01/03/2011 11:08 GMT+7 | Văn hoá
* Khi xem bức Dưới mưa (sơn dầu của Nguyễn Đức Khởi) và bức Lấp ló của họa sĩ Trần Công Dũng, anh nhận xét thế nào về chất lượng của hai bức tranh? Mức độ “giống” nếu có, nên được nhìn nhận thế nào?
- Tôi có biết đến loạt tranh khắc gỗ hay sơn khắc của họa sĩ Trần Công Dũng vẽ motip những chiếc xe đạp từ những năm 1999 - 2000, anh Dũng sử dụng motip này khá nhiều và tranh của anh cũng gửi ở một số Gallery như AtenA, 31A Văn Miếu... Tuy nhiên, có lẽ hạn chế do kích thước nhỏ và chất liệu nên thực sự cũng không gây được ấn tượng nghệ thuật nào lớn, để đến mức gây sự bàn tán trong giới mỹ thuật ở Hà Nội. Đến khi có ý kiến về trường hợp “giống nhau” giữa tranh Dưới mưa và tranh Lấp ló thì mọi người mới nhớ đến serie tranh của Trần Công Dũng. Theo tôi được biết họa sĩ Nguyễn Đức Khởi mới tốt nghiệp năm 2009 ở Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam và bài thi tốt nghiệp của anh cũng là tranh Dưới mưa với một bố cục giống bức Dưới mưa bày ở triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (MTTQ) 2010. Bức Dưới mưa đoạt HCĐ triển lãm MTTQ 2010 được vẽ kỹ hơn và nhiều chi tiết hơn một chút.
Cũng lạ là chẳng hiểu tại sao cả hai họa sĩ lại tâm đắc đến thế với motip “xe đạp phủ vải” này. Cả hai đều cố gắng vẽ nhiều về nó? Về tranh Dưới mưa thì do kích thước lớn, chất liệu sơn dầu có thế mạnh ở sự miêu tả kỹ ánh sáng, chi tiết... nên dễ gây được ấn tượng của người xem hơn tranh sơn khắc Lấp ló. Mặc dù, tranh Lấp ló khi bày trong triển lãm MTTQ 2000 cũng gây được chú ý bởi cái “duyên” là lạ do bố cục và motip nghệ thuật trong tranh.
Bức Lấp ló của Trần Công Dũng (trên) và bức Dưới mưa của Nguyễn Đức Khởi
* Như anh nói, motip sáng tác của Trần Công Dũng đã được giới mỹ thuật biết từ lâu nay, như vậy, tác giả bức Dưới mưa được xem là người đi sau. Sự việc này nên được nhìn nhận thế nào, theo anh- một người làm nghiên cứu lâu năm?
- Vừa rồi, giới mỹ thuật cũng có một việc gây xôn xao về vấn đề bản quyền là có bức tranh cổ động phòng chống HIV/AIDS giành giải A của họa sĩ Nguyễn Tấn Khởi (cũng tên là Khởi) có nhiều điểm giống với bức tranh của tác giả Rewais Hanna được đăng tải trên trang web: www. whatifwereyou.org. Bức tranh đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi thiết kế poster về HIV/AIDS dành cho học sinh trung học tại bang Wisconsin (Mỹ). Không rõ cuối cùng vụ việc được cơ quan quản lý văn hóa xử lý thế nào, nhưng rõ ràng đây là sự “giống nhau” một cách cố ý.
Trở lại trường hợp sử dụng motip xe đạp giống nhau trong tranh Lấp ló và Dưới mưa thì phải thấy là trong đời sống hiện thực, rõ ràng chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh nhiều bãi gửi xe ở đâu đó... gợi nên những yếu tố tạo hình khiến cho các nghệ sĩ quan tâm và chắt lọc hình ảnh, đưa vào tranh. Có thể cả hai họa sĩ Công Dũng và Đức Khởi đều có ấn tượng về các bãi gửi xe như vậy. Nhưng anh Dũng là người đưa ra motip xe đạp và làm thành serie tranh đầu tiên, bày nhiều nơi và có thể chính anh Khởi, vốn cũng là sinh viên mỹ thuật, đã từng được xem đâu đó, nhưng ấn tượng rất mờ nhạt, thậm chí có thể quên nhưng khi có cơ hội, hình ảnh lại trở về từ tiềm thức và gợi ý đến cách vẽ tranh Dưới mưa. Tất nhiên đấy chỉ là giả thiết của tôi...
Sáng tác từ một gợi ý qua tác phẩm của bạn bè đồng nghiệp vẫn là điều có thể xảy ra và hoàn toàn chấp nhận được trong nghệ thuật, kiểu như Biến tấu trên cùng chủ đề... trong âm nhạc. Hoặc trong cách làm Aproriation art, các nghệ sĩ chủ động sử dụng những motip, hình ảnh, bố cục trong tác phẩm của người khác để rồi “đối thoại” chủ động, phát triển, biến thái, làm mới thành tác phẩm của riêng mình. Nhưng tranh Dưới mưa không phải là cách suy nghĩ theo Aproriation art.
Cái giá trị làm nên tác phẩm mỹ thuật cũng là một phần ở tính “nguyên bản”, độc bản của nó. Cũng như những người sáng tạo, mở đường, tìm ra được một hướng đi mới, một kỹ thuật tạo hình mới, một motip mới đặc sắc thì cũng được dư luận trong giới đánh giá cao. Những người sáng tạo sau, dù tự sáng tạo ra một kiểu thức, motip nào đó nhưng lại dường như gợi đến sự lặp lại hình tượng nghệ thuật ở đâu đó, ai đó đã từng làm thì mặc nhiên dư luận trong giới mỹ thuật cũng coi như là “đụng hàng”, là “nhại”. Bởi lúc đó nghệ thuật của nghệ sĩ đã không còn là duy nhất. Thế mới thấy sự khắc nghiệt, kiêu kỳ của công việc sáng tạo nghệ thuật.
* Theo anh, đây có nên được coi là một sự việc nghiêm trọng trong rất nhiều sự việc khác liên quan đến chất lượng và cách thức sáng tác của giới mỹ thuật VN hiện nay?- Theo tôi thì không nên quá nghiêm trọng việc này, bởi vì không phải là sự “copy” chủ động và không giống như trường hợp của họa sĩ vẽ tranh cổ động ở trên. Tuy nhiên, cũng rất cần đưa sự việc này ra bàn luận công khai trong dư luận xã hội để mọi người rút kinh nghiệm, góp phần cảnh tỉnh cách tham khảo tư liệu, ảnh hưởng hình ảnh nghệ thuật có phần dễ dãi của không ít họa sĩ trẻ hiện nay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất