01/03/2023 19:00 GMT+7 | Văn hoá
Năm 2022, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà thành hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, sau khi đã trình làng 15 tác phẩm văn học, cùng con số không nhỏ những giải thưởng văn học kèm theo. Bước sang năm 2023, từ các quyển sách kia, 2 trang văn của Nguyễn Thị Việt Hà đã được tuyển vào 2 tập sách giáo khoa Tiếng Việt 4, bộ Chân trời sáng tạo.
Để có đề tài cho số tác phẩm kia, Nguyễn Thị Việt Hà đã làm việc cật lực trong các nghề:Dạy ngữ văn cấp THCS ở miền Tây Nam bộ; chuyên viên truyền thông trong một xí nghiệp gốm sứ cao cấp ở miền Đông Nam bộ; biên tập viên một đơn vị xuất bản ở TP.HCM; chấp bút theo yêu cầu văn chương của khách hàng nhiều nơi… Và hiện là giám đốc một cơ sở chế biến thủy hải sản ở TP Cà Mau, nhưng vẫn làm báo Văn nghệ Cà Mau.
Tiếp bước "ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm"
Sinh thời, vào lúc đất nước còn bị cắt chia, văn tài Nguyễn Tuân gọi Cà Mau - vùng đề tài của Nguyễn Thị Việt Hà - là "ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm". Theo dấu chân mở đường văn kia, Nguyễn Thị Việt Hà giới thiệu với học sinh tiểu học vẻ mộc mạc, chất phác của những người mở đất, rồi giữ đất chỉ bằng tính tình hiền lành, chân chất. Họ đã chăm chỉ lam làm lại biết nép vào nhau mà sẻ chia, nhường nhịn:
"Chợ Vàm Cái Đôi nép vào một góc bến tàu, họp từ khi bình minh chưa lên. Giữa khuya, xuồng từ trong các kinh, vàm, xáng,... đã xôn xao chuyển rau, cá, các loại củ, quả từ vườn nhà ra chợ. Chợ nhỏ và ôn hòa, bình dị lắm. Người tới trước, trải cái bao bố xẻ đôi ra làm dấu. Người tới sau thì kiếm chỗ nào còn trống mà ngồi. Người nào lỡ có lấn sang bên kia tí đỉnh thì cũng cười xòa, có nhiêu đâu, dân ruộng với nhau mà".
"Người dân xứ Vàm cho dù đi đâu cũng nhớ phiên chợ hiền lành góc bến tàu cũ, nhớ ngọn gió chướng non làm thảng thốt con đường trắng hoa lau, hoa sậy. Nhớ về Vàm là nhớ về sự bình yên của dòng sông nối liền xứ sở, những con đường hai bên bờ lau sậy mịt mùng. Nhớ về Vàm là nhớ về những buổi sáng mai người ta thức dậy bằng tiếng còi tàu rời bến sớm nhất rúc lên vang lừng cả thị trấn" - trongThân thương xứ Vàm, trang 54, Tiếng Việt 4, tập 1.
Những dân ruộng Cà Mau hiền như lau sậy kia, cũng là "…những con người sống có khí phách, hiên ngang, hào sảng, bản lĩnh đội trời đạp đất thời mở cõi" để cây theo chân người tạo thế đất:
"…liền rừng là biển, một màu xanh thăm thẳm tiếp nối tưởng chừng như vô tận. Rừng đước như thành lũy bao bọc hơn bốn trăm hộ dân trước cửa biển Gò Công. Kỳ diệu và lạ lùng sức sống rừng đước, từng chùm rễ từ giữa thân thẳng tắp và mạnh mẽ cắm sâu xuống lòng đất để dựng thân cây đứng vững vàng. Quả đước cũng thẳng ngay như mũi tên theo gió rung cắm xuống bùn đất khi xa khi gần, rồi cây đước lại mọc lên. Cây này tiếp nối cây khác, tất cả quấn quýt bám chặt vào nhau tạo thành rừng bạt ngàn" - trong Về lại Gò Công, trang 68, Tiếng Việt 4, tập 2. Hai bài tập đọc, nhịp nhàng như thơ văn xuôi trên kia, lấy từ các bài Mùi ruộng và Về lại Gò Công, trong tập tản văn Câu chuyện của cánh đồng (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016). Thầy cô giáo có thể lấy thêm từ tập tản văn này, những chuyện lý thú để kể với học sinh về mảnh đất "mũi tàu" của đất nước!
Như các chuyện Về Cà Mau ăn cá chốt, chuyện những cặp đôi ba khía mở hội đêm trăng trước khi múa tám cẳng hai càng thành món ăn đậm chất Nam bộ, chuyện Lũ đẹp của những người "không chỉ biết bỏ chạy trước thủy tai" mà dám ở lại "sống chung với lũ" hưởng lộc trời: "…cá miệt thượng sinh sôi theo đàn, linh, rô, sặt nhiều vô cùng, đủ nuôi sống cả gia đình suốt cả năm nếu siêng chài lưới".
Chẳng hạn, thầy cô giáo nên đọc để biết rõ hơn địa danh Gò Công trong bài là thuộc xã Nguyễn Viết Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, không phải huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Các tác phẩm chính: Con đò và thiếu phụ (tập truyện ngắn, NXB Quân đội nhân dân,2013), Khi chúng ta già (tập thơ, NXB Văn học,2014), Ở giữa Cà Mau mà lại nhớ Cà Mau (tập tản văn, NXB Kim Đồng, 2017) Trò chuyện với cõi vô hình (chấp bút cho First New, 2017), Bà thông thái, bố mẹ thông suốt, dạy con thông minh (NXB Phụ nữ, 2021)…
Trong góc khuất của vùng cửa mở
Trong một bài thơ có tính tự họa, Nguyễn Thị Việt Hà viết: "Nỗi cô đơn như chiếc đồng hồ quả lắc treo góc nhà/ Nỗi cô đơn như mưa dầm rơi âm thầm…/ Nỗi cô đơn như cơn gió đi hoang, lang thang// Em áo mỏng băng mình đi giữa phố…/ Vẫy vùng tìm chính mình trong cái xác thân ngồn ngộn ngồn ngộn chất đống những vai diễn/ Có vai cười/ Vai khóc. Và cả vai của một chú hề…".
Từ bấy đến nay, Nguyễn Thị Việt Hà vẫn sống gần, sống bên, sống trong những "ngồn ngộn" kia, để chẳng gì có thể qua mắt người kiên trì phủ sóng quan sát như con lắc thời gian.Để thấy trong góc nhà văn hóa kia, người vô văn hóa nhất lại là ông trưởng ấp.
"…nước tràn vô cái chòi, cô Phấn phải di cư lên cái nhà văn hóa xã trú tạm. Cái đêm mưa gió bão bùng ấy tay trưởng ấp mò đến nhà văn hóa, gã choáng khi nhìn thấy da thịt cô Phấn in rõ mồn một trên nền áo ướt. Máu nóng dồn lên mặt, gã chăm chăm nhìn vào khuôn ngực phập phồng, cái mông hẩy lên, nhấp nhô sau những bước di chuyển… Như một con thú đang cơn động đực, gã vồ lấy Phấn, đè nghiến lấy... Gã đã làm cái chuyện đồi bại trước khi cô Phấn dùng hết sức căm phẫn đạp y bật ngửa đầu va vào cái ghế dài dùng để bà con ngồi sinh hoạt… Gã đàn ông nồng nỗng rú lên ôm lấy trán…" - trong truyện ngắn Ráng chiều đỏ rực.
Nguyễn Thị Việt Hà đã thả con thú ấp trưởng ấy vào "ráng chiều" của mình từ trang trước để có cú phục bút bất ngờ lột trần bản chất nhân vật: "Xóm biển bỗng nhiên có những cơn chấn động nho nhỏ. Từ xóm trên xóm dưới ai cũng bàn tán không dứt. Vài tháng trước, người ta xôn xao kể nhau nghe chuyện ông trưởng ấp trong lúc rượt mấy thằng ăn cắp bị chúng đập cho vài gậy bể đầu chảy máu phải nhập viện. Ai cũng khen ông trưởng ấp gan dạ, dám nhận lãnh nguy hiểm để bảo vệ trật tự an ninh xóm làng" - trong truyện ngắn Ráng chiều đỏ rực.
Bằng hơi văn giễu nhại, tác giả viết về nhân vật phản diện mà như người xưa thích chữ máu vào mặt kẻ tội đồ! Cái chi tiết ông trưởng ấp ôm đầu vào viện, rồi trở về với một vết sẹo ai cũng thấy, đã mở đường chữ dẫn người đọc từ ngoại diện thâm nhập nội tâm nhân vật, nhìn ra chân tướng kẻ thơ lại mất hết tính người!
Chi tiết ấy thúc đẩy diễn biến truyện để cảm hứng ngợi ca tình yêu sáng ra thành chủ đề ở đoạn cao trào, khi người đàn ông thật sự yêu cô Phấn khuyết tật ở đôi chân (và chỉ yêu thôi không nói vì anh ta câm) y hẹn trở về: "…cô Phấn sắp chuyển dạ, thằng Câm bất thình lình xuất hiện. Nó về mang cô Phấn đi. Cô Phấn mắt âng ẩng nước, quỳ xuống lậy tạ ông già Tư đã cưu mang cô những ngày tháng nghiệt ngã và cho ông biết cái sự thật đắng nghét, sững sờ".
Trở lại với bài thơ viết về nghề văn đã dẫn trên kia, Nguyễn Thị Việt Hà đã: "Vẫy vùng tìm chính mình trong cái xác thân ngồn ngộn ngồn ngộn chất đống những vai diễn/ Có vai cười/ Vai khóc. Và cả vai của một chú hề…". Để rồi khiêm nhường: "Chán chê tìm vẫn không thể thấy mình ở đâu". Cái gì cũng có thể, kể cả văn phong của một tác giả. Cứ tìm tiếp nhé. Và bạn đọc chúng tôi thích thú chờ đợi. Đã hay rồi đấy! Hãy hay hơn, đẹp hơn!
"Ở Cà Mau chỗ nào cũng thấy đề tài"
Những người viết bài này về đất mũi nhiều lần kể từ sau 1975, khi vết cắt chia ở vĩ tuyến 17 khúc ruột miền Trung liền da. Nhưng phải tới dịp Quốc khánh 2/9 năm 2020 mới được chân trần lấn biến, vin cây đước, cây mắm, bước trên thềm lục địa, sải chân đo chủ quyền quốc gia, rồi cúi mình kính cẩn nâng một vốc tay phù sa non đang thành đất…
Theo văn mạch phía Nam thì tác giả quê Bắc Giang, sinh 1978, Nguyễn Thị Việt Hà chính là những phù sa chữ bồi đắp đất này. Chúng tôi thành bạn văn, thường trao đổi chuyện nghề nghiệp. Nguyễn Thị Việt Hà kể:
"Trường của em nằm ở bìa rừng phòng hộ nhưng trước đồn biên phòng. Mọi người vẫn đùa: Trường giữ đồn chứ không phải đồn biên phòng giữ trường. Em viết những dòng chữ đầu tiên trong nghề dạy học trên tấm bảng đan bằng tre bọc nhựa simili. Bàn ghế gỗ đã cũ nhưng được sửa chắc chắn. Chân bàn và ghế chôn chặt vào đất, vách ngăn các phòng chỉ là những vách lá dừa mỏng. Ngày 20 tháng 11 đầu tiên trong đời, em nhận được món quà là một lọ thủy tinh đựng những ngôi sao bằng giấy kiếng mà cô trò nhỏ đã kì công làm, một lá thư và một chiếc vỏ ốc mang về từ một lần đi biển. Đồng nghiệp hay đùa, đúng là giáo viên chủ nhiệm dạy văn nên học sinh đứa nào đứa đấy lãng mạn như cô. Vườn hoa của lớp em chủ nhiệm đẹp nhất trường, ngày nào cô trò cũng chăm chút, tưới nước, nhổ cỏ trong khi vườn hoa của lớp khác lại trồng toàn... rau khoai lang".
Nguyễn Thị Việt Hà tiếp: "Ở Cà Mau chỗ nào em cũng thấy đề tài! Ở đây có "ông già và biển cả" của Việt Nam, ông Tư Mù xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Là người khiếm thị, nhưng ông Tư vẫn ra biển như những ngư dân khác. Lặn, mò, bắt, cào ngoài biển... thuần thục, can trường. Khen ông sát cá ông chỉ cười, nói: "Mình mù không thấy đường nên trời thương cho đôi tai thính, đôi tay nhạy. Ngửi mùi nước là biết nơi nào có nhiều cá tôm".Còn rất nhiều đề tài hay giữ chân tác giả Nguyễn Thị Việt Hà ở lại với đất mũi Cà Mau!
Viết trong tất cả hy vọng lẫn tuyệt vọng
"Hà xúc động đến... im lặng một lúc lâu mới nói được điều mình nghĩ khi nhận tin 2 tác phẩm của Hà được dùng trong Tiếng Việt 4 (tập 1 và 2). Mình không nói tròn lời cảm ơn với đội ngũ biên tập bộ Chân trời sáng tạo.Về lại Gò Công và Thân thương xứ Vàm mình viết khi còn đang là Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hải, nhà mình ở Vàm Cái Đôi, mình đi đi lại lại giữa những chuyến đò cách biệt, ngực căng sữa đến nóng bỏng khi đang cho Cỏ bú (Cỏ mới 4 tháng tuổi). Khi ấy mẹ mình vừa mất... Mình không ngủ được, mình viết, viết trong tất cả hy vọng lẫn tuyệt vọng, viết để tựa vào, viết để thở, để sống nhưng chữ mình khi ấy thanh khiết, xôn xao xúc cảm" - Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất