27/08/2019 16:32 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(Thethaovanhoa.vn) - Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội là một giải thưởng văn hóa – xã hội mang tính đặc thù. Đặc thù ngay từ trong tiêu chí của nó: ghi nhận và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm “vì tình yêu Hà Nội”.
Đánh giá các đề cử ở khía cạnh tình cảm, ở tinh thần cống hiến hết mình cho Hà Nội - đó là công việc của Hội đồng giám khảo. Công việc ấy không đòi hỏi quá nhiều ở tính chuyên môn như việc đánh giá các tác phẩm văn học nghệ thuật hay các công trình khoa học, nhưng lại đòi hỏi phải có sự bao quát và tính phát hiện.
Đánh giá về các đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 12 – 2019
Hội đồng chung khảo gồm 6 người, là những người ở những lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhưng đều đã gắn bó lâu năm với Giải thưởng, bao gồm nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; ông Ngô Hà Thái, nguyên Phó TGĐ TTXVN; Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính; nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội.
Ban sơ khảo và Hội đồng Giám khảo đã lặng lẽ theo dõi nhịp sống Hà Nội trong suốt một năm xét giải, kiên trì phát hiện và nắm bắt những tín hiệu gây ấn tượng, biểu thị cho những tấm lòng vì Hà Nội ẩn giấu bên trong những tác phẩm, ý tưởng, hoặc việc làm được thực hiện trên các lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế, xã hội, khoa học, môi trường đến lịch sử, văn hóa nghệ thuật...
Đối với các thành viên Hội đồng giám khảo, việc bình xét giải là một công việc đầy cảm hứng, giống như việc tìm kiếm những tri âm, tri kỷ về Hà Nội vậy.
Đánh giá về đề cử Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội
Theo truyền thống của Giải thưởng từ những mùa giải đầu tiên đến nay, mỗi năm, Hội đồng Giám khảo chỉ công bố duy nhất một tác giả được đề cử vào hạng mục Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội. Áp lực trở nên vô cùng lớn khi những “cây đa cây đề” được công chúng biết tới rộng rãi đã lần lượt được vinh danh trong các mùa giải trước. Phải làm sao tiếp tục chọn được nhân vật tương xứng, có cống hiến lớn cho Hà Nội, đến mức trở thành một biểu tượng sống động để vinh danh?
Rất nhiều tên tuổi lớn đã được đưa ra bình xét, nhưng cuối cùng với sự thống nhất tuyệt đối, Hội đồng Giám khảo đã quyết định đề cử Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ. Đây là một phát hiện rất thú vị thể hiện tính đột phá của mùa giải năm nay.
PGS.TS.NGƯTNguyễn Thừa Hỷ có thể chưa phải là một cái tên quá quen thuộc với công chúng rộng rãi hay với giới truyền thông, nhưng từ 30 – 40 năm nay, ông đã là một “định danh” sừng sững trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Với những công trình nghiên cứu, dịch thuật mẫu mực về Thăng Long - Hà Nội trên cả bình diện lịch sử, văn hóa và kinh tế xã hội, ông đã có nhiều đóng góp cho ngành Hà Nội học, bên cạnh những tên tuổi lớn khác như Hữu Ngọc, Nguyễn Vinh Phúc...
Các công trình khoa học của ông trải dài theo thời gian: Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX (1993); Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX (2010); Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây (2010); Văn hóa Việt Nam truyền thống, một góc nhìn (2011); Lịch sử và văn hóa Việt Nam từ góc nhìn đổi mới (2018);“Thăng Long – Hà Nội trong mắt một người Hà Nội” (2018)… Trong đó, cuốn“Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” (vốn là luận án tiến sĩ ông đã bảo vệ thành công từ năm 1984), được coi là một trong những cuốn sách công cụ quan trọng và hữu ích dành cho giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước khi tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội thời kì trung đại.
Ông chia sẻ: “Vào thời điểm đầu những năm 80 thế kỷ trước, việc tiếp cận các tư liệu bằng tiếng Anh, Pháp viết về Thăng Long - Hà Nội ở các kho tư liệu quý là khá khó khăn, phải có thẻ đọc đặc biệt. Nhờ thông thạo 2 ngoại ngữ này từ thời còn đi học, tôi dần tìm tòi, chắt lọc, tự dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án hàng trăm nguồn tư liệu gốc nước ngoài, trong đó có nhiều tư liệu chưa được ai khai thác trước đó. Lúc ấy điều kiện kinh tế của bản thân còn gặp khó khăn, nhưng vì đam mê nên tôi theo đuổi đến cùng. Năm 2002, cuốn sách được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh, với tên gọi Economic History of HaNoi in the 17th,18th,19th centuries. Năm 2006, dựa trên những tiền đề sẵn có, tôi biên soạn cuốn “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX”, xuất bản đúng dịp Đại lễ, và sau đó được trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2012”.
Khá bất ngờ, năm 2018, ông cho ra đời cuốn“Thăng Long – Hà Nội trong mắt một người Hà Nội”, có thể xem sự nối dài những trăn trở của ông về Hà Nội, đã được đề cập trong công trình trước đó với cách viết gần gũi, đi vào những chủ đề hết sức thiết thực đối với Hà Nội hôm nay.
Ở phần cuối: Hà Nội trong tầm nhìn viễn cảnh, ông đã dồn nén nhiều tâm tư của mình về chất lượng thị dân Thăng Long - Hà Nội. Nhà nghiên cứu 83 tuổi trăn trở: “Những con người Hà Nội đích thực, sau khi tìm hiểu về những quãng đời chìm nổi của đô thị này, làm sao lại không tự hào về một truyền thống lâu đời của lòng yêu nước, tinh thần lao động cần cù khéo léo, nếp sống hào hoa thanh lịch, trọng chữ tín? Nhưng đồng thời, chúng ta phải nhìn thẳng vào những mảng tối, biểu lộ qua những tật xấu có thực: thói sĩ diện chuộng hình thức hư danh, tính bảo thủ ít sáng tạo trong lao động, tinh thần thụ động với những lề thói cố hữu. Và gần đây là những biểu hiện của thói vô cảm đáng báo động…Toàn cảnh khối thị dân đương đại của Hà Nội vẫn là một bức tranh đa sắc, không dễ dàng cho việc định tính, đánh giá chất lượng. Cho đến nay, đáng tiếc chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về sự phần tầng xã hội của cộng đồng thị dân Hà Nội đương đại”
Với PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ, lịch sử và cuộc sống giống như một ngôi nhà có nhiều cửa sổ. Chính vì vậy, yêu thương Hà Nội không phải là cứ tâng bốc, tô hồng. “Ai cũng phải công nhận Hà Nội bây giờ thay đổi đến chóng mặt. Nhưng sự đàng hoàng không phải chỉ ở những tòa nhà chọc trời, khu đô thị hiện đại. Con người còn phải có nhân cách tử tế, tức là chúng ta phải chăm lo nhiều hơn đến phần đạo đức nhân văn, hướng tới sự phát triển bền vững. Đây phải là một mục tiêu cốt lõi của chiến lược xây dựng Hà Nội thành “siêu đô thị thông minh”.
Đánh giá về đề cử hạng mục Giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội
Ở hạng mục đề cử Giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội, năm nay có tác phẩm của 3 gương mặt rất sung sức là Nguyễn Trương Quý, Vũ Công Chiến và Uông Triều. Họ mang đến những góc nhìn hết sức mới lạ về chủ đề Hà Nội, cả về mặt tư liệu lẫn văn chương.
Cuốn sách Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca của Nguyễn Trương Quý là một công trình khảo cứu độc đáo về lịch sử văn hóa Hà Nội, có lẽ chỉ có ở một con người vừa tỉ mỉ, chi tiết vừa phóng khoáng, tài hoa và đầy đam mê như Nguyễn Trương Quý.
Thông qua những sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong khoảng thời gian trước và sau năm 1954, anh đã tái dựng một mảng tinh tế của đời sống đô thị Hà Nộivà giải mã sự hình thành của cái chất Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử đang gấp gáp chuyển đổi. Cuốn sách đã khảo sát cơ chế tạo dựng nền các huyền thoại đô thị, thông qua nhân vật nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và không gian văn nghệ giai đoạn Hà Nội trước và sau năm 1954, khẳng định rằng, đô thị Hà Nội quyến rũ nhiều thế hệ, kể cả những người không ở đây, là nhờ những huyền thoại văn nghệ có khả năng thắp lên những cảm xúc đẹp đẽ, vun đắp một phẩm chất lãng mạn tổng hòa và kết tinh từ nhiều yếu tố...
Còn cuốn “Hà Nội quán xá phố phường” của nhà văn Uông Triều được đề cử giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội vì đó là một cuốn sách tràn ngập hương vị của sinh hoạt phố phường đương đại. Đó là những ghi chép về ẩm thực Hà Nội nhưng lại có dáng dấp một tác phẩm về địa chí, văn hóa, thiên về nếp sống và phong tục. Nhà văn Uông Triều quê ở Quảng Ninh, nhưng đã chuyển công tác về Thủ đô được 10 năm và đã “phải lòng” Hà Nội nhiều thứ. Cuốn sách là cách nhìn Hà Nội theo cách của riêng anh, cụ thể là cách nhìn của "một người tỉnh lẻ với Thủ đô” như anh tự bạch. Viết về ẩm thực, anh đã phải cất công đi bộ lang thang các phố, tay cầm một cuốn sổ nhỏ, chăm chăm ghi chép. Mò vào từng ngõ phố hẹp, ngắm nghía từng căn nhà, ngôi chùa, rồi tra cứu tài liệu, đối chiếu qua các thời kỳ lịch sử…
Theo anh, các món ăn ở Hà Nội cầu kỳ hơn nơi khác, sự cầu kỳ có khi chỉ thua Huế. Hà Nội có những món ăn của riêng mình, nó cũng du nhập những tinh hoa ẩm thực từ nơi khác và lại có những cách sáng tạo riêng. Ví dụ phở là món lâu đời của Hà Nội và sau này có thêm bánh cuốn phở. Ở Hà Nội cũng không thiếu mì vằn thắn, bún bò, nem lụi, bánh đa cá… những món ăn có nguồn gốc từ nơi khác, thậm chí từ nước ngoài nhập vào. Ngay cả món đặc trưng nhất là phở, mỗi hàng cũng khác nhau.
Đề cử Giải Tác phẩm năm nay còn có “Kim Liên một thuở” của nhà văn “tay ngang” Vũ Công Chiến. Cuốn sách đi vào lòng người với những hồi ức giản dị, chân chất về một khu tập thể cũ của Hà Nội: Kim Liên. Cái khu tập thể có tuổi đời nửa thế kỷ ấy đi vào ký ức của bao thế hệ người Hà Nội, trong đó có chính gia đình ông, để rồi nó cứ tự nhiên đi vào trong trang văn. Những đổi thay về cảnh quan, về con người gợi bao thương nhớ, nhưng vượt lên tất cả, cuốn sách vẫn cho thấy rằng, dù cuộc sống có trải qua nhiều thăng trầm, thì điều quý nhất có được vẫn là tình người, điều mà cuộc sống ở các chung cư Hà Nội ngày nay rất muốn tìm lại.
Đánh giá đề cử hạng mục Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội
Tình yêu Hà Nội luôn gắn với các hoài niệm đồng hành cùng số phận con người, cho nên cảm giác “hoài cổ” dễ xuất hiện trong các mùa giải thưởng Bùi Xuân Phái, và năm nay cũng không ngoại lệ.
Vẻ đẹp của các khu tập thể cũ như Kim Liên (trong đề cử giải Tác phẩm) còn xuất hiện ở đề cử hạng mục Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội. Đó là Nhóm ký họa đô thị Hà Nội với khát vọng “ôm và lưu giữ” cả Hà Nội vào tranh. Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội - Urban Sketchers HaNoi (USK Hà Nội) - ra đời từ năm 2016, do 4 thành viên đều là kiến trúc sư sáng lập gồm chị Trần Thị Thanh Thủy (trưởng nhóm), các anh Đinh Hải, Chu Quốc Bình và Nguyễn Hoàng Lâm. Và đến nay, sau 3 năm hoạt động, số thành viên đã lên tới gần 4000 người, với rất nhiều thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, từ kiến trúc sư, họa sĩ, những người làm văn phòng, các bác về hưu, các em nhỏ, những người được đào tạo hội họa bài bản đến người lần đầu cầm bút vẽ…
Ngày Chủ nhật nào đó, đang thong dong trên đường phố Hà Nội, bạn có thể bắt gặp họ với giá vẽ và cây cọ trên tay. Họ ngồi trên vỉa hè, trước một ngôi nhà cổ, một khu chung cư cũ, hay một góc phố nhỏ, đổ dồn tâm trí vào giá vẽ...
Trong thời đại bùng nổ các phương tiện thông tin này, quá dễ dàng để chúng ta có thể chụp mọi bức ảnh về Hà Nội, mà ở đó Hà Nội hiện lên long lanh, đẹp không góc chết. Khả năng lưu giữ những bức ảnh đó cũng là vô tận. Thế nhưng Nhóm ký họa đô thị Hà Nội lại không chọn cách thức quá dễ dàng và cũng dễ dãi đó. Họ muốn lưu giữ Hà Nội bằng cả tâm hồn mình. Trước khi vẽ về một đối tượng (công trình, con phố…), Ban quản trị của Nhóm đều thông báo thời gian, địa điểm và cung cấp thông tin lịch sử hình thành, giá trị văn hóa để các thành viên hiểu hơn. Khi vẽ, mọi người được đánh thức những giác quan, cảm nhận từng chi tiết nhỏ bình dị, những khía cạnh đáng yêu của Hà Nội và họ sẽ trân quý những điều đó, sẽ làm những việc có ích khác nữa cho Hà Nội.
Họ cũng nhận ra rằng Hà Nội hiện nay đang biến đổi rất nhanh trong quá trình đô thị hóa. Nhưng vẫn còn đó những viên ngọc quý bé nhỏ, ẩn khuất làm nên những nét độc đáo không nơi nào có được. Chúng dần có nguy cơ bị phá bỏ và thay thế bởi các công trình khác. Với tình yêu đó, họ quyết định biên soạn cuốn sách Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức. Họ tìm về những khu tập thể được xây dựng từ những năm 1960, đi vẽ trong 1 năm bất kể mưa nắng.
Sắp tới, các cuốn sách ký họa về phố cổ, nhà Pháp cổ, ẩm thực Hà Nội sẽ lần lượt ra mắt bạn đọc…
Dù hoạt động phi lợi nhuận, nhưng tháng 9 năm 2019 tới, nhóm vẫn “liều lĩnh” tham gia đăng cai tổ chức sự kiện Hành trình Ký họa Châu Á - Hà Nội 2019, với sự góp mặt của khoảng 400 họa sĩ chuyên và không chuyên từ khắp nơi trên thế giới. Nhóm tin rằng sự phổ biến mạng xã hội sẽ giúp những bức ký họa về Thủ đô như cách làm này của Nhóm sẽ lan tỏa khắp nơi. Và người nước ngoài khi nhìn thấy những bức ký họa ấy sẽ ngay lập tức bị hút hồn bởi vẻ đẹp cổ kính xen lẫn hiện đại của đô thị này. Và điều đó sẽ thôi thúc họ xách ba lô lên và đi đến…
Ký ức của đô thị cũng chính là một phần lịch sử cả đô thị đó. Dễ hiểu khi những hình ảnh thân quen ấy bị mất đi thì sự nuối tiếc trong lòng công chúng lớn đến mức nào. Đó chính là những gì diễn ra ở tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Đề cử Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội đã ghi nhận những nỗ lực nhằm yêu cầu khôi phục tên gọi tòa nhà "Bưu điện Hà Nội" ở Hồ Hoàn Kiếm, bởi đó là một việc làm hết sức ý nghĩa và kịp thời để bảo tồn ký ức Hà Nội trước nguy cơ bị mai một.
Đầu tháng 11/2018, trong báo cáo gửi lên UBND thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhắc tới đề nghị xem xét đổi lại biển tên "Bưu điện Hà Nội" trên nóc tòa nhà số 75 phố Đinh Tiên Hoàng như trước đây. Như chia sẻ của lãnh đạo Sở, đó là cái tên chưa bao giờ thay đổi, cho dù bản thân công trình nhà Bưu điện này đã được tu sửa và mở rộng nhiều lần trong lịch sử.
Trước đó, trong nhiều tháng, biển tên “Bưu điện Hà Nội” từng tồn tại nhiều năm ở công trình này đã được đơn vị chủ quản thay bằng tấm biển mới với dòng chữ “VNPT Hà Nội”. Sự thay đổi này gắn với một thực tế: Cuối năm 2007, Bưu điện thành phố Hà Nội (cũ) chia tách bưu chính và viễn thông để thành lập mới hai đơn vị là Bưu điện Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội). Trong đó, VNPT được bàn giao tòa nhà số 75 phố Đinh Tiên Hoàng.
Tháng 12/2018, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị giữ tên "Bưu điện Hà Nội". Như tinh thần của công văn, quyết định đổi tên "Bưu điện Hà Nội" thành "VNPT Hà Nội" đã làm mất đi hình ảnh rất đỗi quen thuộc với người dân Thủ đô và cả nước. Do vậy, mong muốn của người dân Thủ đô về việc giữ lại tên Bưu điện Hà Nội là hoàn toàn phù hợp.
Những nỗ lực của lãnh đạo và người dân Hà Nội đã bước đầu đưa tới một kết quả tích cực – khi qua báo giới, đại diện VNPT cho biết: Cơ quan này đang xây dựng một Đề án tổng thể để bảo vệ và tôn vinh các giá trị lịch sử của tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Theo đó, ngoài việc sửa chữa, trùng tu tháp đồng hồ 4 mặt trên nóc tòa nhà, việc thay thế, trả lại tên “Bưu điện Hà Nội” cũng là một phần của hạng mục sẽ chỉnh trang... Chúng ta rất hoan nghênh và chờ đợi Đề án đó được thực hiện.
Năm 2019, cụm từ “Thành phố vì hòa bình” được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết ở Hà Nội. Dễ hiểu, bởi chúng ta vừa kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu này từ UNESCO và xa hơn, vừa có những cơ hội đặc biệt để khẳng định rằng cụm từ ấy không chỉ là danh xưng, mà còn là tuyên ngôn và lý tưởng sống của Hà Nội. Và cũng cần nhắc lại, trong 20 năm qua, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu cao quý này. Ghi nhận các hoạt động tích cực của TP Hà Nội và cả cộng đồng nhằm khẳng định vị thế và quảng bá hình ảnh Hà Nội - “Thành phố vì hòa bình”, Giải Bùi Xuân Phái năm nay đã đưa các hoạt động này vào đề cử Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội.
Cũng phải kể thêm, chỉ vài tháng trước đó, Hà Nội đã được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai với các nội dung bàn thảo liên quan đến việc chấm dứt xung đột và hòa bình. Cũng trong chuỗi ngày ấy, khi trở thành tâm điểm của thế giới, Hà Nội đã để lại ấn tượng đặc biệt với báo giới và bạn bè quốc tế về sự chu đáo, hiếu khách, thân thiện của một thành phố ngàn năm tuổi.
Tiếp nối danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, vào cuối tháng 6 vừa qua, Thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thiện và nộp hồ sơ đăng ký vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Tổ chức UNESCO sẽ thông báo chính thức kết quả xét duyệt hồ sơ Hà Nội này trong kỳ họp vào tháng 11 tới tại Pháp.
Đánh giá đề cử hạng mục Giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội
Một sự kiện đặc biệt diễn ra vào giữa năm 2019 và thu hút sự chú ý của dư luận Hà Nội: Cùng một thời điểm, nhiều ý tưởng hồi sinh dòng sông Tô Lịch đã được đưa ra – trong đó có cả những thực nghiệm mới mẻ ban đầu.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái đã ghi nhận Các đề xuất, dự án thể hiện quyết tâm làm "hồi sinh" sông Tô Lịch của các cơ quan, đơn vị hữu quan và cộng đồng người dân Hà Nội và đưa vào đề cử Giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội.
Dài gần 15 km, chảy qua 6 quận nội thành Hà Nội, sông Tô Lịch từ hàng chục năm nay vẫn là một dòng nước đen ngòm, hôi thối, đầy rác rưởi. Và quả thật, sẽ vô cùng đơn giản nếu “đậy nắp” lại để “cống hóa”, biến con sông hoặc một phần con sông ấy thành một dòng chảy ngầm, nhường chỗ cho con đường phía trên.
Thế nhưng, cộng đồng và các cơ quan chức năng đã không chọn giải pháp ấy. Thay vào đó, hàng loạt ý tưởng, thậm chí là thử nghiệm, đã được đưa ra để làm sống lại một giấc mơ từ rất lâu của người Hà Nội: cải tạo Sông Tô – dòng sông từng gắn với văn hóa, lịch sử của thành phố trong nhiều thế kỷ qua. Dù còn mong manh và gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả, nhưng những việc làm đó vẫn toát lên “tình yêu Hà Nội”.
Và trong bối cảnh đó, khá dễ hiểu khi dư luận bỗng dồn sự chú ý về dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor, được triển khai từ giữa tháng 5 trên một đoạn sông dài 300 mét, với nguồn vốn tài trợ từ Nhật Bản và do các chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật-Việt thực hiện.
Hiếm khi, chúng ta thấy những người dân Hà Nội lại háo hức, từng ngày theo dõi dự án tại sông Tô Lịch như thế. Từng ngày, từng tuần, những tín hiệu về cuộc thử nghiệm được cập nhật. Rồi, không chỉ đến tận nơi theo dõi, nhiều người còn tỉ mỉ dùng chai nhựa múc nước, chờ lắng cặn để quan sát rõ hơn. Kể cả khi cuộc thử nghiệm phải kéo dài thêm một thời gian vì sự cố ngoài ý muốn, nhưng sự háo hức ấy vẫn không hề hạ nhiệt…
Đáng nói, dự án của các chuyên gia Nhật Bản chỉ là một trong số những ý tưởng và thử nghiệm để làm sạch sông Tô Lịch vào năm 2019 này. Đơn cử ý tưởng bổ cập nước từ sông Hồng và Hồ Tây cho sông Tô Lịch được Công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất cũng khiến dư luận quan tâm. Theo đó, nếu được triển khai, công ty sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000 m3 mỗi ngày đêm dẫn vào Hồ Tây. Sau đó, nguồn nước Hồ Tây sẽ được điều tiết bằng cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.
Từ sự hào hứng ấy, thêm những đề xuất khác – vốn từng xuất hiện trong quá khứ - cũng được nhắc lại bởi dư luận. Chẳng hạn, đó là việc đào mương và hồ điều hòa để trữ nước từ sông Nhuệ dẫn về sông Tô - hay kỳ công hơn, là dùng hẳn nguồn nước từ sông Đà và sông Tích để đưa về thành phố.
“Chắc chắn, so với việc trùng tu, tôn tạo một di tích hay một kiến trúc cổ, việc hồi sinh một dòng sông sẽ phức tạp và có những đòi hỏi cao hơn nhiều” – GS.KTS Hoàng Đạo Kính, thành viên Hội đồng giám khảo, cho biết – “Nhưng, việc hồi sinh sông Tô Lịch là khao khát, và cũng là một nhu cầu khẩn thiết mà thực tế đang đặt ra với Hà Nội, nơi vẫn được coi là một thành phố của sông hồ. Bởi thế, tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng kiên trì và nỗ lực theo đuổi ý tưởng này – để rồi từ sông Tô, những con sông Nhuệ, sông Đáy, sông Kim Ngưu cũng sẽ tới lúc được cải tạo và tìm lại sức sống của mình, như đã có”.
“Những gì diễn ra cho thấy ý tưởng hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là mong muốn của các cơ quan chức năng. Đó còn là tâm nguyện của các doanh nghiệp, của bạn bè quốc tế, của cộng đồng người dân Hà Nội, khi bất cứ ai cũng hy vọng một ngày nhìn thấy dòng sông đặc biệt này được làm sạch và in bóng xuống Hà Nội của chúng ta” – nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét – “Và dù có thử nghiệm thành công bước đầu, có thử nghiệm còn khá mong manh hoặc mới chỉ dừng ở ý tưởng, những đề xuất ấy vẫn đang được chúng ta tiếp nhận với tâm thế trân trọng, khích lệ và vun xới”.
Không gây được sự chú ý rộng rãi như các ý tưởng, dự án làm hồi sinh sông Tô Lịch, nhưng Dự án đào tạo, nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội” lại có ý nghĩa rất sâu sắc trong việc“đánh thức” một loại hình công trình mang tính cộng đồng cực kỳ quan trọng này của Hà Nội.
Dự án do Tổ chức HealthBridge Việt Nam phối hợp cùng Hội Kiến trúc sư Hà Nội và Tổ hợp sáng tạo AGOhub tổ chức từ tháng 10 đến tháng 11/2018 với sự tham gia của Kiến trúc sư Steve Davies. Là người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu về chợ khắp thế giới, ông đã làm việc với gần 20 kiến trúc sư tại Hà Nội để nghiên cứu và đề xuất các ý tưởng thiết kế 3 chợ truyền thống của Hà Nội.
Thay cho cách nghĩ thông thường là chồng tầng lên để biến chợ thành các trung tâm thương mại, các ý tưởng thiết kế đã tập trung vào việc "đánh thức" các thế mạnh của chợ truyền thống, như sự tiện lợi, sự gắn kết giữa người bán và người mua, để ngoài chức năng thương mại, chợ còn là điểm đến văn hoá - du lịch. Bên cạnh đó, dĩ nhiên, các thiết kế chợ vẫn đáp ứng được các tiêu chí về vệ sinh môi trường, giao thông...
Sản phẩm cuối cùng của Dự án này chính là các bản thiết kế cải tạo 3 ngôi chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội: chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), chợ Châu Long (quận Ba Đình) và chợ Hạ (huyện Mê Linh).
Tất nhiên, việc thực hiện những ý tưởng thiết kế ấy còn nằm ở thì tương lai. Nhưng, như lời khẳng định của những người trong cuộc, nếu chỉ dừng lại ở ý tưởng, những gì được đưa ra vẫn không phải là vô ích để cộng đồng có thể hiểu hơn về tiềm năng ở những ngôi chợ truyền thống của mình.
Giải thưởng năm nay còn cho thấy có một Hà Nội trong quá khứ với các giá trị truyền thống cần được giữ gìn, nhưng đồng thời cũng có một Hà Nội đầy năng động, hiện đại đang truyền cảm hứng lớn trong hội nhập, sáng tạo.
Tháng 4/2020 ở Hà Nội, cũng sẽ là lần đầu tiên Giải đua xe Công thức 1 (Formula 1-F1) được tổ chức tại Đường đua công thức 1 – Grand Prix Hà Nội (F1 Hà Nội) với tên gọi chặng đua Formula 1 Vietnam Grand Prix.
Không chỉ mang đến Hà Nội một bộ môn thể thao gắn liền với đẳng cấp và công nghệ cao, không chỉ là cú hích về kinh tế, văn hóa, du lịch…, Giải đua F1 Hà Nội còn cho thấy một vị thế mới của Hà Nội. Thành phố cổ kính ngàn năm đang có những bước phát triển năng động, hiện đại, tiếp tục vươn tầm quốc tế, mà vẫn hài hòa với những yếu tố truyền thống.
Theo Quy hoạch chi tiết đường đua công thức 1 - Grand Prix Hà Nội tỷ lệ 1/500, các hạng mục công trình phục vụ giải đua phải được thiết kế theo ý tưởng từ Hoàng thành Thăng Long kết hợp với giải pháp kiến trúc hiện đại, không làm thay đổi tổ chức không gian, cảnh quan chung của khu vực và hài hoà với các công trình thể thao trong Khu Liên hợp thể thao quốc gia.
Đó là lý do mà Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội đã đưa F1 Hà Nội vào Danh sách đề cử chính thức ở hạng mục “Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội”.
Trên cơ sở 10 đề trong Danh sách đề cử chính thức, Hội đồng giám khảo đã thống nhất trao 5 Giải thưởng. Chi tiết, Ban tổ chức sẽ công bố tại Lễ trao giải.
BTC - Hội đồng Giám khảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất