Khi những Festival âm nhạc quốc tế vẫn ngó lơ Việt Nam

18/06/2013 07:57 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2013 đang chứng kiến những festival âm nhạc đình đám khắp Đông Nam Á. Có lẽ năm nay là năm mà các hoạt động âm nhạc đang ra sức “níu” lấy vùng trũng nhỏ bé trên bản đồ âm nhạc thế giới nhưng lại đang là miền đất hứa của mọi trào lưu âm nhạc. Vậy mà, thị trường âm nhạc Việt Nam vẫn bị họ lãng quên.

Nhộn nhịp

Năm 2013, người yêu nhạc, yêu những âm thanh pop rock thị trường đang hãy còn ăn mừng những năm hưu trí khỏe khoắn của sản phẩm văn hóa sống còn trong đời sống tinh thần này. Chưa bao giờ mục kỷ niệm những cột mốc xưa, những album cũ lại đông đúc và nhộn nhịp như hiện nay, nhan nhản trên các web, mạng xã hội của giới trẻ và … hết trẻ. Một mặt nó nói lên sự trung thành của những người thưởng thức, ngay từ đầu đã “lệch” mất một thế hệ so với những người tiên phong âm thanh rock ‘n’ roll, và mặt khác cho thấy sự già nua, tất yếu sẽ chịu thay thế bởi những kẻ kế thừa (cũng đang già đi vì tuổi tác).

Đặt tiếp trong sự ảm đạm và sa sút kinh khủng của thị trường đĩa hát ở các thị trường truyền thống, những chuyến du diễn (touring) xưa kia vốn dĩ chỉ dành cho những nghệ sĩ đẻ trứng vàng, được hãng đĩa giàu sụ o bế lên đường; thì ngày nay đã trở thành cuộc “hành hương” vô tiền khoáng hậu và gần như không chỉ của riêng một ban nhạc nào cả, chừng nào họ còn chút niềm tin sót lại vào sự nghiệp và hai chữ thành công.

Không riêng gì Singapore, thỏi nam châm hút văn hóa và sức tiêu thụ khổng lồ với mật độ dày gấp 4-5 lần các quốc gia láng giềng (chỉ xếp sau Trung Quốc và Nhật Bản) mà giờ đây các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, thậm chí Indonesia, cũng hăm hở vào cuộc, nhộn nhịp và rất chịu chi.

Tên tuổi của các nghệ sĩ tham gia cực kỳ đa dạng, từ những nhóm nhạc trẻ chỉ lưu diễn lấy “số” lận lưng như các nhóm indie, đôi lúc cả những nhóm metal (rock nặng) tìm cho mình những cơ hội mới (dù cho phải tốn rất nhiều chi phí), đến những nghệ sĩ chuyên nghiệp hành trang cho những tour diễn dễ thường mất nhiều tháng trời rong ruổi, và cuối cùng là những đứa con cưng, cũ và mới, của cả người hâm mộ và những hãng đĩa nhà giàu.

Hình ảnh các fan hardcore Việt giành mic với Jon Vigil, ca sĩ ban nhạc The Ghost Inside trong buổi diễn tại Hard Rock Café. The Ghost Inside là một trong những ban nhạc Hardcore đang lên và vẫn đang trong chuyến lưu diễn dài gần 4 tháng tại châu Á và Úc.

Nhờ thực tế (hay thực trạng) này, chưa bao giờ Đông Nam Á nóng bỏng như năm nay, bởi thời tiết và bởi không khí hừng hực của các Festival âm nhạc đã, đang và sẽ diễn ra theo tần suất dăm ba tuần một lần. Từ giữa tháng 4 đến tháng 8, 9 có thể kể Future Music Festival lần 2 tại Kuala Lumpur (Malaysia) cùng lượt với 5 thành phố lớn ở Úc; Obscene Extreme Fest lần đầu tại Jakarta (Indonesia) và Úc cùng Nam Mỹ, nhưng là lần tận 15 tại quê hương CH Czech; Hammersonic cũng ở Indonesia, BaybeatsMosaic Festival tại Singapore... Cũng có thể kể thêm những sự kiện đình đám ở Đông Á ít nhiều gây ảnh hưởng tới khu vực như: Midi Festival tại Trung Quốc, Formoz tại vùng lãnh thổ Đài Loan, và thánh địa Nhật Bản với một loạt những cái tên lâu đời: Fuji Rock, Loud Park...

Đó là chưa nói đến những festival và trình diễn âm nhạc quy mô nhỏ hơn, nhưng không hề muốn tỏ ra thua kém về chất lượng vẫn diễn ra đều đặn bởi những nhà tổ chức nhỏ ở khắp các thành phố sầm uất tại Châu Á, mà đôi lúc có thể bắt gặp những tên tuổi vào hàng gạo cội của các cộng đồng âm nhạc lớn trên thế giới.

Họ, đang ở dốc bên kia của sự nghiệp, đang ra sức duy trì và mở rộng cuộc “chinh phạt” đến những đám đông hoàn toàn mới, trẻ hơn và khát khao không hề thua kém các fan tại Châu Âu. Duy chỉ có túi tiền là khác, đương nhiên họ thừa hiểu điều đó. Vì thế, có cả trường hợp họ xem các điểm đến là kết hợp giữa du lịch và những gạch đầu dòng, trong khi số khác xem mảnh đất khẩn hoang nhưng hãy còn mới này chỉ như một điểm nghỉ chân sau chặng bôn ba. Phần mình, các hãng booking tour diễn hoạt động hết công sức, và khỏi nói, mở rộng không ngừng danh mục khách hàng – những nhà tổ chức.

Đội hình trong mơ của phần đông các fan của nhạc rock metal Việt, trình diễn tại Hammersonic Festival tháng 4/2013 vừa qua

Lãng quên

Sonic Bang, Festival âm nhạc (đúng nghĩa) sẽ diễn ra vào ngày 24/8 tại Bangkok (Thái Lan) với các tên tuổi như Jason Mraz (Mỹ), Placebo, Pet Shop Boys (Anh), Pitbull (Hà Lan), Miyavi, Scandal (Nhật) Epik High (Hàn Quốc) nhân kỷ niệm 15 năm các nghệ sĩ quốc tế đầu tiên đặt chân đến Thái Lan.

15 năm trước (1998), ngọn gió quốc tế đã thỏi đến rất nhiều nước trong khối Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và biến khu vực này trở thành điểm hẹn mới của các nghệ sĩ quốc tế. Thời điểm đó, tại Việt Nam khán giả đã đón nhận The Moffats trong giai đoạn sung sức nhất, rồi Bryan Adams, suýt nữa là ban nhạc nay đã thành biểu tượng của trào lưu Brit pop, Suede.

15 năm sau, khán giả Việt dường như vẫn còn trong cơn khát âm nhạc quốc tế bất tận và bất chấp chi phí đắt đỏ đều gắng sức đặt chân đến các nước láng giềng xem một vài lần cho mãn nguyện. Hoặc không, họ sẽ đặt chân đến những tụ điểm âm nhạc tại “chỗ”, chốn dừng chân của những Dj, nghệ sĩ không chuyên trôi dạt từ khắp nẻo trên thế giới. Hoặc, một tình huống khác nữa, chờ nhận một ban nhạc hay một nghệ sĩ đã loáng thoáng nghe tên và dăm ba ca khúc tình cờ đặt chân đến Việt Nam và sau đó mất tăm. Hoặc mỹ miều hơn, một vài nhóm tên tuổi sẽ đến Việt Nam thông qua các kênh event của các công ty quảng cáo, nhãn hàng. Chẳng hạn như nhóm nhạc rock Lacuna Coil luống thì từ Ý sắp được mang đến làm tâm điểm thu hút của sân chơi Tiger Translate chuẩn bị được ra mắt, chừng như thu hút những khán giả trẻ tuổi đang ham thích và đeo đuổi những âm thanh và cảm xúc … khác hẳn.

Đã khá lâu, những sự kiện âm nhạc đúng nghĩa ở khắp nơi trên thế giới dường như vẫn lãng quên Việt Nam. Từ giữa tháng 6 này đến đầu tháng 12 tới đây sẽ tiếp diễn không dưới 200 festival kết hợp âm nhạc trên khắp mọi nơi trên thế giới, trong một thống kê chỉ ra rằng 283 festival đã, đang và sẽ diễn ra trong năm 2013.

Một con số đọc cho vui và nếu có gợi lên thì có lẽ chỉ là một cái nhói trong lòng. Dường như chẳng ai quan tâm và nếu có thì chỉ còn cách đặt vé book tour rồi đợi ngày lên đường mà thôi.

Festival là một từ sang tiếng Việt trở nên đa nghĩa, chính xác hơn là có nhiều cách dịch hay diễn dịch khác nhau: hội diễn, liên hoan, đại hội, nhạc hội, kể cả đại nhạc hội. Ngày nay, Festival trở thành một cụm từ cực kỳ phổ biến, đến độ chẳng cần dịch sang một ngôn ngữ khác người nghe cũng có thể biết được nó là gì.

Nhưng Festival không thể diễn ra trong một túp lều, và trình diễn nhạc sống chưa bao giờ chật chội trong cái áo của chính mình hơn lúc này. Festival ngày nay không bó hẹp mình trong âm nhạc, mà từ lâu đã lan sang văn hóa, thời trang, ẩm thực, đến cả công nghệ, đến lối sống và cả những trải nghiệm âm thị giác ngoài sức tưởng tượng …

Du Lê
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm