12/07/2024 14:00 GMT+7 | EURO 2024
Nhiều người Đức nói với tôi rằng, với thời đại của mạng xã hội và các trang như Instagram, trào lưu khoả thân ở nơi công cộng của người Đức sẽ dần đi vào dĩ vãng. Chẳng ai muốn hình ảnh không mặc gì của mình được chia sẻ trên mạng. Nhưng trên thực tế, trào lưu tự do phơi bày cơ thể này chưa từng thoái trào.
Trong cái nóng 33 độ ngoài trời một ngày tháng tháng Bảy ở Munich, có 2 điều bạn nên làm để cảm thấy cuộc đời này tuyệt vời nhất: Làm một cốc bia Đức tuyệt ngon và đến công viên Anh ở rìa trung tâm Munich, cởi hết quần áo ra và tắm nắng. Không, tôi không nói câu đó, hoặc chỉ nói vế đầu tiên thôi. Người nói câu ấy là một người phục vụ bàn ở quán bia nổi tiếng Augustiner Brau ngay gần quảng trường Marienplatz. Anh nói đúng về vế đầu. Hẳn rồi, bia Augustiner quá tuyệt. Thế còn chuyện kia?
Đó là khu vực tắm "tự nhiên" thuộc đăng kí của Hiệp hội tự do văn hoá cơ thể của Đức (DFK), một tổ chức đại diện cho những người thích khoả thân của Đức. Xa hơn nữa, trong những nơi tập trung đông người ở đây, là giới trẻ Munich, trong những bộ bikini của nữ và quần short của nam, họ nằm dài trên bãi cỏ nói chuyện hoặc uống bia, chơi bóng chuyền, hoặc để mình bị cuốn đi trong những dòng kênh mát rượi của công viên.
Vào mùa Hè, trong các công viên ở Đức, như ở công viên Anh này, đừng sốc nếu bạn thấy những người đàn ông Đức trung niên chỉ đội mỗi một chiếc mũ rộng vành và tay cầm Bild Zeitung, tờ báo lá cải được yêu thích nhất ở Đức. Thế nên, hãy quên bia và xúc xích đi, cuộc sống tươi đẹp kiểu Đức là không mặc gì giữa thiên nhiên. Johannes, ông bác sĩ tôi tình cờ quen trên một chuyến tàu từ Dresden đi Leipzig từng cười phá lên khi tôi hỏi về chuyện này, và rồi ông thừa nhận chính bản thân ông cũng thích như thế và hiện vẫn như thế. "Cơ thể con người là đẹp nhất trong tất cả các thứ tạo hoá cho vũ trụ", ông nói như một triết gia. "Cởi hết là tự do, là bình đẳng, ai cũng như ai, và ở nước Đức này, việc không mặc gì là rất bình thường ở trong các nhà tắm hơi, các bể bơi, trên bãi biển, trong các spa, thậm chí công viên".
Freikorperkultur (viết tắt là FKK, văn hoá tự do cơ thể) chính là một thứ văn hoá rất Đức. FKK có từ cuối thế kỷ 19, khi Đức đang là một đế chế hùng mạnh, từ trào lưu "Lebensreform" (Cải cách cuộc sống). Lúc ấy, nhiều người rời bỏ các thành phố ô nhiễm để đến nông thôn sống một cuộc sống khoẻ mạnh hơn, gần thiên nhiên. Tắm nắng cũng được coi là một cách hiệu quả để chống lại bệnh lao và viêm khớp. Năm 1920, trong khi cả thế giới vừa thoát khỏi dịch cúm Tây Ban Nha, còn châu Âu thì vẫn cho rằng việc để hở phía trên bàn chân thôi đã là một dạng scandal thì Đức đã có bãi tắm khoả thân đầu tiên trên đảo Sylt ở miền Bắc Đức. Vài năm sau, trường học khoả thân Berlin, được thành lập để khuyến khích việc có các hoạt động thể chất ngoài trời cho cả 2 phái nam và nữ, đã tổ chức cuộc thi quốc tế đầu tiên cho những người khoả thân.
Thời kỳ Quốc xã, các hoạt động thế này bị hạn chế hơn. Chế độ phát xít cho rằng, làm vậy chỉ khiến đạo đức suy đồi. Thế nhưng, trong những hoạt động kín đáo của lực lượng SS, việc này vẫn được duy trì mà không cấm đoán gì. Sau đó, luật lệ được nới lỏng. Thế chiến II và sau đó là Chiến tranh Lạnh, với Bức tường sắt chia đôi Đông-Tây không hề làm giảm đi sự thích thú của người Đức với việc không mặc gì giữa thiên nhiên. Nước Đức có thể bị chia cắt, nhưng thú vui đó thì không ai bỏ được. Có những giai thoại về việc lính biên phòng Đông Đức dùng ống nhòm để tò mò ngắm những người tắm biển khoả thân của Tây Đức. Lại có những chuyện không hề là tiếu lâm về việc cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng "thực hành" tắm khoả thân khi bà còn trẻ và sống ở Đông Đức.
Sự tự do thể hiện cơ thể ấy đã lên cả điện ảnh Đông Đức, xuất hiện trước cả phim của Hollywood. Thế rồi phong trào tắm khoả thân được "xuất khẩu" đi các nơi, như ở Pháp trong những năm 1950. Khi khu nghỉ dưỡng cho giới "yêu thiên nhiên" được mở ở Cap d'Agde, Pháp, những năm 1960, du khách Đức chiếm số lượng áp đảo. Bây giờ, sang thế kỷ 21, người Đức vẫn chiếm số đông trong những người đi tắm khoả thân ở các bãi biển châu Âu. Đương nhiên, không phải cứ cởi quần áo rồi đi ngoài đường, nơi đa phần mặc quần áo, là được chấp nhận. Vẫn có những giới hạn và các quy định về phạt tiền. Nhà chức trách sẽ phạt người vi phạm nếu như có công dân nào đó phản đối. Nhưng vấn đề là chẳng mấy người có ý kiến.
Sau đại dịch Covid, số câu lạc bộ người khoả thân tăng mạnh. Theo DFK, số câu lạc bộ như thế đã tăng từ 30 nghìn 5 năm trước lên con số hiện tại 34 nghìn, cho thấy ngày càng nhiều người tìm kiếm các giải pháp sống gần với thiên nhiên hơn.
Đức là quốc gia có nhiều người có tình yêu sâu đậm nhất với việc không mặc quần áo. Có hơn 600 nghìn người có đăng ký trong các câu lạc bộ, với những hoạt động không chỉ giới hạn trong việc tắm biển hoặc tắm hồ không mặc gì, mà còn cả các hoạt động thể thao ngoài thiên nhiên như chạy hoặc trekking trong rừng, qua các cánh đồng mà không hề có quần áo, chỉ đeo balo và đi giày thể thao. DFK có một danh sách các khu vực được phép không mặc quần áo, với các bãi biển, các hồ và cả trong các công viên công cộng. Munich có hai khu lớn của DFK ở công viên Anh và bên bờ sông Eisbach. Ở Berlin, họ có Tiergarten, Mauerpark ở Prenzlauer Berg và Volkspark Friedrichshain. Đáng chú ý, tại các bãi tắm công cộng ở các hồ Wannsee và Mueggelsee, việc không mặc gì không bị cấm.
Vậy làm thế nào để không mặc gì ở Đức? Một người bạn Đức bảo tôi rằng, hầu hết các khu vực này đều là các khu công cộng, nơi người có mặc và không mặc có khi nằm ngồi cạnh nhau, nên bạn cứ thoải mái cởi đồ ở đó, miễn là bạn không ngượng, cũng chẳng có phòng thay đồ đâu, cứ cởi thôi. Còn ở các bãi biển, sẽ có các biển báo. Nếu có báo hiệu liên quan đến cởi đồ thì đi qua biển đó có thể không cần mặc gì rồi, thậm chí nếu đi qua đó vẫn mặc đồ là bị nhân viên nhắc nhở cởi ngay. Còn nếu vẫn ngượng? Chuyện nhỏ, nhiều câu lạc bộ của DFK có chương trình "thử khoả thân" cho các thành viên mới.
Cởi cũng là cách để phản kháng xã hội và lối sống công nghiệp và để san bằng các cách biệt giàu nghèo cũng như giai cấp. Tờ New York Times từng có một bài viết rất thú vị về Michael Adamski, một sĩ quan cảnh sát điều tra tội phạm hình sự ở Berlin, người đã từng sốc khi chứng kiến mẹ vợ anh một lần không mặc gì trong vườn nhà. Nhưng khi chính anh cởi hết quần áo để… đánh bóng bàn với sếp của mình trong một lần bị ông này rủ rê, anh không còn cảm thấy "ghê ghê" nữa. "Khi bạn chơi bóng bàn với ai đó mà không ai mặc gì, bạn không cần gọi ông ấy là đại tá như quân hàm nữa", Adamski nói với New York Times. "Khoả thân là một cách bình đẳng tuyệt vời". Nghe nói, sau đó, Adamski đã tham gia một cuộc thi ba môn phối hợp mà chặng bơi và chạy thì vận động viên không được mặc gì!
Adamski nói tiếp: "Khi bạn quen với việc mọi người quanh bạn không mặc gì, bạn cũng chẳng còn quan tâm đến vị trí xã hội của họ nữa. Bạn cũng không cần quan tâm xem đồ họ mặc, giày họ đi đắt hay rẻ". Chuyện kể rằng một hôm, ở trung tâm thành phố, Adamski bất ngờ gặp một đồng nghiệp trong sở cảnh sát với anh. Nhưng người đó không nhận ra anh, chỉ vì anh "đang mặc quần áo"!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất