21/06/2023 15:43 GMT+7 | Văn hoá
Tâm niệm: "Viết để sống, để yêu và để trân trọng cuộc đời này", nên tác phẩm nào của nhà văn Phong Điệp cũng thấm đẫm vị đời, nóng hổi hơi thở cuộc sống. Giữ được sự nồng ấm này, có lẽ cũng nhờ một phần từ công việc khác của Phong Điệp: Nhà báo.
Trích đoạn trong truyện ngắn Tầng hai của Phong Điệp được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập 2, bộ Cánh diều. Đây là truyện ngắn giàu chất đời, bởi lẽ, được viết từ câu chuyện có thật, từ những nguyên mẫu có thật, qua chính trải nghiệm của tác giả. Như Phong Điệp chia sẻ, viết Tầng hai, chị đã rất thành thực với chính mình, với đời sống của mình, với những trải nghiệm.
Một góc nhìn về hạnh phúc
Phong Điệp kể: "Truyện ngắn này được viết khoảng những năm 2000, trong những ngày tôi ở trọ tại nhà bác Thác, ngôi nhà nằm trong con ngõ nhỏ cuối phố Nguyễn Đình Chiểu. Người phụ nữ ấy mang lại sự ấm áp và tin cậy, nhất là trong những thời điểm tôi vừa trải qua những khủng hoảng lớn về mặt tinh thần".
"Ngày nghỉ, tôi thường nằm bẹp trong căn phòng nhỏ ở tầng 1, rộng hơn 10m2, không cửa sổ, vì ngay sát đó là công viên Thống Nhất. Phía trên tầng 2 là bác Thác và vợ chồng cậu con trai".
"Bác Thác vốn là thanh niên xung phong. Là một người phụ nữ lớn tuổi mộc mạc, giàu tình thương, bác luôn lo lắng, quan tâm tới cuộc sống của tôi khi về ở trọ".
"Bác vẫn thường hỏi: Ở trọ như thế có được không? Có chật chội không? Có ồn ào không? Những khi biết tôi ở phòng, bác vẫn hay mời lên nhà ăn cơm cùng cho vui. Tất cả những sự quan tâm nho nhỏ của phụ nữ hiền hậu đó khiến tôi cảm thấy ấm áp vô cùng" - chị kể tiếp - "Ngày chuyển nhà, cả sáng bác Thác đi lang thang ra phố để tránh gặp tôi. Lúc gặp ở ngõ, người phụ nữ ấy rưng rưng nói: "Bác không muốn chia tay con. Bác sợ bác khóc". Rồi, nước mắt đã ứa ra trên đôi gò má nhăn nheo…".
Và, những giọt nước mắt ân tình của người chủ trọ năm ấy đã khiến Phong Điệp day dứt trong suốt quãng thời gian về sau. Để rồi, cũng chính những giọt nước mắt ấy đã thôi thúc chị viết Tầng hai.
Câu chuyện bắt đầu khi nhân vật Phan âm thầm dõi theo và ngẫm nghĩ về cuộc sống diễn ra hàng ngày trên tầng 2 của ngôi nhà cô đang ở trọ. Phan mặc sức tưởng tượng về một cuộc sống hạnh phúc ở căn phòng tầng 2 chỉ thông qua những âm thanh sống động được vọng xuống mỗi ngày. Nó khác hẳn với căn phòng phía dưới nơi Phan đang ở. Căn phòng luôn yên lặng, tối tăm trong sự cô đơn của một cô gái chọn ở lại thành phố để lập nghiệp, mưu sinh với tham vọng "phải giàu, thật giàu", vì "cô đã quá thấm thía nỗi khổ cực do sự nghèo mang lại".
Phan chỉ thực sự thay đổi suy nghĩ khi được tận mắt nhìn ngắm thế giới tầng 2 mà lâu nay cô chỉ được tưởng tượng qua những âm thanh vang vọng. "Hai gian phòng hẹp đặt hai chiếc đệm. Phòng của đôi vợ chồng trẻ có thêm chiếc tivi nội địa và cái đài Trung Quốc vỏ đỏ, hai cửa băng. Tủ quần áo của cả nhà kê sát cửa ra vào. Tất cả chỉ có chừng ấy. Vậy mà nó có thể tạo nên những âm thanh mới sống động làm sao. Phan thực sự ngạc nhiên. Hóa ra hạnh phúc giản dị hơn những gì cô tâm niệm".
Đọc Tầng hai, dễ thấy nội dung truyện tập trung xoay quanh sự thay đổi nhận thức của nhân vật Phan trong những sự đối lập. Đó là, sự đối lập của 2 thế giới tầng trên - tầng dưới trong ngôi nhà trọ, là sự đối lập giữa tưởng tượng - thực tế trong suy nghĩ của Phan. Để rồi, từ trong sự đối lập, chính Phan đã tự mình thức tỉnh về những giá trị đích thực của hạnh phúc. Đó là thứ hạnh phúc giản dị mà cô đã quên, đã bỏ qua bấy lâu.
Phong Điệp chia sẻ: "Sự mưu sinh, vật lộn của người tỉnh lẻ ở thành phố lớn khiến những người như Phan chưa có điều kiện để sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc như tưởng tượng. Họ vẫn cứ nghĩ rằng - hạnh phúc - nó xa vời ở đâu? Nhưng thực tế, hạnh phúc đôi khi chỉ là một tiếng cười, một sự trêu đùa, hoặc chỉ là một bữa cơm nhà với những âm thanh lanh canh".
"Thực ra 2 căn phòng trong Tầng hai giống nhau về mặt vật lý, diện tích. Để làm cho căn phòng xôn xao, vui vẻ, ấm áp lại chính là con người chứ không phải do căn phòng" - chị bày tỏ - "Con người tạo ra âm thanh hạnh phúc xuất phát từ sự cởi mở, sự giao tiếp với nhau, sự bằng lòng với cuộc sống. Hạnh phúc còn đến từ việc tự bản thân cho mình những niềm vui giản dị trong chính cuộc sống, thay vì phải từ những thứ to tát, hay đến từ vật chất như nhiều người vẫn nghĩ".
Bài học cho tuổi trưởng thành
Phong Điệp chọn mô tả những diễn biến của đời sống với những sinh hoạt tưởng như sơ giản, thậm chí có vẻ tẻ nhạt, nhưng ẩn sâu lại hàm chứa những quan niệm sống mang tính phổ quát. Đó là triết lý của hạnh phúc được làm sáng bật thông qua diễn biến tâm lý của nhân vật Phan giàu ưu tư, ngẫm ngợi. Nhất là khi Phan bước chân lên tầng 2 cũng giống như một sự thức tỉnhcho chính bản thân cô, cho không ít người thấy bóng dáng của mình khi soi vào Phan.
"Trong truyện, Phan khá day dứt về vấn đề phải giàu, vì cuộc sống nghèo khổ, cô đã trải nghiệm, khiến cô khốn đốn. Cho nên, nhận thức của Phan đã xác định cho cuộc sống của mình là phải đi làm, phải làm quần quật để kiếm thật nhiều tiền. Nhưng khi được đối diện với một sự hạnh phúc thật sự, một hạnh phúc vô cùng sinh động bằng xương bằng thịt, rộn rã ở xung quanh, cũng là lúc Phan nhận ra sự không tương đồng về thang chuẩn hạnh phúc. Khi đó, Phan mới bắt đầu điều chỉnh nhận thức, quan điểm sống của mình" - Phong Điệp dẫn giải.
Chị nhấn mạnh thêm: "Hạnh phúc không ở đâu cả. Hạnh phúc ở ngay chính bên cạnh mình, do mình tự tạo dựng lên ở ngay cả trong những hoàn cảnh thiếu thốn, không giàu có. Nếu con người thực sự bình tâm để nhìn sâu vào đời sống, vào nhu cầu của mình sẽ thấy hạnh phúc được xuất phát từ việc chúng ta biết thu xếp,biết bằng lòng với những thứ đang có. Từ đó, để có những ánh nhìn tích cực về cuộc sống".
Đưa ra một góc nhìn về hạnh phúc, rộng ra là một quan niệm sống, truyện ngắn Tầng hai của Phong Điệp có sự xuất hiện hợp lý khi đưa vào chương trình Ngữ văn 11. Ở chỗ, đối tượng tiếp nhận văn bản là những thanh thiếu niên chuẩn bị hành trang trở thành người lớn. Đứng trước lựa chọn hướng đi, quan trọng hơn là lựa chọn cách sống, Tầng hai hoàn toàn có thể trở thành một định hướng khả dĩ cho tuổi trưởng thành.
Về khía cạnh này, Phong Điệp cho hay: "Ở ngưỡng tuổi trưởng thành, nhận thức đúng đắn về xã hội, về giá trị của cuộc sống và lựa chọn cách sống của mỗi bản thân cực kỳ quan trọng. Chỉ còn một bước chân để bước sang cánh cửa người lớn, nếu các em không trang bị nhận thức đúng cho con đường định đi sẽ rất dễ bị sa vào những hướng đi không lành mạnh. Việc chạy đuổi, đặt nặng vật chất, làm mọi cách để giàu có, để nổi tiếng, hoặc để đạt mục tiêu có tính thực dụng của mình sẽ khiến các em phải đánh đổi, thậm chí phải trả giá".
"Xét cho cùng, trong cuộc sống muốn thành công, hạnh phúc, trước hết phải cảm thấy vui với mỗi ngày được sống. Tôi thích câu thơ: "Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương". Nếu mỗi ngày chúng ta không biết trân trọng đời sống, yêu quý những người xung quanh và nâng niu những thứ có được, mà cứ mãi chạy theo ảo vọng sẽ vô cùng mệt mỏi và sẽ không bao giờ cảm thấy có được hạnh phúc. Cũng giống như đuổi hình bắt bóng, cứ càng chạy, càng đuổi thì cái bóng càng xa tít. Đó cũng là những gửi gắm của tác giả trong Tầng hai bằng những câu chuyện rất đời thường, rất gần gũi có thể gặp ở bất cứ đâu"- Phong Điệp nói.
Thích được trải nghiệm đời sống
Được viết từ chính trải nghiệm sống chân thực của Phong Điệp trong những năm tháng đầu tiên bám trụ tại thành phố lớn. Bởi thế, ở nhân vật Phan với tác giả Phong Điệp cũng có những tương đồng nhất định. Phan là cô gái chịu khó quan sát, lắng nghe cuộc sống quanh mình, tỉ mỉ đến mức "âm thanh rí rách của cái vòi nước chảy vào bể ngầm dưới chân cầu thang" cũng được cô thu nạp vào tâm trí. Trong khi, Phong Điệp ví mình "như tờ giấy thấm" lao vào đời.
"Cứ bước ra ngoài, tờ giấy thấm ấy sẽ thấm đẫm mọi nhịp đập, mọi diễn biến, mọi cảm xúc của đời sống này. Khi tờ giấy thấm đã thấm đến đủ đẫm, cũng là lúc thôi thúc tôi ngồi viết ra những gì đã thu nạp. Bản thân đời sống chỉ cần lột tả một cách chân thực nhất thì đã hay, đã xúc động" - tác giả Tầng hai bày tỏ - "Tất nhiên người viết không chỉ đơn giản mang "máy ảnh chụp đời sống" để đưa lên trang viết. Trong đó còn phải gửi gắm cả những tâm tư, cảm xúc, lao động của nhà văn. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chất liệu từ đời sống là chất liệu vô cùng quan trọng để tạo ra sự hấp dẫn, sự lôi cuốn trong mỗi tác phẩm".
Chính bởi quan niệm này mà đọc Phong Điệp dễ thấy ngồn ngộn chất đời. Trang văn của chị cũng là trang đời chị trải qua. Và bản thân chị cũng tuyên ngôn chắc nịch rằng: "Tôi không theo trường phái đóng cửa và ngồi tưởng tượng". Thay vào đó, "tôi thích mình được trải nghiệm đời sống".
"Bước ra đường, được đến những vùng đất mới, được gặp gỡ những nhân vật mới như chất men để hình thành lên những tác phẩm" - chị tâm sự - "Dù khả năng tưởng tượng của nhà văn có phong phú như thế nào thì đời sống ngoài kia diễn ra còn phong phú gấp bội lần khả năng tưởng tượng của nhà văn. Những chuyến đi đến các vùng miền, được gặp gỡ nhiều cảnh đời, cảnh người khiến cho tôi sửng sốt, ngạc nhiên và thú vị vô cùng. Mỗi con người giống như một pho sách. Nếu như chịu khó đọc những pho sách từ những nhân vật có thực trong đời sống, chú tâm quan sát những cảnh sống thực quanh mình, chắc chắn sẽ có một vốn liếng vô cùng dồi dào để phục vụ cho những tác phẩm muốn viết".
Bởi thế mà Tầng hai cũng như cơ số những truyện ngắn khác của Phong Điệp đã định hình một cá tính văn chương rõ nét. Chị luôn hướng ngòi bút vào những đề tài thân gần với mình, những vấn đề mà chính chị đang sống trong lòng của nó và chị được trải nghiệm trọn vẹn.
Cũng như mảng sáng tác về đề tài đô thị luôn được Phong Điệp đặc biệt quan tâm và trăn trở.Chị cho biết: "Được sinh ra, lớn lên ở một đô thị tỉnh lẻ của Nam Định, đến khi lên Hà Nội học tập và gắn bó với nơi đây, cũng như được tìm hiểu về các đô thị trong những chuyến công tác, tôi có đủ điều kiện nhìn về những vấn đề bên trong những đô thị một cách toàn diện, khách quan. Bản thân những đô thị đang ẩn chứa trong lòng của nó những vấn đề bất ổn của sự phát triển".
Cũng theo Phong Điệp: "Trong xu hướng tiếp nhận toàn cầu hóa, những vấn đề về lối sống, cách hành xử, tư duy đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến chính đời sống của các đô thị. Nó tạo ra "những vết thương" trong lòng đô thị, trong quan hệ giữa người với người, giữa các thế hệ… Tất cả những câu chuyện này của đô thị đều khiến tôi quan tâm. Hơn nữa, tôi có điều kiện được sống trong lòng đô thị để tìm hiểu, giải mã nó. Đây cũng là một sự thách thức với nhà văn như tôi đáng để nghiên cứu, tìm hiểu và viết về nó".
Đến nay, Phong Điệp cho biết, mảng đề tài đô thị chiếm tỷ lệ khá lớn trong sáng tác của chị, với khoảng 60% tác phẩm đã viết. Trong đó, có nhiều tác phẩm đã tạo được dấu ấn trên văn đàn như truyện dài Lạc chốn thị thành, từng đoạt giải Văn học tuổi 20. Đây cũng là tác phẩm được coi là dài hơi đầu tiên để Phong Điệp theo đuổi mảng đề tài đô thị. Tác phẩm viết khá sâu về những cô gái tỉnh lẻ bắt đầu lên học đại học và lập nghiệp ở đô thị với những xung đột xảy đến.
Hành trình sáng tác bền bỉ
Để có được những thành tựu đáng nể trong nghiệp văn, không phải ai cũng biết Phong Điệp đã có một hành trình sáng tác bền bỉ từ những năm tháng tuổi thơ, viết không đứt quãng.
Chị nhớ lại: "Ngày còn nhỏ, tôi vốn mê đọc sách. Đọc tất tần tật những gì có chữ, từ báo, tạp chí cho đến những bộ sách văn học được bố mẹ mang về nhà. Đọc xong, nhất là đọc những tác phẩm văn học, khiến trong tôi trỗi dậy một khát khao cũng muốn viết những câu chuyện của riêng mình. Khi ấy tôi đã có suy nghĩ: "Tại sao chỉ với con dế mèn mà bác Tô Hoài có thể viết được một cuốn truyện hay như Dế Mèn phiêu lưu ký? Trong khi, xung quanh mình cũng có rất nhiều thứ để có thể viết".
Từ suy nghĩ non tơ được viết câu chuyện của chính mình, cô bé Phong Điệp ngay đó bắt đầu cầm bút lên và lặng lẽ viết.
"Đầu tiên là những bài thơ về mảnh vườn với tưởng tưởng cây cỏ, hoa lá nói chuyện với nhau. Sau rồi, tôi cứ lặng lẽ viết và cất vào trong một cuốn sổ. Có lần chị gái phát hiện ra cuốn sổ giấu ở trong cặp, rồi viết 2 chữ "dở hơi" vào trong. Chị viết vậy vì buồn cười khi có cô em gái tự nhiên cứ ngồi lẩn thẩn thơ với văn. Cũng bực mình khi bị chị phát hiện, nhưng vì thích viết nên tôi vẫn cứ tiếp tục viết, lén lút viết" - Phong Điệp kể.
Rồi một lần khác, cuốn sổ sáng tác tiếp tục bị phát hiện bởi thầy giáo dạy lớp 5. Khi ấy, cô bé Phong Điệp sợ lắm, bởi lo lắng: "nhỡ đâu thầy tịch thu cuốn sổ thì làm sao"? Thế nhưng khi mở ra thấy thơ văn trong đó, thầy giáo liền hỏi mượn. Hôm sau, nhận lại cuốn sổ, Phong Điệp thấy bất ngờ khi được thầy giáo đề tặng một bài thơ: "Thơ em tôi đọc trong chiều/Bâng khuâng ngọn gió bay theo nắng vàng/Đừng quên mùa Hè mênh mang/Con đường em bước thênh thang nắng vàng…".
Hơn thế, khi phát hiện có cô học trò ham mê văn chương, chính thầy đã giới thiệu Phong Điệp sinh hoạt tại trại sáng tác cho trẻ em có năng khiếu viết lách của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định. Kể từ đó, cô bé Phong Điệp bắt đầu tự tin viết.
Sớm có những sáng tác đầu tiên được đăng trên báo, tạp chí văn học nghệ thuật của tỉnh (tạp chí Nam Hà). Sau đó, sáng tác của Phong Điệp tiếp tục được chọn đăng trên báo Văn nghệ, báo Nhân dân, được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi có một thời, nổi tiếng trên báo Hoa học trò, không tháng nào, không có bài đăng.
Cũng từ thuở chạm ngõ văn chương ấy, tuổi thơ Phong Điệp được sống trong bầu không khí của một lứa học trò đều ham viết, ham đọc, yêu văn chương. Như tiếng chim gọi đàn, Phong Điệp cùng bạn bè của mình khích lệ nhau cùng viết, để rồi thành lập ra Hội bút Hương đầu mùa, bắt đầu tham dự những giải thưởng của báo Hoa học trò, của Văn học tuổi 20…
Nhớ lại những dấu mốc trên chặng đường đến văn chương của mình, Phong Điệp bày tỏ: "Tất cả những cơ hội viết lách cứ liên tiếp nối nhau đến. Khi được viết, được đăng báo, như những cú hích, hích hết cú này đến cú kia, khiến tôi khi ấy phấn chấn vô cùng. Năng lượng sáng tạo như nhiên liệu được bơm liên tục, dồi dào. Cứ như thế con đường đến với sáng tác văn chương của tôi rất tự nhiên kể từ nhỏ. Văn chương như một sự tất yếu. Vốn dĩ muốn viết, có nhu cầu viết, có đam mê viết, tại sao không viết? Cứ thế tôi viết, không ai cản, không có trở ngại nào".
Từ cuộc đời… quay trở lại cuộc sống
Kể từ tập truyện ngắn Khi ta hai mươi (NXB Trẻ, 1996), đến nay nhà văn Phong Điệp đã có gần 30 năm sáng tác. Trên suốt hành trình với con chữ, chị vẫn luôn đeo đuổi một tâm niệm: "Viết văn là kể những câu chuyện khiến mình day dứt nhất, mình mong muốn chia sẻ nhất. Với tôi, khi đời sống này day dứt ở trong mình cũng là lúc mình mong muốn kể ra câu chuyện của mình, của bạn bè mình, của thế hệ mình, của cả những người sống xung quanh mình. Những câu chuyện đó được thể hiện lên trang viết. Lựa chọn văn chương là cách tôi có thể làm để gửi gắm khát khao, mong muốn, suy nghĩ, trăn trở của mình đến với cuộc sống".
Minh chứng cho lựa chọn này, xác đáng nhất có lẽ phải kể đến Ga ký ức. Đây là cuốn tiểu thuyết mà Phong Điệp gọi là "cuốn sách trả nợ ký ức". Cuốn sách chứa đựng ký ức sống những năm tháng nhọc nhằn đã thôi thúc chị viết. Để rồi khi những sự day dứt, đau đáu được hiện lên trên trang văn cũng là lúc những ký ức đeo bám mới tạm buông ra. Hơn thế, Ga ký ức đặc biệt ở chỗ, nó chứa đựng một phần đời của tác giả.
Vốn là người hay tò mò, ưa quan sát, Phong Điệp cho mình có khả năng phát hiện những thứ bất thường trong những điều bình thường. Khả năng này được xác thực hoàn toàn ở đa số tác phẩm của chị. Đọc Phong Điệp, ở tác phẩm nào, nhất là những truyện ngắn về đô thị cũng đều thấy tác giả luôn phát huy tối đa lợi thế quan sát, lắng nghe và khả năng năng huy động tất cả những khoảnh khắc của cuộc sống đã được thâu nạp, tập hợp để sử dụng làm chất liệu cho trang viết. Nhờ đó truyện của Phong Điệp tự nhiên trở nên sinh động, và gần gũi hơn với độc giả.
Không chỉ trên trang văn, chính khả năng này đã cho chị cuộc sống như hôm nay, biết yêu thương và biết trân trọng đời sống mà mình đang có. "Văn chương đã làm cho cuộc sống của tôi ý nghĩa hơn. Nó khiến tôi mỗi khi ra đường, không chỉ chăm chăm nhìn đèn đỏ để đến thẳng cơ quan. Thay vào đó, nó kích thích tôi quan sát diễn biến cuộc sống xung quanh mình. Đó là những người đi đường khi họ tự nhiên chau mày. Có phải họ đang băn khoăn, lo lắng điều gì đó? Hay người phụ nữ bán xôi ở góc đường đang ho. Phải chăng tối hôm qua chị ấy đã làm việc quá sức?".
"Ví dụ như thế để thấy, tất cả những diễn biến của đời sống đang đập vào mắt chúng ta. Nó bắt ta phải tư duy, phải suy nghĩ. Việc quan sát, suy nghĩ, tư duy và quan tâm đến đời sống xung quanh, giúp ta tìm ra những vấn đề để luôn luôn đặt ra những câu hỏi nhằm giải mã nó. Đây cũng là một cách để cuộc sống của mỗi người được nhìn nhận lại, để quay trở lại với cuộc sống của bản thân. Rồi từ đó, mỗi người tự nhận thức được việc thu xếp cuộc sống tốt đẹp và trọn vẹn hơn" - chị nói.
Hay nói cách khác, dùng sự nhạy cảm văn chương để quan sát đời sống như cách Phong Điệp vốn làm đã giúp chị không chỉ có những tác phẩm sống động chất đời mà còn có được một cuộc sống cân bằng.
Chị chia sẻ: "Văn chương luôn hiện diện trong mỗi ngày sống của tôi ở 2 mặt. Thứ nhất, nó hướng ra đời sống, khám phá đời sống, giải ngã đời sống và nó cũng quay trở lại với chính bản thân mình ở mặt thứ hai. Ở chỗ, nó điều chỉnh bản thân mình để có những lựa chọn đúng đắn trong đời sống, và quan trọng hơn là có những sự quan tâm, yêu thương đến những người xung quanh".
Ngòi bút sung sức
Phong Điệp sinh năm 1976 tại Nam Định, là cây bút xông xáo ở nhiều thể loại: Truyện thiếu nhi, đối thoại văn chương, tản văn… Đến nay, gia tài sáng tác của chị đã có gần 30 đầu sách, trong đó chủ yếu là truyện ngắn. Có thời điểm chỉ trong vòng 2 tháng, chị cho ra mắt liên tiếp 2 tập truyện ngắn. Đó là Những mối tình câm (NXB Phụ nữ, 4/2018) và Tình trạng không phủ sóng (NXB Công an nhân dân, 5/2018). Quả là một ngòi bút sung sức.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất