Cái ngày ấy cuối cùng cũng sẽ phải đến, không thể nào cưỡng được, ngày mà Francesco Totti giã từ sân cỏ. Ở Rome, các romanista không thích điều ấy, nhưng bản thân họ cũng không có phép màu nào để tẩy xóa những năm tháng in trên mặt anh, đôi chân anh, mái tóc anh.

Cái ngày ấy cuối cùng cũng sẽ phải đến, không thể nào cưỡng được, ngày mà Francesco Totti giã từ sân cỏ. Ở Rome, các romanista không thích điều ấy, nhưng bản thân họ cũng không có phép màu nào để tẩy xóa những năm tháng in trên mặt anh, đôi chân anh, mái tóc anh. Bản thân số 10 huyền thoại của đội bóng thủ đô cũng hiểu rất rõ điều ấy. Và tất cả những gì anh làm là trì hoãn càng lâu càng tốt ngày chia tay.

 

"The King of Rome is not dead” (ông vua thành Rome không chết). Anh đã mặc chiếc áo có dòng chữ tiếng Anh ấy khi cùng Roma đánh bại Lazio trong trận derby thủ đô tháng 3/2011. Dòng chữ bằng tiếng Anh ấy là một thông điệp không chỉ hướng đến các khán giả Italy, những nhà bình luận bóng đá Italy-nhiều trong số đó cho rằng anh đã hết thời và đang đi vào bóng tối ở tuổi 35, mà còn nhắm đến cả thế giới bóng đá bên ngoài đất nước hình chiếc ủng: Totti vẫn tồn tại, khỏe mạnh, vẫn ghi bàn thắng, vẫn đem lại những cảm xúc mạnh mẽ cho tất cả và đương nhiên vẫn là một cái tên phải được nhắc tới ở muôn nơi.

Hôm ấy, anh ghi bàn thứ 206 ở Serie A để vượt qua Roberto Baggio trong danh sách những chân sút xuất sắc nhất mọi thời đại của giải đấu này. Một cái mốc lớn lao không thể phủ nhận hay nghi ngờ. Totti không thể chết. Mối quan hệ của anh với Roma và thành Rome là một điều gì đó thiêng liêng, và anh là một huyền thoại sống của một nền bóng đá đã sản sinh ra vô số những ngôi sao lớn, những người đã giành nhiều danh hiệu lớn trong sự nghiệp của họ, nhiều hơn anh rất nhiều.

Họ đã nói về anh

 

Ra sân thi đấu và ghi bàn nữa, ghi bàn mãi, phá vỡ những kỉ lục đã tồn tại nhiều thập kỉ, xô đổ lần lượt những tên tuổi lớn đã ngự trị trong lòng calcio, từ lâu dường như là một ám ảnh lớn lao đối với Totti, một nỗi ám ảnh đeo đẳng anh từ khi còn là một cậu bé tóc vàng nghịch ngợm ở khu San Giovanni, thủ đô Rome. Nhưng những ngày như thế rồi cũng phải kết thúc, 6 năm sau thông điệp bằng tiếng Anh ấy.

Từ đấy đến mùa bóng cuối cùng trên sân cỏ này, anh đã chơi trên 100 trận đấu và ghi thêm gần 50 bàn thắng nữa ở Serie A, vẫn đem đến những cảm xúc bất tận, vẫn trở thành người hùng qua từng mùa bóng, dù đã sang tuổi, 38, 39 rồi 40. Ông vua thành Rome không hề chết, khi trở thành cầu thủ cao tuổi nhất ghi bàn ở Champions League, khi vẫn làm hàng triệu người phát sốt với màn selfie nổi tiếng trong một trận derby năm 2015, đã khiến một số tạp chí bóng đá hàng đầu xuất bản những cuốn sách dày cộp về anh và luôn khiến giới truyền thông xuýt xoa, hỉ hả đầy sung sướng và cánh cổ động viên tung hô ầm ỹ sau bàn thắng quyết định 3-2 bằng một quả phạt đền vào lưới Sampdoria vào tháng 9/2016.

Và rồi sau đó là những khoảng tối, những cuộc tranh cãi, những tin tức dồn dập về tương lai của Totti, những phát biểu của HLV Luciano Spalletti, người quyết định việc anh ra sân bao nhiêu phút hoặc 0 phút nào hết, và nhất là sự có mặt của tân Giám đốc thể thao Monchi, người mà báo chí Ý đồn rằng, được đưa về là để dứt khoát loại bỏ Totti khỏi Roma. Người được các cổ động viên yêu mến, được báo chí tung hô và đương nhiên là một biểu tượng không thể phai mờ trong lịch sử Roma đơn giản là chưa muốn dừng lại, chưa muốn nói lời chia tay với một đội bóng anh yêu mến như máu thịt phải đối đầu với việc ban lãnh đạo Roma coi anh như một cục nợ, một trở ngại trên con đường đi lên tương lai và muốn dứt điểm cho xong trong hè này. “Totti có, Totti không” trở thành một cuộc chơi mà anh không thích. “Cuộc sống thứ hai của Totti”, như báo chí viết, là điều anh không muốn đề cập.

Nhưng rồi, dần dần, người ta khiến anh hiểu rằng, anh không còn là không thể thay thế và quyền lực của anh-ở chỗ dư luận đứng về phía anh, không thuyết phục được các ông chủ Roma nữa. Ngày ấy phải đến, và Totti bước sang bên, trở thành một quan chức Roma. Anh có muốn làm điều đó không? Anh không nói ra, nhưng người ta tin là anh chưa hề muốn treo giày sau ngày 28/5, ngày cuối cùng của mùa bóng này. Thậm chí có tin nói rằng, để được tiếp tục chơi bóng, anh sẽ sang Mỹ, đầu quân cho đội Miami FC, nơi một tên tuổi lớn khác đã từng gắn bó với bóng đá thủ đô Italy đang làm HLV, Alessandro Nesta.

Totti từ A đến L

Aalst: Totti ghi bàn đầu tiên của mình trên chiến trường Châu Âu là vào lưới CLB Aalst của Bỉ để đưa Roma vào vòng 1/6 Cúp UEFA mùa 1994/95, ngày 17/10/1995. Roma thắng trận này 4-0.

Brescia: HLV Carlo Mazzone đã tung Totti vào sân lần đầu tiên ở Serie A trong trận đấu với Brescia ngày 28/3/1993. Khi đó, anh đeo áo số 16. Sau này, Totti kể lại: “Khi Mazzone nói “hãy khởi động đi”, tôi nghĩ ông ấy muốn nhắc Muzzi, ngồi cạnh tôi lúc ấy. Nhưng ông ấy nhắc lại và chỉ vào tôi. Lúc ấy, trong tôi trào lên một cảm giác khó tả vô cùng”.

Christian và Chanel: Hai con đầu của Totti và người dẫn chương trình truyền hình Ilary Blasi mang tên này.

Derby: Totti đã tham dự 44 trận derby, ghi 11 bàn thắng và cùng Roma thắng 15 trong số đó, để lại rất nhiều ấn tượng không phai mờ trong các CĐV.

EURO 2000: Với áo số 20 trên lưng và ở tuổi 23, Totti bùng nổ ở giải đấu này. Ở trận chung kết với Pháp (Italy thua vì “bàn thắng vàng”), Totti được bầu là cầu thủ chơi hay nhất trận.

Fortitudo Luditor: Đội bóng đầu tiên mà Totti khoác áo có cái tên loằng ngoằng thế này. Đấy là CLB thiếu nhi ở khu San Giovanni, nhà anh. Khi đó, Totti 7 tuổi.

Game over”: Dòng chữ trên áo mà Totti chưng ra sau khi đưa Roma tới chiến thắng Lazio trong trận derby năm 2015. “Game over” (tất cả đã kết thúc) với cả HLV Pioli, người bị sa thải sau đó mấy tháng, khi Lazio thua tiếp Roma 1-4.

Hannover: Đây là thành phố Đức đăng cai trận Italy-Ghana 2-0 ở World Cup 2006. Đấy là trận đấu mà Totti trở lại sân cỏ trong đội hình xuất phát sau khi nghỉ thi đấu 4 tháng vì chấn thương.

Ilary và Isabel: Ilary là vợ anh, người anh đã dành những tình cảm rất đặc biệt, kể cả trên sân cỏ, nhưng dòng chữ “6 unica” (em là duy nhất) được ghi trên áo đấu sau trận Roma “tàn sát” Lazio 5-1 vào tháng 3/2015. Isabel là con thứ 3 của anh với Ilary, ra đời tháng 3/2016.

Julio Cesar: Thủ thành Brazil này đã phải vào lưới nhặt bóng sau một cú ghi bàn siêu đẹp từ cự li xa của Totti trong trận Roma thắng Inter 3-2 trên sân San Siro, chiến thắng đầu tiên của Roma tại sào huyệt của Inter sau 20 năm. “Đấy là một trong những bàn thắng đẹp nhất đời tôi”, Totti thừa nhận.

Kaiserslautern: Thành phố Đức đăng cai trận Italy-Australia 1-0 ngày 26/6/2006. Totti ghi bàn từ quả penalty ở những giây cuối cùng, trong một trận đấu hết sức khó khăn của Italy, mở con đường cho Italy tiến sâu hơn, đến trận cuối cùng, và giành Cúp vàng.

Lapini: Đây là cầu thủ đầu tiên thay thế Totti trong một trận đấu chính thức. Đó là một trận ở Cúp Italy ngày 16/12/1993. Khi đó, Totti đá chính, dù chưa đầy 17 tuổi. Lúc ấy, Lapini cũng được đánh giá là một cầu thủ trẻ tài năng, nhưng sau đó không phát huy được mình, thường chơi cho các CLB hạng dưới và cuối cùng giải nghệ năm 2000, ở tuổi 35.

Nhưng hành trình đến sự kết thúc của Totti bắt đầu từ đâu? Thực ra từ 7 năm trước, khi người ta vẫn còn tung hô anh, khi anh vẫn liên tục ghi các bàn thắng. Đấy là tháng 4/2010, khi Roma của Ranieri đang tiến gần đến một Scudetto, trong sự bám đuổi sát nút của Inter. Nhưng ở trận derby hồi ấy, hiệp 1 thật tồi tệ với Roma. Họ bị Lazio dẫn trước 1-0 và gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thế trận. Totti và các đồng đội của anh vật vã kiếm tìm những khoảng trống trên thảm cỏ trước một Lazio dường như đang chơi với 22 người, khi tồn tại cùng lúc 3 Radu, 4 Diaz và 6 Brocchi. Vào giờ nghỉ, Ranieri nói với Totti: “Francesco, cậu đi tắm đi”. Ông cũng nói điều tương tự với De Rossi.

Trong hiệp 2, Roma đã thắng ngược Lazio khi không còn trên sân cả đội trưởng lẫn đội phó của họ, hai tượng đài thực sự. Đấy là một dấu hiệu. Vài ngày sau sự kiện ấy, Totti gia hạn hợp đồng 4 năm nữa với Roma. Sự chấm dứt chính thức bắt đầu từ đó, như một điều không thể cưỡng được và hoàn toàn tự nhiên, khi cùng lúc với việc tiếp tục ca ngợi anh, người ta cũng luôn hỏi anh bao giờ sẽ giải nghệ, sẽ làm gì sau khi treo giày. Anh đương nhiên không bao giờ trả lời thẳng những câu hỏi ấy, đơn giản vì anh vẫn còn muốn ra sân, và nếu như anh có nghĩ đến việc giã từ sân cỏ, anh cũng muốn làm điều đó một cách không hề thúc ép như hiện tại, với cái đầu ngẩng cao và không hề tiếc nuối.

Những năm tháng cuối cùng của Totti đã diễn ra như thế, buồn chán, theo cái cách mà Alex Del Piero đã cho rằng, “lời chia tay luôn khiến chúng ta đau đớn”. Đấy là sự thừa nhận rất thật của một huyền thoại khác của calcio, người đã từng cảm thấy không được Juve tôn trọng ở giai đoạn cuối, và sự đau đớn ấy thực ra không nằm ở phía các CLB, mà ở phía các ngôi sao bị ép hoặc phải treo giày, hoặc muốn đá thì nên đi nơi khác. Thậm chí có lúc Totti cảm thấy người ta muốn loại bỏ anh vì coi anh như một trở lực. Luis Enrique, khi mới đến Roma hè 2011, đã từng đặt ra câu hỏi về thể lực của Totti và từng trách anh chơi tệ trong một trận đấu với Juve.

Người đội trưởng huyền thoại của Roma giận dữ: “Tôi là vấn đề ư? Tôi sẽ rời Roma”. Người phải ra đi hoá ra là Luis Enrique. Nhưng trong một cuộc đối đầu khác với một HLV khác, Totti thất bại. Đấy là Luciano Spalletti. Ông bắt anh phải chấp nhận ngồi dự bị thường xuyên, và nếu như anh có thể vào sân, thì đấy chỉ là dăm ba phút không đáng kể. Các cổ động viên trên sân Bernabeu đứng dậy vỗ tay khi anh được đưa vào sân chơi những phút cuối trận Roma thua Real Madrid 0-2 vào tháng 3/2016, nhưng anh nổi cáu với Spalletti. Vô ích. Với ông HLV đầu trọc ấy, anh không còn và mãi mãi không thể ở đỉnh cao nữa. Những nét thăng hoa vẫn còn, nhưng Totti chỉ còn là cái tên, vì tuổi tác và chấn thương. Kể từ cái ngày bị thay ra ở giữa trận derby tháng 4/2010 đến nay, Totti đã vắng mặt 321 ngày, tức là gần một năm, vì đủ loại chấn thương khác nhau.

Bây giờ, ở Rome, khi ngôi sao lớn không còn là Totti nữa, mà là Ramon Rodriguez Verdejo, hay “Monchi”, tân Giám đốc thể thao của Roma, người đã thành công rực rỡ khi biến Sevilla thành một thế lực lớn ở La Liga và Châu Âu, người ta bắt đầu hồi tưởng lại quá khứ của một số 10 đã bắt đầu từ đâu. Nó bắt đầu từ những trận bóng đá trên sân trước cửa chung cư của anh ở Rome, trên những bãi biển ở Tor Vajanica tại ngoại ô thành phố, từ những buổi mẹ Fiorella đưa anh đến sân tập của đội thiếu niên Roma, cho đến cái ngày anh được Vujadin Boskov tung ra sân ở hiệp 2 của trận đấu với BresciaSerie A ngày 28/3/1993. Khi ấy, anh mới hơn 16 tuổi, còn lóng ngóng và vụng về lắm, rất ít nói nhưng không hề tự ti.

Khi Boskov bảo Totti vào sân, anh còn hỏi lại, như thể không tin vào tai mình: “Ngài nói gì cơ ạ?”. Hôm ấy, Roma đang thắng nhờ những pha lập công của CaniggiaMihajlovic. Ít ai biết rằng, đó là sự khởi đầu của một huyền thoại, một cái tên đã gắn bó mãi với Roma cho đến tận giờ, sau 1/4 thế kỉ. Người ta thống kê được rằng, anh đã là đồng đội của gần 400 cầu thủ khoác áo Roma từ đó đến nay, đã qua tay 18 đời HLV (2 lần với Spalletti) và là chủ đề của hơn 6 nghìn bài báo lớn nhỏ. Boskov đã đưa anh vào đời sống Serie A, Mazzone là người đã dạy anh những bài học lớn về di chuyển không bóng và dứt điểm, Capello đưa anh đến gần hơn khung thành đối phương và Spalletti biến anh thành một tiền đạo sát thủ, giúp anh đoạt Chiếc giày vàng 2007 (26 bàn thắng), nhưng cũng là người khép lại hành trình của một siêu sao.

Cho đến bây giờ, vẫn có nhiều người ở Rome chưa quên bàn thắng đầu tiên của anh. Ông bạn tôi, một người có tên Francesco như Totti, cũng là một cái tên sau này được hàng vạn cặp cha mẹ đặt tên con vì được sống trong những năm tháng của Totti, từng nói rằng, ở Rome, chỉ thời đại trước Totti và sau Totti, như công lịch có trước Công nguyên và sau Công nguyên. “Đấy là một đường chuyền hơi khó của Jonas Thern, nhưng Totti vẫn đón được bóng, vượt qua hậu vệ Padalino và tung một cú sút chân trái sấm sét tung lưới Foggia”, ông kể lại một cách rõ ràng, như ông vẫn nhìn thấy bàn thắng đó xuất hiện cả nghìn lần trước mắt mình.

Bàn thắng ấy đã đến vào ngày 4/9/1994 ở sân Olimpico, trong trận hoà Foggia 1-1. Trên khán đài có cha mẹ và anh trai anh. Các chú bác của anh không mua được vé của đội Roma, nên đành mua vé của đội khách và phải ngồi trong khu cổ động viên Foggia. Họ hò hét như điên khi thấy chàng trai 18 tuổi ăn mừng trên sân, với áo số 9 trên lưng. Số áo ấy trên thực tế là của Abel Balbo, người bị HLV Mazzone đày lên ghế dự bị trận hôm đó, do trước đó mấy ngày đã ra sân cùng với đội tuyển Argentina. Chân sút người Argentina lúc ấy vẫn chưa hiểu được rằng, một huyền thoại đang trên đường ra đời. Nhưng anh cũng ăn mừng bàn thắng. Giuseppe Giannini, một huyền thoại khác của Roma, người mà Totti tôn thờ, cũng chạy ra chia vui với anh.

Từ đó đến giờ, dường như một thế kỉ đã qua, Totti đã thay đổi nhiều về vóc dáng, Roma cũng thế, và đương nhiên nước Italy cũng vậy. 1994 là một năm nhiều biến cố trên mọi mặt. Italy thua Brazil ở trận chung kết World Cup trên đất Mỹ. Mái đầu buồn bã cúi xuống của Roberto Baggio sau quả penalty hỏng ăn vẫn còn ám ảnh nhiều người. Hai tháng trước đó, tay đua Công thức 1 Ayrton Senna tử nạn ở đường đua Imola. Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nhưng tiếng súng vẫn vang lên khắp nơi, trong đó đặc biệt đẫm máu ở bán đảo Balkan. Silvio Berlusconi vừa trở thành Thủ tướng và nước Ý vẫn còn chấn động mạnh mẽ vì vụ scandal tham nhũng và hối lộ Tangentopoli cách đó hai năm. Trong phòng thay quần áo của Roma, Totti là một cậu chàng đẹp trai, nhưng ăn mặc hết sức lộn xộn.

Totti từ M đến Z

Mancini: Thủ môn đầu tiên bị Totti đánh bại ở Serie A là Franco Mancini, trấn giữ khung thành Foggia, trong trận Roma-Foggia 1-1 ngày 4/9/1994. Trận đó, Totti đeo áo số 9.

Nordahl: Chân sút người Thụy Điển này là cầu thủ huyền thoại đã bị Totti qua mặt trong 2 danh sách ghi bàn. Mùa 2010/11, ghi bàn thứ 211 ở Serie A, Totti trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng ở Serie A nhất cho một cầu thủ, phá kỉ lục 210 bàn của Nordahl. Ở mùa 2012/13, sau khi ghi bàn thứ 226, Totti vượt qua Nordahl ở vị trí thứ 2 trong danh sách những cầu thủ ghi nhiều bàn nhất ở Serie A. Hiện tại, đứng đầu danh sách này là Silvio Piola, với 274 bàn.

Olimpico: Sân vận động ở phía Bắc thành phố, nơi đã in dấu giày của Totti trong suốt 1/4 thế kỉ qua. Rất ít cầu thủ để lại dấu ấn lớn lao cho người hâm mộ Roma như Totti đã làm được.

Parma: Trong trận đấu với Parma ngày 17/6/2001, Totti đã ghi bàn mở tỉ số. Roma đã thắng trận đó 3-1 và đoạt Scudetto lần thứ 3 trong lịch sử, 18 năm sau danh hiệu vô địch Italy thứ 2. Anh cho rằng, “đó là bàn thắng quan trọng nhất đời tôi”. Parma cũng là “nạn nhân” đau khổ nhất của Totti. Anh đã sút 20 bàn vào lưới họ trong sự nghiệp.

Quim: Thủ môn người Bồ Đào Nha này là nạn nhân đầu tiên của Totti trên đấu trường tuyển quốc gia. Totti ghi bàn đầu tiên trong màu áo đội tuyển Italy vào lưới Quim trong trận Italy-Bồ Đào Nha 2-0 hôm 26/4/2000.

Roma: CLB đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời của Totti. “Tôi hoàn toàn có thể đến Real Madrid hay Barcelona, nhưng tôi muốn gắn bó trọn đời với Roma”, anh nói. “Giành một Scudetto ở đây là một cảm xúc kì lạ không thể tả bằng lời. Và tình yêu mà các tifosi dành cho tôi đáng giá hơn nhiều các danh hiệu hay Quả bóng vàng”.

Scala: Không chỉ là một HLV thể lực, Vito Scala còn là một trong những người bạn thân thiết nhất của Totti. Chính ông là một trong những “bí quyết” để Totti có đủ thể lực để chơi bóng đến tận giờ.

UEFA: Totti đã ra sân chơi 103 trận đấu trong các giải đấu cấp CLB do UEFA tổ chức, ghi 38 bàn thắng.

Van der Sar: Thủ môn người Hà Lan là “nạn nhân” của một trong số những cú dứt điểm đẹp và đáng nhớ nhất của Totti, một cú xúc thìa (cucchiaio) trong loạt luân lưu, giúp Italy thắng Hà Lan ở bán kết EURO 2000. Trước khi đá quả này, anh đã rỉ tai với tiền vệ Gigi Di Biagio rằng, “mo’ je faccio er cucchiaio” (tớ sẽ đá kiểu xúc thìa nhé).

X: Số 10. Totti là số 10, là Roma, là rất nhiều cảm xúc mà anh đem lại cho tất cả mọi người.

Y (young, trẻ trung): Khi bước ra sân đấu ngày 31/10/1998 với băng đội trưởng trên sân, Totti trở thành người trẻ nhất trong lịch sử Roma mang băng đội trưởng.

Z: Zdenek Zeman được coi là người đã đánh giá đúng khả năng của Totti nhất vào giai đoạn đầu sự nghiệp của anh, đã đẩy anh đá gần khung thành nhằm tận dụng tốt khả năng ghi bàn của anh. Chính ông là người đã trao băng đội trưởng cho anh vào tháng 10/1998, và từ đó, chiếc băng không rời khỏi tay anh nữa.

Hậu vệ Marco Lanna từng kể rằng, Totti “ăn mặc như một gã rồ”. HLV Mazzone, người rất nghiêm khắc, không thích điều ấy. Ông bắt anh ăn mặc như một quý ông và sống nghiêm túc hơn. Có lần ông bảo: “Francè, nếu cậu còn đi xe Vespa vào thảm cỏ sân tập, tôi sẽ không cho cậu ra sân”. Ông cũng bắt bác sĩ Alicicco không cho anh ăn chocolate nữa, vì sợ rằng anh sẽ không thể giảm được cân. Nhưng tất cả đều thừa nhận, Totti có sự hoang dã của một con thú, sự khéo léo của một người nhảy ballet, và bản năng sát thủ của một người thợ săn. Trước đó, ở tuổi 17, khi lần đầu tiên được hỏi phỏng vấn, anh bảo: “Tôi luôn ước mơ được ghi những bàn thắng cho Roma. Bởi tôi thích cảm giác cứ ghi bàn xong là chắc chắn phải chạy tới các bạn bè của tôi đang ngồi ở khu khán đài Nam sân Olimpico. Tôi đã chơi với họ từ rất lâu rồi”.

Anh đã chạy như thế về các bạn của anh hơn 300 lần trong sự nghiệp rồi, tất cả đều trong màu áo Roma, và tất cả đều đáng nhớ. Nhưng đáng nhớ nhất là những bàn thắng trong các trận derby thủ đô, khi anh giơ chiếc áo bên trong có dòng chữ “Ta lại trừng phạt các ngươi rồi”, hay đưa ra một thông điệp đến Ilary Blasi, người sau này sẽ là vợ anh, “Em là duy nhất”. Sau một trận derby gần đây mà anh lập cú đúp, là động tác ăn mừng bằng cách giơ lên chiếc iPhone và chụp selfie với hàng vạn romanista ở khu khán đài Nam. Đáng nhớ là bàn thắng vào lưới Parma ngày 17/6/2001, khi cùng Roma đến Scudetto lần đầu tiên sau 18 năm, là những cú xúc thìa (cucchiaio) vào lưới biết bao đội bóng, là những siêu phẩm được thực hiện từ những quả đá phạt trực tiếp, những cú sút xa trái phá mà bóng đi dưới xà ngang, và thậm chí đáng nhớ cả vì những hoàn cảnh kì quặc.

Chẳng hạn bàn thắng thứ 300 anh ghi trong màu áo Roma được thực hiện khi đã việt vị ở trận hoà Sassuolo 2-2 hôm 20/9/2015 ở sân Olimpico. Đương nhiên là người ta không thể quên rằng, Totti luôn sáng tạo ra những cách ăn mừng độc nhất vô nhị, như cho bóng vào bụng sau một bàn thắng, vào thời điểm Ilary đang mang thai con anh; như mút tay sau một bàn thắng khác, lúc bé Chanel đã ra đời, hoặc như thông điệp “The King of Rome is not dead”. Sẽ không ai có thể quên, vì bất cứ điều gì liên quan đến cái tên Totti. Những màn ăn mừng quá độc đáo như thế càng trở nên đặc biệt, được nhắc tới không biết bao nhiêu lần, trong thời điểm mọi hình ảnh như thế có thể đi khắp thế giới, chỉ sau một cú nhấp chuột.

Tất cả những hành trình đều có điểm đầu tiên và kết thúc. Điểm đầu tiên đã có. Điểm kết thúc cũng sắp tới rồi. Những năm tháng dài giữa hai điểm ấy đầy ắp những kỉ niệm vui buồn, những bàn thắng, và trên hết, tình yêu của gia đình, của người hâm mộ dành cho một tên tuổi lớn của không chỉ Rome, mà còn cả nền bóng đá Italy và thế giới. Những tiếc nuối, dĩ nhiên không ít. Sẽ có người nói rằng, anh xứng đáng với những đội bóng lớn hơn Roma, bởi ở đó anh sẽ có nhiều cơ hội đoạt các danh hiệu hơn. Nhưng Totti có những lựa chọn của anh. Totti đã từng chối Milan khi họ tiếp cận anh lúc anh còn nhỏ.Totti cũng khước từ một lời mời của Real Madrid. Sẽ lại có những người khác nói rằng, anh không thành công với màu áo Thiên Thanh. Đúng là người ta đã thất vọng khi nhận ra anh không toả sáng trong đội tuyển Italy như với Roma. Việc anh giã từ đội tuyển sau World Cup 2006 là một quyết định hợp lí. Đấy cũng là danh hiệu lớn nhất anh đã có trong đời, một cách hoàn toàn xứng đáng và đương nhiên, bởi chiến công lớn ấy có in dấu giày của anh. Nhưng với anh, Roma là tất cả, và những cống hiến của anh cho đội bóng ấy cũng là tất cả. Vì Rome là thành phố của anh, của gia đình anh, của biết bao người hâm mộ anh. Anh chỉ cần là Vua ở đó, và như thế là đủ. Vị Vua ấy không chết, không bao giờ chết.

Tôi không phải fan của anh, nhưng cũng cảm thấy xúc động chứng kiến những ngày còn lại của anh trên sân cỏ, nếu cuối cùng anh quyết định không tới với NestaMỹ. Bởi tôi đã sống trong thành phố của anh trong nhiều năm cuộc đời, chỉ ở cách nơi anh sống chừng chục cây số, cũng không xa sân Olimpico, nơi đã in dấu giày của anh suốt 24 năm qua. Tôi đã sống trong lòng hàng biết bao nhiêu romanista, những người đã luôn chia sẻ với tôi về anh, về đội bóng, về tình yêu vĩnh cửu và không thể xâm phạm của họ với Roma, cũng như với anh. Tôi hiểu họ yêu anh đến nhường nào. Trái tim họ sẽ rỉ máu ngày anh đi. Còn tôi cũng ngậm ngùi chia tay với một người hùng của bóng đá Ý, nền bóng đá tôi đã gắn bó rất nhiều năm qua trong cuộc đời mình. Trong tình yêu của tôi với calcio, có sự ngưỡng mộ với anh, người như một thiên sứ đã thắp lên ánh sáng rực rỡ của mình trên sân cỏ, tô điểm cho nó bằng những bàn thắng, những màn ăn mừng và biết bao kỉ niệm mãi mãi không phai đã đi cùng với tôi trong bao năm qua.

Cám ơn anh vì tất cả, Francesco Totti!

Anh Ngọc

 

TOTTI VÀ NHỮNG CON SỐ

1 -Trong suốt sự nghiệp, Francesco Totti chỉ khoác áo duy nhất một CLB. Đó là AS Roma.

1 -Totti hiện đang đứng đầu trong danh sách những cầu thủ đang thi đấu ghi bàn nhiều nhất cho một CLB, 250 bàn.

1 -Với bàn thắng vào lưới Joe Hart trong trận Man City-Roma tháng 9/2014 ở vòng bảng Champions League 2014/2015, Totti đã trở thành cầu thủ cao tuổi nhất ghi bàn ở Champions League. Sau đó hai tháng, anh tự phá kỉ lục của chính mình bằng bàn thắng vào lưới CSKA Moskva. Khi đó, anh 38 tuổi và 59 ngày.

1 -Với 44 lần ra sân trong các trận derby thủ đô, Totti hiện cũng giữ kỉ lục về số lần ra sân derby nhiều nhất trong lịch sử và cũng đứng đầu danh sách ghi bàn nhiều nhất trong các trận derby với 11 bàn thắng.

19 -Totti đã đeo băng đội trưởng Roma trong suốt 19 mùa bóng, một kỉ lục của Roma.

25 -Totti, cùng với Maldini, là 2 cầu thủ chơi nhiều mùa bóng liên tục nhất cho CLB của mình, 25 mùa. 23 mùa trong đó, Totti liên tục ghi bàn. Không một cầu thủ nào trong lịch sử Serie A làm được điều này. 9 mùa trong đó, anh ghi liên tục trên 10 bàn một mùa.

26 -Với 26 bàn thắng ghi được mùa 2006/07, Totti đoạt danh hiệu Chiếc giày vàng dành cho cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong các giải VĐQG Châu Âu. Làng bóng đá Ý có 2 tên tuổi đoạt danh hiệu này, là anh, và Luca Toni (Vua phá lưới mùa trước đó cùng Fiorentina, với 31 bàn).

46 -Totti là cầu thủ ghi nhiều cú đúp nhất trong lịch sử Serie A, với 46 cú đúp. Anh cũng là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất từ các quả phạt đền (71 bàn). Hiện tại, Totti cũng đang giữ kỉ lục về việc là cầu thủ nhiều tuổi nhất lập cú đúp trong một trận đấu ở Serie A.

58 -Totti đã ra sân 58 lần trong màu áo đội tuyển Italy, bắt đầu từ năm 1998, và ghi 9 bàn thắng. Anh rút lui khỏi đội tuyển sau World Cup 2006 mà anh và các đồng đội đăng quang. Đó cũng là thành tích xuất sắc nhất mà anh có được trong màu áo đội tuyển. Trước đó, Totti đã ra sân ở EURO 2000 và 2004 và World Cup 2002.

307 -Totti đã ghi 307 bàn thắng trong các trận đấu chính thức trong màu áo Roma, trong đó có 250 bàn thắng ở Serie A. Không một cầu thủ nào đang thi đấu làm được điều này.

785 -Totti đã chơi 785 trận trong màu áo Roma, nhiều nhất trong lịch sử CLB này, trong đó có 618 trận ở Serie A.

1991 -Totti bắt đầu khoác áo các đội tuyển trẻ của Italy từ năm 1991, với đội U15, cho đến ăm 1997, khi anh “tốt nghiệp” đội Olimpic để lên đội tuyển quốc gia. Tổng cộng, Totti đã chơi 45 trận cho các đội U15, U16, U17, U18, U21 và U23 Italy, ghi 18 bàn thắng.