Thư EURO: Paris, mưa & cà phê

03/07/2016 09:33 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua, trời Paris đổ mưa tầm tã. Mưa ở đâu cũng giống nhau cả, với những người nào đi xa thì càng man mác nhớ thương, và cũng có phần cả nghĩ… Chúng tôi nảy ra ý định đi uống cà phê Paris chiều mưa.

1. Năm nay ai cũng bảo Paris mưa nhiều. Những cơn mưa cũng đến bất chợt, nước trút ầm ào. Paris từng chìm trong biển nước trước khi EURO diễn ra. Chúng tôi ngồi trên xe vào Paris. Qua cửa kính, mưa nhòa ướt đến nao lòng. Trời mưa càng thấy kinh đô ánh sáng cổ kính, trầm mặc. Người dân Paris rất tiết kiệm điện? Có khi trời đã tối, chủ yếu các tầng thấp điện phải sáng để phục vụ việc kinh doanh. Còn các tầng trên ánh điện chỉ le lói. Thành ra, Paris càng bí ẩn. Đấy là điều rất lạ kỳ mà chúng tôi chưa thể lý giải nổi vì sao lại có những khoảng tối ở các tòa nhà như lâu đài?

Chiều muộn. Mưa vẫn như trút. Nhiều người hối hả về nhà. Thi thoảng, lại bắt gặp một số người trú mưa nơi trạm xe buýt, hay trước hiên một cửa hiệu. Tất nhiên, không hiếm bắt gặp hình ảnh những người nhập cư đang co ro bên một vỉa hè. Xe dừng ở một ngã tư đèn đỏ, một cảm giác chua xót trào dâng trong lòng chúng tôi khi chứng kiến một người đàn ông đang co ro nằm trước một mái hiên. Anh ta đắp trên người chiếc chăn mỏng, mắt nhắm nghiền, còn tay thò ra cầm cái ô để che.

Hai người bạn đã chờ sẵn ở một quán cà phê trên đường. Chúng tôi ngồi bên nhau nhìn ra phố, bên ly cà phê nóng hổi bốc khói nghi ngút, và tán chuyện trên trời dưới đất. Chuyện cũng chủ yếu xoanh quanh nỗi niềm lập nghiệp ở Paris không hề đơn giản.

Pháp sắp đá Tứ kết, người dân Paris vẫn bàng quan. Phố xá tịnh như không có nhiều chứng tích của bóng đá.

Paris về đêm, ngoài một số tụ điểm thương mại sầm uất, khu vui chơi giải trí, vẫn còn đó rất nhiều không gian yên tĩnh. Như khu phố này, nhìn ra đường khá cô quạnh, cứ như thể chúng tôi đang ngồi ở góc phố nào của Việt Nam.

Quán cà phê ở Paris khá nhiều. Có thể chia ra 3 hạng: Quý tộc, hạng trung và bình dân. Nếu là quán quý tộc thì chỉ cần nhìn những vật dụng của quán, cùng các quý khách sang trọng nói với nhau khe khẽ như gió thoảng, là biết ngay. Quán hạng trung thì đầy ở các phố. Ở các metro có dịch vụ bán cà phê tự động. Bất cứ người nghèo nào cũng có thể mua cho mình một ly cà phê.

Một người vô gia cư nằm co ro bên vỉa hè, ngoài trời mưa tầm tã

2. Cà phê gắn liền với văn hóa Pháp, từ thời khai sáng, có ý nghĩa thiêng liêng và thanh quý với mọi người. Thế nên, khi nước Pháp xảy ra sự kiện khủng bố ngày 13/11/2015, trong các phát biểu, tổng thống Pháp - Francois Hollande nói một ý đại loại: “bọn khủng bổ nỡ bắn cả vào những người đang uống cà phê”.

Nhìn cách uống cà phê của người Pháp đủ hiểu những triết lý lắng sâu của nền văn minh nước này. Không hiểu ngày xưa các nhà hùng biện, triết gia có tranh cãi nhau ầm ào để mở lối cho các học thuyết, nhưng chúng tôi quan sát thấy khách thời nay chẳng mấy ồn ào. Thậm chí trầm ngâm, trao đổi rất khẽ. Người Pháp coi quán cà phê là truyền thống sâu sắc, là không gian để hướng nội hơn là hướng ngoại, hay để đốt thời gian.

Lại nhớ cà phê bên nhà, giờ này chắc bao nhiêu người ra phố. Thanh niên thì tán chuyện bốc trời. Có lẽ không đâu người dân dành thời gian uống cà phê giải khuây nhiều như dân nhà mình.

Về đêm, mưa đã nhẹ hạt, chỉ còn bay bay ngoài phố. Xa xa, những ngọn tháp trầm ngâm mặc tưởng. Giá như lúc này có bản Diễm Xưa của Trịnh, có lẽ phù hợp. Cầm ly cà phê Pháp, không thể nghe sực nức mùi thơm đặc trưng như cà phê Việt, mà thoảng dịu như thơm thân thể thiếu nữ Pháp. Mới uống cà phê Pháp không thấy ngon, thậm chí nhạt nhẽo khi ăn với bánh ngọt. Nhưng, càng ở lâu mới thấy hết dư ba sâu xa của nó. Đơn giản bởi cà phê nguyên chất, không phụ gia, nếu cần bạn có thể cho thêm đường, sữa tùy sở thích.

Cho nên cà phê Pháp rất nhẹ “đô”, nhiều người uống bằng bát mà chẳng hề gì. Trong thế kỷ 19, công nhân Pháp uống cà phê để chống lại cơn đói và lạnh. Chúng tôi nhớ đã đọc một trang trong tiểu thuyết Germinal của Emile Zola tả rằng, đối với những người thợ mỏ tại miền Bắc nước Pháp khi đó thì vai trò của cà phê không thua kém gì so với bánh mỳ. Pierre Jakez-Helias trong cuốn The Horse of pride cũng viết: “những phụ nữ Breton có thể mua cà phê bằng mọi giá, cả làng sẽ thơm nức mùi cà phê và ai nấy đều dễ thở hơn”. Cả làng thơm nức mùi cà phê, thật tuyệt vời, chúng tôi đã chứng kiến hương vị đó hôm đến thăm làng cổ Provins.

Và cũng phần nào giải đáp thắc mắc khi nghe giai thoại đại văn hào Balzac, mỗi ngày khoảng 50 tách cà phê mà không “say chết đi được”! Balzac là người sành điệu về cà phê, ông dành thời gian cả ngày trời để tìm mua cho đúng những loại hạt ưa thích. Chúng tôi tự hứa lòng mình, sẽ quyết tìm đến cái quán mà ngày xưa cụ Balzac thường uống cà phê, ghi nợ và phóng bút trên bức tường.

Mưa vẫn chưa ngừng rơi. Thật thú vị khi ngồi ở Paris trong màn mưa giăng mà lắng lòng với ly cà phê Pháp.

Hữu Quý- Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm