Tuyển Italy: Conte, chúng tôi muốn có cơ hội để xin lỗi!

02/07/2016 16:09 GMT+7 | Tranh cãi

(Thethaovanhoa.vn) - Với nhiều tifosi, có thể họ đang rất khát khao được nói lời xin lỗi với Conte, HLV của tuyển Italy, người đã từng bị họ chỉ trích.

Có một cảm giác rất lạ khi xem Italy thi đấu ở EURO 2016. Sự khắc khoải chờ đợi chiến thắng và khát khao chinh phục luôn tồn tại. Đi cùng với những cảm xúc ấy là nỗi lo lắng đến thắt tim những khi đội bóng bị bao vây trong các đợt tấn công của đối thủ. Nhưng khi những bàn thắng được ghi, những chiến thắng được nhét sâu vào trong túi và tiếng còi cuối cùng của trọng tài cất lên, luôn là một niềm vui bất tận, dù là thắng Bỉ, Thụy Điển hay Tây Ban Nha.

Tất cả là vì các tifosi đã luôn sống trong một tâm trạng hoài nghi. Hoài nghi năng lực của Conte, người bị nhiều người ghét bỏ và thậm chí đã từng có những chỉ trích độc địa trên báo chí. Hoài nghi khả năng của một đội bóng thiếu vắng ngôi sao, trống vắng vì đẳng cấp và lủng củng về nhân sự. Thế nhưng đời luôn là vậy, khi người ta tự đánh giá thấp một điều gì đó, một ai đó và không đặt ra những mục tiêu thật cao, thì những gì đạt được luôn khiến họ sung sướng hơn bình thường. Với đội Thiên Thanh cũng thế, vì chính đội bóng ấy đã khiến các tifosi phải như thế. Đừng kì vọng họ, thậm chí ghét bỏ họ, nghi ngờ họ thì nếu thất bại cũng sẽ bớt đau, còn khi thắng lợi thì như ta đang lên thiên đường. Cái tâm thế ấy đã đeo đẳng người Ý từ nhiều năm qua, từ trước cả World Cup vinh quang 2006 và giờ khiến họ trở nên cân bằng hơn trong tình cảm, thua sẽ không quá đau đớn và cay đắng, và thắng thì cũng chẳng lên mây mãi. Họ sống từng ngày, trân trọng từng ngày. “Carpe Diem”, hãy hưởng thụ ngày hôm nay. Người La Mã, tổ tiên của họ, đã nói thế.


HLV Antonio Conte đã đưa đội tuyển Italy vào Tứ kết EURO 2016

Luôn là thế, khi những người Thiên Thanh đẹp trai nhất, đội hình tốt nhất, thất bại là một điều hiển nhiên và khiến rất nhiều người đau đớn và than khóc. Ngược lại, khi họ trống vắng tài năng, cầu thủ thì xấu trai và thậm chí nhiều người dính scandal nào đó, họ giống như những người lính La Mã xông lên phía trước, khoảng trống của những người ngã xuống được lấp nhanh chóng bởi người còn sống trong đội ngũ, họ lao tới chiến thắng, lấy sự hoài nghi và coi thường, ghét bỏ của dư luận làm động lực thúc đẩy. Việc không có Pirlo là cơ hội để Bonucci nắm vai trò khởi phát tấn công bóng dài khi đội bóng đẩy việc kiến thiết từ hàng tiền vệ xuống... hàng hậu vệ. Việc thiếu vắng một tiền vệ trụ có khả năng cầm bóng siêu hạng lại là điều kiện để De Rossi nắm vai trò trụ cột ở tuyến giữa bằng sự xuất sắc trong việc tranh chấp. Không có một số 10 thực sự làm thủ lĩnh thì số 10 ấy phải nằm trên lưng của một tiền vệ phòng ngự (Thiago Motta). Và khi Serie A tràn ngập các chân sút ngoại thì sẽ có một anh chàng đẹp trai suýt trở thành vũ công nắm vai trò trung phong (Pellè). Còn tiền đạo thực sự thì lại núp bóng một tiền vệ có vóc người thấp nhỏ, một người tên Giaccherini, con rắn độc của các cuộc phản công thần tốc.


Italy của Conte là như thế, không theo một logic thực sự nào cả, ngoại trừ việc lấy bộ tứ vệ của Juve làm nền tảng cho lối chơi

Italy của Conte là như thế, không theo một logic thực sự nào cả, ngoại trừ việc lấy bộ tứ vệ của Juve làm nền tảng cho lối chơi. Bộ tứ ấy vừa đảm nhiệm vai trò giữ lưới, lại vừa khởi phát tấn công và phản công. Đấy là một Italy kì lạ nhất mà tôi đã từng biết và vượt lên trên sự hạn chế về cá nhân cũng như các phương án tấn công là sự kết dính bởi đoàn kết và khiêm tốn. Italy ấy đã chơi như Juventus trong mùa bóng đầu tiên của Conte, mùa 2011-2012, gây pressing liên tục, chạy rất nhiều, lăn xả, tranh chấp không ngừng bởi rất nhiều cơ bắp và tốc độ. Tốc độ và nhịp điệu chơi được đẩy cao đặc biệt trong hiệp 1, khi Ý cố gắng kiếm tìm bàn đánh phủ đầu. Họ luôn tìm cách chiếm đoạt bóng và đoán trước ý đồ của đối thủ, không cho họ triển khai bóng và điều này thì Tây Ban Nha đã quá hiểu, khi nhìn thấy không gian chơi bóng trong phong cách tiki-taka của mình bị cắt bỏ một cách tàn bạo. Đó là chưa kể người Ý, già hơn đối thủ, nhưng luôn chạy nhiều hơn đối phương trung bình từ 7 đến 10 km trong một trận đấu. Họ lao động như những công nhân cần mẫn nhất.

Muôn màu EURO: Chờ nụ hôn từ Antonio Conte!

Muôn màu EURO: Chờ nụ hôn từ Antonio Conte!

Đối với những người Italy, nụ hôn Antonio Conte dành cho bà xã Elizabeth Muscarello có lẽ là khoảnh khắc đẹp nhất của đội bóng màu Thiên thanh tại EURO 2016...


Khi người Tây Ban Nha tìm cách nhảy flamenco, họ nhanh chóng bị nhấn chìm trong điệu rock and roll của Italy. Nhanh, chính xác và đầy áp lực. Nhưng điều đó liệu có được tiếp tục thể hiện trong trận đấu với Đức không? Đối thủ (và kẻ bại trận) thường xuyên trong các cuộc đọ đầu lớn lao với Ý bây giờ đã khác xưa, khác hẳn thời họ bị đánh bại vào năm 2006 và 2012. Đấy là một đội hình trẻ và rất nhiều phương án tấn công khác nhau. Họ cũng khao khát sự tái khẳng định sau một chức vô địch World Cup hai năm trước. Nhưng niềm tin của Italy cũng đã tăng lên sau mỗi trận và giống như đã muốn leo lên Everest, người ta không thể dừng lại giữa chừng, một khi còn muốn leo nữa. Sau khi đã biến các nhà vô địch Châu Âu thành cựu vương, người Ý muốn đánh bại tiếp nhà vô địch thế giới. Chẳng có gì dễ dàng cả và kể cả có chuyện gì không hay trước Đức tại Bordeaux ở tứ kết, thì các tifosi cũng rất mãn nguyện rồi. Họ đã thấy chính họ trong đội Italy bây giờ. Nước Ý khủng hoảng về kinh tế và bất trắc về chính trị cần những con người biết chiến đấu.    

Antonio Conte

Conte đã huấn luyện các CLB Arezzo, Bari, Atalanta, Siena, Juventus và tuyển Italy. Mùa tới, ông sẽ dẫn dắt Chelsea. Ông thất bại thảm hại với Arezzo khi xuống hạng Seri C, nhưng lại đưa Bari và Siena lên hạng.

Conte đã giúp Juve giành ba chức vô địch Seri A, 2 siêu cúp Italy trong ba năm ở CLB này.

Conte từng bị cấm hành nghề 10 tháng, rồi giảm xuống 4 tháng do liên quan tới dàn xếp tỉ số ở Siena. Conte từng vào tới Chung kết EURO 2000 khi khoác áo Thiên thanh

                    Trương Anh Ngọc (từ Pháp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm