09/11/2022 19:14 GMT+7 | Văn hoá
Hoa phượng từ lâu đã là một đề tài thu hút nhiều cây bút văn học Việt Nam hiện đại. Hoa phượng của Xuân Diệu rực rỡ trong chuyển điệu thời tiết "hòa nhịp với mặt trời chói lọi". Hoa phượng của Hoàng Nhuận Cầm là "tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước". Đến Lê Huy Hòa, hoa phượng cùng nhân vật trữ tình tuổi nhi đồng "rừng rực cháy trên cành".
Bài thơHoa phượng của Lê Huy Hòa được tuyển vào sáchTiếng Việt 2, bộ sách cũ hiện hành. Khi các trường học thay sách giáo khoa theo chương trình 2018, bài ấy lại có mặt ở trang 140 sách Tiếng Việt 1, tập 2, bộKết nối tri thức với cuộc sống: "Hôm qua còn lấm tấm/ Chen lẫn màu lá xanh/ Sáng nay bừng lửa thẫm/ Rừng rực cháy trên cành// - Bà ơi! sao mà nhanh/ Phượng nở nghìn mắt lửa/ Cả dãy phố nhà mình/ Một trời hoa phượng đỏ// Hay đêm qua không ngủ/ Chị gió quạt cho cây?/ Hay mặt trời ủ lửa/ Cho hoa bừng hôm nay?".
Nhiều lửa mà không nóng bức
Về bài thơ này, nhà thơ Phạm Đình Ân có lời khen: "Bài thơ có ý, có tứ, nhiều chất thơ, tránh được sự phẳng phiu, đơn giản". Không phẳng phiu đơn giản, phải đọc kỹ ta mới nhận ra, bài thơ nhiều "lửa" (những 3 chữ, lại thêm động từ "cháy"), nhưng không nóng bức.
Là vì, dù là "lửa thẫm", lửa số nhiều lấp lánh mắt hoa, thì đó cũng chỉ là ánh trời lúc mát nhất, lúc ngày mới hé rạng ban mai.
Cái sắc nồng của hoa phượng được làm mát nhờ tác giả kéo bạn đọc chúng ta lùi ra xa để thấy một toàn cảnh rộng, thoáng đãng "cả dãy phố nhà mình", rộng hơn nữa "một trời hoa phượng đỏ".
Mát nhờ lý sự trẻ con dễ thương của nhân vật trữ tình, chiếm tới 2/3 câu chữ của bài thơ. Sự huyên thuyên ngây thơ của đứa bé, đã thần thoại hóa sự luân chuyển thời tiết có tính khoa học trong vũ trụ. Trong sự luân chuyển đó, con người được gần gũi nhau hơn, tuổi thơ cứ hồn nhiên biện giải, còn tuổi tráng niên thì rộng lượng lắng nghe. Chính sự hòa thuận này cũng là lý do để bài thơ nhiều lửa sáng mà không nóng bức.
Đọc theo hướng liên kết các khổ thơ ta thấy tác giả đã khéo cài đặt động từ "bừng" vào hai khổ thơ khác nhau để thêm một lần làm mát bài thơ có gam màu nóng này. Vẫn là "bừng" Lê Huy Hòa dùng đấy, những "bừng lửa thẫm" ở khổ thơ thứ nhất chỉ là bước đà để tới khổ thơ thứ 3 - khổ kết, chữ "hoa bừng" mang tới nghĩa mới cho sự nở hoa của loài phượng. Đỏ như phượng, rực như phượng, mới có thể nở bừng như thế.
"Ước gì biển bé một gang"
Lê Huy Hòa là tác giả tập thơ Trái đất ở trong nhà, viết cho thiếu nhi. Tiêu đề tập thơ giúp người đọc hình dung ra tầm vóc thơ ca của nhân vật thiếu nhi trong tập này. Đứa bé của Lê Huy Hòa lớn như Gulliver ở nước tí hon. Với quả địa cầu trong nhà mình, trên tay mình, đứa bé như làm chủ vũ trụ này: "Chỉ cần quay nhẹ tay em/ Đông bán cầu, thoắt sang bên Tây cầu".
Em thân thiết, vị tha với những người bạn thiên nhiên của mình, với cây trên đầu, cao hơn nữa, với bầu trời làm ra các "nhi đồng mưa" tinh nghịch:"Những giọt mưa bé tẹo/ Mà cũng nghịch ra trò/ Nấp trên cây thập thò/ Chờ lệnh của chị gió/ Bé vừa đi tới đó/ Ném nước ướt cả đầu/ Nhưng bé không giận đâu/ Trẻ con ai chẳng nghịch!".
Đọc lướt "trẻ con ai chẳng nghịch", tưởng nhân vật thiếu nhi trịch thượng, thấy mình lớn hơn cả mưa gió. Nhưng đọc kỹ thì không phải thế! Có cả nhân vật thơ ca này trong chữ "trẻ con" kia, em đâu chỉ tha thứ! Em còn nhận lỗi nữa!
Có khi, đứa bé trong thơ Lê Huy Hòa như là trung tâm của một lễ hội nhân gian, trung tâm điệu luân vũ giữa con người với thiên nhiên nhiều sắc màu chung quanh: "Mẹ tặng mâm cỗ Trung Thu/ Mấy quả hồng đỏ đánh đu bưởi vàng/ Bánh nướng, bánh dẻo xênh xang/ Kẹo xanh, kẹo đỏ xếp hàng trước sau/ Bố về tặng bé đèn sao/ Thêm anh trống ếch, đụng vào... kêu vang/ Ông trời thấy thế vội vàng/ Thắp đèn trăng sáng tặng đàn cháu chơi".
Bài thơ kết mà như mở với ông trời, được hiểu là Ngọc Hoàng, theo trống lệnh của con người nối đêm vào ngày kéo dài lễ hội Trung Thu!
Vẫn trong đà bút thi vị hóa cuộc sống, nhân vật thơ ca thiếu nhi cùng bà mình điểm tô thế giới này, biến hương thơm thành màu đẹp, như hai ảo thuật gia: "Chuối xanh vừa ra nải/ Bà xếp gọn vào chum/ Rồi châm hương đậy lại/ Bụng chum đầy hương thơm// Sáng nay bà mở chum/ Mắt tròn xoe bé thấy/ Chuối rộm vàng như rơm/- Hương nhuộm màu chuối đấy!".
Có những mơ ước thần thánh như thế, nhưng đứa bé ấy vẫn là người thường, vẫn là trẻ con để rồi mắc lỗi. Chính câu chuyện mắc lỗi kể trong tập thơ, như là đối trọng để giữ lại sự hồn nhiên cho đứa bé, để sự thi vị hóa không biến nó thành một ông cụ non: "Có một chú bé lười học/ Bài kiểm tra bị cô giáo cho điểm một/ Con 1 to kềnh, đỏ chót//Trên đường về chú vừa đi vừa vấp/ "Hay xé bài? Không được! Hay... Hay…?// Thôi, nghĩ ra rồi, đã có cách thay/ Lấy bút đỏ viết số 0 đằng sau số 1/ Thành điểm 10 rất chi là tốt"// Ba xem bài kiểm tra, mỉm cười/ Mẹ xem bài kiểm tra, mỉm cười/ Bà móm mém cười/ Bỗng bé khóc òa/ Nước mắt rơi nhòa ướt cả số 0".
Đây là bài thơ hay trong tập, một bài thơ tự do, loại thơ ít gặp trong thơ viết cho thiếu nhi. Các câu thơ dài ngắn khác nhau hợp với bước dò dẫm "vừa đi vừa vấp" của đứa bé tính làm việc xấu. Và nó đã làm, đã trái lời cô, đã lừa dối một lần những ba người để bài thơ như truyện được thắt nút, tạo ra cuộc đấu trí bất ngờ giữa ba người lớn và một trẻ con. Những người lớn cao thượng đã thay sự giận dữ, la lối bằng nụ cười cảm hóa. Chuỗi nụ cười tha thứ đã tạo cho bài thơ cái kết "òa" ra, lã chã nước mắt hối hận.
Cùng viết văn trong bốt điện
Lê Huy Hòa học cùng lớp với người viết bằng chân - nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký (1947 - 2022) tại khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong sách Tôi học đại học (2018), nhà giáo ưu túNguyễn Ngọc Ký kể nhiều chuyện hay về người bạn đồng môn Lê Huy Hòa của mình. Ông viết: "…Hòa mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở với anh chị, ngày ngày vừa giúp anh chị bế cháu, vừa cắt cỏ chăn trâu, ấy vậy mà Hòa vẫn đạt giải Ba học sinh giỏi văn toàn quốc…".
Ông kể: "…tôi và Hòa mải miết bên nhau tối ngày với tập bản thảo đầy những vết mực đỏ ghi dấu những chữ cần sửa của người biên tập. Tôi sửa chữa xong trang nào thì đọc lại cho Hòa "kiểm định" luôn trang ấy. Nếu chưa được, tôi lại ngồi hì hục sửa tiếp. Khi cả hai thấy ổn rồi, Hòa khẩn trương giúp tôi chép lại ngay…Nhiều lúc thấy áo tôi ướt đẫm, mồ hôi nhễ nhại đến mức nhiều giọt rơi xuống làm nhòe cả bản thảo, Hòa…lặng lẽ lấy khăn thấm nước lau mặt, lau lưng cho tôi rồi dùng quạt tay phe phẩy cho tôi…".
Cứ như thế cả mùa Hè 1968 trong cái bốt điện của ký túc xá sinh viên phố Lò Đúc, Hà Nội, rộng chừng 10 mét vuông, được cho mượn làm phòng văn, không cửa sổ, lại chằng chịt dây điện các kiểu, hai sinh viên Ký - Hòa tự an ủi "thôi coi như đây là cơ hội quý để hiểu thế nào là Hỏa Lò". Và "… Hòa nằm bò ra chiếu" giúp bạn văn hoàn thành tác phẩm.
Công việc lặng lẽ của Lê Huy Hòa bên lề trang sách này cũng giống như sự lặng lẽ của người bà vô danh và kín tiếng, của chị gió không mỏi tay quạt… trong bài thơ Hoa phượng. Lặng lẽ chắt chiu, lặng lẽ tích tụ để rồi bừng sáng ở các trang giáo khoa, vẫy gọi trẻ thơ đến với trường học.
Nhà thơ Lê Huy Hòa sinh năm 1949 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970, từng là giáo viên dạy văn tại Cao đẳng Sư phạm Nam Hà, Trường Cấp 3 Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Nguyên là Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Đài Phát thanh &Truyền hình Hà Nội… Anh là hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội vàHội Nhà văn Việt Nam. Hiện sống tại quận Hà Đông, Hà Nội.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất