Nhà văn Gabriel Garcia Marquez: Một cuộc đời đầy 'hiện thực kỳ ảo'

19/04/2014 07:32 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Gabriel Garcia Marquez, nhà văn có tầm ảnh hưởng nhất của thế giới nói tiếng Tây Ban Nha trong thế kỷ 20, đã vừa trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Mexico City, Mexico, hưởng thọ 87 tuổi. Khi về thế giới bên kia, ông cũng đã khép lại câu chuyện đời đầy chất sử thi của mình.

Marquez, được hàng triệu người gọi bằng tên thân mật Gabo, là nhà văn nổi tiếng nhất trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha, chỉ sau Miguel de Cervantes của thế kỷ 17. Tài năng văn chương của ông được so sánh với Mark Twain và Charles Dickens.

"Người Colombia vĩ đại nhất"

“Ngàn năm cô đơn và buồn đau trước cái chết của người Colombia vĩ đại nhất mọi thời đại. Những người khổng lồ như thế không bao giờ chết” - Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos viết trên trang Twitter.

Sinh thời ông là cây bút nổi tiếng nhất của dòng văn học theo chủ nghĩa “hiện thực huyền ảo”, một phong cách độc đáo pha trộn giữa những yếu tố thực và ảo. Các tác phẩm văn học của ông đề cập tới tình yêu, gia đình, biến động chính trị ở Mỹ Latin, nổi tiếng với những cuốn như Tình yêu thời thổ tả (Love in the Time of Cholera), Mùa Thu của vị trưởng lão (Autumn of the Patriarch) và Ký sự về một cái chết được báo trước (Chronicle of a Death Foretold). Tất cả tựa sách này đều bán chạy hơn bất cứ ấn phẩm tiếng Tây Ban Nha nào, ngoại trừ Kinh Thánh.


Gabriel Garcia Marquez đã trở thành nhà văn nổi tiếng nhất trong thế giới  nói tiếng Tây Ban Nha, chỉ sau Miguel de Cervantes

Riêng tiểu thuyết sử thi Trăm năm cô đơn (One Hundred Years of Solitude - 1967) của ông đã tiêu thụ được hơn 50 triệu cuốn và được dịch ra 25 ngôn ngữ khác nhau. Câu đầu tiên của Trăm năm cô đơn đã trở thành một trong những câu mở đầu tiểu thuyết nổi tiếng nhất mọi thời đại: “Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aureliano Buendia đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá”.

Với nhiều người, tiểu thuyết của Marquez là biểu trưng cho Mỹ Latin. Gerald Martin, người viết tiểu sử của Garcia Marquez, nói rằng Trăm năm cô đơn là cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà người Mỹ Latin thấy mình trong đó. Cuốn sách tôn vinh đam mê của họ, các cảm xúc mãnh liệt và cả sự mê tín, xu hướng thất bại lớn của họ”.  

Nuôi dưỡng trí tưởng tượng từ chuyện kể của ông bà

Garcia Marquez sinh ngày 6/3/1927 ở Aracataca, thị trấn nhỏ gần vùng biển Colombia. Ông là con cả trong 11 người con của ông bà Luisa Santiaga Marquez và Gabriel Elijio Garcia. Ngay sau khi Marquez chào đời, cha mẹ ông đã bỏ lại con mình cho ông bà nuôi và chuyển tới Barranquilla, mở cửa hàng kinh doanh thuốc.

Marquez lớn lên trong sự dạy dỗ của ông bà. Những câu chuyện kể của ông bà đã góp phần nuôi dưỡng trí tưởng tượng của Marquez và Aracataca trở thành hình tượng cho làng Macondo trong cuốn Trăm năm cô đơn. “Gia đình thường nói với tôi rằng hãy bắt đầu kể lại chi tiết mọi thứ, những câu chuyện ngay từ khi tôi được sinh ra, từ khi tôi biết nói” - Marquez từng chia sẻ.

Sau này, Marquez theo học tại Đại học Quốc gia Colombia ở thủ đô Bogota và trở thành một sinh viên xuất chúng. Ông thích đọc tiểu thuyết của  Hemingway, Faulkner, Dostoevsky và Kafka. Ông xuất bản truyện ngắn đầu tay vào năm 1947, khi còn là sinh viên.

Cha Marquez muốn con trai mình học luật, nhưng ông đã bỏ học và làm báo để kiếm sống. Thời kỳ đầu số tiền kiếm được không đủ trang trải cuộc sống, Marquez đã có những thời khắc vô cùng khó khăn. Marquez kể rằng có lần mẹ đẻ tới thăm con trai ở Bogota, bà đã  “rùng mình” khi nhìn bộ dạng nhem nhuốc của ông và nói: “Mẹ nghĩ con là một người ăn mày”.


Cuốn Trăm năm cô đơn của Marquez đã gây ảnh hưởng tới hàng loạt nhà văn hiện đại

Viết "Trăm năm cô đơn" trong nghèo khó

Marquez thực sự túng bấn khi bắt đầu viết cuốn Trăm năm cô đơn. Trong thời gian đó, ông trang trải cuộc sống bằng những khoản vay mượn của bạn bè và rồi vợ ông phải đem cầm cố những gì có được trong nhà, từ ô tô cho tới đồ nội thất.

Khi hoàn thành tiểu thuyết vào tháng 9/1966, gia đình ông chỉ còn lại chiếc lò điện và máy sấy tóc. Nhưng rồi vợ cũng phải đem cầm cố nốt để ông có tiền gửi bản thảo tiểu thuyết của mình cho một nhà xuất bản ở Argentina. Khi Marquez từ bưu điện về nhà, vợ ông nhìn quanh và nói: “Chúng ta chẳng còn gì cả và đang nợ 5.000 USD”.

Nhưng công sức của Marquez đã được đền đáp và vợ ông không phải lo lắng thêm nữa bởi 8.000 cuốn tiểu thuyết Trăm năm cô đơn phát hành trong lần đầu tiên đã bán hết veo chỉ trong 1 tuần.

Tác động của cuốn tiểu thuyết lớn đến đâu? "Tôi nghĩ Trăm năm cô đơn đã dạy phương Tây cách đọc một hiện thực khác ngoài thực tế họ đang sống bên trong, qua đó đã mở nhiều cánh cửa cho các nhà văn tới từ ngoài phương Tây, như tôi và các cây bút châu Phi, châu Á" - Nil Parkes, một nhà thơ người Anh gốc Ghana nhận xét.

Tầm vóc vượt ra ngoài văn chương

Tầm ảnh hưởng của Marquez đã nhanh chóng vượt ra ngoài thế giới văn chương. Ông trở thành một người hùng của người Mỹ Latin theo cánh tả, khi là đồng minh của nhà lãnh đạo cách mạng Cuba Fidel Castro và chỉ trích mạnh mẽ Chính phủ Mỹ bởi những can thiệp thô bạo tới nhiều nước, từ Việt Nam tới Chile.

Nhiều năm không được cấp visa vào Mỹ, cũng chỉ do quan điểm chính trị của mình, Marquez vẫn được nhiều Tổng thống Mỹ và không ít nguyên thủ khác kính trọng. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand là những người bạn thân thiết của ông.

“Ngay từ khi đọc cuốn Trăm năm cô đơn cách đây hơn 40 năm, tôi đã luôn kinh ngạc trước khả năng tưởng tượng độc đáo của ông, tư tưởng rất rõ ràng và cảm xúc chân thật. Tôi thật vinh hạnh khi được làm bạn ông và hiểu được trái tim bao la, tài năng xuất chúng của ông trong hơn 20 năm” - cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton viết.

Còn Tổng thống Barack Obama chia sẻ: "Thế giới đã mất đi một trong những nhà văn nhìn xa trông rộng vĩ đại nhất và là một trong những nhà văn yêu thích của tôi từ khi còn trẻ”.

Mối thù giữa hai nhà văn được hóa giải

Marquez từng có mối thù riêng với nhà văn Peru Mario Vargas Llosa, người đã đấm ông ngã xuống đất trong một cuộc ẩu đả hồi năm 1976, bên ngoài một rạp chiếu phim ở Mexico City. Tuy nhiên, cả 2 người đều chưa từng giải thích công khai lý do dẫn đến cuộc ẩu đả của họ.
 
Tuy nhiên khi hay tin Marquez qua đời, Vargas Llosa đã dẹp bỏ hiềm khích để nói lời chia buồn: “Một người vĩ đại đã qua đời. Những tác phẩm của ông đã tạo uy tín và tầm ảnh hưởng lớn cho nền văn học tiếng Tây Ban Nha. Các tiểu thuyết của Marquez sẽ tiếp tục sống cùng ông và thu hút độc giả trên toàn thế giới”.

Thể thao & Văn hóa
Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm