05/10/2022 11:17 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
Những gì gắn với cuốn sách Tranh dân gian Kim Hoàng (NXB Thế giới - Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, 2022) của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa là thành quả của một dự án đặc biệt: Khôi phục và tôn vinh dòng tranh cổ Hà Nội, từng thất truyền sau gần 70 năm. Có xuất xứ từ thôn Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) vào cuối thế kỷ XVII, dòng tranh này mang nền màu đỏ, nên thường được gọi là tranh đỏ.
Tranh đỏ có nội dung trang trí, mô tả các sinh hoạt nông thôn như gà, lợn, trâu, đấu vật, đi cày hoặc các bức tranh trấn trạch, tranh thờ, tranh đồ thế (dùng cho tín ngưỡng)… Không có đường nét tinh tế như tranh Hàng Trống, nhưng lại sắc sảo hơn so với tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng thường được các nghệ nhân sử dụng bản khắc in nét đen lên giấy dó, giấy hồng điều rồi từ đó tự do chấm phá màu sắc theo thẩm mỹ riêng.
Nước lũ cuốn trôi hầu hết mộc bản
Vào năm 1915, đê Liên Mạc tại vùng này bị vỡ, nước lũ cuốn trôi hầu hết mộc bản in tranh tại làng Kim Hoàng. Tiếp đó, nạn mất mùa, đói kém và hoàn cảnh chiến tranh đã khiến dòng tranh này dần mai một và biến mất trên thị trường kể từ sau Tết Nguyên đán năm 1947.
Gần 7 thập niên sau, vào năm 2015, khi chuẩn bị cho cuộc triển lãm tranh dân gian Nét xuân, nhà nghiên cứu -nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa về làng Kim Hoàng để tìm hiểu. Ý tưởng từng bước khôi phục dòng tranh này được nhen nhóm, khi chị được nghe về sự đau đáu tiếc nuối của dân làng với di sản từng có. “Trước đó, vào miền Nam, nhìn người dân tại đó yêu mến và gìn giữ dòng tranh kính dân gian của họ, tôi thấy thật tiếc nếu các làng quê phía Bắc lại không thể tôn vinh những dòng tranh từng là thương hiệu của mình” -chị Thu Hòa nói.
Từ đó, Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng được Thu Hòa khởi xướng và tự đứng ra tổ chức từ giữa năm 2015 với sự góp mặt của khá nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân vẽ tranh Đông Hồ, nghệ nhân khắc gỗ, họa sĩ. Thời gian đầu, họ về làng Kim Hoàng, lội ngược dòng thời gian để thu thập phần tư liệu còn lại trong ký ức dân làng.
Khi đó, ngoài một vài mộc bản khắc chữ, phòng truyền thống của làng Kim Hoàng có 2 mẫu tranh gà và lợn, được các chuyên gia Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phục chế vào thập niên 1960 theo ảnh trong sách Tranh dân gian Việt Nam của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand (1914-1966). Tuy nhiên, bản in năm 1960 tại Paris của tác giả này chỉ có các bức ảnh đen trắng, nên khó có thể biết được màu sắc trên tranh.
Nhưng khá may mắn, vào năm 2017, bản in màu của cuốn sách này đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. (Bản in màu nguyên gốc ra mắt tại Pháp vài năm trước đó, do con trai của Maurice đã cùng các nhà khoa học Pháp, Việt chỉnh lý lại kho tư liệu của cha ở Paris rồi tái bản). Từ cuốn sách này, việc phân tách giữa dòng tranh dân gian Kim Hoàng với các dòng tranh khác trở nên đơn giản nhờ có màu nền. Cộng cùng một số hiện vật được lưu giữ tại bảo tàng Pháp, ê-kíp của dự án đã xác định được 93 bức tranh Kim Hoàng, dựa trên sự xác nhận của các bậc cao niên trong làng và sự phản biện, góp ý của các họa sĩ. Bên cạnh đó, họ cũng xác định được một số thông tin gắn với tranh Kim Hoàng về màu, bố cục, phần chữ Hán Nôm trong tranh.
“Thời điểm bây giờ, những người mua tranh hiện đại có nhu cầu thẩm mỹ khác hẳn trước đây. Dù là tranh dân gian, mỗi bức cũng cần phải có chút khác biệt tùy theo tay nghề thủ công của người làm, để từ đó thể hiện chút nét riêng khi treo hay làm quà tặng.Nếu hoàn toàn giống nhau như đúc một khuôn, tranh khó có thể sống được trên thị trường” (nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa). |
“Phục dựng” kỹ thuật màu và giấy
Giai đoạn sau của dự án là hàng loạt khó khăn đặc thù khác khi phải giải quyết các vấn đề kỹ thuật chính: Màu để nhuộm giấy, bộ màu dùng in tô, kỹ thuật in tô tranh, bộ màu và kỹ thuật tô tranh vẽ tay.
Đơn cử, như lời Thu Hòa kể, việc nhuộm màu cho giấy tưởng đơn giản, nhưng khi quét xong phẩm màu thì giấy dó không thể phẳng, dù thợ quét cẩn thận tới đâu. Được sự chỉ dẫn của các nghệ nhân tranh Đông Hồ, chị phải tìm mua loại giấy bìa, đặt tranh lên để nhuộm trước rồi mới dùng dao mỏng tách lấy các tờ giấy đã nhuộm. Tương tự, vì muốn mỗi bức tranh có điểm riêng thay vì dùng một gam màu được pha theo công thức cố định, chị Hòa mày mò suy luận về cách hòa, trộn phẩm màu theo những tỷ lệ khác nhau để ra những sắc độ màu riêng.
Sau một thời gian, dự án đã khôi phục được 33 mẫu tranh khắc gỗ, 19 mẫu được vẽ tay. Nhưng, cũng theo ý tưởng của nhà sưu tập Thu Hòa, những bức tranh dân gian Kim Hoàng sau khi “tái xuất” chỉ có thể tồn tại nếu chúng có sức sống trong cuộc sống đương đại - và quan trọng hơn, vẫn được những người dân làng Kim Hoàng tạo ra. Bởi thế, chị và ê-kíp tập trung vào một kế hoạch đặc biệt: Chọn đào tạo một số người dân địa phương về kỹ năng vẽ tranh, in khắc gỗ, tô màu sản phẩm.
“Tranh Kim Hoàng phải nuôi được nghệ nhân, để rồi nghệ nhân sẽ truyền lại cho con mình dòng tranh đó. Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng mình chỉ cần khôi phục các mẫu tranh, chuyển giao để người làng tự sản xuất và kinh doanh là đủ. Nhưng hóa ra mọi chuyện không đơn giản vậy” - chị Thu Hòa cho biết - “Chúng tôi phải tìm kiếm và rèn tay nghề cho những hậu duệ ở làng Kim Hoàng sau 70 năm thất truyền, dù đây là một công việc phức tạp đòi hỏi rất nhiều về tính kiên trì và năng khiếu”.
Cũng theo chia sẻ của nhà nghiên cứu này, hầu hết các mẫu tranh truyền thống của làng Kim Hoàng phục vụ cho khán giả của thế kỷ XX nên số mẫu còn khai thác được cho thị trường không nhiều. Do đó, chị phải tìm tới tìm một số họa sĩ chuyên về khắc gỗ để sáng tạo ra những mẫu mới dựa trên phong cách truyền thống. Rồi, cùng một màu đỏ của dòng tranh, các nền màu đỏ được nghiên cứu để bổ sung thêm một số nền màu khác, ví dụ như là màu đỏ điều hoặc nền màu đỏ sen để tạo nên sự phong phú và đỡ nhàm chán. Dần dần, nhiều mẫu tranh mới cũng được sáng tạo dựa trên kỹ thuật và chất liệu tranh Kim Hoàng như các bức Em bé bắn cung, Em bé cưỡi phượng, Đấu vật (tạo mẫu theo họa tiết hoa văn trang trí ở đình làng Kim Hoàng), tranh Nghê (lấy mẫu từ đền Vua Đinh, tỉnh Ninh Bình), các tranh con giáp theo năm…
Đến bây giờ, sau 6 năm, thành công lớn nhất quá trình này là đào tạo được nghệ nhân Đào Văn Trung - một người làng Kim Hoàng vốn khởi nghiệp bằng nghề nhôm kính. Chung hiện giờ đã sống được bằng nghề, với những bức tranh Kim Hoàng vẽ tay được bán với giá từ 300 ngàn tới cả triệu đồng. Theo thời gian, những sản phẩm tranh Kim Hoàng cũng xuất hiện trong nhiều hội chợ hàng thủ công, trong các quầy lưu niệm, trong “phố ông đồ” Văn Miếu từ 2017 tới nay và được tiêu thụ khá ổn định…
Ghi lại trọn vẹn hành trình
Và Tranh dân gian Kim Hoàng là cuốn sách ghi lại trọn vẹn hành trình của Nguyễn Thị Thu Hòa. Gồm ba chương, với 346 ảnh màu minh họa, 24 tài liệu tham khảo và trích dẫn, độc giả có thể tìm hiểu đầy đủ những nghiên cứu về làng Kim Hoàng, xuất xứ và các đặc điểm của dòng tranh tại đây, cũng như các quy trình về chọn giấy in tranh, kỹ thuật pha màu, tổ chức sản xuất, tạo mẫu… cho các bức tranh Kim Hoàng trong giai đoạn hiện tại.
“Nếu không có sự chung tay của rất rất nhiều người thì đến ngày hôm nay tôi cũng không thể hoàn thiện được dự án của mình, cũng như không thể có được cuốn sách này. Sự chung tay ấy đã biến cái tưởng như không thể trở thành có thể” - nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa nói - “Và tôi mong rằng những bạn trẻ yêu mến văn hóa dân gian cũng hãy nuôi giữ cho mình sự nhiệt tình để vượt qua những rào cản hiện có, như tôi và các đồng nghiệp đã từng làm”.
Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 15-2022 sẽ diễn ra vào 14h ngày 6/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Trong khuôn khổ của sự kiện còn có Triển lãm và trao giải Cuộc thi “Hà Nội mát xanh”. Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) là đơn vị đồng hành cùng Giải thưởng. |
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất