Pierre Daum: Đó một trang đáng xấu hổ trong lịch sử Pháp

26/06/2010 12:45 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Đó không chỉ là một trang sử mà nước Pháp vẫn cố tình quên đi. Xa hơn, những gì từng diễn ra là cả một câu chuyện đáng xấu hổ về cách ứng xử với các dân tộc thuộc địa của Pháp, nơi khai sinh khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái” - nhà báo Pháp Pierre Daum cho biết .


Nhà báo Pháp Pierre Daum

Có tên gọi Những người bị cưỡng bức nhập cư - Những người thợ Đông Dương tại Pháp, 1939 - 1952, cuốn sách của Pierre Daum được xuất bản lần đầu vào 5/2009 và lập tức gây tiếng vang ở Pháp. Gần 300 trang sách đã dựng lại hành trình đau khổ của 20.000 thanh niên Đông Dương (đa phần là người Việt Nam) bị cưỡng ép đưa sang Pháp để phục vụ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 vào năm 1939. Bị bóc lột lao động trong các trại tập trung, chịu đựng những bất công trong đối xử, họ cứ như vậy, vật vờ lưu lạc trên đất Pháp trong hơn 10 năm trời.

43 tuổi, sang Việt Nam nhân dịp tác phẩm của mình đang được dịch sang tiếng Việt, Pierre Daum cho biết:

- Tôi đến với câu chuyện này một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Cách đây 5 năm, khi còn là phóng viên báo Le Monde, tôi triển khai phóng sự về một nhà máy đóng gói gạo tại vùng Camargue, phía Nam nước Pháp. Trong một nhà kho, tôi thấy tấm ảnh cũ về một người châu Á đang cấy lúa, bên dưới có lời chú giải: trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, người VN đã đến trồng lúa tại Camargue. Tất cả chỉ có vậy, không kèm theo một chú giải hay tư liệu nào.

Hơn 1.000 lính thợ chết vì bệnh tật và tai nạn

Các “lính thợ Đông Dương” bị đối xử khá tệ bạc: Bị lưu giữ trong các trại tập trung, thường xuyên bị đánh đập và bỏ đói bởi những cai người Pháp, không được nhận tiền công lao động. Trong số 20 ngàn lính thợ, hơn 1.000 người đã chết vì bệnh tật và tai nạn. Khoảng 1.000 người định cư tại Pháp. Số còn lại dần dần được trả về Việt Nam và đến nay hầu hết đã chết.

Tôi hỏi thêm. Hóa ra, tại Camargue, một vùng đất có khí hậu nóng ẩm, việc thử trồng lúa tẻ khi xưa đã được thực hiện bởi những người Việt Nam, và từ đó, Camargue cũng trở thành vùng đất nổi tiếng nhất tại Pháp về loại lúa này.


Đi xa hơn, qua các tài liệu, tôi được biết có khoảng 20.000 ngàn thanh niên Đông Dương (đa phần là người Việt) bị đưa sang Pháp để làm việc tại các nhà máy chế tạo vũ khí từ năm 1939. Các nghiên cứu lịch sử của Pháp ít nhắc tới vấn đề này. Sự tò mò của nghề báo khiến tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn mọi chuyện...

* Và anh viết cuốn sách này như thế nào?

- Tôi mất 4 năm để tìm hiểu tư liệu, gặp các nhân chứng còn sống và viết. Trong cuốn sách có nhắc tới 25 người Việt Nam như vậy - những người thường được gọi bằng cái tên “lính thợ Đông Dương”. 11 người trong số đó định cư ở Pháp. 14 người còn lại tôi gặp rải rác trong những lần sang Việt Nam. Tôi viết cuốn sách này song song với việc làm báo. Tuy nhiên, 3 sau năm kể từ khi bắt đầu (2005), tôi đành phải xin nghỉ việc để tập trung tối đa cho cuốn sách của mình. Hiện giờ tôi đang là phóng viên tự do.

Nhìn lại, thời kì viết sách ấy tôi gặp nhiều khó khăn, trước hết là việc giảm thu nhập do nghỉ việc (cười). Nhưng đó là một điều cần làm. Viết sách này, tôi có một thứ để suy tư hàng ngày và sống cùng nó...


Lính Việt Nam trồng rau ở điện Versailles
* Vậy, khi hoàn thành cuốn sách, cuộc sống của anh có tiếp tục thay đổi nữa không?

- Cuốn sách được dư luận khá chú ý, và kèm theo đó là hàng loạt công việc phát sinh. Mỗi ngày, tôi nhận được rất nhiều thư của hậu duệ những “lính thợ Đông Dương” khi xưa. Rồi những buổi nói chuyện tại Pháp và cả Việt Nam. Rồi NXB lại đặt tôi viết về một cuốn sách tương tự về mối quan hệ giữa Pháp và Algeria thời kì thuộc địa. Đó cũng là một niềm vui, khi thấy công việc của tôi để lại kết quả và được mọi người nhắc tới mỗi ngày (cười). Hiện tại, tôi vẫn là phóng viên tự do và chưa có ý định công tác tại một tờ báo cố định.

* Cuốn sách của anh nhắc tới khá nhiều “điểm tối” của Pháp trong chính sách thuộc địa khi xưa. Anh có gặp rắc rối vì chuyện ấy không?

- Có sao đâu, khi chuyện lật lại các vấn đề của nước Pháp đã diễn ra từ 15 năm nay. Trước đây, ở Pháp, người ta thường nói rất hay về giai đoạn này, đại ý rằng nhờ công của “mẫu quốc” Pháp, các nước thuộc địa như Việt Nam, Algeria, Madagascar... mới có cơ hội được khai sáng và phát triển. Còn tôi, cũng như nhiều người khác, không nghĩ vậy. Những gì diễn ra cho thấy nước Pháp “có vấn đề” khi coi một số dân tộc khác là hạ cấp, thiếu văn minh và từ đó tự cho mình cái quyền “khai sáng” cho họ bằng sự áp bức và cai trị.

Ngày càng nhiều có những người nghĩ như tôi và muốn tiếp cận với sự thật của lịch sử. Có lẽ, đó cũng là lý do tôi chưa gặp phải một phản ứng quá khích nào.

* Còn việc cuốn sách được dịch sang tiếng Việt? Ông có ý định tiếp tục viết thêm về “lính thợ Đông Dương” không?

- Thú thật là không! Hiện, tôi muốn tập trung tối đa để viết về mối quan hệ Pháp - Algeria trong thời kỳ thuộc địa như đã nói. Với bạn đọc Việt Nam, tôi chỉ dám hi vọng cuốn sách của mình trở thành một xuất phát điểm, một gợi mở nho nhỏ để các nhà nghiên cứu và bạn đọc có thể tiếp tục tìm hiểu thêm về vấn đề này.

 * Xin cảm ơn ông. 

Nhờ các nghiên cứu của Pierre Daum và sức ép dư luận, cuối năm 2009, thị trưởng thành phố Arles (thuộc vùng Camargue) đã trao tặng huy chương cho những người lao động Đông Dương còn sống sót, như một biểu hiện vinh danh những người lao động đã đóng góp vào sự phát triển cây lúa tại đây.


Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm