Các đội hạng nhất miền Trung: 'Cơm áo không đùa với khách thơ'

14/03/2014 13:12 GMT+7 | Hạng Nhất

(Thethaovanhoa.vn) - 3 trong số 5 chiếc vé lên hạng Nhất ở mùa giải 2014 thuộc về các đại biểu dải đất miền Trung, đánh dấu sự trở lại mái nhà xưa của 2 tên tuổi vang bóng Huế, Khánh Hòa cùng tân binh lần đầu góp mặt Đăk Lăk.

Sau niềm vui thăng hạng, thật sự đã có những nỗi niềm phấp phỏng và cả âu lo cho tương lai. Những tâm tư chỉ người trong cuộc và nặng nợ mới hiểu.

Nan giải bài toán “đầu tiên”

Khó khăn lớn nhất và cũng là đầu tiên, đấy là tiền đâu? Chi phí cho sân chơi hạng Nhất, dù chắt bóp lắm cũng phải chừng vài ba chục tỉ. Khó nhất là Huế, nói như Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa: “Cơ chế không cho phép chúng tôi dùng nguồn ngân sách địa phương để trang trải toàn bộ số tiền hoạt động của CLB”.

Chuyện tìm người đỡ đầu cũng đâu phải dễ, khi một đơn vị nhiều tâm huyết với địa phương nhiều năm qua là bia Huda đã rút lui. Chưa kể ngoài bóng đá, tỉnh nhà còn bao nhiêu việc cần hoạt động xã hội hóa, mà Festival Huế là một ví dụ.

Dù sao đi nữa, thì sự có mặt của bóng đá Cố đô ở mùa giải mới đã là sự cố gắng quá lớn của lãnh đạo địa phương vào lúc này. Cũng chỉ mong đội bóng đá tốt, để tạo tiền đề kêu gọi sự chung tay góp sức của nhà tài trợ trong nay mai.

Sau chừng 10 năm ‘tròng trành” ở giải hạng Nhì, bây giờ bóng đá đất đỏ cao nguyên Buôn Mê đã có thể nở mày nở mặt cùng người hàng xóm Gia Lai. Không may mắn như người bạn láng giềng có được ông bầu chịu chơi Đoàn Nguyên Đức, nhưng trong khó khăn, Đăk Lăk cũng tự thân gây dựng và đi lên như hôm nay.

Hôm rồi, trò chuyện cùng trưởng đoàn bóng đá Đăk Lăk Võ Thành Danh, ông nói như tâm sự: “Nhìn ra không bằng ai, nhưng bây giờ chúng tôi có thể tạm hài lòng với những gì mình đang có, so với chính mình thôi. Lãnh đạo địa phương ủng hộ nhiệt tình và hết sức. Tỉnh lo toàn bộ kinh phí hoạt động của đội bóng mùa này, đấy là sự động viên vô cùng quan trọng với chúng tôi bây giờ. Anh Tuấn (HLV Lư Đình Tuấn) từ Sài Gòn về đây cầm đội cũng là may mắn cho chúng tôi”.

Gian nan vẫn hé lộ hy vọng

Khi Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) rút lui, và bóng đá xứ “trầm hương” phải sang tên cho Hải Phòng, thật sự người Nha Trang đã đắng lòng, lẽ nào tên tuổi ngổ ngáo dễ phai nhòa thế sao? Cho nên khi Trung tâm huấn luyện Kỹ thuật Thể thao Khánh Hòa bắt tay với nhà tài trợ Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa để phôi thai CLB Sanna Khánh Hòa, thì đấy là tin vui quá lớn cho sự hồi sinh của bóng đá nơi đây.

HLV Võ Đình Tân chia sẻ: “Chúng tôi vui mừng với sự tái sinh này, nhưng vẫn rất cần những sự quan tâm và chung vai của tất cả các bên trong việc định hướng cho chặng đường sắp tới. Cái khó của chúng tôi là mùa này phải đá ở Ninh Thuận, nhưng cũng mong người hâm mộ phố biển ủng hộ, thông cảm và sẻ chia chuyện này cùng đội bóng”.

Trong vô vàn khó khăn ấy, thì cũng có những điểm sáng, mà rất cần ủng hộ họ, đó là tất cả 3 đội đều dựa vào nhân sự “cây nhà lá vườn” do chính bản thân gây dựng nên. Không có mua bán chuyển nhượng cầu thủ ầm ĩ, và cũng không có cả ngoại binh (đây là điều đáng quý). Họ trông chờ vào cầu thủ trẻ của địa phương mình.

Nòng cốt của Huế là lứa học sinh tiểu học mà ông Đoàn Phùng gây dựng gần 10 năm qua, cùng 3 cựu binh Thanh Nguyên, Tuấn Tú, Cảnh Lâm và vài cầu thủ của SHB.Đà Nẵng cho mượn. Quân chủ lực của Sanna Khánh Hòa là lứa U19- 21 tạo được tiếng vang mấy năm qua. Trong tay HLV Lư Đình Tuấn của Đăk Lăk đa số  là người địa phương còn rất trẻ, từng đá rất hay tại vòng loại U21 QG năm rồi, và 2 cái tên của SHB.Đà Nẵng ngược lên (Vũ Thắng, Văn An)

Cả 3 đại diện của miền Trung-Tây Nguyên đều bước vào mùa giải hạng Nhất năm nay với tâm thế có bao nhiêu, chơi bấy nhiêu. Cháy hết mình với vốn liếng trong tay, họ cũng chẳng mộng mơ gì nhiều. Nói như họ là lúc này phải biết ăn coi nồi, ngồi coi hướng. Mục tiêu không gì hơn cố gắng trụ hạng.

Trần Tuấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm