Festival Huế sẽ tránh mưa, tránh Euro, World Cup

14/06/2010 11:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuối cùng thì tối qua, trong Lễ bế mạc, BTC Festival Huế cũng đã công bố một quyết định mà rất nhiều người chờ đợi. Đó là thay đổi thời gian định kỳ tổ chức Festival Huế để tránh mưa và các sự kiện thể thao quốc tế.

>> Chuyên đề: Festival Huế 2010


Chuyển về tiết Thanh minh

Quyết định này được đưa ra sau những ngày Fesitval hoành tráng... dưới mưa, và đặc biệt là trong lễ bế mạc Festival đúng vào cao trào của World Cup 2010.

Tính đến thời điểm này, Thừa Thiên - Huế đã 6 lần tổ chức Festival, trong đó Festival 2000 là lần thử nghiệm ấn tượng để Thừa Thiên - Huế xác định mục tiêu xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề chọn thời điểm định kỳ tổ chức Festival Huế là sự lựa chọn của nhiều lần cân nhắc, từ thử nghiệm lần đầu (2000) vào tháng 4, lần thứ 2 (2002) là tháng 5 và lần thứ 3 (2004) là tháng 6, và cũng từ Festival năm 2004, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định chọn tuần đầu tiên của tháng 6 các năm chẵn là thời điểm khai mạc Festival Huế. Thế nhưng sau 3 kỳ Festival Huế (2006, 2008, 2010), thời điểm tổ chức Festival Huế đã bọc lộ nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt trùng với thời gian diễn ra World Cup, EURO; đồng thời thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nhiều đợt mưa dông vào buổi chiều... hạn chế đến việc tham dự Festival của người dân và du khách, đặc biệt là khách quốc tế.


Lễ bế mạc Festival Huế 2010 tối qua, 13/6
Trên cơ sở cân nhắc các điều kiện khách quan và chủ quan, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định điều chỉnh ngày khai mạc Festival Huế 2012 vào ngày thứ Bảy - 07/ 4 (nhằm ngày 17/3AL - giữa tiết thanh minh và cốc vũ). Hy vọng đây là thời điểm thuận lợi nhất, hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để Festival Huế không phải chịu cảnh chạy mưa, chạy nóng bức và trông ngóng khách quốc tế khi lo sợ sự ảnh hưởng của các sự kiện thể thao quốc tế như World Cup, EURO.

Nhìn lại những ngày fesitval

Người ta nói, dưới ánh sáng của sân khấu và bàn tay của các “phù thủy hóa trang” thứ gì lên hình cũng đẹp long lanh và lạ thường. Nhưng không phải tất cả những “viên kim cương phát sáng” kia khi được “mục sở thị” đều long lanh như nhiều người tưởng. Xin điểm lại 9 ngày diễn ra festival với dày đặc lễ hội văn hóa với sự tham gia của hơn 6.500 nghệ sĩ, diễn viên.

Festival Huế 2010 thu hút hơn 3 triệu lượt người đến dự, trong đó có gần 3 vạn khách quốc tế đến từ 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc
sắc nhất là các tiết mục múa trong đêm khai mạc do đoàn Bông Sen dưới sự chỉ huy và dàn dựng của hai nghệ sĩ Vương Linh - Đặng Hùng và cô con gái Linh Nga của họ. Năm nay đêm khai mạc được đánh giá là khá thành công về mặt tạo hình với sự chỉ huy của Tổng đạo diễn - NSND Lê Ngọc Cường. Nếu tinh ý sẽ thấy ngay từ việc chọn lựa tiết mục cho đêm khai mạc Festival Huế 2010 đã thể hiện tính hội nhập và sự trẻ hóa hơn các festival trước đây rất nhiều.


Thu hút được nhiều sự quan tâm nhất tại Festival năm nay vẫn là Lễ hội áo dài. Với một lễ hội mang tính truyền thống như Lễ hội áo dài (diễn ra vào lúc 20h ngày 8/6 tại sân Hàm Nghi, cửa Thượng Tứ) thì chuyện chuẩn bị hậu kỳ tưởng như sẽ phải được làm từ sớm và sẽ không có gì khúc mắc. Nhưng không phải thế, đến cách ngày diễn ra ba ngày ê-kíp làm chương trình mới chạy ngược chạy xuôi đi lo kiếm... cho đủ người mẫu. Thêm vào đó Tổng đạo diễn chương trình là NTK Minh Hạnh do tham gia khá nhiều hoạt động tại Festival năm nay nên dường như bà đã bị phân tán sức sáng tạo khi làm Lễ hội áo dài. Sân khấu rộng, điều thường thấy ở các chương trình Lễ hội áo dài, do đó các người mẫu được phân đi theo tuyến, nếu nhìn trên truyền hình trực tiếp thì sẽ thấy chuyện đi đứng của mấy cô người mẫu là... cũng đẹp như ai. Nhưng khi xem trực tiếp, sẽ thấy các tuyến được bố trí đi quá rối mắt. Mang tiếng là đi xem lễ hội áo dài nhưng hội cũng không có không khí mà phần xem cũng chẳng xem nổi bởi khán đài ở quá xa sân khấu, đây là điều rất tối kị trong các show biểu diễn thời trang.


Chương trình Đêm phương Đông, một trong những chương trình thu hút
được nhiều khán giả nhất tại các sân khấu nằm trong khu Đại Nội.

Hút khách không kém Lễ hội áo dài trong festival năm nay là chương trình Đêm phương Đông (diễn ra tại sân trước Điện Thái Hòa vào các ngày 5, 7, 8, 10, 11, 12/ 6), một lễ hội mới xuất hiện lần đầu. Thậm chí vé chương trình này bán ra không đủ so với nhu cầu của khách du lịch nên nó phải kéo dài hết mức có thể. Không hẳn đây là một chương trình hay mà bởi nó là chương trình dễ thưởng thức nhất.

Sân trước Điện Thái Hòa trở nên lung linh hơn trong hàng trăm ánh nến, tạo nên một sân khấu đẹp cho một đêm trình diễn trang phục truyền thống của 9 nước phương Đông gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Việt Nam, Mông Cổ và Thái Lan. Lúc đầu người ta định hướng đây là đêm trình diễn trang phục cung đình của các nước tham gia, nhưng do không đủ điều kiện để mời được các nghệ nhân cũng như nhà thiết kế chuyên về loại trang phục này ở các nước nên đêm diễn có phần bớt tráng lệ do các trang phục hầu hết là đồ dân dã. Cũng bởi lý do tổ chức ngoài trời và hay gặp mưa nên trong đêm đầu tiên của chương trình này (5/6) thậm chí đoàn Hàn Quốc chỉ đồng ý bỏ ra khoảng 6 bộ trang phục để diễn. Họ giải thích rằng, sợ mưa gió làm hỏng mất đồ nên phải dè dặt vậy.

Cần có sự cẩn trọng hơn nữa với cách làm các chương trình mang tính tái hiện lịch sử. Bởi có lẽ ở festival năm nay chưa bao giờ các lễ hội và chương trình lại được sân khấu hóa tới mức tối đa như thế. Chương trình Huyền thoại Sông Hương (diễn ra vào ngày 6 và 12/6) đã “tái hiện lại” giai thoại về việc định đô tại Huế của các chúa Nguyễn. Với đoàn thuyền rồng được mượn từ các nhà thuyền chuyên chở khách trên sông Hương, mang về trang hoàng lại một chút cho hợp. Thậm chí chương trình còn không đủ trang phục cho các nhà thuyền khiến cảnh “quần nọ áo kia” diễn ra không được đẹp mắt cho lắm. Trời mưa, sương mù nên không có nhiều người dân và du khách tham gia. Hơn nữa giá vé 800.000 đồng cho một chuyến du ngoạn sông Hương cùng Huyền thoại sông Hương không phải cái giá hợp túi tiền với rất nhiều du khách.

Sáng tạo được coi là điểm nhấn của Festival Huế 2010 chính là chương trình Tái hiện Cuộc thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn (7/6) của đạo diễn Quốc Hưng. Một sân khấu hoàn toàn mới được dựng lên trên bãi đất trống với sự tham gia của 1.200 diễn viên, đây là chương trình có số lượng diễn viên tham gia đông nhất. Không phủ nhận tính hoành tráng của Cuộc thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn, đặc biệt là phần âm nhạc, nhưng quả thực giá như chương trình bớt tính sân khấu hóa đi thì hẳn sẽ thuyết phục hơn. Một sơ suất lớn chương trình này đã “mặc” cho “chúa” trang phục là hoàng bào. Đặt chúa Nguyễn vào hoàn cảnh này thì hơi phạm thượng, bởi hoàng bào chỉ dành cho vua mặc, cụ thể ở đây là vua Lê.  

Tạo được một sân khấu rất hoành tráng cho chương trình Hành trình mở cõi (10/6), đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ anh đã phải đứng trước khá nhiều áp lực từ phía dư luận về vụ bứng hàng cây đại để tạo tầm nhìn cho chương trình này. Hơn nữa bản thân anh cũng đã phải đấu tranh với BTC Festival Huế 2010 để chương trình được phép mở cửa tự do cho khán giả vào xem (lúc đầu BTC có ý định sẽ bán vé chương trình Hành trình mở cõi). Vì theo đạo diễn Lê Quý Dương: Hành trình mở cõi là một câu chuyện của tất cả những người dân Việt, không có lý gì lại không cho họ xem về công cuộc mở rộng bờ cõi của cha ông mình chỉ vì họ không có tiền mua vé.

Cần tìm một giám đốc nghệ thuật lâu dài

Hơn lúc nào hết có lẽ cũng đã đến lúc Festival Huế cần kiếm cho mình một giám đốc nghệ thuật lâu dài. Bởi như mục tiêu hướng tới, và người ta cũng đang khẳng định, Festival Huế sẽ là một festival nghệ thuật. Nhưng bài toán này chắc sẽ còn lâu mới có đáp án, bởi cơ chế của chúng ta chưa cho phép. Trả lời cho câu hỏi về chuyện có cần thiết hay không về vị trí giám đốc nghệ thuật tại Festival Huế, đạo diễn Lê Quý Dương có nói: Nếu làm một cách chuyên nghiệp thì chuyện có một giám đốc nghệ thuật và một giám đốc quản lý chung các vấn đề còn lại của một festival là rất cần thiết. Xét trên điều kiện thực tế thì ông Nguyễn Duy Hiền - Phó trưởng BTC Festival Huế 2010 - hiện đang kiêm nhiệm luôn cả hai vị trí trên và kiêm thêm nhiều vị trí khác nữa trong một cơ cấu tổ chức festival chuyên nghiệp ở các nước. Cơ chế tổ chức là vậy do đó với điệu kiện của Huế, của Việt Nam thì những gì mà BTC Festival Huế năm nay làm được là quá tốt. Chúng ta nên mừng để động viên nhau chăng?

Festival Huế ghi được 8 kỷ lục

Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận 8 kỷ lục được xác nhận trong 9 ngày diễn ra festival, đó là:

- Lễ tái hiện “Cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn”, với sự tham gia hùng hậu của hơn 1.200 nghệ sĩ, 70 thuyền chiến.

- Cuộc “Hành trình mở cõi”, được dàn dựng trên sân khấu lớn nhất từ trước đến nay của nước ta, với 6 tầng sân khấu từ mặt nước khu vực quanh Kỳ Đài - Hộ Thành hào lên tới chân cột cờ với chiều dài 400m gây ấn tượng đặc biệt với người xem.

- “Hơi thở của nước” - Vở diễn đầu tiên diễn trên một sân khấu đặt dưới mặt nước

- “Đến hẹn lại lên” - Bức tranh xé giấy lớn nhất do một người thực hiện

- Phố tranh Festival” - Nhiều tranh được trưng bày trên một tuyến phố nhất

- Không gian nghệ thuật sắp đặt với nhiều con diều Huế nhất trên cầu Tràng Tiền

- Chữ “Long” (Hán tự) được thể hiện theo lối thư pháp với nhiều kiểu viết nhất (1.000 chữ)  

- Đơn vị tổ chức nhiều nhất các chương trình lễ hội truyền thống cung đình Huế trong các kỳ Festival Huế là Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế.


Trần Dương - Việt Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm