21/12/2022 17:42 GMT+7 | Văn hoá
Với chủ đề Bảo vệ môi trường biển, Festival nghệ thuật sắp đặt môi trường biển sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24/12 tại làng chài Tân Thành (Cẩm An, Hội An, Quảng Nam). Festival có hơn 20 tác phẩm của các họa sĩ, điêu khắc gia, nghệ nhân, các trường học quốc tế và các tổ chức, doanh nghiệp tại Hội An, Quảng Nam tham gia.
Tất cả các tác phẩm đều được sử dụng vật liệu đã qua sử dụng, rác thải như sắt, thép, vải vụn, chai nhựa, bao nilon... Với những góc nhìn và thủ pháp thể hiện khác nhau, các tác giả đã mang đến triển lãm lần này sự phong phú về chất liệu từ rác thải.
Các câu chuyện nghệ thuật thực địa
Khả năng xử lý, tái tạo rác thải của từng cá nhân cũng tạo nên sự đa dạng cho các tác phẩm. Không chỉ đơn thuần là nghệ thuật sắp đặt, thực sự có ít nhất hai chuyên ngành được thể hiện trong triển lãm lần này, tạo nên những góc nhìn khác nhau, khá thú vị.
Đơn cử như các tác phẩm Cá OPB của họa sĩ Phan Minh Tiến, Thoi thóp của nhà điêu khắc Lê Văn Hợi, Rùa biển của họa sĩ Trầm Thị Trạch Oanh, Cá thở của họa sĩ Đoàn Minh Thuần, Cá mó của tập thể HTX làng chài Tân Thành… Họ sử dụng sắt hàn, các loại dây nhựa, len, vải, chai lọ phế thải để tạo hình, đậm chất điêu khắc.
Những tác phẩm này được các tác giả dày công thực hiện, có giá trị mỹ thuật cao, tạo ấn tượng tốt cho người thưởng ngoạn nghệ thuật. Qua đó, các tác giả gửi đi thông điệp bảo vệ sinh vật biển đến với công chúng. Chỉ tiếc, kích thước còn khá khiêm tốn của các tác phẩm này dường như phù hợp với những không gian triển lãm khép kín, hơn là triển lãm ngoài trời.
Một số tác giả thiên về nghệ thuật sắp đặt, với các tác phẩm phù hợp không gian công cộng. Điển hình có Sứa nhựa của họa sĩ Hồ Đăng Chính, Mắc kẹt của họa sĩ Hà Tiên, Thế giới biển thế kỷ XXII của họa sĩ Trương Bách Tường, Đi về đâu của họa sĩ Nguyễn Dũng, Hồi sinh của họa sĩ Trương Bách Bảo...
Sử dụng các loại vật dụng nhựa dùng một lần, chai lọ, sắt phế liệu, lưới cá, gỗ phế thải, kết hợp với nhiều loại vật liệu khác, các tác giả đã tạo nên những tác phẩm với kích thước tương đối lớn, có thể đứng độc lập ở triển lãm ngoài trời.
Các tác phẩm này gợi lên những cảnh báo về hiểm họa đang rình rập ở môi trường. Đồng thời, xác định được những giá trị của rác thải, nếu được tái tạo đúng phương pháp, thì sẽ gây được ấn tượng hấp dẫn đối với công chúng thưởng ngoạn.
Một tác phẩm kết hợp giữa điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt là Hội An mùa củi lũ của nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận. Ở đây, những sinh vật biển được Thuận đục khắc và sắp đặt từ thân của những cây gỗ trên thượng nguồn trôi về lúc lũ lụt.
Thuận cho biết, ngày xưa vào mùa lũ, những loại gỗ này được người dân vớt về để dành làm chất đốt, nên gọi là "củi lũ". Là người luôn quan tâm đến việc sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường, Thuận đã lên ý tưởng biến củi lũ thành những tác phẩm nghệ thuật và dân dụng để sử dụng cho doanh nghiệp của mình.
Được sự khích lệ của du khách nước ngoài khi đến tham quan doanh nghiệp, ý tưởng phát triển mỹ thuật bằng củi lũ của anh lớn dần. Lê Ngọc Thuận cho rằng hướng đi này phù hợp với xu hướng sống xanh trên toàn thế giới, có thể mang lại thu nhập cho người dân, lại có thể giúp cộng đồng chuyển tải văn hóa, câu chuyện nghệ thuật thực địa ra với thế giới.
Bền vững từ giáo dục
Nhiều hình thức và chất liệu đa dạng được tái sinh từ các loại phế liệu như vải rẻo, rác thải nilon, chai nhựa, cũng được các doanh nghiệp và hệ thống trường quốc tế trên địa bàn Quảng Nam tạo thành tác phẩm tham gia festival.
Có thể kể đến các tác phẩm ấn tượng như A-xít ăn mòn sự sống của hệ thống giáo dục Skyline, Sóng hy vọng của HOPE, Cờ quốc tế và Cổ tích của HAIS, Cây xanh của KUHA, Green Cups của Silk Sense Hoi An River Resort… Điểm nhấn độc đáo của festival này là gia tăng quan niệm về sống bền vững từ chính cộng đồng và các tổ chức giáo dục, không xem sáng tạo nghệ thuật là "chuyện riêng" của giới nghệ sĩ, tinh hoa.
Nhìn chung, các tác phẩm tham gia đều đong đầy tâm huyết, dày công tạo hình và có thông điệp tích cực. Tất cả đều có thể tạo được ấn tượng về mặt mỹ cảm đối với công chúng thưởng ngoạn. Các tác phẩm đều mang đến một đời sống mới, một giá trị mới cho những vật liệu tưởng chừng như bị phế thải, vứt đi.
Thông qua các tác phẩm, các tác giả muốn phát đi những cảnh báo về hiểm họa đang từng ngày, từng giờ đe dọa đến môi trường sống trên toàn cầu. Đồng thời, phát đi thông điệp kêu gọi hãy sử dụng hạn chế, tiết kiệm nhựa, nilon và những vật liệu thải có tác hại lớn đến môi trường. Quan trọng nhất là cổ vũ ý thức không xả rác thải ra ngoài môi trường tự nhiên.
Ông Lê Quốc Việt (Phó giám đốc HTX du lịch làng chài Tân Thành) chia sẻ: "Từ lâu chúng tôi đã nhận thấy Tân Thành có lợi thế về hạ tầng phù hợp cho một không gian triển lãm ngoài trời. Chúng tôi ước vọng xây dựng và phát triển một không gian phù hợp với những phát triển mỹ thuật trong nước và thế giới. Nhân dịp bế mạc Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam, ước vọng của chúng tôi đã được thực hiện".
Ông Việt nói tiếp: "Hy vọng với sự khởi đầu thuận lợi lần này, hàng năm chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng giao lưu mỹ thuật với các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Đồng thời, mong muốn có thể xây dựng làng chài Tân Thành trở thành điểm triển lãm văn hóa nghệ thuật ngoài trời tại Hội An. Qua đó, các nghệ sĩ địa phương có thể chuyển tải được văn hóa bản địa, truyền thông điệp bảo vệ môi trường, thu hút công chúng và du khách quốc tế".
Được biết, sau lần đầu tiên cách đây 15 năm, đây là lần thứ hai Hội An tổ chức triển lãm nghệ thuật sắp đặt, một bộ môn vẫn còn khá mới với địa phương này. Hy vọng thành công lần này sẽ thành động lực để Hội An mạnh dạn tổ chức thường xuyên hơn.
"Mong muốn có thể xây dựng làng chài Tân Thành trở thành điểm triển lãm văn hóa nghệ thuật ngoài trời tại Hội An" - ông Lê Quốc Việt, Phó giám đốc HTX du lịch làng chài Tân Thành.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất