Gạo “lạ” không phải là gạo giả

06/04/2012 09:12 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Đó là khẳng định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) và Trung tâm Khảo kiểm giống cây trồng quốc gia ngày 5/4 về mẫu “gạo lạ” mới được người dân phản ánh tại Hà Nội.

Trước đó, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin trên thị trường Hà Nội xuất hiện “gạo giả” khi nấu thành cơm có mùi nhựa, có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm gây sự lo lắng của người dân.

Cụ thể, theo phản ánh của anh Duy Mạnh, sinh viên tạm trú tại ngõ 88 phố Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, thì ngày 16/3, anh Mạnh đi mua 5 kg gạo tại phố Giáp Nhị với mức giá 14.000 đ/kg. Theo anh Mạnh, loại gạo này dài và to hơn các loại gạo bình thường, có màu trắng đục và bề ngoài bóng bắt mắt. Gạo này không có mùi thơm đặc trưng của cám gạo, mà có mùi lạ, gần giống như mùi nhựa. Khi nấu, cơm không có độ kết dính và có mùi nhựa.

Chưa phát hiện ra gạo giả tại Hà Nội

Trước thông tin trên, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã có công văn đề nghị các đơn vị chức năng có liên quan vào cuộc điều tra làm rõ. Ngày 4/4, Chi cục ATVSTP Hà Nội và Quản lý thị trường Hà Nội đã khoanh vùng xác định được khu vực Tân Mai, Quận Hoàng Mai là nơi nghi ngờ có bán “gạo giả”. Cùng ngày, Cục ATVSTP đã lập đoàn kiểm tra tiến hành xác minh và lấy mẫu gạo nghi “gạo giả” tại các địa chỉ do một số phóng viên báo chí và người dân cung cấp.

Đoàn đã kiểm tra đột xuất đại lý gạo Đức Thiện tại địa chỉ số 32/88 Giáp Nhị, quận Hoàng Mai. Kiểm tra trực tiếp các lô gạo đang bày bán tại cơ sở, đoàn chưa phát hiện thấy hiện tượng bất thường về màu sắc và mùi vị. Ngoài 2 mẫu gạo do các phóng viên cung cấp, đoàn kiểm tra đã lấy 3 mẫu gạo Tám Thái, Ci Dẻo, Tẻ Điện Biên của đại lý Đức Thiện, trong đó có mẫu gạo Tám Thái có màu sắc hình dạng giống mẫu gạo của anh Duy Mạnh đã mua để phân tích.

Sau khi có mẫu, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia khẩn trương phân tích 5 mẫu gạo. Kết quả phân tích, 5 mẫu gạo trên có các chỉ tiêu về tinh bột, protein, vitamin B1… phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phải là gạo giả; không phát hiện chất tẩy trắng, chất đánh bóng trong các mẫu phân tích. Vì vậy, Cục kết luận thông tin về “gạo giả” tại Hà Nội là không có cơ sở.

Cũng trong ngày 5/4, Trung tâm Khảo kiểm giống cây trồng Quốc gia đã công bố kết quả xét nghiệm mẫu gạo nghi giả, kết quả cho thấy các chỉ số đều tương đương với gạo thông thường. Cụ thể, tỷ lệ amiloza (chất dẻo của gạo) là 26%, tỷ lệ protein là 6,5%. Theo trung tâm, tỷ lệ amiloza và protein như trên thậm chí còn cao hơn một chút so với một số loại gạo khác như Khang Dân hay Q5. Khi nghiền thành bột, mẫu gạo này cũng có đặc điểm không có gì bất thường so với các loại gạo khác.

Mặc dù không phát hiện “gạo giả”, nhưng Cục ATVSTP vẫn đề nghị Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gạo, nhằm hạn chế tối đa các sản phẩm gạo kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội, Sở NN&PTNT và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra và công khai rộng rãi các thông tin về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm