20/06/2024 14:30 GMT+7 | EURO 2024
Ngày tôi còn nhỏ, câu chuyện về bốn con vật nuôi trong nhà ấy cùng rủ nhau lên đường đến thành Bremen với ước mơ trở thành nhạc sĩ là một trong những truyện tôi thích nhất trong "Truyện cổ Grimm". Và rồi một ngày, ước mơ của chính tôi khi đến Bremen cũng đã thành hiện thực, dù tôi không đến đây để làm nhạc sĩ.
Đó là câu chuyện vô cùng li kì về bốn con vật nuôi trong nhà là lừa, chó, mèo và gà trống đã già nua tìm cách bỏ nhà ra đi sau khi nghe lỏm được rằng, người chủ nhà muốn thịt chúng. Chúng đồng lòng lên đường đến thành Bremen với ý định trở thành nhạc sĩ ở đó. Thế nhưng trên đường đi, bốn con vật đã đụng độ với một toán cướp và sau khi đánh bại chúng, mấy con vật đã quyết định ở lại trong ngôi nhà xảy ra đụng độ đó đến hết đời mà không cần đến Bremen nữa.
Những truyện kiểu công chúa hoàng tử kết thúc có hậu, rồi những truyện kiểu như "Nàng Bạch tuyết và bảy chú lùn" chưa bao giờ làm tôi thích. Nhưng truyện về "Đi chu du thiên hạ để học rùng mình" và nhất là "Những nhạc sĩ thành Bremen" khiến tôi đặc biệt thích thú. Từ bé, tôi đã tự hỏi, tại sao bốn con vật nuôi lại muốn đến Bremen để trở thành nhạc công ở đó mà không phải là một thành phố khác? Và nữa, dù đó là một kết cục có hậu, nhưng chúng cuối cùng cũng có đến Bremen đâu? Anh em nhà Grimm thực sự muốn truyền đạt điều gì qua câu chuyện này?
Thế là trong hành trình nước Đức trong mùa EURO 2024, sau chuyến đến Hamburg, 1 trong 10 thành phố đăng cai giải đấu, tôi, một người cầm tinh con mèo, đã nhảy tàu đi một tiếng đến Bremen. Chúng kia rồi. Bốn con vật già nua ấy đang đứng đó, trên quảng trường toà thị chính. Con nhỏ hơn sẽ đứng trên con lớn hơn, và như thế, thứ tự lần lượt là con gà trống, con mèo, con chó và con lừa, những người bạn cùng nhà chạy trốn cái chết bằng cách bỏ đi làm nhạc công.
Đó là tác phẩm của nghệ sĩ điêu khắc Gerhard Marcks, được dựng lên ở đây vào năm 1953, và từ đó trở thành một trong những nơi được viếng thăm nhiều nhất ở Bremen, nơi mà hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 9, vào sáng các Chủ nhật, người ta diễn lại câu chuyện thú vị này ở Quảng trường chợ (Marktplatz). Trên thực tế, việc diễn câu chuyện ấy đã từng diễn ra trong quá khứ, những năm 1930. Cũng trong quãng thời gian đó, một nhà điêu khắc không mấy tiếng tăm của Bremen cũng đã đưa ra một tác phẩm dựa trên câu chuyện li kì của anh em nhà Grimm, nhưng đã bị chế độ quốc xã huỷ đi, cho là "suy đồi về đạo đức".
Bức tượng cao 2 mét bằng đồng ấy đã bị mòn sáng lên ở cả phần chân của con cừu, khi người đến Bremen hay chạm vào đây để lấy may. Người ta bảo rằng, phải cầm cả hai chân con cừu chứ không phải bằng một tay. Nhưng cái may ở đây là gì nhỉ? Những con vật trong câu chuyện dân gian của đầu thế kỷ 19 ấy đến Bremen là để tìm một tương lai tốt đẹp hơn. Trên thực tế, sự giàu có của Bremen và của Hamburg cách đó gần 100km không phải là truyện cổ tích. Nhờ những cảng sông thông ra biển Baltic mà việc giao thương của các thành phố tự do theo kiểu thành bang này đã khiến Bremen và Hamburg trở nên giàu có từ thế kỷ thứ 13. Các thành phố này cũng trở nên cởi mở, gần gũi và dễ kiếm sống hơn nhiều nơi khác ở các vùng lãnh thổ Đức lúc ấy. Bremen sau này cũng lại trở thành nơi xuất phát của rất nhiều những con tàu chở đầy người Đức di cư sang Tân thế giới, với đích đến chủ yếu là Mỹ.
Đến Bremen, ngắm bức tượng, tôi đã có câu trả lời: Hãy làm tất cả những gì có thể trên con đường mưu cầu hạnh phúc và hãy biết hài lòng với những gì mình sẽ có. Những con vật chỉ cần Bremen làm đích đến cho hành trình của chúng, tôi lại cần nước Đức làm một trong những đích đến cho hành trình tìm kiếm sự an yên của bản thân và làm giàu vốn sống của bản thân mình.
Bremen là điểm cuối của "Con đường cổ tích" dài 500km, bắt đầu từ thành phố Hanau, nơi anh em nhà Grimm ra đời vào nửa cuối thế kỷ 18. Đấy là một thời kỳ mang tính bản lề cho văn minh phương Tây nói chung và nhân loại nói riêng. Trong khi các triết gia Pháp đem đến triết học khai sáng và rồi Cách mạng Pháp bùng nổ, trong khi các nhạc sĩ vĩ đại như Wofgang Amadeus Mozart truyền bá những vẻ đẹp của âm nhạc và rồi Ludwig van Beethoven nâng tầm âm nhạc với các bản giao hưởng thì anh em nhà Grimm đã đưa văn học dân gian Đức đến với cuộc sống đại chúng bằng cách sưu tầm và công bố chúng. Những tác phẩm cũng góp phần làm phong phú và sinh động thêm ngôn ngữ Đức, một quá trình đã được rất nhiều nhà văn nhà thơ Đức tiến hành trước đó, từ Wolfgang Goethe cho đến Henrich Heine.
Năm 2012, nhân kỉ niệm 200 năm ngày bộ "Truyện cổ Grimm" ra đời bản đầu tiên, nước Đức đã kết nối những thành phố và thị trấn là bối cảnh trong những truyện cổ tích ấy. Trên con đường ấy, bạn sẽ đi qua Bergfreiheit, một thị trấn nhỏ trên đồi, nơi bạn sẽ tìm thấy ngôi nhà mà nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn đã ở. Câu chuyện hoàn toàn không hẳn là trí tưởng tượng phong phú của ai đó mà có lẽ dựa trên những điều có thật về một người đẹp có tên Margaretha von Waldeck bị mẹ ghẻ đầu độc chết năm 1554, khi nàng 21 tuổi. Bảy chú lùn được cho là các công nhân mỏ than ở một khu hầm mỏ tại đó. Con đường cũng sẽ đi qua Fritzlar, nơi đã ngủ yên từ 7 thế kỷ trước và đến giờ vẫn đang đợi chúng ta đi qua như một chàng hoàng tử hôn công chúa ngủ trong rừng, chính là ở nơi đây, bối cảnh của truyện cổ tích ấy. Con đường cũng đi qua những nơi đặc biệt như Marburg, nơi có bức tượng hoàng tử ếch; qua Alsfed, nơi có Ngôi nhà cổ tích xây năm 1628, trong đó bây giờ có một bức tượng con sói chùm chăn giả làm người bà trong "Cô bé quàng khăn đỏ"; hoặc qua Kassel, nơi còn lưu giữ một bản sách đầu tiên in năm 1812 của "Truyện cổ Grimm".
Ánh nắng tràn ngập trên quảng trường toà thị chính của Bremen. Tôi không đến Bremen để trở thành nhạc sĩ, mà đến để cảm ơn anh em nhà Grimm, những người đã góp phần thắp lên trong tôi ước mơ đi ra thế giới sau khi đọc những truyện cổ tích của họ. "Những nhạc sĩ thành Bremen" đã truyền cảm hứng làm tôi cháy bỏng khao khát đến một nơi có tên Bremen được truyện nhắc đến. Xét cho cùng, cuộc đời của tôi là một hành trình từ thơ bé được sống trong văn học và lớn lên đặt chân đến những nơi chốn đã được nhắc đến trong các tác phẩm.
Tôi đi, vừa để tri ân những tác giả đã đưa tôi đến thế giới, vừa để thêm yêu hơn cuộc đời này và truyền cảm hứng cho những người khác đi tiếp.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất