu do TP.HCM tổ chức, nhưng trong những năm qua, tiếng vang của nó đã vượt ra ngoài biên giới thành phố. Và năm nay với rất nhiều yếu tố mới mẻ về lực lượng tham gia, chất lượng nghệ thuật, nó thật sự là làn gió mới làm cho chương trình thêm hấp dẫn và cuốn hút công chúng nghệ thuật hàn lâm.
 
Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm