EURO trên từng cây số: Ở trái tim châu Âu, nơi ra đời đồng euro

10/07/2024 09:07 GMT+7 | EURO 2024

Tôi đến Maastricht, thành phố ở ngã ba biên giới Hà Lan-Bỉ-Đức, với một sự háo hức lớn lao. Trong những năm tháng mà sự kết dính trong Liên minh châu Âu (EU) đang trở nên lỏng lẻo hơn vì nhiều vấn đề nội tại của các nước cũng như cả khối, trong một giải đấu bóng đá được kì vọng sẽ đoàn kết châu Âu như mong muốn của UEFA, thì chuyến đi đến nơi đã sinh ra đồng tiền chung châu Âu, đồng euro, thật sự có một ý nghĩa nào đó.

Cảm giác đi tàu hoả đến vùng biên của mấy nước láng giềng đặc biệt lắm.

Ở nhà ga Herzogenrath giáp với biên giới Hà Lan mà tôi xuống đó để đổi tàu, những con tàu chạy tới có cờ của 3 nước Đức, Hà Lan, Bỉ và dòng chữ "đoàn tàu ba quốc gia". Một dòng chữ khác đề cập một cách vô tình đến mục đích chuyến đi của tôi: "Được đồng tài trợ bởi EU". Tàu chạy từ Đức sang Maastricht, thành phố có biên giới với Bỉ, với thông báo trên loa bằng 3 thứ tiếng, Hà Lan, Pháp và Đức.

Maastricht của châu Âu

Tôi đã bao lần có mặt trên những hành trình bằng tàu hoả và ô tô đến những vùng biên như thế trong những năm tháng ở châu Âu, đã cảm nhận được sự độc đáo của những vùng biên giới, nơi người ta sống chung với nhau, nói nhiều thứ tiếng, và là con cháu của những người dân sống ở đó và chứng kiến lịch sử của những đường biên giới xê dịch mà qua tháng năm, qua các cuộc chiến tranh, lúc thuộc về nước này, lúc thì nước kia. Chính Maastricht là một nhân chứng rõ ràng nhất của những đổi thay ấy, sau các cuộc chiến tranh, lúc thuộc Bỉ, lúc Hà Lan, rồi trước khi về hẳn Hà Lan thì thuộc lại Pháp, sau những cuộc vây hãm của vua Louis XIV, trong đó có cuộc bao vây năm 1673, với cái chết của bá tước thống chế Charles de Batz Castelmore, hay d'Artagnan, một thần tượng của tôi, nhân vật trong bộ tiểu thuyết "Ba người lính ngự lâm" của Alexandre Dumas.

EURO trên từng cây số: Ở trái tim châu Âu, nơi ra đời đồng euro - Ảnh 1.

EURO và màu da cam của đội tuyển Hà Lan tràn ngập trong quán bia của Julie ở Maastricht

Hiệp ước được ký ở Maastricht vào năm 1992 đã chính thức hoàn tất những tư tưởng về một châu Âu thống nhất, khi các đường biên giới không còn "có chân" nữa. Một châu Âu thực sự đã ra đời ở thành phố này, khi ấy hầu như chỉ được biết đến với những biên giới xê dịch và nghệ thuật làm gốm. Những gì được kí lúc đó bởi 12 quốc gia châu Âu đang nằm trong Cộng đồng châu Âu (EC), nhưng chỉ được kết nối với nhau bằng các hiệp định lỏng lẻo và không hoàn thiện, đã tạo ra khái niệm về công dân châu Âu, đặt nền móng cho một thị trường chung với một đồng tiền chung (euro) và một nền tư pháp chung, một khối các quốc gia có một chính sách đối ngoại chung. Nhờ có Hiệp định ấy mà 25 triệu người châu Âu đang sống và làm việc ở những nơi không phải bản quán, và hàng ngày, hàng triệu người tự do qua biên giới để sang làm việc ở nước khác trong cùng khối và cùng một hiệp định khác về đi lại tự do, Hiệp ước Schengen. Maastricht tự hào vì đã trở thành một biểu tượng của châu Âu như thế.

Người Hà Lan sẽ nói Maastricht là một nơi hoàn toàn khác biệt. Đúng vậy, thành phố nhỏ 120 nghìn dân ấy có một bầu không khí hoàn toàn quốc tế, nhờ nằm trong một vùng tiếp giáp 3 nước với 4 triệu dân. Thành phố có hơn 100 các viện nghiên cứu của quốc tế và châu Âu, 20% dân số là sinh viên và một nửa trong số đó là người nước ngoài. Thế nên, ở thành phố châu Âu nhất châu Âu ấy, người ta đã cảm thấy lo ngại khi những năm qua, sự thống nhất của khối EU bị ảnh hưởng bởi những vấn đề nghiêm trọng của khối và của từng quốc gia.

EURO trên từng cây số: Ở trái tim châu Âu, nơi ra đời đồng euro - Ảnh 2.

Khu cổ của Maastricht, nhìn từ bên sông Meuse

Khủng hoảng kinh tế và cuộc khủng hoảng nhập cư đã khiến các đảng phái cánh hữu bảo thủ trỗi dậy, hoặc đã nắm quyền trong nước, hoặc đã trở thành các lực lượng đối lập lớn. Đã vang lên những ý kiến về việc giải thể EU, đặt lại các trạm kiểm soát biên giới và xoá bỏ đồng tiền chung. Đã có những tiếng nói mạnh mẽ hơn nhằm chia rẽ một khối thống nhất. Đã có quan điểm đòi bỏ bài "Ngợi ca niềm vui" của Beethoven, bài hát chính thức của EU. Thành công của các đảng cực hữu ở Đức và Pháp trong cuộc bầu cử quốc hội châu Âu đã khiến lực lượng của họ càng mạnh và trở thành một khối lớn có thể tác động đến các chính sách của châu Âu.

Ở Maastricht, nơi EU và đồng euro ra đời, nơi có vẻ như tất cả vẫn đang vui tươi và hạnh phúc nhất, những đám mây u ám đang bay qua. Ở đại học Maastricht, nơi mà nghiên cứu châu Âu là một thế mạnh, đã có rất nhiều những buổi thảo luận về tương lai của châu Âu, nhằm tìm ra câu trả lời về việc liệu châu Âu đang đi về đâu.

Maastricht của bóng đá

Nhưng ở Maastricht, có một thứ không quá u ám. Ở đó, màu da cam của đội tuyển Hà Lan xuất hiện ở khắp nơi, trên các cửa sổ, trong các quán bia ngon tuyệt vời, những nhà hàng đông nghẹt khách dù đó là một ngày giữa tuần, trong các cửa hàng bán đồ lưu niệm và cả trong toilet, và xuất hiện một cách hoành tráng trong quán bia của Julie.

EURO trên từng cây số: Ở trái tim châu Âu, nơi ra đời đồng euro - Ảnh 3.

Vị trí của Maastricht ở ngã ba biên giới Đức-Hà Lan-Bỉ là lí tưởng về địa lý để thành phố được gọi là “trái tim châu Âu”

Đó là những lá cờ da cam treo kín những bức tường, những dây cờ màu da cam chạy vắt ngang trên đầu, những người khách già vừa ngồi đọc báo vừa bàn tán về bóng đá. Tivi của quán đang bật. Một chương trình bình luận đang nói về EURO. Marco Van Basten, thần tượng lớn của tôi đang nói gì đó tôi không hiểu. Thế rồi trên màn hình là Cody Gakpo và những bàn thắng của anh ở EURO. À, người ta đang nói về cầu thủ của Liverpool, giờ được coi là niềm hy vọng lớn lao của đội bóng áo cam ở giải này.

Quán nhỏ nằm sát bên sông Meuse và chỉ bán bia, từ đó có thể nhìn sang bên kia sông. Julie, sau khi bắt tôi chờ một lúc vì nói ở quán chỉ có mình cô phục vụ khách, đã nở một nụ cười khá tươi khi tôi hỏi về đội tuyển Hà Lan ở EURO này. "Nói thật lòng là chúng tôi không nghĩ Hà Lan có thể đi xa đến thế", cô nói bằng một giọng Anh rất chuẩn. "Ở Hà Lan, người ta cũng không kì vọng Hà Lan làm được điều này. Nếu chúng tôi vào chung kết, đó sẽ là một niềm hạnh phúc lớn lao. Ở Maastricht này, người ta không coi đó là thắng lợi của riêng Hà Lan, mà còn của cả châu Âu, vì đây là nơi châu Âu ra đời".

Cô nói như thể là một chính trị gia. Nhưng đúng là ở thành phố tiếp giáp với ba đường biên giới và một dòng sông này, người dân tự hào vì đã sống ở một nơi có một vai trò quan trọng trong lịch sử. Họ vẫn có một đội tuyển để cổ vũ, có một nền văn hoá và ngôn ngữ riêng, nhưng họ cũng có một niềm hạnh phúc là người dân châu Âu.

EURO trên từng cây số: Ở trái tim châu Âu, nơi ra đời đồng euro - Ảnh 4.

Ảnh đội tuyển Hà Lan vô địch EURO 1988 được in trên một chiếc giày bán ở Maastricht

Tôi đã chứng kiến Julie nói chuyện bằng 4 thứ tiếng khác nhau với những người khách nước ngoài đến đây (Anh, Pháp, Đức, Hà Lan), cứ như thể các đường biên giới không hề tồn tại, đã nghe những người đến quán của cô nói về EURO. Chính cô sẽ sang cổ vũ cho Hà Lan ở Dortmund vào ngày mai. Rất nhiều người Hà Lan khác cũng sẽ lên những con tàu chạy qua ga Herzogenrath và nhiều ga khác để tới sân Signal Iduna Park cho trận đấu. Màu da cam sẽ lại tràn ngập các con đường của Dortmund như đã từng như thế ở Hamburg hay Berlin, nơi Hà Lan đã thi đấu trên đất Đức. Maastricht đưa châu Âu về nhà của họ và đem Hà Lan tới EURO. Ở mảnh đất này, họ mong mỏi một giải đấu sẽ tạo ra sự gắn kết cho một khối các quốc gia đang bị giằng xé bởi rất nhiều vấn đề khác nhau.

Ở một cửa kính cửa hàng ở trung tâm Maastricht, người ta đang bày bán một đôi giày có in ảnh đội hình đội tuyển Hà Lan. Đấy là Hà Lan của mùa Hè 1988, của những bàn thắng lịch sử của Van Basten. Đã 36 năm kể từ ngày ấy, Hà Lan chưa thể vươn tới đỉnh cao. Lần gần nhất họ vào đến bán kết cách đây đã 20 năm. Ở Maastricht, bên cạnh ước mơ về một châu Âu toàn vẹn và vẫn duy trì đồng euro, còn có ước mơ cháy bỏng mang tên EURO…

Anh Ngọc (từ Maastricht, Hà Lan)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm