Giải Biếm họa Báo chí Cúp Rồng tre đã khôi phục lại cho biếm họa vị trí xứng đáng

13/01/2019 10:32 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/1 Lễ tổng kết, trao giải và triển lãm Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần V – Cúp Rồng Tre lần V - 2018 do báo Thể thao và Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Hình ảnh từ Triển lãm Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V-2018

Hình ảnh từ Triển lãm Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V-2018

Trong 2 ngày 12 và 13/1/2019, tại phố đi bộ Hồ Gươm, Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức triển lãm 60 bức tranh thuộc giải biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V - 2018 với chủ đề “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh” nhằm lan tỏa thông điệp tới tất cả cộng đồng.

Chủ đề của mùa giải lần 5 này là "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh". Và, sau 8 tháng phát động (từ tháng 4-2018 đến tháng 12-2018), giải đã nhận được khoảng 400 tác phẩm dự thi, chưa kể hàng chục tác phẩm gửi để "dự treo" triển lãm. Kết quả, 9 tác phẩm xuất sắc bao gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 4 giải Khuyến khích đã được BTC trao cho các tác giả.

Tại buổi lễ, Thể thao & Văn hóa đã ghi lại một số ý kiến của những người “cầm cân nảy mực” mùa giải lần 5.

Ông Lê Quốc Minh (Phó Tổng giám đốc TTXVN, Chủ tịch HĐGK): Cúp Rồng Tre là cú hích quan trọng thúc đẩy sự phát triển của biếm họa báo chí

Phát biểu tại Lễ trao giải, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc TTXVN, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng đánh giá: "Sự kiện Cúp Rồng Tre - Giải biếm họa báo chí Việt Nam 2018 là dấn ấn quan trọng của văn hóa trong thời gian qua. Đây là sự kết nối giữa báo chí với nghệ thuật, qua đó thúc đẩy sự quan tâm của các nhà báo, các họa sĩ đến với tranh biếm họa - một trong những thành phần rất quan trọng của báo chí truyền thống cũng như báo chí hiện đại.

Chú thích ảnh
Đại diện BTC và BGK trao giải Nhất cho tác giả Lê Diệu Bang với tác phẩm “Chực chờ”. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Con số 400 tác phẩm của 50 tác giả tham gia Giải thưởng lần này chưa phải là nhiều. Dẫu vậy cuộc thi đã cho thấy sự quan tâm của xã hội với tranh biếm họa nói riêng và tranh biếm họa trên báo chí nói riêng. Các tác giả đã phát huy sức mạnh của tranh biếm họa để phê phán những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử, đồng thời cổ vũ những hành động văn hóa, văn minh trong các quan hệ ứng xử trong xã hội hiện nay, gửi gắm mong ước về môi trường xã hội văn minh. Hy vọng khi Báo Thể thao và Văn hóa nối lại Giải thưởng này đều đặn trong những năm tới, sẽ thu hút nhiều hơn sự tham gia của các họa sỹ nghiệp dư và chuyên nghiệp, và biếm họa sẽ đóng vị trí quan trọng trong đời sống hiện nay.

Sau một thời kỳ chững lại (do tốc độ phát triển của các thiết bị điện tử…), hiện nay, tranh biếm họa đang dần lấy lại vị thế trên mặt báo dù có nhiều khác biệt so với trước đây. Hiện nay, tranh biếm họa không chỉ xuất hiện trên báo in mà hiện diện cả trên cả báo điện tử với sự tương tác, lan truyền rộng rãi. Sự tiên phong của Báo Thể thao và Văn hóa trong việc tổ chức lại Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre là cú hích quan trọng thúc đẩy sự phát triển của biếm họa báo chí”.

Ông Hồ Quang Lợi (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên HĐGK): Biếm họa chữa trị các biểu hiện lệch lạc trên mạng xã hội

Ông Hồ Quang Lợi cũng cho rằng, những năm gần đây, vị trí của biếm họa đã không được như trước. Vì thế, việc Thể thao & Văn hóa của Thông Tấn Xã Việt Nam duy trì được giải Biếm họa Báo chí Cup Rồng tre đến mùa thứ 5, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện này để khôi phục và trả lại cho biếm họa vị trí xứng đáng là một điều rất đáng ghi nhận.

“Ở nước ngoài, biếm họa có hai đặc tính. Một là tính hàn lâm. Hai là tính đại chúng. Hàn lâm thì mới sâu sắc còn đại chúng thì mới phổ biến được. Và tôi thấy có nhiều tác phẩm đạt giải lần này đã đạt được yêu cầu trên” – ông Lợi nói.

Chú thích ảnh
Ông Hồ Quang Lợi (ngoài cùng bên phải) và ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc TTXVN trao giải Nhì cho tác giả Nguyễn Mạnh Tiến

Với vai trò là người “cầm cân nảy mực” cùng với 6 thành việc giám khảo khác tại mùa giải lần này, ông Hồ Quang Lợi còn tâm sự, việc BTC chọn đề tài “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh”, ban đầu khiến các thành viên thấy hơi lo vì đề tài có vẻ trừu tượng, rộng lớn. Nhưng đấy chính là một đề tài rất nóng và đang được rất nhiều người quan tâm.

“Chúng ta thấy là ứng xử văn hóa đang trở thành một vấn đề xã hội. Chúng ta vẫn gặp trong cuộc sống các nét đẹp ứng xử văn hóa. Nhưng chúng ta vẫn thấy xuất hiện ngày càng nhiều các cách cư xử không đúng mực, và rất lệch lạc. Trong chừng mực nào đó, xã hội chúng ta cần lên tiếng, báo động điều này” – vẫn lời ông Hồ Quang Lợi. “Và chúng ta cần biết ứng xử văn hóa chính là gương mặt của văn hóa. Ta không thể nói một xã hội văn minh, tốt đẹp mà con người ở đó ứng xử vô văn hóa. Báo chí viết bài, vẽ tranh để cổ động cách ứng xử văn hóa, văn minh, tôi cho rất là hay”.

Chú thích ảnh
Khi đời tư cũng thành... món ăn nhanh của Nguyễn Mạnh Tiến

Ông Lợi nói tiếp: “Theo thống kê sơ bộ, 1/3 số tác phẩm lần này là vẽ về vấn đề văn hóa trên mạng, điều đó cho thấy ứng xử trên mạng là việc rất nóng hiện nay, và có thể nó còn nóng hơn nữa. Các cách ứng xử thiếu văn minh, đạo đức và thậm chí vi phạm luật pháp không thiếu.

“Hội nhà báo Việt Nam cũng vừa ban hành bộ qui tắc về ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Bắt đầu có hiện lực từ 1/1/2019. Điều này đã cụ thể hóa điều năm trong 10 điều qui định đạo đức của người làm báo. Do đó, nhà báo phải chuẩn mực và có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội. Ta thấy một lần nữa rằng mạng xã hội tác động mạnh mẽ đến xã hội và báo chí. Mới đây Bộ Thông tin & Truyền thông vừa khởi động một cuộc thảo luận sôi nổi về ứng xử trên mạng xã hội của nhân dân. Hội nhà báo đi đầu trong phong trào đã góp phần chung vào việc cải thiện ứng xử văn hóa của xã hội.

Các họa sĩ vẽ tranh biếm họa đã thể hiện trách nhiệm của người làm báo. Các anh chị đã chữa trị các biểu hiện lệch lạc trên mạng xã hội. Đó là tiếng cười hóm hỉnh mà sâu cay để phản tỉnh mỗi chúng ta khi tham gia mạng xã hội.

Thành công của giải biếm họa cúp Rồng Tre năm nay thể hiện biếm họa vẫn là vũ khí sức bén của các nhà báo, họa sĩ và cơ quan báo chí. Lực lượng các nhà báo vẽ vẫn còn sung sức. Các thế hệ họa sĩ vẽ đã góp phần đưa biếm họa trở lại vị trí xứng đáng của hoạt động báo chí”.

Họa sĩ Thành Chương (thành viên HĐGK): Tôi là người có duyên với biếm họa gần như trong suốt cuộc đời làm báo, từng có thời gian rất dài đảm nhiệm trang biếm họa của Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Phải nói là tôi đánh giá rất cao những tác phẩm biếm họa trên báo chí bởi ngoài tác dụng xã hội, các tranh biếm họa còn có những ấn tượng sâu sắc về mỹ thuật. Có những tờ báo cũng có những bài thơ đẹp, những tản văn hay thì mình không nhớ gì cả, nhưng với những bức tranh biếm họa thì cho đến bây giờ mình cũng không quên.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Chực chờ" của họa sỹ Lê Diệu Bang giành giải nhất

Chủ đề Biếm họa Báo chí Cúp Rồng tre năm nay “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh”, thoạt đầu tôi nghĩ rất khó và khi chấm cũng rất căng thẳng, thậm chí không hy vọng gì lắm dù tranh dự thi gửi đến rất nhiều. Nhưng rồi càng chấm, chủ đề của cuộc thi như càng mở ra những điều thú vị, mang đến một mùa giải thành công.

Và giống như một cuộc thi hoa hậu, nếu chúng ta tìm được một cô thực sự là đẹp cả về hình thức, lại có ứng xử văn hóa đẹp trong cuộc sống thì cô hoa hậu ấy thật hoàn mỹ. Giải biếm họa lần này cũng thế. Chúng tôi cứ nghĩ để tìm ra giải Nhất là rất khó. Nhưng rồi chúng tôi đã tìm được giải nhất rất thú vị, có ý nghĩa rất sâu sắc, rất cập nhật với văn hóa đời sống bây giờ. Về tạo hình của tác phẩm này là rất mới mẻ, truyền tải được ý đồ tác giả rất tốt. Tác giả vẽ logo của facbook là một khối diêm, cạnh đó là một que diêm đang cháy, thả ra những con tim, chỉ chực chờ ném vào là sẽ bùng nổ.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Thành Chương - Ảnh: Hòa Nguyễn

Nhưng cái hay là mới nhìn thoáng qua có thể chúng ta nghĩ đó là sự bùng nổ của facbook nhưng ẩn sau nó là hình một quả bom, cho thấy sự khủng khiếp, nguy hiểm vô cùng ở đằng sau nó. Cái kiểu chực chờ ấy đúng là rất nguy hiểm. Văn hóa của chúng ta cũng thế, nếu không ứng xử khôn khéo thì tất sẽ xảy ra hậu quả khôn lường và cái chực chờ như tranh vẽ thì lúc nào cũng có sẵn.

Họa sĩ - Kiến trúc sư Lý Trực Dũng (thành viên HĐGK): Hội nhập với dòng chảy biếm họa thế giới

Tôi có chút băn khoăn, lo lắng trước khi cuộc thi này bắt đầu. Khái niệm “ứng xử văn hóa – xã hội văn minh” khá trừu tượng. Với các họa sĩ, nếu chúng ta chọn chủ đề về tham nhũng, về an toàn giao thông, về bảo vệ môi trường thì sẽ là những gợi ý cụ thể hơn nhiều.

Để rồi, tôi thật sự bất ngờ và ấn tượng về những tác phẩm dự thi. Từ một đề tài tưởng như “trừu tượng” ấy, gần như tất cả các họa sĩ đều có những góc nhìn riêng, vừa độc đáo hấp dẫn vừa rất sát vấn đề. Và như thế, tôi hiểu thêm: đề tài không phải là chướng ngại với các biếm sĩ. Và với thiên chức của mình, các họa sĩ biếm họa đều rất dễ dàng nhập cuộc trong cuộc đấu tranh để hướng tới một xã hội hoàn thiện hơn.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lý Trực Dũng trao giải Nhì cho tác giả Duy Sơn - Ảnh: Hòa Nguyễn

Cũng cần nói thêm, vừa qua cúp Rồng tre bị gián đoạn khoảng 4 năm không tổ chức. Thời điểm trước, khi nhịp độ tổ chức diễn ra 2 năm/lần, các họa sĩ đã quen với mạch sáng tạo và rất trông đợi ở cúp Rồng tre. Bởi thế, khi giải chưa được tổ chức, rất nhiều người đã liên lạc và hỏi tôi về cuộc thi này. Và với hơn 400 bức tranh nhận được, tôi rất vui khi anh em đã hồ hởi nhập cuộc sau 4 năm thiếu “sân chơi”. Đó là cơ sở để chúng ta hi vọng vào thành công của cúp Rồng tre trong lần tổ chức tới.

Riêng về chất lượng của cuộc thi lần này, tôi muốn nói thêm: Có rất nhiều tác giả dự thi đã sử dụng nhuần nhuyễn các kĩ thuật đồ họa trên máy tính khi sáng tác. Thêm vào đó, các tác phẩm dự thi hầu hết cũng rất kiệm lời chú thích – thậm chí nhiều tác phẩm không có lời. Đó là điều phù hợp với dòng chảy chung của biếm họa thế giới – khi mà internet giúp cho các bức biếm họa được vẽ một cách thuận lợi, lan tỏa rất nhanh và vượt qua hầu hết các ranh giới về ngôn ngữ để đến với người xem. Như vậy, chúng ta thấy rất rõ dấu hiệu của sự hội nhập với thế giới từ biếm họa Việt Nam.

Bất kỳ BGK của cuộc thi biếm họa nào đó cũng đều là số lẻ nên chí ít phải 4/7 giám khảo đồng ý thì mới được giải, vì thế tác giả nào dự thi mà có thân với thành viên BGK nào cũng không xoay chuyển được kết quả. Có tác giả gọi điện cho tôi than phiền rằng đã đầu tư rất nhiều cho tác phẩm dự giải thưởng nhưng cuối cùng không được giải gì. Tôi cũng phải nói luôn rằng chúng ta đi thi không chỉ nhắm đến giải thưởng mà quan trọng là thái độ, tiếng nói của chúng ta đối với những tiêu cực của xã hội bằng những tác phẩm của mình. Vì thế, tôi hy vọng rằng báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đến hẹn lại lên sẽ tiếp tục tổ chức mùa giải lần 6 và các họa sĩ sẽ tham gia ngày càng đông hơn. Tôi cũng hy vọng trong những năm tới, đời sống kinh tế của chúng ta sẽ được nâng lên để chúng ta có kinh phí tổ chức những giải thưởng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, các họa sĩ tham gia tích cực hơn.

Họa sĩ Lê Đức Hùng (Hùng Dingo): Có khi phải bỏ nút “share” ở trên mạng

Ý tưởng để vẽ tranh biếm họa của tôi từ cuộc sống hàng ngày. Bây giờ cuộc sống phân biệt rõ ảo và thật. Thậm chí cái ảo bây giờ mới “thật”. Mọi người sống trên mạng nhiều hơn. Các tác phẩm mà tôi dự thi cúp Rồng Tre đều tập trung vào cách cư xử của con người trên mạng, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng về mạng xã hội.

Chú thích ảnh
Ông Vi Kiến Thành trao giải Khuyến khích cho tác giả Lê Đức Hùng - Ảnh: Hòa Nguyễn

Bức đạt giải khuyến khích lần này của tôi là một ngòi bút, xung quanh nó là các khối bom. Ngòi bút là sự định hướng. Khi người ta đưa ra một thông tin thì nó sẽ dẫn dắt tới các ngòi nổ.

Tôi nghĩ cúp Rồng Tre là sân chơi rất tốt. Muốn cho biếm họa phát triển thì cần các sân chơi. Tôi cảm giác rằng biếm họa bây giờ bị lép vế so với các hình thức phản ánh cuộc sống. Mọi người chưa cảm nhận rõ sức mạnh của biếm họa.

Thông điệp của tôi khi gửi bài tham gia với đề tài cuộc sống ảnh: Khi mọi người chia sẻ thì cần suy nghĩ kĩ. Tôi nghĩ có khi phải bỏ nút “share” ở trên mạng. Ai cũng có thể chia sẻ mà không hiểu kĩ sự nguy hiếm có thể xảy ra.

Cúc Đường - Phạm Huy - Đăng Thành

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm