12/04/2023 19:00 GMT+7 | Văn hoá
"Một con chim màu trắng/Đứng trên trời hót vang:/Bé ơi, bé có biết/Mùa Xuân đến rồi không?". Đây là những câu thơ dễ thương, kết lại bài Tiếng chim của Thanh Quế, trong sách Tiếng Việt 3, tập 1, bộ Cánh diều, trang 115.
Nhà thơ Thanh Quế năm nay gần 80 tuổi, dù đã có nhiều tác phẩm xuất bản và được nhiều giải thưởng, nhưng ông vẫn làm thơ rất đều đặn. Ông ý thức về quan điểm sáng tác, nên vẫn thường trăn trở về phong cách văn chương của mình trong mọi thể loại.
Thơ thiếu nhi là những sáng tác tình cờ
Độc giả của Thanh Quế có lẽ nhiều người đã gặp bài thơ Mùa Xuân trong tập thơ thiếu nhi Hái tiếng chim, do NXB Đà Nẵng phát hành năm 1991, còn học sinh tiểu học được làm quen với ông qua bài này với tựa Tiếng chim.
Bài thơ bắt đầu bằng những câu miêu tả thiên nhiên, bằng một giọng điệu reo vui: "Sáng nay bé thức dậy/Thấy trời xanh lạ lùng/Những tia nắng ùa tới/Nhảy múa khắp căn phòng". Ở đó, người đọc dễ dàng nghe ra một tâm trạng tươi tắn và những hơi thở sảng khoái, khỏe khoắn. Không khí này được tiếp diễn ở đoạn thơ tiếp theo: "Hàng cây trồng trước ngõ/Rụng lá mùa mưa qua/Bỗng nhiên xanh thắm lại/Nghe rì rào nở hoa".
Tác giả ở Đà Nẵng, nên những ai đã từng sống ở miền Trung sẽ cảm nhận được rất rõ cảm giác mọi thứ "xanh thắm lại" sau một mùa đất trời đắm chìm trong mưa bão. Niềm vui khi nhìn thấy mọi thứ xung quanh mình như được hồi sinh, tươi mới.
Nhà thơ kể rằng, ông sống trong một căn hộ quay mặt ra hướng Đông, nên mỗi sáng mở cửa ra là có nắng ùa vào nhà. Từ căn phòng của mình, ông có thể nhìn thấy cây cối và nghe được tiếng chim. Đó là cảm hứng để ông viết bài thơ này vào những năm 1980, với "ý đồ" giản dị: "Kể lại cho con cháu tôi nghe".
Từ khóa của bài thơ là "mùa Xuân", là buổi ban đầu, là thời điểm được gửi gắm mong ước đổi thay để tốt đẹp hơn. Không chỉ đất trời thay đổi, tháng năm thay đổi, mà con người của mùa Xuân cũng tươi mới hơn.
Ông bảo: "Mùa Xuân là tuổi trẻ của đời người, vì vậy câu kết: "Bé ơi, bé có biết/Mùa Xuân đến rồi không?" như là lời tôi gửi gắm đến con cháu mình và những bạn trẻ khác rằng tuổi xuân là thời điểm tốt để làm được nhiều điều ý nghĩa".
Tại sao thơ thiếu nhi mà phải "nói" nhiều thế? Thanh Quế cho rằng viết thơ thiếu nhi ông không chọn cách chỉ viết nhiều chi tiết sinh động, mà muốn lồng tư tưởng vào. Vì thế, thơ thiếu nhi của ông bên ngoài là lớp vỏ sinh động của hình ảnh, ngôn từ và bên trong lànhững điều để ngẫm nghĩ. Độc giả sẽ gặp điều này trong hầu hết các bài thơ thiếu nhi của ông, "điều để ngẫm nghĩ" thường nằm ở các câu cuối bài.
Trong bài thơ Hái tiếng chim, đoạn cuối như sau: "Ủ kỹ trong vò/Đậy nắp cho chặt/Lúc chim bay đi/Còn nguyên tiếng hót". Thiếu nhi đấy,nhưng người lớn sẽ nghĩ ngợi về cuộc sống vô thường, níu giữ rồi mất đi và điều tốt đẹp còn lại trong tâm hồn.
Ông nói: "Viết thơ thiếu nhi hoặc người lớn đều phải có tư tưởng - như là khối cốt thép của một ngôi nhà - nhưng thơ thiếu nhi thì phải sinh động, hồn nhiên và lôi cuốn. Một bài thơ thiếu nhihay là khi người lớn đọc cũng phải thấy hay, chứ không chỉ thiếu nhi, vì người lớn đã từng là trẻ con và họ gặp được những ký ức của mình trong tác phẩm ấy".
Thường thì khi sáng tác những tác phẩm cho thiếu nhi, người viết sẽ đưa thiên nhiên vào như một yếu tố quan trọng và câu chữ càng hồn nhiên, trong trẻo càng tốt, nhưng với nhà thơ Thanh Quế thì khác, cũng giống như thơ người lớn, thơ thiếu nhi của ông có thiên nhiên nhưng không nặng về tả cảnh, mà lấy tâm trạng làm chính.
Ông đã ra mắt nhiều tác phẩm thiếu nhi, ví dụ các tập thơ Hái tiếng chim, Khi ta giở sách ra, Ông và cháu, hoặc tiểu thuyết Cát cháy… Ông tâm sự hầu hết những tác phẩm cho thiếu nhi của ông đều được viết một cách tình cờ, khi cảm xúc bất chợt đến. Điều này khác với thơ người lớn, vì thường là những bài được ông thai nghén lâu, với nhiều trăn trở, suy tư. Một số "sáng tác tình cờ" của ông giờ đã nằm trong sách giáo khoa, đã đem đến cho ông một niềm vui khác, là khi các cháu của ông lật sách ra ê a học thuộc.
Nhà thơ Thanh Quế (tên khai sinh: Phan Thanh Quế), sinh năm 1945 tại Tuy An, tỉnh Phú Yên, hiện đang sống tại Đà Nẵng. Năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra Bắc, học tại Trường học sinh miền Nam. Năm 1967, ông tốt nghiệp khoa Sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ông từng là Phó chủ tịch Hội Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, kiêm Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Đà Nẵng, kiêm Tổng biên tập tạp chí Non Nước cho đến khi về hưu…
Ông đã được trao rất nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2012.
Thơ của cha và con
Nhà thơ Thanh Quế thường sáng tác cho thiếu nhi vào thập niên1980 và 1990. Sau đó, ông có thêm "một đồng nghiệp" trong nhà. Đó là cậu con trai - người đồng nghiệp mà ông chỉ góp ý khi được hỏi chứ không bao giờ can thiệp hoặc uốn nắn bất kỳ bài thơ nào của con mình. Con trai ông - Phan Tuy An sinh năm 1987 -bắt đầu viết thơ những năm lên mười. Tập thơ đầu tiên của An có tên Chú mèo ham ăn do NXB Đà Nẵng phát hành năm 1998 và sau đó đoạt giải sách hay của nhà xuất bản này.
Tiếp theo là các tập Trái đất và mặt trăng, Búp và hoa… của anh lần lượt được xuất bản. Hiện nay, Phan Tuy An không còn gắn bó với việc sáng tác thơ. Anh giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Tuy vậy, những câu thơ trong trẻo của An: "Chú mèo ham ăn/Đi trên hành lang/Bỗng thấy mặt trăng/Tưởng là pho mát" (Chú mèo ham ăn); hoặc "Cứ đứng yên một chỗ/Mặt trời chán lắm rồi/Liền bỏ trời đi chơi…/ Người la ó khắp nơi/Mặt trời nghe sợ quá/Liền về chỗ của mình/Thế là trời lại sáng" (Mặt trời)… đã là niềm vui không quên của cả gia đình, đặc biệt là người cha đã cùng anh đến với những vần thơ đầu tiên.
Tuy con trai không còn làm thơ, nhưng hai cha con ông đến nay vẫn còn "cộng tác" trong các tập sách của ông - Tuy An thiết kế bìa và trình bày.
"Hồi nhỏ thì con làm thơ, ba góp ý, còn bây giờ con trai thường góp ý thơ ba. Đôi khi hai ba con có những "bất đồng" như lúc con nói những bài thơ đó không hay, nhưng ba vẫn quyết định chọn đưa vào tập thơ" -nhà thơ Thanh Quế vui vẻ nói vì cậu con trai.
Về việc "cách tân" thơ
Nếu đọc những bài thơ của Thanh Quế viết sau năm 2000- được đánh dấu bằng tập thơ Sự chuyển động -sẽ khó hình dung ra đó là cách viết của một người sinh năm 1945. Đó không phải là những câu thơ của vần điệu, luyến láy, cũng không phải cách viết tả cảnh nói tình như thường thấy của nhiều nhà thơ thế hệ ấy. Thơ ông gãy gọn, không chơi chữ và đầy sự tự vấn bằng cách hỏi trực diện.
Ông đã từng làm các thể thơ quen thuộc với vần điệu, nhưng sau đó ông tự "cách tân" chính mình để ra một giọng thơ khác, "lý trí" hơn. "Vì đó là cáchtốt nhất để tôi nói được đầy đủ những suy tư trong lòng mình" - ông bộc bạch.
Từ bài thơ được nhiều người biết đến như Trước nhà em sông Vu Gia: "Trước nhà em sông Vu Gia/Sau nhà em cũng lại là dòng sông",đếnbài Hà Nội ơi: "Mùa Thu trời xanh lắm/Nắng vàng ơi là vàng/Áo xanh bên kia phố/Gửi mùi hương cốm sang"… cho thấy Thanh Quế rất giỏi nhịp điệu, luyến láy,nhưng ông muốn đổi khác. Thơ với ông không nhất thiết phảilà chữ nghĩa dịu êm, mà gập ghềnh, trúc trắc theo suy tư, đầy tính chiêm nghiệm.
Độc giả sẽ gặp những câu thơ mà ông đã "chuyển động", mà đôi khi bạn thơ của ông hay nói đùa "đọc thơ như ăn đá". Ví dụ: "Tôi thắp nhang lên mộ ba tôi/Nơi tấm bia/Ghi tên người/Nối năm sinh - năm mất/Ở giữa có vạch ngang một gạch/Chỉ một gạch thôi mà chứa cả cuộc đời" (Một gạch); hoặc một "trúc trắc" khác: "Phẩm chất của nhà thơ/Được định giá/Bởi việc dám lao hay không dám lao/Vào lưỡi kiếm của ngôn từ" (Phẩm chất nhà thơ).
Thanh Quế là nhà thơ, nhà văn, nhà báo… và nhiều chức danh khác, nhưng khi hỏi ông muốn được gọi mình là gì nhất, ông trả lời: "Có lẽ là nhà thơ. Tôi bắt đầu sáng tác là thơ, đi loanh quanh các thể loại khác nhau, rồi cuối cùng cũng về với thơ". Ở tuổi gần 80, ông vẫn không ngừng làm thơ, không muốn giậm chân tại chỗ, luôn bắt mình chuyển động.
HÀNH TRANG
Cái ngày bàn tay thần chết sờ lên sống lưng tôi
Phả hơi lạnh như băng của nó
Tôi mỉm cười bảo: "Hãy chờ tôi tý
Tôi còn chuẩn bị hành trang".
Tiền bạc, của cải, nhà cửa, áo quần
Những thứ đó không cần gì cho tôi cả
Những tuyển tập văn, thơ, triết học của những bậc thiên tài
Tôi cũng chẳng mang đi nổi.
Trước sự thúc giục của thần chết đứng bên
Tôi chỉ cầm theo một cây bút nhỏ
Để từ thế giới bên kia tôi viết cho những người đang sống
Đó là những gì tôi mang theo vào giây phút cuối đời
Khi bàn tay thần chết sờ lên sống lưng tôi.
23/4/1993
Thanh Quế
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất