Lời kể của nữ sinh trốn thoát những kẻ bắt cóc Boko Haram

07/05/2014 13:24 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Nữ sinh 16 tuổi, một trong số khoảng 50 cô gái trốn thoát phiến quân Hồi giáo Boko Haram vào đêm định mệnh hôm 14/4 đã kể lại cuộc lẩn trốn ngoạn mục khỏi những tay súng tàn bạo trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng thông tấn AP.

Khi tiếng súng nổ ra từ một thị trấn gần đó, một toán những người đàn ông trong quân phục của lực lượng vũ trang đã xông vào kí túc xá và trấn an các nữ sinh.

“Đừng lo, chúng tôi là binh lính. Sẽ không có gì xảy ra với các bạn hết”, cô gái 16 tuổi tường thuật lại lời của những kẻ bắt cóc.

Các tay súng ra lệnh cho hàng trăm nữ sinh trường Trung học ở Chibok tập trung bên ngoài. Chúng đi vào nhà kho, lấy hết tất cả thực phẩm, đốt các phòng và bắt đầu hét lên: “Allahu Akhbar” (Đức chúa trời thật tuyệt vời).


Người biểu tình xuống đổ xuống đường phố Lagos và Abuja để phản đối sự thất bại của chính phủ trong việc giải cứu hơn 200 nữ sinh trung học bị bắt cóc hơn ba tuần trước đây.

Ở thời điểm đó, các thiếu niên ớn lạnh nhận ra những người đàn ông này không phải là binh lính của chính phủ mà là thành viên của nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram tàn bạo. Những kẻ bắt cóc dồn tất cả các cô gái lên những chiếc xe bán tải và biến mất trong rừng rậm.

Ba tuần sau đó, 276 nữ sinh vẫn còn mất tích. Ít nhất hai người đã chết vì rắn cắn, khoảng 20 người khác bị bệnh, một nguồn tin trung gian có liên hệ với phiến quân Boko Haram xác nhận.

Sự thất bại của quân đội Nigeria trong cuộc giải thoát các nữ sinh cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã giết chết hơn 1.500 người hồi đầu năm nay. Boko Haram, với ý nghĩa “giáo dục phương Tây đầy tội lỗi”, đã nhận trách nhiệm về vụ bắt cóc hàng loạt và đe dọa sẽ bán các cô gái trong đoạn video được công bố hôm 5/5 của Abubakar Shekau, kẻ cầm đầu và cũng là thủ lĩnh của phiến quân này.

Trong bối cảnh sự phẫn nộ của dư luận ngày càng dâng lên, hôm qua (6/5), Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan tuyên bố ông đã chấp nhận lời đề nghị Mỹ về việc hỗ trợ lực lượng tìm kiếm.

Hãng thông tấn AP cũng phỏng vấn khoảng 30 người khác, bao gồm các quan chức trong chính phủ Nigeria, giới chức địa phương Borno, các viên chức nhà trường ở Chibok, 6 người thân của các cô gái mất tích, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, chính trị gia phía đông bắc Nigeria và các chiến sĩ trong khu vực chiến tranh. Nhiều người xin giấu tên vì lo sợ rằng có thể tên của họ cũng sẽ tiết lộ danh tính của cô gái và khiến các nạn nhân bị kỳ thị trong xã hội bảo thủ này.

Trường Chibok nằm ở khu vực xa xôi và thưa thớt dân cư phía đông bắc Nigeria, quốc gia 170 triệu dân với phía bắc là khu vực cư trú các tín đồ Hồi giáo và phía nam là Thiên chúa giáo. Giống như tất cả các trường học trong tiểu bang Borno, Chibok, ngôi trường này đã đóng cửa sau các cuộc tấn công táo bạo của phiến quân Boko Haram. Tuy nhiên, nó đã được mở cửa trở lại để các học sinh năm cuối học thi.

Khoảng 11h đêm định mệnh 14/4, Bana Lawal, một quan chức chính quyền địa phương đã nhận được một cảnh báo qua điện thoại di động. Ông nói khoảng 200 tay súng được trang bị vũ khí trong 20 xe bán tải và hơn 30 xe máy đi về phía thị trấn. Sau khi báo tin cho 15 binh lính bảo vệ Chibok, ông Lawal đánh thức người dân, kêu gọi họ trốn vào các bụi cây hay những ngọn đồi gần đó. Các binh lính đã gửi một thông báo khẩn cấp đến doanh trại gần nhất cách đó khoảng 30 dặm (48 km) – tương đương một giờ lái xe nhưng không có ai đến giúp đỡ.


Cựu Bộ trưởng Giáo dục Nigeria kiêm Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới tại bộ phận châu Phi Obiageli Ezekwesilieze dẫn đầu một cuộc biểu tình.

Khi phiến quân xuất hiện sau hai giờ đồng hồ từ thời điểm đưa ra cảnh báo, các binh lính đã chiến đấu rất dũng cảm, ông Lawal cho hay. Mặc dù bị áp đảo và đánh bại, họ vẫn cầm cự được nhóm bắt cóc trong vòng một tiếng rưỡi và chờ quân tiếp viện trong tuyệt vọng. Sau khi hết đạn, lực lượng bảo vệ Chibok đã phải bỏ chạy để bảo toàn tính mạng dù vẫn có một người hi sinh.

Nữ sinh 16 tuổi cho biết đến gần sáng, phiến quân Boko Haram đã nắm giữ ngôi trường và cô không thể nhớ được là có bao nhiêu kẻ bắt cóc vì chúng quá đông. Vì vậy, ngay cả khi các nữ sinh nhận ra những kẻ Hồi giáo cực đoan, các cô gái vẫn ngoan ngoãn ngồi yên trong bụi bẩn. Những người đàn ông đã đốt cháy trường học và lùa gần 300 thiếu niên lên ba chiếc xe bán tải.

Khi nhóm này chạy qua ba ngôi làng, một trong số những chiếc xe này bị hỏng, nữ sinh giấu tên và nhiều bạn bè đã nhảy ra ngoài sau khi một người nói: “Chúng ta rời khỏi đây! Họ có thể bắn tớ nếu họ muốn nhưng tớ không biết họ sẽ làm những gì với tớ cả!”

Khi các nữ sinh nhảy xuống, chiếc xe phía sau bắt đầu khởi động. Đèn xe chiếu vào các cô gái. Các thiếu niên không biết các tay súng Boko Haram có nhìn thấy mình hay không nhưng vẫn cố gắng chạy về phía bụi rậm và lẩn trốn.

“Chúng tôi chỉ chạy và chạy, rất nhanh. Đó là cách tôi tự cứu lấy chính bản thân mình . Tôi không có thời gian để sợ hãi, tôi chỉ chạy”, nữ sinh trường Trung học Chibok hoảng sợ kể lại.

Một vài cô gái trèo lên những cành cây thấp và chờ cho đến khi đoàn xe đi qua. Sau đó, tất cả gặp lại nhau ở bụi cây và tự tìm đường về nhà. May mắn có một người đàn ông đi xe đạp qua đó và giúp đỡ các nữ sinh trở về.

“Tôi là con gái duy nhất trong gia đình, vì vậy tôi nghĩ mình giữ một vị trí đặc biệt và tất cả mọi người đã rất vui mừng khi tôi quay về”, cô gái khóc trong hạnh phúc.

Khi niềm tin về quân đội bị hao mòn, các cư dân Chibok đã tự góp tiền, mua nhiên liệu và tự chạy xe vào khu rừng Sambisa đầy nguy hiểm. Rừng Sambisa rộng hơn 23.000 dặm vuông (59.570 km2), gấp gần tám lần kích thước của Vườn quốc gia Yellowstone ở Mỹ, và được biết đến là nơi ẩn náu của các phiến quân cực đoan.


Khẩu hiệu và áp phích của chiến dịch truyền thông xã hội nâng cao nhận thức toàn cầu về các vụ bắt cóc được phát động trên Twitter.

Mutah Buba gia nhập đội tìm kiếm với hy vọng sẽ tìm thấy hai chị em và hai cháu gái của mình. Nhiều người dân sống hai bên đường nói họ đã nhìn thấy những kẻ bắt cóc các cô gái ở một con đường rừng. Một người đàn ông du mục ở một ngã ba cảnh báo những người tìm kiếm rằng họ đã đến rất gần khu trại tập trung của nhóm Boko Haram nhưng các nữ sinh và chính họ sẽ bị bắn chết nếu các tay súng phát hiện.

Những người tìm kiếm quay trở lại Chibok và kêu gọi các binh lính trong khu vực đi cùng họ vào rừng nhưng phía các binh sĩ đã đưa ra lời từ chối.

Quân đội nói họ đang cố gắng tìm kiếm các cô gái kết hợp giám sát rộng rãi trên không.

“Mỗi thông tin chuyển đến cơ quan an ninh cho đến nay đều được điều tra kĩ càng, bao gồm cả việc tìm kiếm ở những khu vực được cho là nơi trú ẩn của các nữ sinh trốn thoát”, Bộ trưởng Thông tin Labaran Maku cho biết.

Nhiều binh sĩ nói họ đang mất tinh thần bởi Boko Haram có nhiều lực lượng và được trang bị vũ khí tốt hơn, hãng thông tấn AP tiết lộ.

Một số các cô gái bị ép kết hôn với những kẻ bắt cóc Boko Haram và chúng trả cha mẹ những nữ sinh này một khoản tiền trị giá 12 USD trong khi nhiều thiếu niên khác đã bị đưa qua biên giới sang Cameroon và Chad.

Trong khi đó, phụ huynh của các nạn nhân bị bắt cóc đang hoang mang tột độ về số phận con em mình và cho biết họ đã mất niềm tin vào chính quyền.

“Tôi rất buồn vì chính phủ Nigeria đã và đang không hề quan tâm tới con em chúng tôi. Giờ đây, tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là cầu nguyện Đức Chúa Trời cứu giúp”, một bà mẹ giấu tên không nén nổi nỗi bức xúc.

Người mẹ càng tự dằn vặt và đau đớn khi nhớ lại ước mơ trở thành một bác sĩ của con gái mình. Bà nói cô con gái bị bắt cóc của mình luôn dành thời gian chăm sóc cho gia đình và nấu bất cứ điều gì mẹ muốn ăn.

“Nó là con đầu lòng, là đứa tôi thương nhất nhưng bây giờ, là mẹ nó, tôi phải làm gì đây?”

Một học giả Hồi giáo, người từng tham gia hòa giải và cứu nhiều con tin bị bắt cóc trước đây cho biết cách duy nhất để các nữ sinh có thể quay về nhà là phải thông qua đàm phán. Học giả giấu tên này cho biết các chiến binh Boko Haram sẵn sàng giải phóng các cô gái với một khoản tiền chuộc, nhưng chưa đưa ra con số chính thức.

Hải Yến
Theo Dailymail

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm