Thư EURO: Chuyện đi lại ở Paris

30/06/2016 06:22 GMT+7 | Ký sự Euro

(Thethaovanhoa.vn) - Gần một tháng đưa tin EURO ở Paris, chúng tôi đã trải nghiệm dường như tất cả các phương tiện giao thông công cộng của “kinh đô ánh sáng”. Dẫu rằng thấu hiểu Paris có khi cả đời người, nhưng điểm xuyến một vài cảm nhận để bạn đọc hình dung, cũng có thể.

1. Mỗi lúc có trận đấu diễn ra trên sân Stade de France, dù quãng đường tầm 25 km, nhưng chúng tôi phải đi từ rất sớm. Tắc đường ở Paris thường rơi vào các vùng vành đai, cao tốc, xe nối đuôi nhau hàng dài. Dù thế, tắc ở đây được hiểu theo nghĩa do quá đông xe cộ nên lưu thông chậm, chứ không phải giẫm chân tại chỗ, phải nhích từng mét một, như bên nhà mình. Bình thường đi ô tô sẽ mất hơn một tiếng, nhưng tắc đường thì phải vài tiếng mới tới nơi.

Nhưng cũng từ khu vực chúng tôi ở, đi tàu RER B (tàu nhanh vùng Ile de France), chỉ mất tầm 40 phút, sẽ đến SVĐ Stade de France. Quẹt thẻ mua vé, sau đó đút vé vào máy tự động kiểm tra là bạn có thể đi bất cứ nơi đâu, chẳng bị làm phiền bởi nhân viên kiểm soát soi xét.

Hệ thống tàu điện ngầm (metro) là biểu tượng của cuộc sống Paris. Vì vậy, người Pháp đã có thói quen dùng tàu điện ngầm từ khi mới sinh cho đến khi lớn tuổi. Có tuổi đời tới trên 100 năm, chúng tôi thấy hệ thống metro ở Paris dù hiện đại nhưng không hẳn sạch sẽ như tại một số nước mới đưa metro vào hoạt động.

Ngồi metro ở Paris, mới thấy bức tranh đa sắc màu tương phản. Dưới những tấm bảng quảng cáo hoành tráng, sang trọng, có thể là một nhóm người vô gia cư nhếch nhác đang trưng bảng xin tiền. Tiếng ầm ào của tàu đến, tàu đi, đan xen với giai điệu ngọt ngào của những nghệ sỹ đường phố. Những gương mặt tiều tụy vì mất ngủ và lao động mệt nhọc, bên cạnh các tiểu thư, đại gia bảnh bao. Và, tất nhiên hai tay của bạn cần nắn túi liên tục vì tình trạng móc túi là khá phổ biến trong metro.

Các trạm, nhà ga được đặt những tên khác nhau theo địa danh, nhưng đôi khi cũng còn căn cứ vào mối quan hệ lịch sử hay “thiện cảm” của khu vực đó. Ví như có ga Leningrad, Crimea… Chúng tôi thử dán mắt xem có ga nào mang tên Việt Nam không, mà không thấy!

Chúng tôi cũng từng được mục sở thị trạm metro nổi tiếng, Porte des Lilas – Ciné, đã gây ấn tượng với nhiều khán giả Việt qua một số bộ phim như Le fabuleux destin d'Amélie Poulain (Định mệnh của Amélie Poulain), Une époque formidable (Kỷ nguyên tuyệt vời), Paris, je t'aime (Paris ơi, tôi yêu người). Nhưng, trạm này được thiết kế để quay các bối cảnh phim, thông thường không mở cửa cho hành khách.

Với 14 đường metro được đánh số từ 1 đến 14, có thể nói mạng lưới metro đã phủ khắp nội đô Paris và hàng ngày chuyên chở tới 5 triệu lượt khách. Hệ thống metro đã cùng với mạng lưới tàu RER, xe buýt, tàu điện, ô tô điện, xe đạp, các dịch vụ vận tải đường thủy trên sông Seine… làm thành một trong những hệ thống giao thông công cộng tiện lợi và hiện đại nhất thế giới.

Dù hàng nghìn CĐV Tây Ban Nha đi tàu RER B về Paris sau trận thua Italy nhưng việc di chuyển khách vẫn tốt.

2. Người Paris, bất kể thành phần nào cũng đều thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông công cộng vì sự tiện lợi của nó.

Khỏi phải bàn, mạng lưới giao thông ở Paris kết nối với nhau chặt chẽ, vô cùng tiện lợi để từ bất cứ địa điểm nào, người dân cũng có thể lựa chọn phương tiện phù hợp tư metro-tramway-RER- Bus- Taxi- xe ô tô điện- xe máy- xe đạp hay… “cuốc bộ”. Cho nên, ở ta, việc quy hoạch mạng lưới giao thông khoa học, hợp lý vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Những ngày lang thang Paris, nhiều khi chúng tôi ngẩn ngơ trước hình ảnh những chiếc tàu điện (tramway) màu xanh dọc ngang giữa phố phường không hàng rào chắn. Phải như bên ta, có mà tai nạn thường xuyên.

Ngồi trên những chiếc tàu điện này, nghe âm thanh đặc trưng cảm thấy đây đích thực là một giai điệu rất đẹp cho cuộc sống. Lại nhớ hình ảnh Hà Nội “leng keng tàu điện rộn ràng cửa ô” thuở xưa. Các tramway của Paris ngày nay được đưa vào sử dụng từ năm 1992. Trong quá khứ, thành phố từng có một hệ thống tramway cũ, nhưng kết thúc vào năm 1937. Hiện nay, đa số các nước châu Âu đều sử dụng tàu điện, vậy thì tại sao Việt Nam lại không nghĩ đến. Theo thống kê, số lượng khách du lịch thích đi tàu điện ở Paris đã tăng lên đáng kể.

Tóm lại, chỉ cần có chút tiền và kèm theo tấm bản đồ trong tay, bạn vẫn có thể đi bất cứ nơi đâu ở Paris dù có thể hạn chế ngoại ngữ. Bởi những chỉ dẫn về giao thông công cộng tại đây rất rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu.

Ý thức người dân vẫn là quan trọng nhất

Sau Rennes và Lyon, chính quyền Paris đưa ra hệ thống xe đạp tự do trong thành phố từ ngày 15/07/2007. Mục đích phát triển loại phương tiện này là để giảm thiểu số lượng xe chạy bằng xăng dầu, lượng khí thải hằng năm tại các thành phố lớn.

Riêng tại Paris, 20 nghìn chiếc xe đạp với gần 1.500 điểm đậu xe công cộng đang được đưa vào sử dụng. Gần 400km làn đường được xây dựng và tu sửa cho phù hợp với loại phương tiện giao thông hai bánh này. Một thời chưa xa, xe đạp vẫn là phương tiện giao thông chính của người dân. Hội An cũng khuyến khích cán bộ đến công sở bằng xe đạp. Liệu hiệu ứng này có lan đến các tỉnh, thành khác.

Di chuyển bằng xe ô tô điện cũng khá thú vị. Không phủ nhận xe ô tô điện ở Paris chưa đẹp, nhưng người dân Paris ngày càng có xu hướng sử dụng loại phương tiện thân thiện này. Chính quyền đã dành ưu tiên những chỗ đỗ xe thuận tiện và có cả điểm để nạp điện rìa hè phố.

Tất nhiên, phải kể đến chiếc xe máy thân yêu, dưới góc độ phương tiện giao thông đang phát huy thế mạnh ở một số thời điểm trong ngày. Hôm thấy nhà văn Hiệu Constant phi xe máy đến thăm, hỏi chị giàu thế, sao không đi ô tô cho tiện. Chị bảo ở quãng đường ngắn, giờ cao điểm, đi xe máy tiện lắm. Dân Pháp coi xe ô tô là phương tiện, như bạn chị là sếp bự, lương cứng mỗi tháng 200 nghìn USD, vẫn đi chiếc xe “cùi bắp”.

Paris không phải con đường nào cũng rộng thênh thang, nếu như không nói quá nhiều con phố đường rất hẹp, như Việt Nam vậy. Thế nhưng, chính ý thức tham gia giao thông của người dân tuyệt vời mới là một trong những yếu tố quyết định đến trật tự giao thông thành phố này. Ngay từ nhỏ, trẻ em đã được bố mẹ truyền đạt những bài học về thượng tôn pháp luật. Nhiều trường học duy trì việc mời cảnh sát giao thông đến trò chuyện, phổ biến luật giao thông cho học sinh.

Người dân Paris đã đạt đến tầm văn hóa giao thông quá cao. Chứ dù mạng lưới giao thông có ưu việt đến mấy mà ý thức người dân kém, thì cũng khó phát huy hiệu quả.


Hữu Quý- Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm