Thư EURO: Thăm phố La Tinh "soi" phố cổ Việt

01/07/2016 10:12 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Khu phố La Tinh thuộc Quận 5 thành phố Paris tập trung các cơ sở giáo dục có từ thế kỷ 12. Cái tên phố xuất phát từ ngày xưa việc dạy và học ở đây đều sử dụng tiếng La Tinh. Sau thời gian, khu phố cổ không chỉ quy tụ đông đảo sinh viên trên toàn thế giới mà còn thu hút nhiều khách du lịch, nhờ các công trình nổi tiếng và những con phố cổ đặc trưng của người Pháp.

1. Việc tìm xe đỗ ở gần khu phố La Tinh là cực khó vào ban đêm khi lượng khách đổ đến quá đông, nhất là mùa EURO này. Hoàng hôn đã buông, nhà thờ Đức Bà Paris đóng cửa. Dòng sông Seine huyên náo bởi những chuyến du thuyền ngược xuôi. Chỉ cần băng qua cây cầu, đi tắt vào các con ngõ hẹp như ở Việt Nam, chúng tôi đã lọt thỏm ở trung tâm khu phố cổ La Tinh.

Trên các con phố, dòng người đông như mắc cửi. Ngay từ xa xưa, khu phố La Tinh là nơi tập trung giới sinh viên, giáo sư, văn nghệ sĩ và du khách, nổi tiếng với những sinh hoạt về đêm như nhà hàng, quán cà phê, hộp đêm vũ trường, các rạp chiếu bóng, phòng tranh, tượng nghệ thuật và các cửa hàng sách cũ. Ở phố cổ, có thể mua bất cứ món quà lưu niệm nào bởi sự phong phú của nó.

Người Paris gốc luôn tự hào và ý thức giá trị bản thể của mình. Mua nhà ở phố cổ hay trung tâm Paris là rất khó. Đắt đỏ, dĩ nhiên là thế. Nhưng, người dân nơi đây coi ngôi nhà truyền thống bao đời như một bảo vật thiêng liêng. Khi bị dồn vào tình thế phải bán, họ cũng chọn lựa người mua rất kỹ lưỡng, để trao gởi tình cảm của mình với ngôi nhà.

Chúng tôi để ý đến một nhà hát cổ, thấp le te. Đây là nơi biểu diễn các vở kịch hay, hay trình chiếu những bộ phim kinh điển đặc trưng Pháp. Thường chỉ những người Paris gốc, quý phái hay có trình độ cao đến xem. Nhiều quý ông, quý bà đang loay hoay mua vé.

Bạn có thể bỏ ít tiền để họa sỹ ký họa một bức chân dung làm kỷ niệm. Hay sang bên kia đường, vào một nhà sách gần như là lâu đời nhất ở Paris có tên là Gibert Jeune để mua những cuốn sách quý cho mình….

Một nhà hát cổ rất “chất Pháp” ở phố La Tinh

2. Một không khí vừa lãng mạn vừa nhộn nhịp khiến mọi người nhanh chóng bị cuốn vào cuộc vui mà quên đi những phiền muộn. Và tất nhiên, âm nhạc không thể thiếu. Chỉ cần một bộ loa nhỏ, các bạn trẻ có thể biến không gian thành một đại tiệc âm nhạc và nhảy múa. Một nhóm bạn trẻ đang nhảy múa cuồng nhiệt.

Xa xa, mấy nghệ sỹ lớn tuổi đang chơi những giai điệu âm nhạc bác học trên vỉa hè một quán bar. Mọi người, từ già đến trẻ đều cùng nhún nhảy.

Không có chèo kéo. Vỉa hè thông thoáng. Chủ các nhà hàng vô cùng thân thiện. Còn du khách, chúng tôi được rất nhiều bạn trẻ vít vai, bá cổ bắt chuyện. Thật tuyệt vời khi vừa đang ồn ào, bất chợt lại lọt vào một vài con ngõ êm đềm. Nơi đó, có những con đường lát đá nhấp nhô cả nghìn năm như dội vào tâm trí tiếng vó ngựa khua thuở trước.

“Tôi cùng vợ đến từ Mexco. Đã 40 năm tôi mới trở lại nơi này. Có nhiều thay đổi nhưng con người ở đây vẫn luôn như thế. Họ đều hạnh phúc nở nụ cười với chúng tôi”. Ông Monterrey On, cho biết.

Bất cứ khu phố nào không tự nhiên mà cổ kính và mê hoặc du khách. Chúng ta cũng đã có nhiều phố cổ nhưng chưa phát huy được tiềm năng. Khi đến nơi đây, chúng tôi nhận ra một điều: Ngoài cảnh sắc thì sức hút từ yếu tố con người mới là quyết định. Cho nên, những người làm du lịch ở phố cổ Việt Nam cần xây dựng phong thái gần gũi, mến khách cũng như ứng xử văn minh hơn.

Bền chí ngay từ điểm xuất phát

Anh bạn tôi chỉ một cái quán cà phê có tên Le départ bồi hồi: Le départ có nghĩa là điểm xuất phát, điểm khởi đầu. Gần hai mươi năm trước, tôi tỏ tình với bà xã tại quán này, ở thời mới sang du học tài sản là 500 USD, đói rã rời, chỉ đếm ngày trở về.

Bạn giờ đây đã là một người thành đạt, có uy tín trong cộng đồng người Việt ở Paris, dù xuất phát điểm lúc mới sang là khá thấp. Trưa nay có mẹ vợ, cùng hai người bà con mới sang, anh mời chúng tôi đến dùng cơm. Bữa ăn đặc trưng Hà Nội, có bún đậu mắm tôm, rau thơm đủ loại, canh cà chua nấu sấu, thịt giò xắt mỏng. Ngôi nhà đầy ắp tiếng cười. Hai đứa con tuy nhỏ nhưng lễ phép mời mọi người ăn cơm. Chị vợ hiền dịu kể rằng cái ông này nhìn “hâm hâm”, thô ráp thế chứ dịu dàng, đảm đang và nghị lực lắm. Nhìn cơ ngơi, chúng tôi hiểu nghị lực của bạn, chia sẻ lời thề “phi nghiệp dĩ bất hồi cố hương” của anh, trên đường từ sân bay qua Khải Hoàn môn để vào Paris gần 20 mươi năm trước.

Quán cà phê Le départ vẫn tên cũ, giờ này thành công anh đã có thể ngẩng cao đầu mỗi lần về Hà Nội. Rất nhiều người con Việt từng học ngôi trường danh giá Sorbonn, được thành lập từ năm 1257 này. Biết bao bạn trẻ hẳn mơ ước được là thành viên của khu La Tinh, nơi ngoài Sorbonne, còn có sự hiện diện của Đại học Paris I cho tới Paris VIII, cùng những trường lớn như Sư phạm, Trường Mỏ, trụ sở cũ Trường Bách khoa, trung học Henri IV…

Chúng tôi cũng ghé qua Điện Panthéon, nơi chôn cất và tôn vinh nhiều người con xuất sắc nhất nước Pháp. Đến để nghiêng mình trước lòng tôn kính sâu sắc của người Pháp đối với các nhân tài đất nước họ.


Hữu Quý- Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm