Đọc Linda Lê quả là niềm hoan lạc

15/10/2010 13:40 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - LTS: Đó là tâm sự của dịch giả Nguyễn Khánh Long (*), người dịch 2 tác phẩm Vu khống Lại chơi với lửa (vừa được Nhã Nam và NXB Văn học xuất bản). Sau buổi hội thảo Những người nước ngoài kỳ lạ diễn ra ngày 13/10 tại L’Espace (24 Tràng Tiền, HN), hôm qua, 14/10, nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê tiếp tục “tour hội thảo văn học di động” của mình tại ĐH Văn hóa.

Để góp phần giải mã “cơn sốt” Linda Lê, TT&VH xin giới thiệu những ý kiến của dịch giả Nguyễn Khánh Long - người “hiểu” Linda Lê hơn cả.  

1. “Tôi “khám phá” Linda Lê vào năm 1997, mặc dầu Linda Lê đã thành danh từ năm 1992. Lý do là tôi không đủ thì giờ đọc các tác giả đương đại, tôi tìm đọc các tác phẩm cổ điển nhiều hơn. Tình cờ đọc trên báo Le Monde một bài ca ngợi cuốn Les Trois Parques, tôi đi mua cuốn sách này. Mới đọc vài trang đầu tôi đã bị chinh phục tức khắc và bật kêu (tôi còn nhớ rõ): “Đây là một kiệt tác”.


Nữ văn sĩ Linda Lê (giữa) chụp ảnh với các sinh viên khoa viết Văn
Tôi tìm đọc các tác phẩm khác của Linda Lê, và rồi tôi có ý nghĩ rằng nếu độc giả Việt Nam không biết các tác phẩm này, thì quả là thiệt thòi - tôi bị ám ảnh về điều đó. Thế rồi, tôi nảy ra tham vọng dịch tất cả các tác phẩm của Linda Lê.

Tôi không dịch ngay cuốn Les Trois Parques, mặc dầu đây vẫn là cuốn tôi mê thích nhất, mà chọn cuốn Calomnies (Vu khống) để bắt đầu, vì tương đối dễ dịch hơn. Tôi mất cả 1 năm (2001) mới dịch xong và gửi bản thảo cho Linda Lê. Vào tháng 5/2002, tôi được gặp Linda Lê tại Montreal (Canada) và được Linda Lê đồng ý để tôi tìm cách xuất bản tại Việt Nam. Tuy nhiên 2 nhà xuất bản mà tôi liên lạc được, một tại TP.HCM, một tại Hà Nội, đều từ chối với lý do sách khó hiểu, chắc chắn không thể bán được.

Vào lúc 16h hôm nay (15/10) tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Huế (1 Lê Hồng Phong) Linda Lê sẽ có buổi giao lưu thứ 3; và lúc 18h ngày 19/10 tại IDECAF (31 Thái Văn Lung, TP.HCM) chị sẽ có buổi giao lưu thứ 4 trong “tour hội thảo văn học di động” của mình.

Mãi đến năm 2008, tôi được quen biết một người bạn trẻ qua anh Nguyễn Tiến Văn, và anh ấy đã chuyển bản dịch của tôi đến Cao Việt Dũng. Sao khi xem xong, anh Cao Việt Dũng đồng ý xuất bản Vu khống và tập sách đã ra mắt độc giả Việt Nam năm 2009. Anh ấy còn khuyến khích tôi tiếp tục dịch Linda Lê, và thế là Lại chơi với lửa được xuất bản năm nay, đúng dịp Linda Lê về thăm Việt Nam.


2. Về “phong cách văn chương” của Linda Lê, tôi không phải là nhà phê bình văn học nên chỉ muốn nói vắn tắt từ cảm nhận cá nhân. Vậy thì, với tôi, phong cách của Linda Lê không nên đem so sánh với các nhà văn khác. Sự độc đáo đó trước hết nằm trong việc sử dụng tuyệt vời ngôn ngữ Pháp, cộng với di sản văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Sau nữa, đó là cái nhìn của Linda Lê về kiếp nhân sinh. Và tất cả đòi hỏi người đọc “đặt lại vấn đề” về chính bản thân mình.


Vu khống và Lại chơi với lửa do Nguyễn Khánh Long dịch
Đọc Linda Lê, khi nắm được những gì gửi gắm trong từng từ, từng câu, phải nói đó quả là một niềm hoan lạc, dẫu cho tác phẩm nói lên những nỗi bi quan. Như lời một độc giả Pháp, đọc Linda Lê là một “lecture ardue, mais magique” (đọc rất khó khăn, nhưng thần diệu).

Tác phẩm đầu tiên của Linda Lê được giới thiệu tại Việt Nam có tên Tình ca ác quỷ, do Trương Minh Hiển dịch, NXB Long An ấn hành tháng 4/1989. Nguyên tác Un Si Tendre Vampire do NXB La Table Ronde ấn hành tại Paris tháng 2/1987.

Linda Lê thuộc kiểu tác giả luôn tránh né các phương tiện truyền thông. Một số giải thưởng chính: năm 1990, giải Vocation; 1993, giải Renaissance de la nouvelle; năm 1997, giải Fénéon. Năm 2007, tiểu thuyết In Memoriam (Tưởng nhớ) được dự tuyển cho giải Femina, giải Médicis, và giải thưởng lớn cho tiểu thuyết của Hàn lâm viện Pháp.

Linda Lê từng phát biểu (bằng tiếng Pháp): “Ecrire dans une langue qui n’est pas la sienne, c’est fair l’amour avec un cadavre” (tạm dịch: Viết trong một ngôn ngữ không phải của mình, chẳng khác gì làm tình với một thây ma). Thách thức lớn nhất của tôi trong việc dịch Linda Lê là tìm được những cách diễn tả (gần) tương đồng trong tiếng Việt và đồng thời tôn trọng tiết nhịp mỗi câu văn. Tôi nói “gần” vì nghĩ đến cuốn Dire Presque La Même Chose (Nói gần như cùng một điều) của nhà văn Umberto Eco (Italia) về dịch thuật. Linda Lê sử dụng cả những từ cổ ít ai còn nói ở Pháp, đôi khi tạo ra những từ mới, chơi chữ, dùng nhiều từ khác nhau, với những tinh tế khác nhau, để cùng diễn đạt một ý, đưa vào tiếng Pháp lối văn biền ngẫu của phương Đông...


Ngoài ra, Linda Lê, với cái vốn văn hóa rộng lớn của mình, gợi lên rất nhiều điển tích, huyền thoại của các nền văn hóa lớn của nhân loại, cho nên tôi đã cố gắng chú thích để các độc giả ít quen thuộc với văn hóa phương Tây hiểu ngay.

Tác phẩm của Linda Lê ở đâu cũng kén chọn độc giả, dù ở Pháp hay ở bất cứ nước nào đã dịch Linda Lê, vì vừa khó vừa đòi hỏi người đọc (như tôi đã nói ở trên) “đặt lại vấn đề” về chính bản thân mình.

Tôi nghĩ Linda Lê luôn luôn đẩy xa con đường mình đã chọn và dành cho người đọc những bất ngờ, như cuốn mới nhất của cô, Cronos. Phần tôi, tôi đã bắt đầu dịch cuốn Les Trois Parques, nhưng vì lý do sức khỏe nên chưa biết bao giờ dịch xong”. 

Linda Lê “truyền lửa” cho sinh viên viết Văn

Tại buổi giao lưu với khoa Sáng tác - Lý luận & Phê bình văn học (Trường Viết văn cũ) thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội hôm qua, Linda Lê đã trải lòng mình với những người tương lai sẽ là “đồng nghiệp viết văn” như chị.

Linda Lê chia sẻ: “Thật sự khi sáng tác tôi thấy hết sức căng thẳng, và tôi luôn có cảm giác người viết đang rất mộng du, người mộng du đang lặng bước trên một con đường hết sức chông gai, có thể là trong một khoảng không vô định hay trên một sợi dây đang căng giữa trời và tôi đang bước trên sợi dây đó. Song chính sự căng thẳng ấy đã nạp thêm năng lượng để tôi viết ra những điều tôi muốn diễn tả. Chính vì thế, mỗi một sáng tác của tôi khi ra đời, tôi cảm thấy chứa đựng những năng lượng mà mà mình đã diễn đạt ở trong đó...”.

Linda Lê đã có lời nhắn nhủ với các bạn sinh viên đang theo học khoa viết văn: “Các bạn hãy viết, và viết thật nhiều nhưng đừng quên hãy làm việc miệt mài, vì chỉ lao động một cách miệt mài thì mọi điều mới tốt đẹp”.

Hoa Quỳnh


Văn Bảy (lược ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm