22/03/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Nguyễn Ngọc Hưng sáng tác thơ cho người lớn và thiếu nhi gần như ngang bằng nhau, với 7 tập thơ người lớn và 7 tập thơ thiếu nhi. Anh có 4 bài thơ được chọn đưa vào sách giáo khoa.
Đó là các bài Thuyền lá (Tiếng Việt 1, tập 2, bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục), Đường em đến lớp (Bổ trợ tiếng Việt 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), Chơi bóng cùng bố (Tiếng Việt 3, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo), Đường đi học (Ngữ văn 10, tập 2, bộ Cánh diều).
Biến cố lớn trong đời khiến anh phải giã từ công việc của người thầy dạy văn, nhưng các bài thơ in trong sách giáo khoa đã tìm đến với các thế hệ học trò bằng một cách khác.
Những không gian hiền hòa
Bài thơ Đường em đến lớp của Nguyễn Ngọc Hưng được viết năm 2008, in trong tập thơ cùng tên, do NXB Kim Đồng ấn hành.
Anh viết bài thơ này khi nhìn thấy hai bé con nhà vợ chồng người bạn ríu rít mỗi ngày đến trường, nó khiến anh nhớ về con đường đến lớp của mình ngày xưa. Những câu thơ cứ thế ùa ra, dẫn anh về với đôi chân tung tăng, với những người bạn nhỏ và hoa thơm bướm lượn. Trẻ em và thiên nhiên là bạn bè, hòa chung niềm vui.
Chúng ta có thể thấy điều này trong những câu thơ: "Con đường đến lớp/Em đi mỗi ngày/Sáng nay vui quá /Rập rờn bướm bay/…Đỏ xanh mời mọc/Hoa cỏ bên đường/Cho em thỏa thích/Hái đầy cặp hương"...
Hoặc trong bài thơ Thuyền lá, vẫn nhịp thơ ngũ ngôn, tác giả đưa người đọc đến một không gian khác, bên bờ ao, thiên nhiênđã được nhân cách hóa: "Bờ bên kia mở hội/Châu chấu muốn qua chơi/Mà ao sâu quá đỗi/Biết làm sao bây giờ?/Thấy châu chấu ngẩn ngơ/Chích bông thương bạn quá/Bèn ngắt một chiếc lá/Thả xuống ao làm thuyền/"Ộp ộp… cậu ngồi yên/Kẻo thuyền chao lật đấy!"/Ếch vừa bơi vừa đẩy/Đưa bạn vào hội vui".
Khi con người ngày càng xa cách với thiên nhiên, khi nhiều ba mẹ ngày nay phải chở những đứa trẻ ngồi ngủ gật trên xe máy, chen nhau trong sự kẹt xe hỗn độn, để đến trường, thì khoảng không gian thơ mộng hiền hòa ấy chỉ có thể là trong giấc mơ. Khi người ta còn vội vã với cuộc sống hàng ngày thì đọc những câu thơ ấy có khi giật mình tự hỏi đã bao lâu rồi ta không còn rung động với thiên nhiên?
Nếu Đường em đến lớp và Thuyền lá là tuổi thơ êm đềm của tác giả, thì Chơi bóng cùng bố cũng là quãng đời hồn nhiên ấy, nhưng có xen sự chạnh lòng. Bài thơ này được viết vào tháng 10/1997, in trong tập Gọi trăng, NXB Kim Đồng ấn hành năm 2001. Đó là khi ông nhớ như in hình ảnh những đứa trẻ nghèo khi xưa mê đá banh, cởi trần ra sân giành nhau trái banh được làm từ trái bưởi và nghĩ đến một trận banh… trong mơ. "Bố là… thủ môn ngoại hạng/Con là danh thủ nhí thôi/Quả bóng nhựa thường lăn sệt/Lênh khênh bố phải... bắt ngồi!/Mỗi lần có pha thủng lưới/Bố, con cùng vỗ tay cười/Trận đấu chỉ có hai người/Mà cũng rộn ràng ra phết"...
Dĩ nhiên, ta không thấy sự chạnh lòng trong văn bản, cho đến khi được nghe về cuộc sống của tác giả. Ông lớn lên cùng mẹ, không có bóng dáng của cha song hành. Cậu trai nhỏ Nguyễn Ngọc Hưng khi ấy muốn lớn lên cùng cha, chơi chung với ông và được ông dạy dỗ.
Thơ không phải là sự nghiệp
Thơ người lớn và thơ thiếu nhi là hai mảng đi cùng nhau, tạo thành hai mảng lớn trong cuộc đời Nguyễn Ngọc Hưng. Nếu thơ người lớn của anh thường mang nhiều nỗi niềm suy tư, thì thơ thiếu nhi là một thế giới hoàn toàn trong trẻo.
Nguyễn Ngọc Hưng nói thơ thiếu nhi giúp anh cân bằng cuộc sống: "Mỗi lần làm xong một bài thơ tình, hoặc những bài thơ người lớn đầy suy tư, tôi thường thấy buồn, bài nào càng ưng ý càng khiến mình buồn lâu, còn làm thơ thiếu nhi chỉ toàn là niềm vui". Vì đó là khi anh thấy mình hồn nhiên nhất, chữ nghĩa anh trong trẻo nhất và thế giới xung quanh thật tươi đẹp nhất. Ở đó chỉ có thiên nhiên hiền lành hòa vào tiếng cười trẻ con, không có chỗ cho phiền muộn. Ở đó còn là nỗi nhớ lớn lao, vì hình ảnh Nguyễn Ngọc Hưng bay nhảy tự do chỉ được gói gọn trong hơn hai mươi năm cuộc đời. Căn bệnh co cơ tiến triển khiến Nguyễn Ngọc Hưng gần như chẳng đi được. Nằm và ngồi một chỗ đã giới hạn tầm mắt của anh, nên anh chơi với trí tưởng tượng, ngược xuôi trong nỗi nhớ của mình, từ đó thành thơ.
Có lẽ vì không đi được đâu, nên tâm hồn Nguyễn Ngọc Hưng ít bị cuộc sống ồn ào quấy nhiễu,giúp cho thơ thiếu nhi của anh trong veo như vậy.
Thiên nhiên ngày xưa tác động nhiều đến hình ảnh trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng. Tuổi thơ của anh lớn lên bên bờ sông Vệ, vào học ở Đại học Sư phạm Quy Nhơn, ngôi trường nhìn ra bãi biển thơ mộng và sau đó về sống ở thị trấn Chợ Chùa, cũng là một nơi đẹp yên tĩnh… Chính những nơi đó là ký ức, trở thành phông nền để mầm thơ trong anh sinh sôi.
ThơNguyễn Ngọc Hưng được nhiều người biết đến. Tỉnh Quảng Ngãi từng tổ chức nhiều đêm thơ của anh và có rất đông bạn bè đến dự. Thế nhưng khi hỏi anh có xem văn chương là sự nghiệp của mình không, thì nhận được câu trả lời: "Tôi là một cây viết nhỏ nhoi, tìm đến thơ như một sự an ủi, chứ không nghĩ đó là sự nghiệp gì lớn lao. Tôi chỉ vui vì nhờ những bài thơ mà có nhiều người tìm đến, nên tôi có thêm bạn và không thấy cô đơn. Nếu gọi là có đóng góp chút gì cho cuộc đời, thì có lẽ là từ cuộc sống của mình, tôi động viên những người bạn khác sống tích cực hơn".
Học thơ - học một cách sống
Nếu không có biến cố bệnh tật thì liệu có nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng hay không? Anh trả lời: "Vì cuộc đời không có chữ "nếu", nên thật khó trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn rằng khi phải nằm một chỗ, không có nhiều chọn lựa, thì tôi làm thứ mình có thể làm tốt nhất, đó là sử dụng con chữ, dành tất cả thời gian cho nó".
Thật ra, anh làm thơ từ thời học sinh - sinh viên, nhưng không giữ lại. Khi phải nằm một chỗ, mới bắt đầu sáng tác nhiều và lưu giữ lại. Anh không ngại kể về bệnh tật của mình. Chứng co cơ tiến triển, một căn bệnh lạ, không có cách cứu chữa, dù hai mẹ con đã đi khắp nơi. Khi ấy, mọi thứ sụp đổ, bao nhiêu ước mơ của chàng trai trẻ vừa nhón chân vào đời đã phải xếp lại.
Hai mẹ con sống cùng nhau từ nhỏ. Khi mẹ mất, điểm tựa lớn đã bị bứng đi. Anh như gục ngã, không còn biết mình sống vì điều gì. Nhưng tấm lòng của những người bạn một lần nữa cho anh động lực sống tiếp. Vợ chồng người anh kết nghĩa đã đưa anh về nhà sống cùng và chăm sóc anh đến tận hôm nay. Anh nói họ đã sinh ra mình một lần nữa. Tấm lòng của gia đình ân nhân và của nhiều người bạn tốt khác đã giúp anh suy nghĩ về những điều tích cực, nhìn đời bằng con mắt mơ mộng, biết ơn.
Tôi nhớ hình ảnh cậu bé lạc quan trong cuốn sách Làm bạn với bầu trời của Nguyễn Nhật Ánh. Một lần bị ba đánh lỡ tay, bị liệt vì chấn thương cột sống, phải nằm một chỗ, nhưng thay vì thù ghét, cậu bé nằm bên cửa sổ nhìn ra ngoài tận hưởng vẻ đẹp của bầu trời. Nguyễn Ngọc Hưng cũng vậy, nằm đó ngắm nghía thiên nhiên và quan sát xung quanh.Thơ là bạn, an ủi anh mọi lúc. Vậy nên, đã từng phải kẹp cây bút vào tay mà viết trầy trật từng chữ, anh vẫn không nản.
Đến với thơ anh, học sinh không chỉ học tinh thần, bút pháp của các bài thơ qua câu chữ, mà còn học được một thái độ sống. Đón nhận tình cảm của mọi người và trả lại bằng cách đã sống một cuộc đời ý nghĩa.
Tinh thần bình thản
Nguyễn Ngọc Hưng có những tập thơ được nhiều bạn đọc yêu thích như Gọi trăng, Đường em đến lớp (thơ thiếu nhi), Từ khi có phượng, Những khúc ca trên cỏ… Ngoài ra, anh còn có nhiều tập thơ in chung và nhiều bài thơ đăng trên các tạp chí. Năm 2009, anh trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Hưng sinh năm 1960, quê quán tại xã Hành Tịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1979, anh học khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Năm 1983, tốt nghiệp thủ khoa, được phân công về dạy tại Trường PTTH Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Chưa đứng lớp được bao lâu thì căn bệnh co cơ tiến triển bất ngờ, khiến anh phải bỏ việc, chạy chữa không khỏi. Từ khi mẹ mất, anh về sống cùng gia đình người anh kết nghĩa tại thị trấn Chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi). Anh gần như nằm một chỗ suốt 40 nămqua, nhưng sống với tinh thần bình thản.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất