01/07/2024 14:04 GMT+7 | EURO 2024
Đấy không phải là tựa đề phần tiếp theo cuốn "Sự trả thù của địa lý" của nhà nghiên cứu nổi tiếng người Mỹ Robert Kaplan, mà tựa đề bài viết của tôi, sau khi một lần nữa chứng kiến sự lằng nhằng của những đường biên giới ở châu Âu. Lần này là câu chuyện khá điên rồ ở biên giới Bỉ và Hà Lan.
Pam là người Hà Lan, nhưng sống trên đất Bỉ. Cô từng rất ủng hộ Hà Lan cho đến khi bắt đầu có cảm tình với đội tuyển Bỉ vì cô thích Kevin de Bruyne. Đêm nay, cô sẽ cổ vũ cho anh trong trận đấu với Pháp và đêm mai, cô bán hàng này sẽ bật tivi lên để cổ vũ cho đội bóng quê hương. "Thế nếu ở EURO này, Bỉ và Hà Lan gặp nhau, cô sẽ cổ vũ cho ai?", tôi hỏi. "Thế thì khó nghĩ quá nhỉ, nhưng chắc là tôi nghiêng về Hà Lan thôi. Mẹ tôi sẽ mắng nếu tôi không làm điều ấy". Nói thêm, mẹ cô sống bên lãnh thổ của Hà Lan, cách nhà Pam một con đường!
Một đường biên chia đôi tất cả…
Chúng tôi nói chuyện với nhau trong De Biergrens, cửa hàng nơi Pam làm việc, nơi bán bia rượu lớn nhất ở thị trấn có chữ Baarle ở đầu này.
Trên thực tế, có hai Baarle. Baarle-Hertog là phần lãnh thổ Bỉ nằm lọt thỏm trong phần lãnh thổ Hà Lan của tỉnh Bắc Brabant. Rắc rối là ở chỗ, bên trong Baarle-Hertog ấy cũng có những mảnh lãnh thổ Hà Lan, đôi khi chỉ có một vài gia đình ở. Nhà của họ nằm lọt thỏm trong đất Bỉ, nhưng chính phần Bỉ ấy về phần mình lại bị bao vây bởi chính đất Hà Lan! Để khỏi nhầm cho chính người dân ở đây khi cần xác định mình ở lãnh thổ nước nào mà không có đường biên giới cứng. Ở những cột đèn trên những con phố mà bên này là Bỉ, bên kia là Hà Lan, người ta dán cờ lên và ghi, "Bạn đang ở Baarle-Hertog" (nếu là cột bên đất Bỉ), hoặc "Bạn đang ở Baarle-Nassau" (nếu là cột bên đất Hà Lan).
De Biergrens là một ví dụ li kì nhất về sự điên rồ của các đường biên giới. Có một cái gì đó rất không bình thường ở đây. Đúng vậy, một vạch màu chạy cắt chéo sàn của cửa hàng, chia nó làm đôi. Nó không phải là vạch màu bình thường để trang trí cho vui, bởi một bên là màu cờ của Bỉ, bên kia là của Hà Lan. Đó chính là biên giới giữa hai nước đã chạy qua cửa hàng này, giống như nó cũng đã chạy qua rất nhiều căn nhà, khu vườn, cánh đồng, thậm chí thư viện và quán ăn của vùng này, tạo ra một sự điên rồ thú vị chưa từng có liên quan đến những đường biên giới. Không ngạc nhiên khi với một đường biên giới chạy qua các căn nhà như thế, hai người hàng xóm đã ở hai nước khác nhau; có nhà ở của một gia đình thì ở bên Hà Lan, nhưng sân để xe của nhà đó thì ở trên đất Bỉ; đến toà thị chính của nơi này cũng có đường biên giới chạy qua, với một phòng cảnh sát nơi mà cảnh sát Bỉ và Hà Lan làm việc chung với nhau. Nhưng không đâu hội tụ đủ các yếu tố "ác liệt" như De Biergrens.
Pam bảo, ở thị trấn này, đường biên giới chạy qua tất cả mọi thứ, và để tránh rắc rối, nhà chức trách Hà Lan và Bỉ thống nhất "chính sách mở cửa", cụ thể là cửa trước của căn nhà nào mở ra bên nước nào thì phải đóng thuế cho bên đó. De Biergrens mở cửa ở phần lãnh thổ của Bỉ, nên sẽ chịu thuế của Bỉ, thấp hơn một chút so với Hà Lan, trong khi biên giới Hà Lan và Bỉ chạy qua chính giữa cửa kho của cửa hàng, thành ra cái cửa kho đó có 2 số nhà, một là số của Hà Lan và một là của Bỉ! Pam nói, tình trạng cài răng lược như thế này đủ để khiến các nhà chức trách khá đau đầu trong nhiều vấn đề, đặc biệt là thu thuế. Ở đây, người ta cho phép các chủ hộ được chọn mở cửa chính sang bên lãnh thổ nào và do đó sẽ được hưởng các lợi ích từ việc đó. Chẳng ngạc nhiên khi đa phần chọn Bỉ, vì thuế thấp hơn và hàng hoá cũng rẻ hơn.
Một rắc rối nữa là giáo dục. Có một trung tâm văn hoá ở Baarle-Nassau với cửa chính nằm bên đất Hà Lan, nhưng 1/3 toà nhà, cụ thể là một phần lớp học nằm bên đất Bỉ, khi biên giới chạy cắt ngang toà nhà đó. Vậy thì học kiểu gì? Tôi hỏi điều đó với một ông bố bế con đi ngang qua. "Ồ, đơn giản thôi mà", anh cười, nói. "Có lớp học ngoại khoá cho trẻ em Bỉ bên phần nhà thuộc Bỉ, có lớp cho học sinh Hà Lan bên phần đất Hà Lan, lại có cả lớp hỗn hợp, vì chúng tôi nói gần như cùng một thứ tiếng". Sau đó, anh nói thêm: "Tuy nhiên, luật giáo dục của 2 bên khác nhau. Trẻ em Bỉ đi học mẫu giáo khi 2 tuổi rưỡi, bên Hà Lan là 4 tuổi. Thành ra đám trẻ Hà Lan nhiều khi tị với bọn trẻ Bỉ cùng một con phố chỉ vì bọn kia được đi học sớm hơn". Chà, thật là rắc rối.
Đỡ rắc rối nhất chính là bóng đá
Điều quái quỉ gì đã xảy ra ở nơi đây? Tại sao lại có chuyện tới 23 vùng lãnh thổ nho nhỏ của Bỉ, lớn nhất là Baarle-Hertog nằm lọt thỏm trong trong lãnh thổ Hà Lan, nhưng trong Baarle-Hertog, lại có tới 7 khu dân cư của Hà Lan, biến nơi này trở thành độc nhất vô nhị trên thế giới?
Tất cả bắt đầu từ cuối thế kỷ 12 khi một lãnh chúa sống ở khu vực này tìm kiếm sự giúp đỡ từ một quận công ở tỉnh Brabant kế bên nhằm chống lại âm mưu thôn tính của một lãnh chúa đối địch ở địa phương. Quận công sau đó đã trả lại đất đai cho ông này, nhưng giữ lại vùng đất là Baarle-Hertog ngày nay. Nhưng chuyện chưa hết, vị lãnh chúa địa phương sau đó mất quyền kiểm soát cả vùng này cho gia đình Nassau. Thế nên, vùng đất bao quanh Baarle-Hertog bây giờ chính là Baarle-Nassau của Hà Lan. Câu chuyện về lãnh thổ hai nước còn kéo dài trong nhiều thế kỉ và chỉ được xử lý dứt điểm vào năm 1995, khi Bỉ và Hà Lan thống nhất vẽ lại toàn bộ các đường biên giới trong vùng này, chấp nhận cả việc điên rồ các đường biên đâm xuyên qua nhà cửa, cửa hàng, nhà kho, bãi xe, cánh đồng…
Trước đó, đã từng xảy ra nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Chẳng hạn, trong Thế chiến II, lực lượng quân đội Hà Lan đóng trong một ngôi nhà mà không hề biết là có một đường biên giới chạy ngang qua nó. Chính phủ Bỉ buộc họ phải chuyển bàn làm việc và giường sao cho ngăn nắp, vì lính và sĩ quan Hà Lan được phép ngủ bên phần lãnh thổ Bỉ, nhưng không được làm việc ở đó. Ngôi nhà đó được xây từ thế kỷ 17 đó giờ vẫn còn và là một trong những nơi được chụp nhiều nhất ở Baarle-Hertog. Bây giờ, sự tréo ngoe giữa các bên vẫn tồn tại, khiến công việc của cảnh sát khá vất vả. Chẳng hạn tuổi được uống rượu ở Bỉ là 16, trong khi của Hà Lan là 18. Có cả những ngôi nhà kì quặc bậc nhất thế giới khi tầng trệt thuộc về lãnh thổ Hà Lan, do cửa mở sang đó, nhưng tầng 2 lại là của Bỉ, cũng vì cái cửa mở sang bên đó, nhưng tầng 3 lại là Hà Lan!
Tôi ngồi uống bia trong quán Den Engel không phải nổi tiếng vì bia ngon, mà vì đường biên giới chạy qua nó, với một phần bếp nằm bên phía Bỉ, còn mặt tiền của quán và đa phần bên trong thuộc về Hà Lan. Những người phục vụ ở đây bật cười khi tôi hỏi họ có bị loạn trí về việc phải sống với đủ các luật lệ của hai nước không. Họ cũng cười to hơn khi tôi hỏi họ ủng hộ đội nào ở EURO này. Một anh bồi bàn đẹp trai bảo: "Bóng đá cũng như đi bỏ phiếu bầu cử ấy. Ở đây, các đảng phái biết rõ nhất cộng đồng dân cư nào là của Bỉ hay Hà Lan để kêu gọi cử tri của họ. Bóng đá cũng thế thôi, đội nào đá đã có fan nước đó cổ vũ". Riêng ở quán Het Pleintje nằm ở phần lãnh thổ Bỉ, có một lá cờ Hà Lan rất lớn được treo ở đấy. Tôi hỏi chủ quán tại sao không treo cờ Bỉ, ông này nói: "Cổ động viên Hà Lan sang đây cũng vui chứ. Tôi chẳng bao giờ từ chối có thêm tiền!".
Anh Ngọc (từ Baarle-Nassau, Hà Lan)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất