5 giải 'Khát vọng Dế Mèn' năm nay đã làm nên một mùa giải rất chất lượng

01/06/2021 14:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi phát động giải Dế mèn, rồi đến cả khi mùa giải đầu tiên được trao, chúng tôi vẫn băn khoăn, không biết các mùa tiếp theo, liệu có tìm được cái gì để trao tiếp hay không?

Bảng vàng Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn qua 2 mùa giải

Bảng vàng Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn qua 2 mùa giải

Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn của báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam đã trải qua 2 mùa giải. Dưới đây là danh sách các tác giả, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc nhất năm, có giá trị nổi bật về nội dung và hình thức, đáng để thiếu nhi thưởng thức đã được tôn vinh trong 2 mùa giải vừa qua.

Cần nhắc lại đây là giải hàng năm, chứ không phải 2 -3 hay 5 năm một lần, xét cho các tác phẩm, các màn trình diễn nghệ thuật “của” thiếu nhi hoặc “vì” thiếu nhi, được sáng tác hoặc công bố trong năm trao giải (tức là từ tháng 5 năm trước đến tháng 5 năm sau). Chúng ta biết rằng, ngay cả giải của các hội chuyên ngành hay hội địa phương hàng năm, dù xét trên tất cả các mảng đề tài mà còn rất khó khăn trong việc tìm kiếm tác phẩm hay và vẫn còn những năm bị cho là mất mùa. Huống chi giải Dế Mèn chỉ khuôn vào đề tài/ chủ đề thiếu nhi. Đó là một mảng chủ đề mà cả xã hội luôn kêu thiếu vắng tác phẩm hay, thiếu vắng người viết. 

Nhưng trong suốt những ngày chấm giải Dế Mèn lần 2, chúng tôi nhận ra rằng, chỉ trong khuôn khổ của giải thưởng này đã thấy không hề thiếu những tác phẩm hay để trao giải. Mà ngược lại, dường như chỉ… thiếu giải để trao. 

Con số chính xác là có 118 tác phẩm đã gửi dự thi hoặc được đề cử vào giải Dế Mèn năm nay. Đã có những cuộc tranh luận gay gắt trong các cuộc họp của Ban sơ khảo, của Hội đồng giám khảo về việc giữ lại hay loại bớt một tác phẩm nào đó, không hẳn vì tác phẩm đó dở mà chỉ vì không thể đưa quá nhiều tác phẩm vào vòng bỏ phiếu. Cuối cùng 16 tác phẩm xuất sắc đã lọt vào vòng cuối cùng này, gồm 8 cuốn sách, 3 bộ/series phim, 2 tác phẩm/chùm tác phẩm mỹ thuật, và 3 tác phẩm âm nhạc. 

Chú thích ảnh
Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng BTC giải (ngoài cùng bên trái) và Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo - trao giải cho nhà văn Bình Ca (giữa). Ảnh: Hòa Nguyễn

Trao 5 giải cho một mùa giải là quá nhiều bởi chúng tôi không muốn bị mang tiếng là tạo ra “cơn mưa” giải thưởng. Song có một điều chắc chắn rằng, sau cuộc bỏ phiếu chọn 5 giải Khát vọng Dế Mèn, các thành viên ban sơ khảo, cũng như Hội đồng giám khảo đều cảm thấy có phần tiếc nuối khi vẫn còn khá nhiều các tác phẩm tốt nhưng không còn… giải nào để vinh danh. 

Thật xúc động khi có không ít tác phẩm của những nhà văn chuyên nghiệp viết cho thiếu nhi gửi tới Dế Mèn mà thời gian hoàn thành bản thảo là những ngày cuối cùng nhận tác phẩm. Ít nhất 2 nhà văn đã hoàn thành truyện dài của mình vào đúng ngày 15/5/2021. Còn cựu chủ nhân giải Khát vọng Dế Mèn 2020 Nguyễn Chí Ngoan thì sẵn lòng gửi 2 tác phẩm dự thi, trong đó có một truyện dài hoàn thành vào ngày 13/5/2021. Dẫu biết rằng việc một cựu chủ nhân giải trở thành tân thí sinh của chính giải thưởng đó ít nhiều cũng gây khó cho Ban giám khảo nhưng anh tâm niệm rất giản dị:  “vì Dế Mèn mà tôi viết được Xóm nhỏ U Minh, truyện dài đầu tiên cho thiếu nhi, nên chẳng có lý do gì mà tôi không gửi tiếp để ủng hộ giải”.

Trong hơn 50 bản thảo sách gửi dự giải năm nay có thể đàng hoàng chọn tầm 10 - 15 bản thảo để in thành sách. Chúng tôi mong rằng những bản thảo này sẽ tiếp tục được các tác giả hoàn thiện và chúng vẫn đủ điều kiện để dự giải mùa sau. 

Chú thích ảnh
Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng BTC giải (ngoài cùng bên trái) và nhạc sĩ Thụy Kha, thành viên Hội đồng giám khảo (ngoài cùng bên phải) trao giải Khát vọng Dế Mèn cho NSND Phương Hoa và tác giả kịch bản "Khúc gỗ mục" Phan Đức Tuấn. Ảnh: Hòa Nguyễn

Có phần tiếc nuối hơn là năm nay có 6 tác phẩm dự thi của các em thiếu nhi vượt qua vòng sơ loại, trong đó có 2 bản thảo tiểu thuyết thuộc thể loại fantasy dày cỡ 200 trang của một em học sinh lớp 3 và một em học sinh lớp 6. Tiểu thuyết của em học sinh lớp 6 được viết trực tiếp bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt, được các bạn cùng lớp vẽ tranh minh họa cho và đây mới chỉ là phần 1, trong trọn bộ 4 phần đang viết. Các sáng tác đó của các em là một tín hiệu rất đáng mừng, chúng tôi đã xem xét kỹ, với niềm trân trọng, song cũng nhất trí với nhau rằng, cũng không nên vội vàng vinh danh, vì vẫn còn nhiều mùa giải Dế Mèn để các em tiếp tục hoàn thiện tác phẩm của mình và tiếp tục trau dồi tài năng. Con đường văn chương nghệ thuật là vô cùng gian nan trắc trở, phải biết quan sát cuộc sống xung quanh kết hợp với việc đào sâu vào sự sáng tạo của bản thân thì mới có thể tới đích.

“Thần đồng” không phải là những đứa trẻ có khả năng ca hát, viết lách “giỏi như người lớn”, mà phải là những tài năng thiên bẩm, sáng tạo được những thứ vô cùng giản dị, hồn nhiên, nhưng đến cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng phải ngả mũ chào thua. Đó mới là mục tiêu tìm kiếm của Dế Mèn. Đó cũng là điều mà chúng tôi đã ít nhiều nhìn thấy vào năm ngoái ở Cao Khải An với Chuyện của Bắp ăn Bơ và xóm Đồi rơm (Giải Khát vòng Dế Mèn 2020, đã được NXB Kim Đồng in thành sách đầu năm nay), nhưng chưa thấy ở các nhà văn “nhí” dự giải năm nay.                    

***

Bây giờ chúng tôi muốn nói đến một thứ rất lớn cũng không thể tìm kiếm được ở mùa giải năm nay, đó là giải Hiệp sĩ Dế Mèn. 

Theo Quy chế, giải Hiệp sĩ Dế Mèn là danh hiệu cao quý nhất của nhằm trao cho các tác giả có những đóng góp to lớn cho thiếu nhi trong suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, đồng thời phải có tác phẩm xuất sắc trong năm trao giải (lọt vào vòng chung khảo) trong năm trao giải. Giải Hiệp sĩ Dế Mèn cũng để ngỏ khả năng “phong” Hiệp sĩ Dế Mèn cho các tác giả trẻ, các tài năng nhí, miễn là có tác phẩm thật sự xuất sắc, thuyết phục được toàn thể Hội đồng giám khảo. 

Nhưng rất tiếc rằng, sau mùa giải đầu tiên với danh hiệu Hiệp sĩ được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với cuốn Làm bạn với bầu trời và một gia tài 40 cuốn cho thiếu nhi và tuổi mới lớn, thì năm nay, chưa thấy có một Nguyễn Nhật Ánh thứ hai. Trong năm cũng có một số tác giả “cây đa cây đề” ra sách mới, nhưng rất tiếc là trong đó không có những sáng tác mới như tiêu chí của Giải đề ra, và do đó đành lỗi hẹn.

Chúng tôi luôn kiên trì với tiêu chí đó là tác giả được vinh danh “hiệp sĩ” thì bất kể đã có bề dày sáng tác trong quá khứ ra sao, vẫn phải có tác phẩm xuất sắc được sáng tác trong năm trao giải. Có như vậy sự vinh danh mới khuyến khích được các tác giả kỳ cựu đầu tư cho những sáng tác mới nhằm nâng tầm cho nền nghệ thuật thiếu nhi của nước nhà. Đã là Hiệp sĩ thì phải “sung sức” trong sáng tác!

Không có giải Hiệp sĩ Dế Mèn, nhưng 5 giải Khát vọng Dế Mèn năm nay cũng làm nên một mùa giải rất chất lượng:

1/ Có rất nhiều điều để nói về Đi trốn, cuốn tiểu thuyết vạm vỡ, thấm đẫm ký ức của nhà văn Bình Ca, tác giả Quân khu Nam Đồng, với đoạn đầu như một ký ức về tuổi thơ trong chiến tranh và đoạn sau là một cuộc phiêu lưu sinh tồn kiểu Trên sa mạc và trong rừng thẳm. Cuối cùng là một Vĩ thanh để khép lại cuộc đời các nhân vật - nó khiến cho câu chuyện trở nên giống với truyện ký, mặc dù được đề rõ là tiểu thuyết.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn tiểu thuyết "Đi trốn"

Trong các câu chuyện phiêu lưu về đồng ruộng hay đồng rừng Việt Nam, độc giả chưa từng thấy có cuộc phiêu lưu nào kỳ thú, với tầm vóc châu lục như vậy. Ở đó, có một thiên nhiên mang vóc dáng của thời tiền sử: vừa trữ tình, thơ mộng vừa hùng vĩ, khốc liệt. Đó là điều mà ta rất khó có thể tưởng tượng ra khi nhìn cảnh núi rừng Việt Bắc hay các vùng núi đá vôi ở miền Bắc ngày nay, nơi được chọn là bối cảnh của câu chuyện. Nhưng nó lại rất có lý nếu chúng ta nghiên cứu sâu hơn các kỳ quan đá vôi, với các hang động, các dòng sông ngầm... và lui thời gian về khoảng hơn 50- 70 năm trước. Có thể tác giả có phần phóng đại cảnh thú dữ hoành hành như ở rừng rậm châu Phi, nhưng trong chừng mực tiểu thuyết thì chấp nhận được. Hơn nữa, thiên nhiên ở đây hiện ra qua con mắt của những đứa trẻ đi trốn, phải đấu tranh sinh tồn trong cảnh bị lạc rừng, chứ không phải qua con mắt của các phượt thủ ngày nay, có Google Map và được trang bị đến tận chân răng. 

Bởi thế, Đi trốn, dường như nằm ngoài ý định của tác giả Bình Ca khi xây dựng một bản hùng ca về núi rừng, sông hồ Việt Bắc và một số vùng núi đá vôi hùng vĩ của nước ta. 

Sức hấp dẫn của Đi trốn chính là sức hấp dẫn của cái giọng nam nhi, đại trượng phu, hay nói giản dị hơn là sức hấp dẫn của cái chất mục đồng nơi hoang dã, kết hợp với chất "trai phố" nơi đô thị. Ở các không gian đó, những đứa trẻ đàn anh (đầu têu) luôn được mến mộ, kính phục. Những câu chuyện của một thế hệ lớn lên trong chiến tranh từ hơn nửa thế kỷ được Bình Ca chân chất kể lại bằng trải nghiệm của người trong cuộc càng khiến cho người đọc hôm nay phải kinh ngạc ngả mũ. Những trò nghịch dại trong Đi trốn lại là những cú "chơi lớn": chế tạo cả tàu vũ trụ mà phi công là một chú dế để phóng lên bầu trời đêm 30 Tết (lên cao cả trăm mét). Đúng là chỉ có các “anh hùng nhí” ở “quân khu” một thời mới nghịch ngợm ngang tàng như thế. 

Những sau sự kính phục ấy, ta lại cảm thấy thật xót xa. Xót xa về một thời những đứa trẻ phải trải qua một hoàn cảnh khốc liệt: nghịch súng đạn như đồ chơi, và rồi sinh tồn với thiên nhiên hung dữ. 

Chú thích ảnh
Nhà văn Bình Ca và vợ tại Lễ trao giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn. Ảnh: Hòa Nguyễn

Trong bối cảnh đó, nhân vật của Đi trốn có sức hấp dẫn rất lớn bởi phẩm chất quả cảm, bởi chất “anh hùng” - hay nói gắn gọn là chất lính tráng, chất "quân khu". Từ ông thầy coi Nhà kỷ luật dũng cảm hy sinh một phần thân thể mình để cứu đoàn trẻ em từ miền Nam ra Bắc đến nhân vật Tự Thắng, luôn sẵn sàng đứng ra nhận tội thay cho các bạn. Tự Thắng không chỉ có tinh thần nam nhi đại trượng phu mà còn có cả một triết lý ứng xử cao đẹp với người dân ở nông thôn – theo lời bố dặn – "Người dân ở nông thôn tuy nghèo nhưng chất phác và tốt bụng. Khi xảy ra chiến tranh họ luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ nhà cửa với mình. Con hãy cố gắng sống làm sao để mọi người ở đó quý mến. Nhớ tuyệt đối không được làm điều gì ảnh hưởng tới gia đình chủ nhà". Đó còn là lời hứa của "con nhà lính" vô cùng long trọng, thiêng liêng với cậu. Hay quan niệm của cậu từ lúc còn "cổng chào" (mặc quần hở đũng) là không bao giờ được đánh con gái. Phần sau của Đi trốn đã ngấp nghé sang tuổi mới lớn, với tình yêu và dục tính. Nó nảy nở giữa thiên nhiên hoang dã, giữa những đứa trẻ phải tự dò dẫm để sinh tồn, nên nó thật đặc biệt. Không được tinh tế như Nguyễn Nhật Ánh, cũng không bản năng như Những bài học nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp. Nó đã thành phẩm chất của Bình Ca rồi - chất đời.

Sức hấp dẫn của Đi trốn còn là sức lôi cuốn của những chi tiết "cực đỉnh". Tận cùng của sự khốc liệt. Cậu bé Linh không dám nuốt quả tim rắn còn đập trên đĩa vì từng chứng kiến bé Loan bạn nó ở chiến khu R bị bom vỡ toác ngực, quả tim văng ra đất còn đập. Đó là nhân vật Sơn dứt thịt thối từ vết thương của mình ra để làm mồi câu cá...

Đi trốn đem lại một cảm giác về sự tự chủ ở mỗi cá nhân. Sự tự chủ ấy đến từ ý thức về phẩm cách trong mối quan hệ giữa bản thân với xung quanh. Sự ý thức này lại phải có một xã hội coi trọng việc tự ý thức đó làm nền tảng. Người ta hoài niệm về quá khứ, thông qua Đi trốn, có lẽ là vì những phẩm chất này giờ đây đang được tìm kiếm lại. Giữa ngổn ngang những hình mẫu ẻo lả, lấy cảm xúc nhất thời làm chỗ dựa, sự bạo lực ẩn dưới vẻ quyến rũ ngôn tình, sự tôn sùng vật chất (“yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à”) hay được đẩy lên bề mặt truyền thông, những nhân vật Tự Thắng, Linh, Sơn hay Việt Bắc cùng cô bạn Thảo đem lại suy tư về một thế hệ biết cách chia sẻ, cảm thông, vượt qua những định kiến, hoặc ít ra là một sự kỳ vọng.

Chú thích ảnh
Nhà văn Bình Ca (bên phải) tại buổi ra mắt “Đi trốn”

Cảm thức về sự tự lớn lên trong nghịch cảnh của những đứa trẻ trong truyện lại tươi mới, hoặc là cảm thức này phổ quát ở rất nhiều nền văn học. Người đọc đã biết đến những David Copperfield hay Oliver Twist (Charles Dickens) hay Không gia đình (Hertor Malot), Bắt trẻ đồng xanh (E. Salinger), hoặc trong văn học Việt Nam là Nơi xa (Văn Linh), Con voi xa đàn (Vũ Hùng),… đều ít nhiều khai thác yếu tố nghịch cảnh để thử thách nhân vật chính qua cuộc hành trình khám phá xung quanh và trực tiếp nhất, ý thức về phẩm cách chính mình. Đi trốn cũng vậy, khá cổ điển trong lối viết và cách triển khai mạch truyện, nên nó cũng cho thấy dư địa của phong cách này vẫn còn có sức hút với người viết cho thiếu nhi thời hiện đại, ít nhất là ở Việt Nam.

2/ Nếu như Đi trốn chân thật, vạm vỡ, đậm chất hoài niệm bao nhiêu thì bộ sách tranh 4 cuốn Khác biệt mới tuyệt làm sao lại dí dỏm, tinh tế, và “bắt trend” (nắm bắt xu hướng) tài tình bấy nhiêu. Hai cuốn sách cùng được trao giải Khát vọng Dế Mèn là một sự bổ sung hoàn chỉnh cho nhau. 

Chú thích ảnh
Bộ sách tranh 4 cuốn "Khác biệt mới tuyệt làm sao"

Khác biệt mới tuyệt làm sao do một tác giả 9X - Nguyễn Hoàng Vũ, sinh năm 1993 viết lời -  cùng 4 họa sĩ là Gà's little world (tên thật Minh Trang), Hoàng Trung, Ru-oi (tên thật Thanh Xuân) và Linh Vương thực hiện lần lượt minh họa cho 4 cuốn Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên, Nàng rồng khè ra trà sữa, Lão ma cà rồng cuồng cà rốt, Nhóc kì lân mọc sừng búa đẽo.

Nguyễn Hoàng Vũ phát biểu

Sở dĩ chúng tôi liệt kê đầy đủ tên 4 họa sĩ vì phần tranh minh họa của cả 4 cuốn này đã đóng góp một tỉ trọng rất lớn vào mỗi phiếu bầu của Hội đồng giám khảo, để cả bộ sách giành giải thưởng. 

Chú thích ảnh
Nguyễn Hoàng Vũ

Về cơ bản thì bộ sách có một thông điệp đáng kể là dạy cho trẻ em rằng trên đời mọi người đều có những sự khác biệt và nên tôn trọng sự khác biệt đó. Lối kể khá nhẹ nhàng, có những câu bắt vần dễ đọc và đôi chỗ khá hóm hỉnh. Hầu hết các cuốn đều có những bất ngờ với các cú twist (thắt, mở nút) khá dễ thương: Chú nhóc kì lân sinh ra có cái sừng hình "búa đẽo", thay vì hình xoắn ốc, nên bị các bạn chê cười. Nhưng đến khi sừng của các bạn đồng loạt bị phép thần làm méo đi, thì chính chú lại giúp các bạn làm ra nhiều kiểu dáng sừng khác nhau và kiểu nào cũng khác biệt và cũng đẹp như nhau.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Ru-oi (hàng đầu bên trái)

Hay chuyện ma cà rồng mê ăn cà rốt thay vì uống máu, kết cục khiến cho mọi người ở thế giới ma cà rồng đổ xô đến uống nước "cà rốt cho cà rồng" - chi tiết này đơn giản nhưng chắc trẻ con sẽ rất thích. Còn Nàng rồng khè ra trà sữa cũng bắt trend đúng món ưa thích của lớp trẻ ngày nay, song câu chuyện không hề dễ dãi, vô cùng khốc liệt nhưng cũng đầy chất thơ.

Clip họa sĩ Ru-oi (tên thật Thanh Xuân) vẽ minh họa cho Lão ma cà rồng cuồng cà rốt

Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên lại là một ngụ ngôn về việc hãy là chính mình khi theo đuổi đam mê. Một chú bé trên trời lẽ ra sẽ học phép cưỡi mây làm Bụt, còn các bé gái sẽ học múa để thành tiên có cánh bay. Nhưng chú bé lại không muốn học thành Bụt mà lại lén học múa để làm tiên như... đám con gái. Việc học lẫn lộn như thế này này bị nghiêm cấm, thậm chí bị biến thành dơi quỷ. Song cuối cùng, niềm đam mê đã chiến thắng.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Linh Vương

Bất ngờ là ngay chính vị hiệu trưởng (Bụt Tổ) đáng kính kia, hồi nhỏ cũng từng muốn học bay như tiên mà bị rớt xuống trần, giờ vẫn còn... sẹo ở sau gáy. Điểm cộng cho các ngụ ngôn của Hoàng Vũ là trí tưởng tượng bay bổng đến mức siêu phàm, còn văn phong thì rất hóm hỉnh, rất tinh tế. Cách kể như trường ca thời cổ đại. Mà chất liệu văn chương lại thấm đẫm văn hóa Việt.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Hoàng Trung

Khác biệt mới tuyệt làm sao là một series sách có tranh minh họa rất công phu, có tính giáo dục rõ ràng như những truyện ngụ ngôn. Nhưng khác với các ngụ ngôn truyền thống, bộ truyện này được xây dựng dựa trên trí tưởng tượng bay bổng đến mức siêu phàm của một tác giả trẻ, văn phong thì rất hóm hỉnh, hiện đại, đọc rất lí lắc mà hay, đôi chỗ sử dụng thể loại văn vần như truyện thơ. Nhìn chung bộ sách khá nặng ký, có phẩm chất hiện đại, cần khuyến khích. Đây xứng đáng là một best seller của các bạn trẻ Việt Nam.

Chú thích ảnh
Họa sĩ là Gà's little world (tên thật Minh Trang)

3/ Sau thất bại rất đáng tiếc ở mùa giải thứ nhất với Tây Du hí Nào ta cùng ăn, năm nay, Mèo Mốc đã giành điểm cao nhất ở vòng sơ khảo với Truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! và giành số phiếu quá bán của Hội đồng giám khảo để được trao giải Khát vọng Dế Mèn.

Xoay quanh câu chuyện của một gia đình phố thị về quê ăn Tết, đan xen vào đó là những câu chuyện gặp gỡ họ hàng, đi biếu quà Tết, nấu bánh chưng, hỏi han chúc Tết... Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! lại rất mới ở góc nhìn trẻ trung về Tết.

Chú thích ảnh
Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! có góc nhìn trẻ trung về Tết

Đọc truyện của Mèo Mốc, ta sẽ thấy tiếng cười bật ra sau những cuộc đối thoại giữa bố mẹ và con cái, giữa bà con làng xóm với nhau, và giữa cả chính những anh chị em họ hàng nữa. Tiếng cười ấy đến từ những khác biệt “muôn thuở” giữa thế hệ cũ và thế hệ tương lai và luôn luôn là tiếng cười xuề xòa, bao dung.

Với phần tìm hiểu văn hóa Việt, Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! bước qua ranh giới của loại sách giải trí đơn thuần để đến trở thành cuốn truyện tranh văn hóa đặc sắc giới thiệu về phong tục Việt. Đặc biệt những trang truyện tranh viết về mối liên hệ giữa cõi âm và cõi dương có một chiều sâu văn hóa rất cảm động, thấm thía, và là một điểm cộng lớn cho tác phẩm này trong quá trình xét giải.

Chú thích ảnh
Tác giả Mèo Mốc

Đây không phải là tác phẩm tốt nhất của tác giả Đặng Quang Dũng (bút danh Mèo Mốc, tác giả của các serie truyện tranh như Nhật ký Mèo Mốc, Tây Du hí, Nào ta cùng ăn…), nhưng vẫn giữ được sự hóm hỉnh, duyên dáng và lối vẽ tranh hiện đại. Đây cũng là một tác giả rất sung sức. Trong năm nay, ngoài Ly & Chũn, Mèo Mốc còn cho ra mắt Và xuân sẽ lại về được hoàn thành trong những ngày tháng cả nước chống dịch Covid-19, đánh dấu một bước chuyển trong sáng tác của Đặng Quang Dũng. Không còn quá nhiều những mẩu truyện ngắn gây cười, đôi lúc có phần thiếu liên kết nữa, mà tập trung vào những “trải nghiệm văn hóa” của chính tác giả khi đi làm và khi ở nhà (vì đại dịch). Ghi nhận Mèo Mốc tại giải Dế Mèn là ghi nhận một “hiện tượng truyện tranh” đã có đủ độ chín, sức bền và sức bật. 

Phát biểu của tác giả Mèo Mốc

4/ Nếu như ở mùa giải thứ nhất, có một họa sĩ nhí được vinh danh ở giải Khát vọng Dế Mèn, đó là cô bé Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi) với bộ tranh vừa hồn nhiên, vừa dữ dội về sự hỗn loạn cũng như kiên cường của thế giới trong cuộc chiến với Covid-19, thì ở mùa giải năm nay cũng có một họa sĩ nhí được xướng danh, nhưng với bộ tranh rất khác. Đó là Xèo Chu với những bức tranh vẽ phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống thể hiện cái nhìn trong trẻo, thuần khiết đến mức “vô nhiễm” của cậu bé 13 tuổi. Nhưng nhìn vào đó người ta lại thấy được sự an nhiên, tự tại của một tâm hồn trẻ thơ giữa những tháng ngày bị dịch bệnh bủa vây. 

Chú thích ảnh
Tác phẩm Hoa mai

Xèo Chu có nghĩa gần gũi là “con heo nhỏ”. Xèo Chu tên đầy đủ là Phó Vạn An, sinh năm 2007 tại TP.HCM, bắt đầu vẽ tranh từ năm 4 tuổi, đã vẽ hơn 300 bức tranh. Xèo Chu đã có những triển lãm cá nhân tạo ấn tượng mạnh mẽ tại Singapore, New York (Mỹ), Việt Nam..., nơi phần lớn tác phẩm đều được bán.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Hoa mẫu đơn

Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, như những học sinh đồng trang lứa có vô số thú vui giải trí để đeo đuổi, Xèo Chu cũng vậy, nhưng luôn tự quay trở lại với chuyện vẽ tranh, riêng chủ đề hoa đã vẽ hơn 40 bức. Triển lãm Flower 2020 - Big world, Little eyes chọn ra 20 bức trưng bày vào cuối tháng 11/2020, ngay giờ khai mạc, 20 nhà sưu tập trong nước và quốc tế đã gắn nơ. Chùm tranh xét giải là từ triển lãm này, chủ yếu vẽ hoa, trong đó có các bức tiêu biểu như Hoa mai, Hoa mẫu đơn, Cẩm tú cầu, Giàn dây leo...

Xèo Chu không bị ảnh hưởng của bất kỳ họa sĩ nào, lý do là vì Xèo Chu vẽ như chơi, vẽ mà không suy nghĩ để thành họa sĩ, vẽ không chịu bất cứ áp lực nào, vẽ không để bán. Từ nhỏ Xèo Chu đã không chơi điện thoại, do ngoài thời gian học ở trường, thì đi đá banh, đánh bòng bàn, học thêm tiếng Hoa, học thêm vẽ, đi dã ngoại, phụ mẹ cắm hoa, học nhạc… Xèo Chu cũng không có Facebook, Intergram hoặc các trang mạng riêng, vì vậy mà ít chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, có thể tự nhiên nhất khi vẽ. “Tất cả tiền bán tranh mình đều dành làm từ thiện, vì mình thấy bản thân không cần nó nhiều lắm. Có rất nhiều người cần nó hơn” - Xèo Chu chia sẻ.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Xèo Chu

Khi nghe tin mình được giải, Xèo Chu tâm sự “Ban đầu, khi em nghe tin mình được giải Khát vọng Dế Mèn, ở một giải lớn như thế này, em không dám tin được, thật là một vinh dự. Nó cho em thấy em sẽ có một sự ảnh hưởng nào đó đến các bạn đồng lứa khác, một điều mà em chưa từng mơ đến. Nhưng tất nhiên nếu chỉ có một mình em thì em sẽ không có ngày hôm nay, em muốn gửi lời cảm ơn đến thầy cô, mẹ cha, các anh chị đã giúp đỡ em”.

5/ Với hơn 20 phim, serie phim dự thi Dế Mèn, trong đó rất nhiều phim hoạt hình, đủ để làm nên cả một festival nho nhỏ, Hội đồng giám khảo đã chọn trao giải Khát vọng Dế Mèn cho Khúc gỗ mục. Đó là bộ phim hoạt hình dài 14 phút của Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam do NSND Nguyễn Thị Phương Hoa làm đạo diễn và họa sĩ (Biên kịch: Phan Đức Tuấn - Nguyễn Thị Phương Hoa, Biên tập: Bùi Hoài Thu, Nhạc sĩ: Trọng Đài). 

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong phim hoạt hình "Khúc gỗ mục"

Câu chuyện phim khá giản dị, kể về một khúc gỗ mục mà một thời từng từng là bộ phận quan trọng nhất ở mũi một con thuyền lớn, được gọi là “sống đầu”. Nó đã từng dẫn dắt con thuyền vượt sóng gió đại dương đi khắp muôn nơi, chinh phục bao miền xa lạ… Giờ đây, khi nằm trên bờ biển vắng, nó thường hay mơ về quá khứ hào hùng và cảm thấy mình chỉ còn là một khúc gỗ mục cô đơn, bị cuộc đời bỏ quên. Cuộc sống cứ trôi đi, tình cờ có một con chim tới trú mưa, đậu lại và khúc gỗ có cảm xúc trở lại, thấy mình có ích, là nơi che chở cho con chim nhỏ. 

Ý tứ phim thú vị mà sâu sắc, đó là tình cảm của người lớn với lớp trẻ, luôn có sự bao bọc, bảo vệ, thậm chí sẵn sàng hi sinh cả bản thân mình. Tình cảm đó lúc nào cũng ẩn chứa trong mỗi con người, sự hi sinh cho lớp trẻ nối tiếp một cách thầm lặng không cần ai biết đến. 

Chú thích ảnh

Dư vị mà bộ phim để lại, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó là điều đã chinh phục Hội đồng giám khảo. So với giai đoạn trước, phim hoạt hình Việt Nam ngày nay đã có những bước tiến rất lớn về mặt kỹ thuật, không thua kém các phim hoạt hình của nước ngoài. “Trẻ em khao khát xem phim hoạt hình Việt lắm nhưng sản lượng phim mình sản xuất quá ít so với nhu cầu. Người làm phim hoạt hình Việt Nam rất tâm huyết, có khả năng tổ chức sản xuất những series phim dài hơi, hấp dẫn và hữu ích nhưng chưa có… Mạnh thường quân” - NSND Phương Hoa chia sẻ.

Chú thích ảnh

Một mùa giải Dế Mèn đã khép lại, dù không có giải “Hiệp sĩ”, nhưng những tác phẩm giành giải “Khát vọng Dế mèn” cũng là những dấu ấn đậm nét trong bức tranh nghệ thuật của thiếu nhi, vì thiếu nhi trong năm qua. Có thể nói rằng, đời sống sáng tác cho thiếu nhi có mặt bằng khá cao nhưng đỉnh thì chưa có.

Nhà thơ Nguyễn Duy viết trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa rằng: Mẹ ru cái lẽ ở đời - Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn.

Một đứa trẻ lớn lên nhờ hai nguồn sữa vật chất, phần tiếng hát là văn học nghệ thuật. Người già cũng cần như thế, giống như hai chân một con người, hai cánh của một con chim vậy. Thiếu một trong hai đều không ổn. 

Đứa trẻ thiếu dinh dưỡng sẽ thấy ngay bằng mắt thường và chữa cho tình trạng này cũng không khó lắm. Nhưng một đứa trẻ “què quặt” trong tâm hồn thì ta biết làm sao, khi sự què quặt đó thể hiện ra thì hậu quả đã không đo đếm được. Do đó phải quan tâm việc bồi đắp tâm hồn cho trẻ em.

Việc báo Thể thao và Văn hóa tổ chức giải thưởng Dế Mèn và can đảm duy trì nó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp thế này thật đáng trân trọng. Chúng tôi rất mong các quý vị và toàn thể xã hội hãy ủng hộ Giải Dế Mèn bằng cách tìm đọc, tìm xem, tìm nghe những tác phẩm mà giải thưởng vinh danh - và đó chính là sự ủng hộ đẹp nhất. 

Kết quả giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn

* Không có giải “Hiệp sĩ Dế Mèn”.

* 5 giải đồng hạng “Khát vọng Dế Mèn” gồm:

1/ Tiểu thuyết Đi trốn (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Bình Ca.

2/ Phim hoạt hình Khúc gỗ mục của Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam do NSND Nguyễn Thị Phương Hoa làm đạo diễn và họa sĩ (Biên kịch: Phan Đức Tuấn - Nguyễn Thị Phương Hoa; Biên tập: Bùi Hoài Thu; Nhạc sĩ: Trọng Đài).

3/ Chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của hoạ sĩ nhí Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An, sinh năm 2007).

4/ Truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! (NXB Hội Nhà văn) của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng).

5/ Bộ truyện Khác biệt mới tuyệt làm sao (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Hoàng Vũ và các hoạ sĩ: Gà's little world, Hoàng Trung, Ru-oi, Linh Vương.

T/M HỘI ĐỒNG GIÁM KHẢO

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Chủ tịch Hội đồng)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm