21/10/2013 13:50 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - "Vì ông là tướng Giáp". Bản thân, câu trả lời ngắn gọn ấy đã đủ là mẫu số chung để trở thành lời đáp cho hàng ngàn câu hỏi mà các học giả quốc tế đặt ra quanh 2 cuộc chiến tranh của VN. Lịch sử VN lựa chọn tướng Giáp, để rồi đến lượt ông lại tạo ra lịch sử, bằng cách đặt lên đó dấu ấn riêng của mình.
"Một trong 25 danh tướng huyền thoại của lịch sử thế giới", "Thiên tài quân sự", "Một vĩ nhân của thời đại"... Hàng loạt nhận xét và đánh giá từ báo chí phương Tây ấy đã được trích dẫn lại, khi tướng Giáp qua đời ở tuổi 103 vào ngày 4/10/2013 vừa rồi.
Nhưng, đặt bên cạnh những so sánh xuyên thời gian với Napoleon, Hanibal, Alechxandros Đại đế, Lawrence hay Kutuzop, đâu là nét riêng ở một gương mặt đã trở thành huyền thoại ngay từ lúc còn sống như tướng Giáp?
Vị tướng đi lên từ “số không”
Câu trả lời rất đơn giản: vì tướng Giáp gắn với lịch sử VN và là một phần của lịch sử VN. Vì Clausewitz hay Lawrence – những người sáng tạo ra các học thuyết quân sự nổi tiếng - không phải mang trách nhiệm nặng nề của một vị Tổng chỉ huy như tướng Giáp. Vì Napoleon và Alechxandros Đại đế không phải gánh trên vai sứ mệnh giải phóng cho cả một dân tộc. Vì Kutuzop, dù rất xuất sắc và được tướng Giáp yêu thích, cũng không phải thực hiện cuộc chiến tranh vệ quốc với những điều kiện chênh lệch khổng lồ như vị Đại tướng của VN.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát tại trận địa Điện Biên Phủ - trận chiến đưa tên tuổi ông vào lịch sử thế giới. Ảnh tư liệu TTXVN |
"Không phải vì phong cách xuất sắc và tính trang nhã trong chiến lược của tướng Giáp. Không phải vì những trận đánh nổi tiếng, và cũng không phải vì bản lĩnh được ngợi ca như một người có thể tạo ra những phép màu" - học giả B. Currey nhận xét - "Điều tạo nên huyền thoại về tướng Giáp nằm ở việc ông là vị tướng duy nhất phát động cuộc chiến đấu từ một hoàn cảnh yếu kém trầm trọng về vật tư, tài chính, hậu cần và hoàn toàn không có quân đội. Vậy nhưng, con người ấy vẫn có thể đưa một đất nước nghèo nàn, vượt qua những khó khăn khách quan của hoàn cảnh, cũng như những yếu kém chủ quan về quản lý bên trong, để đánh bại hai nền quân sự lớn nhất của thế giới".
Tướng Giáp, như lịch sử đã chứng minh, là người tự học và tự rút ra kinh nghiệm từ thực tế để hoàn thiện khả năng quân sự xuất sắc của mình.
Sự thực, khi phân tích về sự nghiệp cầm quân của ông, nhiều công trình nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra những điểm chưa hoàn thiện trong các chiến dịch chống Pháp năm 1951 tại vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên, thực tế ấy cũng chỉ để các học giả này đưa ra một nhận định: từ một thầy giáo dạy sử không được đào tạo chính quy về quân sự, tướng Giáp đã có khả năng phi thường để học ngay từ những trải nghiệm của chính bản thân mình.
"Những thử thách phải vượt qua khiến ông trở thành một bậc thầy về chiến thuật và chiến lược. Ông sáng tạo một kiểu chiến tranh mà cả Pháp và Mỹ không thể đánh thắng"- Currey viết.
Nhưng, khác với sự lý tính của các học giả phương Tây, những nhà nghiên cứu vẫn có cách giải thích riêng của mình về thiên tài chiến thuật ở vị Đại tướng của mình.
"Phân tích kĩ, chúng ta sẽ thấy tất cả những thiên tài quân sự của VN như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... đều gắn liền lối đánh của mình với nghệ thuật chiến tranh toàn dân" - Đại tá Lê Thế Mẫu (cựu chuyên gia Viện Chiến lược Quốc phòng), nói - "Thiên tài của Đại tướng là biết vận dụng tư tưởng quân sự ấy trong nghệ thuật cầm quân của mình, cộng cùng những nguyên tắc mà ông sớm học được từ chiến tranh hiện đại".
Và di sản về “binh thư” Võ Nguyên Giáp
Năm 1975, khi kết thúc chiến tranh, tướng Giáp cũng đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu lịch sử chống ngoại xâm, đồng thời viết một số luận văn về lịch sử quân sự và những anh hùng dân tộc. Theo GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN), trong những năm tháng này, tướng Giáp luôn lưu ý giới nghiên cứu cần tìm hiểu chuyên sâu về những khái niệm đã được tổng kết trong lịch sử VN như "ngụ binh ư nông" thời Lý, "dân binh" và "dĩ đoạn chế trường" thời Trần, "lập cước chi địa" và "dĩ nhược chế cường, dĩ quá địch chúng" thời khởi nghĩa Lam Sơn. Những khái niệm ấy, theo một nghĩa nào đó, là sự đúc kết một số tư tưởng và đặc điểm nghệ thuật quân sự VN trong lịch sử.
Nhưng, bản thân, cách cầm quân của tướng Giáp trong hàng chục năm cũng đã là một di sản độc đáo của nghệ thuật quân sự VN trong thời hiện đại. Như lời của nhà nghiên cứu Currey: "Tướng Giáp không bao giờ quan tâm tới các đáp án giả định từ trước như các sĩ quan được đào tạo bài bản. Ông tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt. Và, mỗi vấn đề đòi hỏi tướng Giáp phải có những câu trả lời mới từ kinh nghiệm thực tế. Dần theo thời gian, những câu trả lời ấy được nâng thành nguyên tắc chỉ đạo độc đáo của riêng ông. Mà, theo một nghĩa nào đó, những thứ độc đáo được kiểm chứng theo thời gian thì sẽ trở thành học thuyết".
Theo Đại tá Lê Thế Mẫu, một số tác phẩm viết về chiến tranh của tướng Giáp đã được các trường quân sự của Mỹ đưa vào giáo trình giảng dạy của mình, như một đối chứng để tham khảo về cuộc chiến tranh mà họ từng sa lầy và không thể giành chiến thắng. Thậm chí, như lời một số nhà nghiên cứu khác, hiệu quả từ cách vận hành chiến tranh nhân dân của tướng Giáp đã gây ấn tượng với người Mỹ mạnh tới mức trong suốt thời gian chiến tranh VN diễn ra, họ có hẳn một đơn vị chuyên nghiên cứu các tư liệu liên quan hoặc bài viết của ông. Để rồi, dựa trên các phân tích, đánh giá, và nhận xét của Đại tướng, những chuyên gia Mỹ đã nghĩ tới việc xây dựng một phương pháp luận về tổ chức và tiến hành các cuộc nổi dậy hoặc chiến tranh du kích, để sau này có thể áp dụng cho các lực lượng đặc biệt Mỹ trong trường hợp tại nước ngoài.
Phải đúc rút thành “cẩm nang”
"Sự thực, do điều kiện khách quan, đến giờ chúng ta vẫn chưa có những công trình nghiên cứu thật đầy đủ và toàn diện về nghệ thuật quân sự của Đại tướng. Tôi nghĩ, đã đến lúc, các học giả nên tổng hợp, tìm hiểu kĩ những gì Đại tướng đã làm cũng như những đề xuất, lưu ý về hướng phát triển nghệ thuật quân sự VN trong tương lai, để đúc rút thành một cẩm nang có độ dày vừa phải và đưa vào sử dụng" - chia sẻ của TS Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử Quân sự VN) với TT&VH có thể coi là lời kết của loạt bài dài kỳ này.
Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất