Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thể thao Phù Đổng Triệu Quang Hà: Tương lai bóng đá không thể phụ thuộc vào một ông bầu

02/11/2015 05:46 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - FC Phù Đổng, CLB được quản trị và xây dựng theo mô hình bóng đá cộng đồng ở Hà Nội, đã chính thức ra mắt vào đầu tháng 10 vừa qua. Sự ra mắt của FC Phù Đổng đang đem đến sự mới mẻ, cũng như tô điểm thêm cho bức tranh muôn màu của bóng đá Thủ đô ở thời điểm hiện tại.  

* Trong bối cảnh rất nhiều ông bầu của bóng đá nội đã bỏ bóng đá vì thiếu kinh phí nuôi đội bóng, ông có thể chia sẻ vì sao ông và những cộng sự lại quyết tâm thành lập FC Phù Đổng?

- Trước tiên phải khẳng định, việc thành lập đội bóng đã được chúng tôi tính toán rất kỹ và tìm hiểu những mô hình CLB của những nền bóng đá chuyên nghiệp ở nước ngoài. Sở dĩ vì sao chúng tôi không muốn xây dựng mô hình như các CLB trong nước, bởi là một người tham gia vào đời sống bóng đá Việt Nam từ nhiều năm qua trong vai trò cầu thủ, HLV và người quản lý, tôi hiểu rằng, mô hình một ông chủ - một đội bóng rất khó thành công, thiếu sự ổn định vì phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tài chính của ông bầu.

FC Phù Đổng ra đời trên nền tảng là tình yêu với bóng đá và đội bóng trên thực tế không thuộc về ông chủ nào cả. Hiện tại, ban quản trị đội bóng có 5 người, chúng tôi cùng cộng đồng trách nhiệm trong quá trình quản lý, xây dựng và phát triển đội bóng. Việc xây dựng FC Phù Đổng cũng nhận được sự hỗ trợ của chuyên gia bóng đá từ Nhật Bản, một nền bóng đá đã rất thành công với mô hình bóng đá cộng đồng.

* Việc lựa chọn mô hình bóng đá cộng đồng như FC Phù Đổng là một nét mới, song ông có lo ngại, đội bóng của mình đi theo một hướng đi khác biệt hoàn toàn với các đội bóng đang được xây dựng sẽ gặp nhiều khó khăn?

- Một CLB dù ở bất cứ nền bóng đá nào muốn tồn tại cũng phải cần đến yếu tố cực kỳ quan trọng là người ủng hộ. Nếu có được sự ủng hộ về mọi mặt thì chắc chắn sẽ tồn tại và nếu có nhiều sự ủng hộ thì chắc chắn sẽ phát triển. Chúng ta có thể thấy điều này ở bóng đá Việt Nam nhiều năm qua.

Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng những đội bóng có bản sắc, truyền thống và nhận được sự ủng hộ từ địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An… vẫn tồn tại và phát triển. FC Phù Đổng trong những ngày đầu thành lập đang gặp nhiều thuận lợi khi chúng tôi đã xây dựng được một nền tảng vững chắc về kinh phí để hoạt động trong lộ trình ít nhất 3 năm tới.

Trong quá trình xây dựng đội bóng, chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng, bên cạnh đó là xây dựng những tiêu chí riêng cho đội bóng, trong đó quan trọng là phải cống hiến để thuyết phục người xem.   

* FC Phù Đổng sẽ hướng tới những mục tiêu như thế nào trong tương lai và FC Phù Đổng sẽ có những đóng góp như thế nào cho bóng đá thủ đô nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung?

- Với mô hình bóng đá cộng đồng, bên cạnh một đội bóng tham dự giải theo hình thức chuyên nghiệp là FC Phù Đổng, chúng tôi vẫn tập trung vào đào tạo và phát triển lực lượng trẻ. FC Phù Đổng sẽ bắt đầu gia nhập đời sống bóng đá nước nhà bằng việc dự giải hạng Ba vào tháng 11 này và đặt mục tiêu lên hạng Nhì ở mùa sau.

Ngoài ra, Trung tâm bóng đá Phù Đổng đã hoạt động khá ổn định và có khoảng 400 học viên tham dự trong các lứa tuổi từ 5 tuổi đến 15 tuổi. Ngoài việc góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào thể thao trong lứa tuổi trẻ, những em nhỏ thật sự có tài năng sẽ được phát hiện và bồi dưỡng để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp làm nguồn lực cho CLB sau này.

Tất nhiên, sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc với cách làm này, nhưng chúng tôi tin mình sẽ thành công và đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều doanh nghiệp để làm việc này. Quả ngọt đầu tiên chính là tấm HCĐ ở giải vô địch U11 toàn quốc 2015 mà U11 Phù Đổng mới giành được, và điều đó khích lệ chúng tôi cần tiếp tục theo đuổi những mục tiêu lớn hơn và phát triển đúng như tên gọi của mình.

* Là một người nhiều tham gia vào đời sống bóng đá nước nhà nhiều năm qua, ông có nhận định như thế nào về sự phát triển của mô hình bóng đá cộng đồng trong tương lai?

- Trong quá trình đi tìm hiểu về mô hình các CLB để xây dựng, tôi nhận được một lời khuyên từ chuyên gia Nhật Bản và rất tâm đắc với điều đó. Chuyên gia đó cho rằng, bóng đá Việt Nam thời điểm này, cũng giống như bóng đá Nhật Bản từ mấy chục năm trước.

Khi một CLB phụ thuộc vào một ông chủ mà ông chủ đó không đủ tiềm lực và khả năng về tài chính sẽ rất khó tồn tại. Chúng ta có thể thấy điều này qua rất nhiều ông bầu bỏ bóng đá ở V-League, hạng Nhất và cả hạng Nhì. Vì thế, cần phải huy động sức mạnh từ cộng đồng và cần nhất là tập trung đào tạo các tài năng trẻ.

Nếu ở Việt Nam, mỗi địa phương chỉ cần có một trung tâm đào tạo trẻ và trung tâm đó hoạt động thực sự hiệu quả, các CLB sẽ có nguồn lực dồi dào và chất lượng nền bóng đá sẽ được cải thiện. Nhưng điều mấu chốt vẫn là phải kiên trì, bài bản và đem lại hiệu quả, từ đó mới hi vọng nhận được sự ủng hộ rộng rãi để phát triển.

Còn nếu chỉ làm hời hợt sẽ rất khó thành công, chứ chưa nói đến chuyện nhận được sự ủng hộ. Bóng đá cộng đồng là một mô hình đã thành công trên thực tế và tôi tin rằng, mô hình này sẽ phát triển rộng rãi trong tương lai vì nó rất phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

2 Bên cạnh việc thành lập một đội bóng tham dự giải hạng Ba theo hình thức chuyên nghiệp là FC Phù Đổng, Trung tâm bóng đá Phù Đổng vẫn tập trung vào đào tạo và phát triển lực lượng trẻ.

5 FC Phù Đổng ra đời trên nền tảng là tình yêu với bóng đá và đội bóng trên thực tế không thuộc về ông chủ nào cả. Hiện tại, ban quản trị đội bóng có 5 người, cùng cộng đồng trách nhiệm trong quá trình quản lý, xây dựng và phát triển đội bóng.

400 Trung tâm bóng đá Phù Đổng đang hoạt động khá ổn định và có khoảng 400 học viên tham dự trong các lứa tuổi từ 5 tuổi đến 15 tuổi.


Phúc Hưng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm