TP.HCM hái 'quả ngọt' nhờ bóng đá học đường

25/01/2016 05:58 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Nằm trong chương trình “Bóng đá vì ngày mai” mà LĐBĐ TP.HCM (HFF) chú tâm xây dựng nhiều năm qua, bóng đá học đường ở TP.HCM đã có những bước tiến vững chắc.

Sau những năm đầu gặp vô số khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ huấn luyện,… dự án “Bóng đá học đường” đã trở thành sân chơi thiết thực cho học sinh, thế hệ tương lai của TP.HCM. Sự phát triển vững chắc được cả xã hội công nhận khi không lâu sau khi dự án được đưa vào áp dụng, bóng đá học đường đã là môn thể thao được yêu thích số 1 trên địa bàn TP.HCM (xếp trên bóng rổ và các môn võ theo khảo sát của HFF).

Con số 100% các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn TP.HCM tham gia 100% các giải đấu do HFF phát động dành cho các cấp học cho thấy sức ảnh hưởng của dự án này. Để có được con số hoàn hảo như thế là nỗ lực của cả bộ máy. HLV Đoàn Minh Xương, người chắp bút cho đề án này chia sẻ, có nhiều tuần, ông phải ngồi ô tô ê ẩm cả người để đi đến những huyện lị xa nhất của TP.HCM. Đến đây, ông đại diện HFF làm công tác tư tưởng, động viên, khuyến khích hiệu trưởng các nhà trường tạo điều kiện cho học sinh chơi bóng đá.

Ông Xương quan niệm chỉ cần gieo tình yêu bóng đá cho các em, thế hệ tương lai TP.HCM sẽ lại sản sinh ra nhiều tài năng. Mong muốn vực dậy nền bóng đá từng thống trị Việt Nam luôn cháy bỏng trong những người như ông Xương. Và chứng kiến thành công bước đầu như hiện tại, ông giáo già đã về hưu cũng cảm thấy có thêm nhiều động lực để tiếp tục làm việc.

Đối với những huyện nghèo không có cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện cho học sinh chơi bóng, HFF sẵn sàng cung cấp. Với bóng đá, quan trọng nhất là sân bãi. Nếu không có sân rộng, chỉ cần khoảng diện tích 20m x 40m (chuẩn của 1 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo và futsal), như thế là đủ.

Nhiều trường ở TP.HCM bây giờ thậm chí “chịu chơi” hơn khi sẵn sàng tạo không gian cho học sinh chơi bóng, HFF sẽ tài trợ khung thành, lưới và bóng. Chu đáo hơn, ông Xương còn vận động hiệu trưởng các trường đưa giáo viên thể chất của trường lên trung tâm TP.HCM theo học các lớp bóng đá căn bản.

Ông Xương quan niệm nếu các thầy đam mê và có sẵn kiến thức chuyên môn, không lo học trò không yêu thích hay không giỏi đá bóng. Họ sẽ truyền đạt lại những vốn kiến thức căn bản cho học sinh, tình yêu của thế hệ trẻ với bóng đá nảy sinh từ những giờ học đá bóng như thế. Với bóng đá, môn thể thao được xem là “Vua” bởi tính thông dụng của nó, để đáp ứng những điều kiện vật chất cũng không tốn kém quá nhiều so với những môn khác.

LĐBĐ TP.HCM đặt ra nhiều mục tiêu lớn

LĐBĐ TP.HCM đặt ra nhiều mục tiêu lớn

Năm 2015 là một năm nhiều dấu ấn với bóng đá TP.HCM, một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào bóng đá. Sáng 23/1, Đại hội thường niên HFF đã tổng kết hoạt động của năm 2015 và hướng đến năm 2016 với những mục tiêu mới.


Nhiều năm qua, các giải đấu từ cấp Tiểu học, THCS đến THPT đã trở thành quá quen thuộc với các em học sinh trên địa bàn thành phố. Để tạo sự công bằng, HFF cũng tuân thủ quy định không cho học sinh các trường năng khiếu trên địa bàn tham gia giải.

Nhờ vậy, phong trào bóng đá ở các cấp học tại TP.HCM luôn sôi nổi. BTC luôn tranh thủ thời gian nghỉ hè của học sinh hoặc chọn thời điểm những ngày cuối tuần để tổ chức giải, nhờ thế các cuộc đọ sức giữa các trường vẫn đảm bảo chuyên môn và không ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

Để tăng phần sôi nổi, HFF còn chi tiền thưởng để động viên các cầu thủ nhí. Dù không nhiều nhưng mỗi giải đấu, các giải thưởng từ cá nhân đến tập thể luôn có để ghi nhận nỗ lực của các em.

Xây nhà từ móng, kết hợp với bắt tay cùng CLB danh tiếng nước Pháp là Lyon, bóng đá TP.HCM cho thấy dấu hiệu của sự vươn lên. Người làm bóng đá TP.HCM kỳ vọng bước tiến chậm nhưng chắc chắn của họ sẽ giúp địa phương này trở lại đỉnh cao thuở nào trong tương lai không xa nữa.

Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm