Ghi chép Văn hóa - Tập tục: Chế độ đẳng cấp và dấu tích nông nô

18/03/2012 12:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hình thức nô lệ mờ nhạt thời Lý Trần cũng dần biến mất, nhưng cái tục lệ dùng người gán nợ vẫn còn tồn tại cho đến trước Cách mạng tháng 8 nên có câu: Bán vợ đợ con.

1. Chế độ nô lệ hay nông nô Viễn Đông đã tồn tại như thế nào? Đây là một vấn đề lớn, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Xã hội Viễn Đông cổ đại không có chế độ chiếm hữu nô lệ rõ ràng như Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp và La Mã. Tùy từng quốc gia có chế độ nô lệ mờ nhạt, hay chế độ nông nô với thân phận không đến mức được coi như gia súc như bốn nền văn minh cổ đại trên. 



Chân đèn hình người thời Bắc thuộc, tìm thấy ở Lạch Trường, Nam Định. Hiện vật Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Ở Ấn Độ chế độ đẳng cấp hình thành sớm, ít nhất khoảng 1.000 năm trước CN. Đó là đẳng cấp thứ nhất Brahma - tăng lữ, Bà la môn, trông coi tế lễ và tôn giáo, và cả tham gia chính trị. Đẳng cấp thứ hai Ksatri - võ sĩ, gồm vua chúa, và quý tộc quân sự. Đẳng cấp thứ 3 Vashya - bình dân, nông dân, chăn nuôi, buôn bán. Và đẳng cấp thứ tư Sudra những người bần cùng và nô lệ, trong đẳng Sudra có nhóm Paria (Người cùng khổ) được coi là thấp kém nhất.

Trong Sử ký của Tư Mã Thiên có nói đến những người bị lưu đày, tội nhân bị đi làm lao dịch ở Trường Thành, tội bị cung hình (cắt dương vật) đến hàng vạn người, tục tuẫn táng (chôn người sống theo người chết) cũng từng tồn tại, tuy nhiên những người này có phải là nô lệ hay không và có hình thành một cái gì đó tương đương với chế độ nô lệ hay không, còn chưa rõ ràng.

Có lẽ quan niệm về người nô lệ ở phương Đông và phương Tây có nhiều cái khác nhau. Trên trống đồng Đông Sơn có khắc những hình ảnh giết tù binh bằng cách lấy giáo chọc vào người hoặc lấy chày đập vào đầu - một hình thức giết người tế lễ. Trong các trường ca Tây Nguyên (Đam San và Xinh Nhã) có nhắc đến những người nô lệ cho tù trưởng. Đây cũng là thực tế ở Tây Nguyên cổ xưa, có tồn tại thân phận những người bị bắt trong cuộc chiến giữa các bộ lạc, những người bị nợ nần không trả được, phải làm nô lệ, nhưng cũng hơi lạ là nô lệ cũng có thể có nô lệ của chính họ, tức là những người nợ nần họ, hoặc những người đã giàu có, đã có nô lệ, nhưng bản thân họ nhỡ mắc nợ nần, không trả đúng hạn, buộc phải đi làm nô lệ.

Mõ làng - thân phận thấp kém trong làng quê Việt Nam xưa.

2. Ở Trung Quốc và Việt Nam có hình thành chế độ 4 giai tầng: sỹ, nông, công, thương. Về nguyên tắc giai tầng “công” và “thương” bị coi rẻ, không được tham gia thi cử, làm nhiều dịch vụ xã hội. Kẻ sĩ bao gồm tất cả những người đi học, làm quan, vua chúa, quý tộc, những hạng thầy thuốc, thầy cúng, thầy địa lý và sư sãi cũng được coi thuộc về sĩ. Thợ thủ công đứng hạng thứ ba nhưng trên thực tế được quý trọng và bảo vệ trong các cuộc chiến tranh, ngay cả với đối phương, và cũng có người trở thành quan. Thương nhân ở Trung Quốc thời phong kiến rất có thế lực. Thành thử cái chế độ bốn giai tầng này rất lỏng lẻo, ai cũng có thể lên bậc sĩ, nếu từ bỏ công, thương, làm nông dân rồi tham gia học hành, thi cử. Nếu đỗ đạt, có thể trở thành quan lại và một người làm quan cả họ được nhờ, nên có hiện tượng cả họ góp tiền cho một con cháu nào đó học hành thi cử.

Tầng lớp nô, hay nông nô, nô lệ có những dấu tích đến thời Lý Trần (thế kỷ 11 - 14). Có thể đó là những tù binh chiến tranh, những người bị nợ nần gán con cháu làm nô lệ. Nên thời Lý có lệnh cấm mua bán hoàng nam (đàn ông) từ 16 tuổi trở lên làm nô lệ. Như vậy, nô ở trong nhà chủ yếu là trẻ làm công việc phục dịch, đến tuổi thanh niên đương nhiên họ là người tự do.

Một số binh linh thời Trần khắc trên trán ba chữ Quan Trung nô, đây là binh lính gắn bó với chủ, quý tộc trong các điền trang thái ấp.

Từ sau đó, hình thức nô lệ mờ nhạt thời Lý Trần cũng dần biến mất, nhưng cái tục lệ dùng người gán nợ vẫn còn tồn tại cho đến trước Cách mạng tháng 8, nên có câu: Bán vợ đợ con. Trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố có nói đến chị Dậu phải đem con đi bán để lấy tiền chuộc chồng vì nợ sưu thuế. Thân phận của người bị đem bán tất nhiên không thấp kém như những người nô lê. Chủ không có quyền giết hay bỏ tù họ, mà vẫn phải cho ăn, mặc, và họ vẫn có quyền về thăm nhà trong những dịp nhất định. Song chủ có thể bán hoặc buộc các cô gái ở đợ làm nàng hầu.

Chuyên mục do nhà phê bình Phan Cẩm Thượng thực hiện, xuất hiện trên TT&VH vào số Chủ nhật hàng tuần.

Trong các làng mạc, cũng có một tầng lớp thấp kém đó là mõ và dân ngụ cư (người lưu đãng đến ở nhờ một làng), họ phải tham gia làm việc làng, không được vào đình ăn uống và không được bàn việc làng.

Người Mường cũng có chế độ nhà Lang với bốn đẳng cấp: Lang, Ậu, Noóc, và Noóc chọi. Lang là đẳng cấp quan cái trị, có tính cha truyền con nối không thay đổi. Ậu là tầng lớp giúp việc cho nhà Lang, như quan nhỏ, thư ký, sai nha. Noóc là lớp bình dân, nông dân chiếm đa số. Còn Nóc chọi là những người phạm tội với nhà Lang, hoặc vi phạm gì đó với cộng đồng, buộc phải lao động nô dịch (nếu có), không có ruộng và phải canh tác trên nương rẫy.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm