Ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam: Thêm HLV Nguyễn Văn Sỹ từ chối

12/01/2013 07:15 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin mới nhất, cho đến chiều qua (11/1), đến lượt Nguyễn Văn Sỹ, HLV trưởng V.NB và đồng thời cũng là cựu trợ lý HLV ĐT Việt Nam, đã được đề nghị ngồi vào chiếc ghế còn bỏ trống sau sự ra đi của HLV Phan Thanh Hùng, cùng hàng loạt những cái lắc đầu của các ứng viên trước đó. Rất nhẹ nhàng, hệt như tính cách của cựu danh thủ người Nam Định, Văn Sỹ từ chối…

HLV Văn Sỹ là người thứ 5 nói lời từ chối với chiếc ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam. Ảnh: VSI

Lý do thì nhiều, nhưng cơ bản nó nằm ở 2 yếu tố chính. Thứ nhất, thái độ hợp tác và sự tôn trọng (chưa) đúng mực của một bộ phận VFF đối với ứng viên. Thứ 2, công việc bề bộn ở V.NB, cũng như các yếu tố chuyên môn, mối quan hệ giữa con người và con người, Văn Sỹ có quyền lựa chọn.

Theo tìm hiểu của PV TT&VH, người được giao nhiệm vụ đề cập vấn đề với HLV Nguyễn Văn Sỹ là ông Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch (PCT) phụ trách truyền thông. Về nguyên tắc công việc, điều này đi ngược lại với tôn chỉ, khi đáng ra, nhân vật đầu tiên phải ngỏ lời với các ứng viên phải là ông Chủ tịch VFF, hay ít nhất cũng là PCT phụ trách chuyên môn, hoặc nữa là PCT nắm tài chính. Văn Sỹ không nói là mình phật ý, nhưng cũng chẳng khó để hiểu vì sao cựu trợ lý ĐT Việt Nam này lại không nhận lời.

VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, với rất nhiều những mối quan hệ rắc rối, khi người đứng đầu chưa chắc đã là người nắm quyền cao nhất, hay nói theo ngôn ngữ dân gian là “quyền sinh, quyền sát”. Trước Văn Sỹ, hàng loạt các cái tên như Hoàng Anh Tuấn, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng… đã khước từ, bằng nhiều kênh khác nhau, chính vì cái cơ chế làm việc phức tạp của VFF.

Trở về sau thất bại tại AFF Cup 2012, VFF gần như đã soạn thảo sẵn kịch bản để ông Hùng từ chức. Và công việc tìm kiếm người thay thế HLV Phan Thanh Hùng tưởng như đã rất suôn sẻ, với sự chủ động thuộc về VFF. Nhưng tất cả đã nhầm. Tiền (lương) cao thật, nhưng nó không phải là tất cả. Kèm theo đó là sức ép cực lớn và quan trọng hơn, đấy là cơ chế làm việc, cách đối xử với không ít các tiền lệ, khiến hàng loạt ứng viên lắc đầu.

Ở đây phải rạch ròi giữa công và tư, rằng các ứng viên được tiếp cận đều là những người đang có công ăn việc làm ổn định, nhưng họ vẫn sẵn sàng lên ĐT bởi ý thức với màu cờ sắc áo QG. Bản thân HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Anh Tuấn, Lê Huỳnh Đức hay Nguyễn Văn Sỹ, đều thừa nhận, họ là sản phẩm của nền bóng đá và dẫn dắt ĐT Việt Nam, ngoài trách nhiệm nghề nghiệp, nó còn là niềm vinh dự, niềm tự hào lớn lao. Thế nhưng…

Như TT&VH từng rất nhiều lần đề cập, rằng những người chịu trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vinh của nền bóng đá, đã không (hoặc ít) nghiêm túc trong những việc đại sự như tìm HLV cho ĐT Việt Nam. Đáng ra, sẽ phải có cả Hội đồng thẩm định, danh sách các ứng viên được liệt kê và sau đó mới là công đoạn tiếp xúc trực tiếp (chứ không phải bằng e-mail, điện thoại hay tin nhắn).

Cổ nhân có câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Còn VFF, có trách thì trách tại con đường mà họ đã chọn. Thế nên, chẳng ai lạ lẫm nữa, khi chiếc ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam lại đang mất giá thê thảm đến thế.

TÙY PHONG
Thể thao & Văn hóa

Những HLV đã nói không với vị trí HLV trưởng ĐT Việt Nam

Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thắng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ, Hoàng Văn Phúc

Những ứng viên khả dĩ còn lại

Mai Đức Chung

Lợi thế - Dày dạn kinh nghiệm ở cả cấp độ CLB cũng như ĐTQG

- Hiện tại không vướng bận công việc với bất cứ CLB nào Hạn chế - Lớn tuổi (sinh năm 1951-PV)

- Không có bằng A của AFC (kể từ năm 2010, AFC quy định HLV trưởng ĐTQG đều cần phải có bằng cao nhất - bằng A).

Nguyễn Đức Thắng

Lợi thế - Trẻ tuổi (sinh năm 1976-PV)

- Có bằng A của AFC - Từng có thời gian làm trợ lý cho HLV Henrique Calisto ở ĐT Việt Nam - Hiện tại không vướng bận công việc với bất cứ CLB nào Hạn chế

- Chưa từng dẫn dắt bất cứ một CLB nào ở V-League hay hạng Nhất

- Chưa từng đảm nhiệm vị trí trợ lý chuyên môn số một ở ĐT Việt Nam


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm