03/07/2024 15:06 GMT+7 | EURO 2024
Đó là những cuộc đời ở bên lề của một xã hội đang ngày càng chia rẽ vì có quá nhiều vấn đề trong những năm qua. Trong những ngày EURO trên đất Đức, tôi vẫn lẳng lặng quan sát họ, cố gắng tìm cách nói chuyện với họ - đa phần họ không muốn nói về việc họ đang làm, rồi cuối cùng, một người tên Hans đồng ý nói chuyện với tôi.
Hans chưa đến nỗi quá nhiều tuổi. Anh mới chỉ khoảng hơn 40 tuổi, nhưng hom hem, gầy yếu và kể cả khi ở Đức, người ta nói rằng việc ăn mặc không cần quá điệu như ở Ý, thì trang phục quá đỗi xuề xoà bên ngoài của anh cho thấy anh là ai.
Không chỉ là để tái chế
Anh là người đi nhặt chai lọ tôi gặp sân ga Duisburg vào một buổi sáng sớm, khi tôi chuẩn bị lên tàu cho một hành trình mới. Hans có vẻ như không quan tâm đến bất cứ chuyện gì xảy ra xung quanh mình, trừ việc trong thùng rác đã phân loại trên sân ga có gì.
Chưa có thống kê nào về việc có bao nhiêu người hàng ngày làm công việc này ở Đức, nhưng một người bạn sống ở Đức nói với tôi rằng, không ai đi thu nhặt mấy thứ đó để giải trí cả, họ thường nghèo và thường cần một hoạt động nào đó để cho có việc trong ngày. "Đối tượng" của họ là gì? Mọi vỏ chai rượu đã uống hết, mọi vỏ chai nước khoáng, mọi vỏ chai sữa bằng nhựa vẫn còn nguyên hình nguyên dạng đều có thể tái chế được và đem lại một nguồn lợi nho nhỏ cho những người như Hans. Mỗi chai lọ còn tốt như vậy sẽ đem đến cho người thu nhặt lợi nhuận từ 8 xu euro đến 25 xu euro (xấp xỉ 230 đồng đến 700 đồng Việt Nam).
Tôi gặp họ thường xuyên trên những chuyến tàu ở Đức, thường là tàu chậm, chạy giữa các thành phố trong một bang (RE). Họ đều giống Hans ở việc rất khắc khổ, mắt thường nhìn xuống sàn tàu và tay thì mở các hộp rác để xem có chai lọ trong đó thì lấy ra và cho vào một cái túi hoặc một bao tải mang theo người. Đôi khi, họ đứng chầu chực một hành khách đang uống sắp hết một chai nước và hỏi xin luôn. Thỉnh thoảng, họ cũng lên tiếng hỏi mọi người là có ai có chai lọ nào không. Những người soát vé tàu RE - thỉnh thoảng lắm mới thấy xuất hiện, không hỏi vé những người thu nhặt chai lọ bao giờ. Họ biết rõ là những người này phải khó khăn lắm mới đi làm "đồng nát" như thế, và có khi thu nhập mỗi ngày của những người đó cũng chẳng đủ để đi một chuyến tàu.
Kể từ năm 2003, khi Đức áp dụng việc hoàn một khoản tiền rất nhỏ cho bất cứ ai tham gia chương trình tái chế đầy tham vọng nhằm tái chế các loại vỏ sản phẩm bằng nhựa như các loại chai, lọ, cốc, số người thu nhặt phế liệu kiểu này xuất hiện ở bất cứ đâu trên đất Đức. Việc của họ có vẻ đơn giản: Đem chai nhựa của mình hoặc nhặt được đến các điểm thu nhận đồ tái chế theo quy định, với các loại máy tự động đặt ở siêu thị hoặc các cửa hàng, rồi nhận tiền xu từ đó. Đó xem chừng là một công việc nhẹ nhàng. Bạn chỉ cần lục lọi các thùng rác trên đường phố, trong trung tâm thương mại, trên các sân ga, thậm chí thùng rác trong các toa tàu là có được thứ bạn cần. Nhưng chuyện không đơn giản như vậy. "Ban đầu, bạn phải vượt qua được nỗi xấu hổ, bạn không muốn người quen nhận ra", Hans nói và bất giác toét miệng cười. "Nhưng sau đó thì bạn mặc kệ. Rác có thể bốc mùi, nhưng tiền luôn thơm".
Một thống kê năm 2019 cho thấy, ở Đức, có 720 triệu chai lọ các loại có giá trị cao nhất để hoàn tiền 25 xu mỗi chai được đem đến các máy thu nhận đồ tái chế. Nhưng thu nhập của mỗi người thu nhặt mỗi ngày là bao nhiêu? "Cũng tuỳ", Hans nói. "Có ngày 10 euro, có ngày chỉ 5 euro, cũng có ngày 20 euro" (1 euro tương đương với 27.300 đồng Việt Nam). Đó là khi anh "đi làm" cả ngày từ 6 đến 7 tiếng, 7 ngày trong tuần, nhưng đó là những ngày thời tiết tốt. Những hôm mưa lạnh hoặc ốm đau, anh ở nhà. Khoản tiền ấy cộng thêm vào thu nhập ít ỏi từ trợ cấp xã hội cho người thất nghiệp mà Hans nhận hàng tháng để giúp họ sống qua ngày. Hans nói thêm, việc này chỉ là tạm thời, anh cần tìm việc khác cho anh nhiều tiền hơn.
Nước Đức giàu, nhưng nhiều người đang nghèo đi
Thu nhập của những người nhặt chai lọ tái chế để lấy tiền này có lẽ đang giảm đi, đơn giản là vì số người tham gia "thị trường" đang tăng lên. Những biến động trong xã hội, lạm phát tăng và kinh tế chông chênh đã đẩy càng nhiều người Đức vào tình trạng khó khăn. Những người Đức mất việc làm có thể yêu cầu được hưởng 60% mức lương cơ bản, với điều kiện là họ đã đóng bảo hiểm xã hội trong ít nhất 12 tháng. Khoản thu nhập ấy thực ra không nhiều, chỉ đủ chi trả các món cơ bản ít ỏi và buộc họ phải tiếp tục tìm kiếm việc làm, chấp nhận làm những việc vất vả những đem lại nguồn lợi không nhiều như đi nhặt đồng nát.
Năm ngoái, trong báo cáo công bố tháng 3/2023, Cơ quan thống kê liên bang Đức cho biết, vào năm 2022, có tới 14,7 triệu người Đức, tương đương với 16,7% dân số Đức đứng bên bờ vực của đói nghèo. Họ nằm trong một con số lớn hơn bao gồm cả những người có nguy cơ bị đẩy ra khỏi xã hội. Con số này cao hơn nhiều những năm trước đó. Thống kê cũng cho thấy, Gelsenkirchen, nơi tổ chức vài trận đấu của EURO cũng là nơi nghèo nhất đất nước, với thu nhập trung bình của người dân chỉ 16.203 euro/người, thấp hơn mức trung bình của cả nước Đức gần 3 lần (48.250 euro/người).
Không khó để chỉ ra được tại sao đảng cực hữu chống người nhập cư AfD đang ngày càng giành được nhiều phiếu bầu đến thế, đặc biệt các bang ở Đông Đức nghèo hơn phía Tây cũng như từ các cử tri trẻ, những người bị tác động rất nhiều bởi thị trường lao động bấp bênh, tỉ lệ thất nghiệp tăng và bắt đầu biểu thị bất mãn của mình đối với các đảng cầm quyền. Mùi dùi của AfD chĩa vào chính sách chào đón người nhập cư của các chính phủ trung tả, cho rằng đó là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng. Nhưng việc dân số già nhanh đang đè nặng lên hệ thống phúc lợi xã hội, tạo ra một gánh nặng lên tài chính vì quỹ lương hưu phình to ra hơn nữa, càng buộc chính phủ phải thúc đẩy nhập cư nhằm bù đắp cho việc thiếu hụt lao động. Việc cho phép càng nhiều người nhập cư vào Đức lại càng tạo cho AfD có cơ hội tác động lên nền chính trị, trong một vòng luẩn quẩn của xã hội.
EURO 2024 đang diễn ra trong bối cảnh ấy. Có những bàn thắng trên sân cỏ, những trận đấu để đời, có những người hùng và tội đồ đã xuất hiện và sẽ còn nhiều cái tên nữa được nhắc đến từ nay cho đến hết giải. Đội tuyển Đức đang chiến thắng và đã vào đến tứ kết. Những lá cờ Đức đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các cửa sổ, các ban công hay kính xe ô tô. Nhưng cuộc vui rồi cũng sẽ tàn, những vấn đề của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ còn ám ảnh họ trong năm nay.
Và như thế, những người như Hans sẽ vẫn chưa thể rời thùng rác và các máy thu nhận phế thải trả lại cho họ những đồng xu ít ỏi, vừa để sống, vừa để không bị gạt ra bên lề.
Anh Ngọc (từ Duisburg, Đức)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất